Ký ức về Hà Nội ngày tháng ấy

Mãi đến bây giờ, sau mấy chục năm, tôi vẫn không quên trận ném bom năm 1972 của Không quân Mỹ xuống Ga Hàng Cỏ.

Không quân Mỹ mở trận oanh tạc Hà Nội 12 ngày đêm từ 18/12/1972 đến 30/12/1972. Chúng trút hàng vạn tấn bom xuống Hà Nội. Những điểm đánh bom của chúng là Cầu Long Biên, Ga Yên Viên, nhà máy điện Yên Phụ, bệnh viện Bạch Mai và Ga Hàng Cỏ.

d1hn1a-1670856938.jpg
Ga Hàng Cỏ (tức ga Hà Nội) trước khi bị máy bay Mỹ đánh phá cuối năm 1972. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Hồi đó chúng tôi còn nhỏ lắm, trẻ con lít nhít, người lớn đi làm chưa kịp thu xếp cho lũ trẻ đi sơ tán thì trưa ngày 21/12 máy bay Mỹ ập đến ném bom Ga Hàng Cỏ. Hôm đó hai dì cháu được bà ngoại quát tháo bắt ăn cơm sớm để ra hầm ngồi trước. Bà bảo: Mấy hôm nay nó đánh dữ lắm, thôi chúng may ăn cơm sớm rồi ra hầm ngồi kẻo tý nữa chạy không kịp. Linh tính của phụ nữ quả là khó giải thích, đến bây giờ chúng tôi cũng ngạc nhiên vì linh tính của cụ sao đúng vậy chứ. Hai đứa trẻ phụng phịu ăn nháo nhào bát cơm rau, thời chiến mà, rồi dắt nhau ra hầm không quên cầm theo cái ghế gỗ con con.

d2aq2-1670857001.jpg
Chính giữa Ga Hàng Cỏ (tức ga Hà Nội) bị bom Mỹ tàn phá cuối năm 1972. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Còi báo động kéo : Đồng bào chú ý ! Đồng bào chú ý!.... Căn hầm đắp nổi giữa phố Yết Kiêu càng lúc càng lèn chặt như nêm. Có tiếng quát tháo ngoài cửa hầm, tiếng ầm ầm.Rồi có tiếng ai: Bịt tai lại ! Há mồm ra! Chúng tôi làm theo và điếc đặc, thấy tim nghẹn thắt, cảm giác vách hầm rung bần bật. Đấy là lúc Ga bị bỏ bom.

Lâu sau còi báo yên hụ lên. Mọi người túa ra khỏi hầm, khói mù trời. Có tiếng nghẹn ngào của ai hô to: Ga bị trúng bom rồi. Từng đụn khói đen tối om cả bầu trời.

d3a1c3-1670856849.jpg
Chính giữ Ga Hà Nội xây dựng lại. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Không có cảnh hỗn loạn. Người lớn đúng như trời trồng. Mợ tôi đứng giữa phố Yết Kiêu khóc tu tu với mẹ tôi: Chị Ch.ơi! Em làm thế nào bây giờ! Mợ tôi lúc đó còn trẻ lắm, một tay dắt thằng con trai, một tay dắt con bé em gái tôi, chúng khoảng hơn hai tuổi chứ mấy. Mợ lo cho bố mẹ ở ngõ chợ Khâm Thiên không biết có sao không. Quả nhiên mấy hôm sau tai ương ập xuống phố Khâm Thiên.

Hôm đó máy bay Mỹ ném bom Ga Hàng Cỏ và Viện Thiết kế Bộ Giao thông, nhà chúng tôi kẹp ở giữa. Hôm sau trẻ con tức tốc đi sơ tán sang Lạc Đạo, một miền quê cách Hà Nội 25 cây số. Chúng tôi được bà con nông dân, những người không quan hệ họ hàng dây mơ rễ má, cưu mang và giúp đỡ.

Đây là lần đi sơ tán thứ hai trong đời tôi.

Sau đó , đêm 26/12/1972 máy bay B52 Mỹ rải thảm phố Khâm Thiên, xóa sổ một con phố sầm uất đông dân cư của Hà Nội lúc bấy giờ, cướp đi sinh mạng của mấy trăm người dân vô tội trong đó có họ hàng của nhà tôi.

Hòa bình lập lại, trẻ con lại được trở về với ngôi nhà thân yêu. Chúng tôi đứa thì đi mẫu giáo, đứa vào học lớp vỡ lòng. Mỗi đứa đều cảm thấy rắn rỏi , mạnh dạn hơn sau tất cả những gì đã trải qua. Trẻ con phố nhưng có tính tự lập sớm, tự đi học không có người lớn đưa đón, lớp học thiếu thốn đủ thứ, thay đổi điểm học luôn. Sau hòa bình 1973, cuộc sống càng khó khăn hơn nhưng được sống trong hòa bình không có bom đạn là hạnh phúc của mọi người.

Bây giờ mỗi lần có việc đi qua phố Khâm Thiên,tôi lướt qua Khu tưởng niệm giữa phố với bức tượng người mẹ bồng xác đứa con thơ mà không khỏi nghẹn ngào. Bom đánh sập nhà, em bé kẹt trong đống đổ nát, luôn mồm kêu cứu: Mẹ ơi bế con ra với! Khi mẹ và mọi người bới được bé ra, em đã tắt thở.

Cuộc sống đã trở lại với vòng quay của thời gian. Mọi việc dần lãng quên .... riêng tôi vẫn cứ nhớ lại cái ngày xưa ấy mỗi khi cuối năm.

Hà Nội đẹp, lãng mạn với bao cảnh quan ,di tích lịch sử nổi tiếng nhưng cũng anh dũng , quật cường biết bao. Thật tự hào và mến yêu mảnh đất này.

20/12/2021
H.H.Đ
Trái tim người lính

Huỳnh Hồng Điệp

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/ky-uc-ve-ha-noi-ngay-thang-ay-a16831.html