Kỷ niệm 50 năm ra trường (1972 - 2022):   Vượt qua lửa bom đến trường Đại học       

Trân trọng giới thiệu bài viết của Cựu sinh viên lớp Sử khóa 13 (1968 -1972), Đại học Tổng hợp Hà Nội, nay là Đại học khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên phóng viên Đài TNVN Hoàng Thị Minh Lý, nhân  Kỷ niệm 50 năm ra trường (1972 - 2022) nhan đề "  Vượt qua lửa bom đến trường Đại học ". Bài này đăng trên sách "MỘT THỜI ĐỂ NHỚ" (Tập 2) do NXB Thông tấn ấn hành cuối năm 2022.  

Quảng Hòa quê tôi là xã trung tâm của chín xã vùng Nam Quảng Trạch (Quảng Bình). Sau ngày 05 tháng 8 năm 1964, giặc Mĩ mở rộng chiến tranh ra Miền Bắc, nhiều cơ quan của tỉnh, huyện về sơ tán, Quảng Hòa đã trở thành mục tiêu bắn phá của hải lục không quân Hoa Kỳ. Bom từ trên trời dội xuống, pháo từ hạm đội Mĩ ngoài biển dội vào biến quê tôi thành trận địa. Hàng trăm ngôi nhà bị cháy, hàng ngàn người chết và bị thương, có gia đình trong một đêm chết năm mạng người. Từ năm 1965 mọi sinh hoạt của người dân đều diễn ra trong hầm, mỗi gia đình có vài chiếc hầm chữ A nằm sâu dưới lòng đất. Việc đi lại đều  di chuyển dưới giao thông hào. Đường giao thông hào được đào chằng chịt từ nhà ra đồng, ra chợ, đến trường học. Trường học chúng tôi là những căn nhà nằm sâu dưới lòng đất. Mỗi ngày máy bay Mĩ đến dội vài lượt bom bi, bom tấn. Không có con đường  nào là không bị cày xới…Nhưng những người con trên quê hương đất lửa vẫn kiên trì vai khoác súng, bám đồng để sản xuất, bám trường để học.

anh-3-1670896499.jpg
Cựu sinh viên Hoàng Thị Minh Lý (ngoài cung bên trái) lớp Sử khóa 13 (1968 - 1972) Đại học Tổng hợp Hà Nội (cũ), nguyên phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam.

 

Thi tốt nghiệp cấp 3 xong, chúng tôi được bổ sung vào đội dân quân xã. Chỉ tập luyện những thao tác cơ bản về sử dụng súng AK rồi đươc phát súng ra ụ pháo trực chiến. Mỗi ụ súng có một tổ ba người trực chiến, sau bốn tiếng là thay ca. Hết ca trực, chúng tôi lại tham gia sản xuất cùng xã viên Hợp tác xã. Hàng ngày chúng tôi ngồi trên ụ súng giữa trời nắng chang chang chờ may bay Mĩ đến là nhả đạn. Sinh hoạt được hơn một tháng, tôi nhận được giấy báo nhập học trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Hơn năm mươi năm trôi qua tôi vẫn nhớ như in buổi chiều năng gắt ấy. Những tốp máy bay F4 của Mĩ nối đuôi nhau nhào lộn trút bom xuống khu chợ trường và trường cấp một, cách nhà tôi theo đường chim bay khoảng hai trăm mét, ngồi dưới hầm nghe đất rung chuyển. Kẻng báo yên, tôi vừa ra khỏi hầm đã thấy những cột lửa khói bốc cao. Đang định lao đi cứu người thì nghe tiếng gọi của anh Bưu tá, anh cũng vừa từ một căn hầm bên cạnh chui ra. Anh nói  khoan hãy đi, ra nhận Giấy báo nhập học đã. Tôi cầm chiếc phong bì, lướt qua dòng chữ: Người gửi: Trường Đại học Tổng hợp, Người nhận: Hoàng Thị Minh Lý, thôn Trung Hòa, xã Quảng Hòa, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Tôi vui sướng như mê cả người, không còn nhìn thấy lửa bom, chỉ thấy chiếc phong bì tôi đã bao ngày mong đợi, nay đang hiện hữu trong tay tôi. Anh bưu tá vội đi đưa thư và dặn tôi: cả vùng Nam Quảng Trạch lần này có tám giấy gọi, nhớ  hẹn nhau cùng đi cho vui. Tám đứa chúng tôi đã gặp nhau và hẹn sáng sớm ngày 01/8/1968 sẽ lên đường. Tối 30/7/1968 mẹ Hiếu dẫn con gái Nguyễn Thị Bảy sang nhà tôi ngủ lại để sáng mai đi sớm. Bảy học cùng lớp, nhà ở bên Ba Cồn xã Quảng Minh, phải vượt qua một con sông, rồi đi qua làng Minh Lệ, băng qua một cánh đồng mới đến nhà tôi. Hai đứa học với nhau từ  lớp  năm, nhưng lần đầu ngủ cùng hầm, trằn trọc mãi không chợp được mắt. Gà chưa gáy sáng đã nghe tiếng Trần Hữu Đính gọi từ trên miệng hầm. Thì ra nhà Đính cũng chẳng ai ngủ được, nên đi sớm cho đỡ máy bay. Tạm biệt bố mẹ và hai em gái (đứa lên chín tuổi, đứa lên mười một tuổi), Huệ và Lan ôm tôi nước mắt ướt nhòe, mẹ tôi cũng đưa vạt áo lau nước mắt. Bố tôi thơm nhẹ lên trán tôi và dặn “con đi cẩn thận, nhớ tránh đường quốc lộ kẻo trúng bom”…

anh-4-1670896463.jpg
Cựu sinh viên lớp Sử khóa 13 Hoàng Thị Minh Lý (thứ 6 từ trái sang). Ảnh chụp ngày 28/6/2022 tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc. 

 

Qua đò Phù Trịch khi trời còn tối, chưa nhìn rõ mặt người. Bỏ đường quốc lộ 1, chúng tôi băng đồng qua xã Quảng Phương, lên Quảng Trường, Quảng Thạch. Khi qua thôn Lũ Phong xã Quảng Phong, chín thành viên của đoàn đã hội tụ đủ gồm có Nguyên Văn Pứ, Lâm Thị Thanh, Đinh Xuân Hoán, Lê Văn Bính, Trần Hữu Đính và Hoàng Thị Minh Lý ở Xã Quảng Hòa, thêm Đinh Xuân Thùy xã Quảng Sơn, Nguyễn Thị Bảy xã Quảng Minh và Đoàn Thị Quế ở xã Quảng Thuận. Theo hướng Tây Bắc tỉnh Quảng Bình, từ xã Quảng Thạch chúng tôi băng rừng qua huyện Tuyên Hóa lúc trời vừa nhá nhem tối, gặp mấy ngôi nhà lá ven đường chúng tôi dừng chân xin trú nhờ qua đêm. Chủ nhà là một người đàn bà trung niên có ba con nhỏ, hồ hởi đón nhận và cho chúng tôi mượn nồi nấu cơm. Khi đưa chiếc nồi đồng cho chúng tôi, chị nói nhà chỉ có chiếc nồi này là lớn nhất, các em dùng tạm và còn cho chúng tôi  mấy củ sắn để nấu canh ăn cho mát. Nồi cơm vừa chín tới bốc hơi thơm phức, đánh thức chín cái bụng đang đói đến cồn cào. Nồi cơm bé lại có thêm  ba đứa nhóc của chị chủ, vét sạch nồi, mỗi chúng tôi chỉ được lưng chén, đành phải lấy thêm bánh tráng ra nhúng ăn thêm. Có thể nói đây là bữa ăn ngon và vui nhất trong ngày đầu tiên xa nhà, những lá bánh mè xát nhúng mềm cuộn với tôm, cá thu tươi ngon của Bảy, ăn vào ngọt lịm. Cơm nước xong chúng tôi ngủ một giấc ngon lành trong yên bình cho đến gần sáng mới gọi nhau dậy chuẩn bị lên đường. Hỏi chị chủ nhà đường ra Hà Tĩnh, chị cho biết đi đến cuối xã, gặp con suối, lội qua bên kia là huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Nghe nói ngoài đó nhiều bom lắm, máy bay Mĩ đánh phá cả ngày lẫn đêm, các em phải đi cẩn  thận và không đi ra đường 1, cứ men theo các xã miền núi là an toàn. Tạm biệt chị chủ nhà và ba em nhỏ, tạm biệt quê hương Quảng Bình đầy nắng gió và lửa  bom, chúng tôi đến trường Đại học.

Đi hơn một giờ đồng hồ vẫn chưa thấy nắng mặt trời, bởi trên đầu chúng tôi là tán rừng dày che phủ. Tuy huyện Quảng Trạch chúng tôi nằm dưới dãy Hoành Sơn, nhưng chỉ biết qua bài học địa lý của thầy giáo mà chưa một lần đặt chân đến. Hôm nay, lần đầu tiên đặt đôi chân mang dép cao su luồn rừng vượt Hoành Sơn ra Bắc. Hơn mười giờ sáng, một con suối trong xanh hiện ra trước mắt. Đã qua hai ngày cuốc bộ, mồ hôi nhễ nhại, nhìn thấy nước mừng như khi mẹ đi chợ về, chúng tôi đặt ba lô xuống tảng đá rồi nhào xuống vục tay khoát nước lên mặt. Đang vui thì một đàn bò từ  đâu xuất hiện và chúng cũng nhào xuống lòng suối uống lấy uống để như chưa bao giờ thấy nước. Rồi ba anh bộ đội vai khoác súng, gánh theo những tảng thịt bò cũng xuất hiện đột ngột như đàn bò. Qua chuyện trò, chúng tôi mới biết các anh  là lính hậu cần có nhiệm vụ lùa bò vào phía trong tiếp tế thực phẩm tươi sống cho cho bộ đội ăn no mà đánh giặc. Khi đàn bò của các anh gần qua đất Hà Tĩnh thì gặp máy bay Mĩ ném bom. Đàn bò chết mất ba con, một con bị thương nặng, ngớt bom các anh xẻ thịt cắt đùi mang theo làm thức ăn dần. Các anh bảo  vùng rừng này khá rậm, máy bay không thể phát hiện, nên chúng ta kiếm củi luộc thịt bò ăn cho đã rồi hành quân tiếp. Chúng tôi phân công nhau, bọn con gái đi kiếm lá  chuối rừng, bọn con trai kiếm củi khô, hai anh bộ đội làm bếp Hoàng Cầm. Sẵn củi rừng, bếp cháy rừng rực, ba chiếc hăng gô nước sôi sùng sục, thịt bò đã được thái mỏng, nhúng vào vớt ngay ra lá chuối, chấm với muối vừng, ngon  tuyệt cú mèo. Chỉ hơn một giờ gặp nhau bên suối trong lòng dãy Hoành Sơn mà tình quân dân thắm thiết. Biết các anh mới nhập ngũ hơn sáu tháng, sau ba tháng huấn luyện, các anh được đầu quân vào Binh chủng Hậu cần. Nhiệm vụ đầu tiên của ba người lính trẻ được giao là nhận đàn bò năm mươi con từ huyện Thạch Thành tỉnh Thanh Hóa mang vào chiến trường tiếp sức cho bộ đội. Từ Thạch Thành vào Hà Tĩnh các anh cùng đàn bò đã vượt qua quảng đường 200km đầy bom Mĩ và đã hơn bảy lần gặp bom, bò đã chết hơn mười con, may mà bom đạn đã không động đến ba anh. Nhìn ba anh lính trẻ gầy đen, mặt hốc hác, tôi thấy quặn lòng, các anh chỉ tuổi bọn tôi và học hết kỳ 1 lớp 10 thì xung phong đi bộ đội để đánh Mĩ, hòa bình trở về học tiếp cũng không muộn. Chia tay các anh, bọn con gái chúng tôi không cầm được  nước mắt và thầm mong sẽ có ngày gặp lại nhau. 

Ra khỏi dãy Hoành Sơn, chúng tôi bỏ đường quốc lộ 1, hỏi đường đến xã Kỳ Lâm, huyện Kỳ Anh Hà Tĩnh. Qua Kỳ Lâm đến xã Kỳ Tây thì trời tối mịt, nhìn về hướng Đông, phía quốc lộ 1, pháo sáng máy bay Mĩ thả xuống sáng một vùng trời, tiếng máy bay vẫn rì rầm xa xa. Gặp một xóm nhỏ ven đường với những ngôi nhà đơn sơ, chúng tôi ghé xin nghỉ qua đêm. Chủ nhà là một thanh niên khoảng ngoài ba mươi tuổi không mấy hồ hởi tiếp chuyện. Sau khi nghe chúng tôi trình bày lý do là học sinh Quảnh Bình ra Bắc học Đại học, anh ậm ừ rồi bảo nhà chỉ có ba chiếc hầm, người đông ra ri làm sao chứa hết, nhỡ bọn Mĩ đến ném bom... Hiểu ý chủ nhà, chúng tôi  chỉ  xin ngồi nghỉ  gần hầm. Chủ nhà im lặng chui xuống hầm, chúng tôi trải ni lông ra sân và lấy đồ ăn ra chén. Ăn xong, không thèm rửa chân, ai nấy ngủ lăn như chết. Chưa nghe kẻng báo động đã nghe bom nổ chát chúa, khói lửa bốc ngút trời cách chỗ chúng tôi không xa. Chín con người nhốn nháo lao vội xuống một chiếc hầm gần nhất. Rất may là bọn chúng chỉ rải một loạt bom rồi cút. Kẻng vừa báo yên, chúng tôi vừa ra khỏi hầm đã nghe tiếng quát của anh chủ nhà: “đề nghị  mọi người trong đoàn đưa giấy tờ  tùy  thân  để  kiểm  tra”, chúng tôi lục ba lô lấy giấy gọi nhập trường Đại học đưa cho anh. Cầm cả xấp giấy anh chui xuống hầm soi đèn pin để đọc, lát sau anh ra khỏi hầm và biến vào màn đêm. Khoảng mười phút sau anh trở lại cùng một người đàn ông khoác  súng dẫn chúng tôi lên huyên đội. Hỏi lý do, anh trả lời lên đó khắc biết. Chúng tôi chỉ  ngạc nhiên  mà không hề lo lắng, cứ cắm cúi trong đêm đi theo hai người đàn ông khoác súng trên đất Hà Tĩnh . Đường quanh co mấp mô, đêm tối  như  bưng, chúng tôi phải nắm tay kéo nhau đi mới theo kịp hai anh dân quân. Gần một giờ trôi qua chúng tôi mới được phép dừng chân dưới một ngọn đồi. Anh dân  quân chạy vội lên đồi, cầm theo những tờ giấy gọi nhập học của chúng tôi. Mấy phút sau, từ trên ngọn đồi nghe tiếng gọi tất  cả  lên đây. Mấy ngôi nhà lá dưới tán cây cổ thụ hiện ra, nhìn vào, thấy một người đàn ông đang đọc kỹ từng giấy gọi dưới ngọn đèn Hoa kỳ leo lét. Thấy chúng tôi, anh chào hỏi niềm nở và nói: vùng đất Hà Tĩnh lắm bom đạn Mĩ, nên mọi người rất cảnh giác, sợ bọn thám báo ngụy giả danh. Các em thông cảm nhé. Trao lại giấy cho chúng tôi, giọng anh trầm xuống: mấy năm trước anh cũng đã nhận giấy báo nhập học trường Đại học Bách khoa cùng lúc với giấy gọi nhập ngũ, cả anh và bố mẹ đều chọn gác việc học để lên đường đánh Mĩ, thắng được bọn cướp nước rồi đi học cũng chưa muộn. Hoán và Thùy là tân sinh viên Bách khoa nắm chặt tay người lính nói trong nghẹn ngào: anh ở lại chiến đấu, chúng em đi sẽ học cho cả phần các anh, tạm biệt nhé.

Trước khi chia tay, anh cho người dẫn chúng tôi đến trạm giao liên, nơi đó hàng ngày đều có người dẫn thương binh ra Bắc điều trị, đi cùng họ sẽ tốt hơn, khỏi bị lạc đường. Đến trạm giao liên thì trời gần sáng, từng tốp F4 của Mĩ đang bay nhào về hướng Đông Nam, phía đường quốc lộ 1. Vừa vào sân trạm, một chị trạc tuổi tôi ra đón rồi hồ hởi hỏi, quân chi viện hả, may quá, hôm qua có nhiều thương binh cần chuyển lên tuyến trên mà trạm thiếu người, có thêm người thật là may mắn. Tôi nói: chị ơi chúng em là học sinh từ Quảng Bình đi ra Bắc học Đại học, không biết đường, nhờ các chị chỉ giúp. Chưa nghe hết câu, người con gái với bộ quần áo màu cỏ úa tất tả chạy vào nhà, gọi to các chị ơi chuẩn bị cáng, có người rồi. Vậy là qua một đêm thức trắng chưa được nghỉ ngơi, chúng tôi lại vui vẻ nhận cáng thương binh. Trên mỗi cáng là một anh thương binh băng kín đầu trong cơn đau đớn. Cô giao liên tầm thước, khỏe mạnh nhận cáng đi đầu cùng với Trần Thị Quế, quê ở làng Thuận Bài, thuộc Bắc Quảng Trạch. Tám đứa còn lại cứ hai người một cáng. Mỗi người chúng tôi còn được phát một kg đường và năm phong lương khô. Chị trưởng trạm dặn, ai cũng phải khoác áo ngụy trang, mỗi cáng đi cách nhau từ năm đến mười mét, khi có máy bay thì đứng yên, nếu chúng ném bom thì đặt nhẹ cáng xuống rồi di chuyển xuống giao thông hào, cố gắng giữ an toàn cho thương binh.

Đi chưa được bao lâu thì một tốp máy bay nhào đến cắt bom, chúng tôi lao vội xuống giao thông hào. Khói đen và lửa trùm lên khét lẹt, tối mịt, đất đá rơi rào rào. Trước mắt chúng tôi là những hố bom sâu hoắm. Tôi nghe tiếng chị giao liên hỏi có ai bị thương không, không nghe tiếng trả lời, chị nhao lên khỏi giao thông hào, đến bên cáng lay từng người. Thấy yên, chúng tôi ra khỏi giao thông hào đến bên cáng lay gọi các anh thương binh. Bụi đất phủ dày một lớp trên cáng, nhưng các anh vẫn yên ổn, chỉ có một cáng lăn gần mép giao thông hào. Ơn trời phù hộ, mọi người vẫn bình yên. Chúng tôi lại đặt cáng lên vai, xốc lại tinh thần và đi tiếp. Băng qua miệng những hố bom Mĩ vừa đào, chúng tôi lội qua cánh đồng khô nứt nẻ vì hạn. Đến huyện Cẩm Xuyên, chúng tôi vào trạm bàn giao thương binh, được nghỉ ngơi và được ăn bát cháo gạo, thấy người khỏe lại, nhưng chân mỗi người như đã chịu đựng quá mức không còn muốn bước nên đã xin nghỉ ở trạm, ngủ một giấc không còn biết trời đất. Thức dậy khi trời đã tối muộn, cán bộ trạm đã chuẩn bị cho chúng tôi bữa cơm tối thịnh soạn; mâm cơm có bát canh chua, một đĩa thịt rim, đĩa cá kho, vèo cái nồi cơm và các đĩa thức ăn đã hết sạch, bọn con gái dọn mâm xuống bếp rửa, con trai tranh thủ chuyện trò cùng mấy chị ở binh trạm để hỏi đường ra Bắc. Từ Cẩm Xuyên ra Nghệ An phải qua nhiều tụ điểm đánh phá,  có những đoạn chúng tôi phải đi qua quốc lộ 1 bởi không còn con đường nào khác để tránh.

 Làng ven quốc lộ 1 bị tan hoang vì bom Mĩ, nhà cháy, cây bị bật gốc trơ cành. Người sống hối hả mang người bị thương vào trạm xá, mang người chết  ra  đồng  chôn vội không  mảnh áo  quan. Trận bom trước vừa dứt, trận bom sau lại trút xuống rào rào với tiếng nỗ chát chúa đinh tai. Những người sống sau những trận bom đen quắt, nhưng vai vẫn khoác súng, chân bước vẫn vững và thoăn thoắt như con thoi giữa trận địa pháo, sẵn sàng nhả đạn vào những chiếc thần sấm, con ma máy bay Mĩ. Đi qua những ngôi làng, tôi nghẹn lòng trước tiếng  khóc của những người mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất cha sau những trận bom Mĩ dội xuống làng quê. Chúng tôi nắm chặt tay nhau vượt qua bom đạn bước tiếp. Tối mịt, chúng tôi bước giữa đồi sim, mua và gần như ngạt thở bởi mùi khói bom khét lẹt. Đôi chân mỗi chúng tôi như chống lại ý chí, trĩu nặng không còn muốn lê  bước, mấy đứa con gái ngồi thụp giữa bãi đất trống, bọn  con trai cũng ngồi xuống và lăn ra bãi cỏ. Cứ thế, chúng tôi ngủ như chưa bao giờ được ngủ. Bỗng nghe tiếng  nói nằng nặng của ai đó: “Răng lắm xác chết ra ri”, chúng tôi vùng dậy và nhìn bóng một người đàn ông đang đứng sát chúng tôi và rất ngạc nhiên khi thấy chúng tôi là những người còn sống nguyên vẹn giữa rừng bom nổ chậm và anh là  người đang đi đếm bom. Khi  biết chúng tôi là đoàn học sinh từ tỉnh Quảng Bình ra  Bắc học Đại học, anh thương cảm và dẫn đường cho chúng  tôi băng qua bãi bom, tránh những quả bom nổ chậm mà anh vừa đi đánh  dấu cho công  binh  đi  gỡ. Vượt qua bãi  bom nổ chậm hơn cây số mới ra chỗ an  toàn, giờ mới biết chúng tôi vừa đi qua ngã ba Đồng Lộc, nơi  rốn  bom, tọa độ chết mà ngày nào máy bay Mĩ cũng mang bom đến rải thảm ngăn những đoàn xe chở vũ khí và lương thực vào chiến trường Miền Nam. 

Đi hết đêm, trưa hôm sau chúng tôi mới đến huyện Nghi Xuân, nhìn thấy ngôi nhà trống ven đường, chúng tôi ghé vào xin nghỉ chân và xin nước uống. Một bà cụ từ dưới hầm lên hỏi han vài câu rồi nói, vùng này nhiều bom lắm, người già phải ăn và ngủ dưới hầm, người còn khỏe ra hết trận địa trực chiến bắn máy bay Mĩ. Cụ bảo các cháu cứ ngồi nghỉ, nếu có máy bay thì xuống hầm cho nhanh, rồi cụ vội xuống hầm. Giở gói lương khô ăn vội, vục nước chum ở góc sân  uống ngon  lành rồi tất cả lăn ra ngủ. Vừa chợp mắt, tiếng rú rít của bom dội xuống cách chỗ chúng tôi không xa, tất cả vội lao xuống hầm ngồi cùng bà cụ và tranh thủ hỏi đường ra Bắc. Bà cho biết, bom vừa dội ngoài phà Bến Thủy, nên không thể qua phà được, phải đến bến đò Cùi, tuy thi thoảng cũng bị bom, nhưng đò vẫn qua sông, các cháu tranh thủ đi nhanh qua đò trước khi trời tối. Đến bến đò, ông lão chèo đò giục chúng tôi lên đò gấp tranh thủ khi chưa có máy bay. Đò đưa chúng tôi ngược lên ngã ba sông, trôi xuôi theo Cù Lao rồi ghé bờ  Bắc. Vừa lên bờ đã nghe kẻng báo động dồn dập, chúng  tôi chạy dọc bờ đê, nhìn lên trời thấy ba chiếc thần sấm F105 bổ nhào xuống trận địa pháo cao xạ bảo vệ thành phố Vinh. Tiếng pháo cao xạ, tiếng súng máy của bộ đội và dân quân nổ vang trời vẫn không át được tiếng bom và những cột khói bùng lên đen kịt. Một thằng F4 lao xuống cắt bom rồi vút  nhanh  lên, nhưng đuôi đã dính đạn pháo cao xạ cháy rần rần trên bầu trời.

Vậy là đã ròng rã qua tám ngày bảy đêm, từ Quảng Hòa quê tôi mới ra đến thành phố Vinh. Thành phố xơ xác tiêu điều với những ngôi nhà đổ. Đi giữa thành phố mà thi  thoảng  mới gặp một vài người  khoác súng  đi vội  vàng. Đuổi kịp một chị tuổi trung niên, tôi hỏi đường ra Bắc, chị nói tỉnh Nghệ An có chủ trương cho xe đón học sinh của tỉnh ra Hà Nội vào ngày mai, xe đợi ở Bắc Cầu Bùng. Chúng tôi hăm hở ra Bắc Cầu Bùng mong được đi nhờ xe. Dẫu đã cố gắng, nhưng những đôi chân đã tê dại trầy xước qua tám ngày, bảy đêm đi bộ đã làm chậm tốc độ. Tối ngày, chúng tôi mới đến Bắc Cầu Bùng và xe chở học sinh Nghệ An ra Hà Nội  đã khởi hành hơn một   tiếng. Chúng tôi ngồi ngay vệ đường  bên  mép  giao thông hào. Bụng đói, miệng khát, bi đông nước hết sạch, lương thực mang theo cũng gần cạn, mỗi người chỉ còn ít gạo và bánh tráng mè xát, Anh Nguyễn Văn Pứ người to cao khỏe nhất đoàn đi tìm nước, hơn mười phút sau anh quay trở lại đầy chín bi đông nước và bọc bánh tráng đã được nhúng mềm. Hết sạch cả tôm cá và những ống ruốc mẹ chuẩn bị cho trước khi lên đường, cả bọn chỉ cuộn bánh chấm muối vừng và uống nước lã cho đỡ khô và khát. Cũng lạ  là ròng rã trong những ngày hành quân ra Bắc, chúng tôi hầu như chỉ uống nước lã múc từ suối hoặc ruộng, thậm chí có cả nước hố bom, nước hố trâu đầm mà bụng dạ ai cũng yên không bị tào tháo đuổi. Nghỉ một lát, chúng tôi lại lên đường ngay trong đêm. Được chỉ đường, chúng tôi ghé trạm giao liên huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An). Ở trạm có nhiều thương binh từ tuyến trong chuyển ra. Nhìn các anh bị băng kín đầu, nẹp chân, có người bị băng quấn trắng cả người, bọn con gái không cầm được nước mắt, mặc dù rất mệt, nhưng cả bọn đã cùng nhân viên trạm chăm sóc động viên các anh thương binh, được chị giao liên chỉ đường tránh quốc lộ 1. Trước khi đi, các chị ở trạm  cho chúng tôi mỗi người mấy phong lương khô và một gói đường.

Xế chiều, chúng tôi đến Cầu Giát, đây là chiếc cầu gỗ được bắc tạm sau trận bom. Những người qua cầu phải theo hiệu lệnh tiếng còi của người bảo vệ cầu. Máy bay Mĩ ngày càng bắn phá ác liệt, chúng tôi chưa tìm được đường ra Bắc sao cho an toàn. Đến đoạn giáp đường bộ với đường sắt, cả bọn càng thấy bí. Nhìn ra phía biển, núi dựng đứng, nhìn về phía Bắc cũng núi tiếp núi và đồi trọc. Cả đoàn liều mạng đi trên quốc lộ 1 hướng phía Bắc, bụng nghĩ, đường ta ta cứ đi, kệ thây bọn Mĩ, sống chết có số. Đi được hơn một cây số thì bắt gặp tấm biển cót viết  vội với dòng chữ: “Đường thường xuyên bị bom Mĩ bắn phá, cấm qua lại”. Một người đàn ông đen đúa cháy sạm ngồi bên chòi canh đứng lên quát: muốn chết hay sao mà đi vào đường này. Tôi nhanh mồm nói: chúng em muốn đi ra Bắc, nhờ anh chỉ giùm đường. Người đàn ông bảo: muốn ra Thanh Hóa thì phải đi theo đường sắt, qua cầu Lau, cầu Hỗ, cầu Hang, đến Ghép thì hỏi tiếp. Nói rồi người đàn ông vội chui xuống hầm chưa kịp nhận lời cảm ơn của bọn tôi.

 Mặt trời mới ngang mặt mà đã nắng gắt. Chuẩn bị vượt Cầu Lau thì từ phía biển, ba chiếc AD lao tới khép vòng liệng, chín đứa chúng tôi ngồi thụp xuống trong vòng lượn của máy bay. Chiếc đi đầu bổ nhào, khói trùm lên đen đặc, một loạt bom nữa nổ gần hơn, khói bụi mù mịt, tiếng đất đá, mảnh bom rơi rào rào..., tôi gọi lớn có ai việc gì không, không thấy tiếng trả lời,tôi nấc lên, bò đi tìm mọi người trong khói đen mù mịt. Ngớt bom, mọi người như từ đất chui lên, mặt và người đầy bụi đất. Nhưng may mắn cả chín con người đều nguyên vẹn, không ai việc gì, chỉ có Nguyễn Thị Bảy là mặt xanh xao tái nhợt run rẩy, thở gấp, Lê Văn Bính và Đinh Xuân Hoán, mỗi người mỗi bên xốc nách đỡ dậy mà chân Bảy cứ khụy xuống. Bảy là người gầy yếu nhất đoàn lại bị bệnh tim bẩm sinh, nên trước khi đi mẹ bạn đã có lời nhờ tôi chăm sóc trên đường . Nhưng  may thay trong ròng  rã gần mười ngày đi bộ hơn ba trăm km, Bảy vẫn rất cố gắng theo kịp mọi người mà chưa xảy ra sự cố gì đáng tiếc. Chiếc cầu gỗ dài chưa tới hai mươi mét mà máy bay Mỹ đã dội xuống hàng chục tấn bom. Bom ngớt, cầu không còn, chúng tôi phải chạy vài km mới thoát ra khỏi vùng trọng điểm bắn phá của máy bay Mỹ. Vừa chạy vừa nghe ngóng  tiếng máy bay. Một tốp máy bay nữa lại lao tới rải bom chiếc cầu phía trước, chúng tôi lại tản ra giao thông hào, ngớt bom lại đi tiếp. Trên đường gặp chị dân quân gánh nước ra trận địa pháo, hỏi đường mới biết chúng tôi đã vượt qua ba cầu trọng điểm và sắp tới phà Ghép, nhưng phà không còn hoạt động do máy bay bắn phá ác liệt, phải tìm đường đến bến đò Mon sơ tán. Băng qua mấy cánh đồng, đến con đường làng đầy cát,   bãi sông men theo bờ, gặp được bến đò Mon.

Băng đồng mà đi về hướng Đông, chúng tôi vẫn nghe tiếng bom nổ từ phía Cầu Tào. Tối mịt, chúng tôi mới tới một ngôi làng nhỏ gần ga Nghĩa Trang. Đói, mệt không thể đi tiếp, cả bọn vào một ngôi nhà gần đường xin nghỉ nhờ. Chúng tôi  lấy bánh mè xát ra nhúng nước rồi nhai ngấu nghiến. Bà cụ múc cho chúng tôi những bát nước lá vối đặc quánh. Vị của lá vối khác xa vị nước lá vằng quê tôi. Nó đắng chát chứ không ngọt như lá vằng. No bụng chúng tôi lăn ra ngủ gần miệng hầm chữ A. Vừa chợp mắt tiếng bom nổ chát chúa làm rung chuyển cả nhà hầm, bà cụ nói, nó lại dội bom ga Nghĩa Trang rồi. Gần sáng, chúng tôi chào bà cụ mến khách để lên đường. Cụ dặn: đi lên hướng Tây, tìm bến đò Lèn sơ  tán. Đến bến  đò sơ tán, nhưng người đợi qua sông ngồi dưới giao thông hào, chờ hiệu lệnh, thấy cờ  đỏ phất thì  cứ  năm người một xuống đò. Đoàn chúng tôi chín người phải đi thành hai lượt. Lượt đầu có anh Nguyễn Văn Pứ và bốn cô gái, còn lại bốn người chờ chuyến sau.Trên bầu trời Thanh Hóa, từ Cầu Hàm Rồng đến đò Lèn, không ngớt tiếng máy bay  gầm rú, sẵn sàng phát hiện mục tiêu để trút bom. Đò phải đi men bờ lên phía Tây, đến gần lèn đá mới vượt sông. Đoạn này nước chảy xiết, khó khăn lắm đò mới qua được bờ Bắc. Chúng tôi cứ theo chỉ dẫn của người lái đò để ra Cầu Cừ. Đến cầu Cừ chẳng thấy cầu, chỉ thấy toàn hố bom sâu, mùi khét lẹt. Chúng tôi chạy thục mạng, băng qua cả những hố bom, chạy mãi ra bờ sông, không thấy bến mà cũng chẳng thấy đò, phát hiện ra một cọc gỗ cắm sâu buộc dây thừng to bằng cổ tay chăng qua sông, chúng tôi vội bám dây vượt sông. Qua sông an toàn, ai cũng ướt sũng, nhưng rất vui vì đã qua được Sông Mã của đất Thanh Hóa anh hùng.

Lại một ngày nắng gắt rồi bất chợt mưa rào, ướt mặc ướt, chúng tôi vẫn đi. Giữa trưa thì tới Đồng Giao là đất Ninh Bình. Băng qua vườn sắn, chúng tôi vào ngôi nhà nhỏ nằm lọt trong vườn cây. Nhà không người, không tiếng chó sủa, cửa khép hờ nên chúng tôi đẩy cửa bước vào, đặt ba lô rồi ngủ một giấc cho đến tối.Tôi vừa mở mắt đã thấy giữa nền nhà có nhiều nải chuối chín,  đu đủ và những quả dứa vàng ươm thơm nức. Thì ra mấy chàng trai đói bụng và nhớ nhà không ngủ được đã ra vườn dạo và thấy các khu vườn đầy quả chín không có người hái, có quả rơi xuống đất thối rữa, nên đã hái về cho cả bọn. Đang đói, mệt, được ăn những quả chuối, đu đủ chín cây mát ruột vô cùng. Theo sáng kiến của Đinh Xuân Hoán, mỗi người cho một ít chuối, dứa đu đủ vào ba lô mang theo phòng khi đói bởi những thứ từ nhà mang đi đã chén gần hết. Tôi thích ăn chuối nên đã bỏ vào ba lô gần hết hai nải, Thanh và Quế mang đu đủ, mấy  đứa con trai mang dứa, Đính và Bảy được miễn vì yếu nhất đoàn. Đang định đi thì trời mưa rào, nán lại một lúc cho mọi người lấy sức để đi tiếp, chúng tôi nhổ sắn, đốt lửa nướng, như thời đi Cao Mại khai hoang. Đêm khuya trời mới tạnh mưa,chúng tôi tranh thủ đi và thầm cảm ơn những ngươi dân Đồng Giao đã  trồng cây cho chúng tôi ăn quả.

Đường Đồng Giao ra Hà Nội tương đối bằng phẳng, ít bom đạn, dù đi đêm chúng tôi vẫn không thấy vất vả. Gần sáng, gặp một đoàn thanh niên năm người đi xe đạp, trên gác đơ bu buộc những chiếc ba lô, linh tính mách bảo họ cũng là những học sinh đến trường nhập học như chúng tôi. Trần Thị Quế mạnh dạn ra chặn đường hỏi đường về Hà Nội bao xa, tiện thể xin đi nhờ xe. Các chàng trai nhìn nhau rồi lắc đầu như chưa hiểu Quế nói gì, rồi một người trong số họ nói đưa ba lô chúng tôi chở giúp đến bến xe Ninh Bình, bọn tôi cũng ra đó đón xe lên Hà Nội. Được lời nhận giúp đỡ, bọn con gái cởi ba lô gửi người đi đường lần đầu gặp mặt. Đoàn xe đạp đi rồi, mấy người con trai cùng đoàn mới xị mặt ra vẻ trách móc: “đã cố được hơn 15 ngày rồi, nay ba lô đã hết đồ ăn, chỉ còn vài bộ quần áo cũ mà phải nhờ người lạ”. Mấy đứa con gái im re vì biết mình cả tin, chừ họ đi rồi, liệu có mang đến bến xe giúp không. Chúng tôi cứ cắm cúi đi, không ai nói với nhau câu nào. Đến bến xe Ninh Bình thì đã trưa, chuyến xe khách cuối cùng đã xuất bến, không thấy bóng các chàng trai đi xe đạp, cả bọn tản ra tìm khắp bến. Bà cụ bán nước chè cho biết là có nhìn thấy năm thanh niên đi xe đạp vào bến khoảng sáu giờ sáng nay, họ đã lên xe ra Hà Nội. Ngồi vào ghế bà cụ bán nước tôi lo lắng sợ mất ba lô thì mất toi cả mấy bộ quần áo mà chị gái tôi và các chị bạn cho, tuy cũ nhưng khá tươm tất,lành lặn. Bỗng từ một chiếc loa bến xe thông báo: xin mời đoàn học sinh Quảng Bình, nếu đã đến bến, đến ngay Ban quản lý nhận lại ba lô. Mừng như bắt được của, khi nhận lại những chiếc ba lô, tôi ân hận vì đã lỡ trách nhầm người tốt. Hỏi người quản lý bến xe ra Hà Nội, chị bảo đã hết xe, sáng mai năm giờ có chuyến đầu tiên, mỗi ngày chỉ có hai chuyến ra Hà Nội. Không thể đợi, chúng tôi tiếp tục đi bộ. Đã cuốc bộ hơn bốn trăm cây số, vượt qua bao bom đạn, nay chỉ còn  hơn một trăm km, coi như đã về đích, chúng tôi không còn ngại đi bộ nữa. Đến bến xe Phủ Lý thuộc tỉnh Hà Nam, hy vọng sẽ được đi xe ra Hà Nội, nhưng lại trễ. Chúng tôi  chỉ ghé ăn bát mì rồi tiếp tục đi.

Hơn 21giờ ngày 17 tháng 8 năm 1968, chúng tôi đến thành phố Hà Nội. Lần đầu tiên trong đời, thấy ánh sáng điện, chúng tôi ngỡ ngàng vui sướng. Đường phố rộng thênh thang tráng nhựa phẳng lì, cả bọn bỏ dép đi chân đất cho thoải mái. Chúng tôi nắm tay nhau như kẻ ngố dàn hàng đi dưới ánh điện lung linh. Qua công viên thấy hồ nước và những thảm cây xanh, dưới gốc cây và ven đường là những ghế đá, mỗi đứa chọn một ghế rồi nằm thẳng chân hít thở không khí trong lành mát rượi.Trời sáng khi nào không ai biết, nhìn đồng hồ đã hơn bảy giờ, chúng tôi bịn rịn chia tay nhau. Nguyễn Xuân Thùy, Lê Văn Bính và Đinh Xuân Hoán ra ga Hàng Cỏ để lên Lạng Sơn nơi trường Bách khoa sơ tán. Nguyễn Thị Bảy, Lâm Thị Thanh và Trần Thị Quế đến Đại học Dược, còn tôi, Trần Hữu Đính và Nguyễn Văn Pứ đến trường Đại học Tổng hợp. Vậy là qua mười tám ngày đêm dựa vào nhau băng rừng vượt bom đạn mà đi ra Bắc cho khát vọng học Đại học, nay phải chia tay. Cả bọn bịn rịn, tay trong tay nắm chặt và hẹn khi có địa chỉ trường, lớp sẽ viết thư báo tin cho nhau và cho nhau biết về tin tức gia đình, quê hương nếu ai biết được.

Trước khi đến trường, tôi và Trần Hữu Đính đến thăm anh họ tôi ở 59 phố Quang Trung. Anh họ tôi là Đoàn Xuân Mạnh  làm việc và ăn nghỉ tại Công ty Kiến trúc Nam Hà Nội, 59 phố Quang Trung. Trưa hôm đó tự tay anh nấu cơm đãi chúng tôi một bữa cơm cá kho và canh chua, ăn rất ngon miệng. Chiều anh dẫn chúng tôi đến 19 phố Lê Thánh Tông, đứng dưới cổng trường, tôi xúc động trào nước mắt. Vậy là từ hôm nay, tôi đã là sinh viên trường Đại học Tổng hợp. Ban giám hiệu nhà trường thông báo sáng mai 18/8/1964, trường sẽ cho xe chở học sinh Quảng Bình, Vĩnh Linh  lên  trường ở nơi sơ tán tại  tỉnh Thái Nguyên. Ghi danh xong, anh họ tôi dẫn hai đứa ra bờ hồ Hoàn Kiếm cho ăn kem Thủy Tạ. Lần đầu mới thấy que kem bốc khói, nhưng cho vào mồm lạnh buốt, tê răng, đi lòng vòng qua mấy phố rồi về ăn phở ở phố Trần Hưng Đạo. Bát phở gà nóng thơm phức, chỉ một loáng đã tuôn hết vào bụng, tôi muốn ăn thêm nhưng sợ anh cười nên thôi. Nơi làm việc của anh là Công ty Kiến trúc Nam Hà Nội nằm cuối phố Quang Trung, chéo sang bên kia đường là công viên Thống Nhất và đối diện là Hồ Thuyền Quang. Ba anh em ngồi công viên chuyện trò đến khuya mới về ngủ. Sáng 18/8/1968, xe nhà trường  chở ba chúng tôi và nhiều người khác lên tận   Kỳ Phú nơi Ban giám hiệu tiếp nhận Sinh viên và phân về các Khoa. Tôi và Trần Hữu Đính được phân về khoa Lịch sử, anh Nguyên Văn Pứ về khoa Toán. Một anh đồng hương Quảng Bình dẫn chúng tôi về Khoa Sử ở Trại Chuối nằm bên sông Công. Người tôi gặp đầu tiên là anh Lê Tượng, nghe giới thiệu biết anh là cán bộ lớp. Các anh thu xếp chỗ ăn nghỉ cho chúng tôi và thông báo địa chỉ của lớp là G1-T104-BC13. Đêm đầu tiên trên đất Thái Nguyên, tôi không ngủ, ngồi viết thư về cho bố mẹ thông báo: Con đã đến Trường Đại học Tổng hợp sơ tán ở tỉnh Thái Nguyên an toàn, khỏe mạnh, ở đây tuy nhà lá đơn sơ nhưng rất bình yên.

 H.T.M.L

    Hoàng Thị Minh Lý

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/ky-niem-50-nam-ra-truong-1972-2022-vuot-qua-lua-bom-den-truong-dai-hoc-a16838.html