Khi những bí ẩn được hé lộ
Giải mã mặt nạ Tuồng là sự kiện nghệ thuật đương đại khai thác các yếu tố văn hóa Việt Nam. Sự kiện nhằm mục đích cổ vũ tinh thần nghệ thuật cũng như lan tỏa tình yêu của giới trẻ đối với Tuồng cổ Việt Nam. Đến với chương trình, các bạn trẻ được đắm mình trong thế giới nghệ thuật Tuồng Việt Nam thông qua 3 phần; Phần 1: Trình diễn trích đoạn Tuồng “Kim Lân qua đèo”; Phần 2: Talkshow “Giải mã Mặt nạ Tuồng”; Phần 3: Hoạt động trải nghiệm vẽ mặt nạ Tuồng.
Trong nghệ thuật Tuồng, mặt nạ là công cụ biểu diễn vô cùng quan trọng của các nhân vật như: Khương Linh Tá, Đổng Kim Lân. Có thể nói, mặt nạ Tuồng là yếu tố tạo nên cái hồn, cái chất của bộ môn này, tạo nên ấn tượng lớn cho khán giả. Cũng như các yếu tố khác trong Tuồng, chiếc mặt nạ cũng mang một yếu tố ước lệ, tượng trưng độc đáo. Trên sân khấu, chiếc mặt nạ phải được vẽ thật đậm, đường nét phải rõ ràng để có thể khắc họa nên cá tính của nhân vật và tăng sự biểu đạt của khuôn mặt nghệ sĩ.
Nhờ những khuôn mặt này, khác giả có thể biết ngay được tâm lý, tính cách, giai cấp xã hội của nhân vật ngay từ khi diễn viên mới bước ra sân khấu. Với việc chiếc mặt nạ thể hiện rất nhiều thông tin về các nhân vật Tuồng, các bạn trẻ trong chương trình đã có câu hỏi phản biện: “Nếu như biết trước về cuộc đời và số phận nhân vật, liệu có mất đi tính hấp dẫn của những vở Tuồng?”. Giám đốc nhà hát Tuồng - Phạm Ngọc Tuấn đã lý giải: “Rất nhiều khán giả còn thuộc cả lời đối thoại, từng tình tiết trong mỗi vở Tuồng nhưng vẫn vô cùng háo hức trước mỗi vở diễn. Bởi họ muốn xem nét diễn riêng của mỗi diễn viên. Đây là điều làm nên sự hấp dẫn và khác biệt cho các vở Tuồng, dù được diễn lại rất nhiều lần”.
Đồng tình với NSƯT Phạm Ngọc Tuấn, nhà nghiên cứu văn hóa Chu Thu Phương chia sẻ thêm: “Điều khiến khán giả xem lại rất nhiều một vở diễn nằm ở yếu tố diễn viên. Mỗi diễn viên đều có sự thấu cảm riêng với từng nhân vật nên xúc cảm riêng đó sẽ tạo nên những cách thể hiện khác nhau tạo nên nét độc đáo rất riêng cho Tuồng”. Mặc dù Tuồng là bộ môn nghệ thuật mang tính mẫu mực, độc đáo song cũng là loại hình "kén" người xem nhất của sân khấu dân tộc. Do sự cổ điển và bác học của bộ môn nghệ thuật này mà người xem, nhất là giới trẻ khó có thể hiểu được hết những tầng ý nghĩa trong từng hành động, biểu cảm của nhân vật. Nhưng qua talkshow “Giải mã mặt nạ Tuồng”, các bạn trẻ đã tới gần hơn, hiểu rõ hơn về mặt nạ Tuồng.
Lần đầu trải nghiệm vẽ mặt nạ Tuồng
Phần đặc biệt của Workshop “Giải mã mặt nạ Tuồng” nằm ở phần thứ 3, là lúc các bạn trẻ tham gia chương trình được tự tay vẽ những chiếc mặt nạ Tuồng đầu tiên trong cuộc đời. Dưới sự dẫn dắt và hướng dẫn của Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam - NSƯT Phạm Ngọc Tuấn và đơn vị Mê Gift, các bạn trẻ đã được tự tay sáng tạo những chiếc mặt nạ Tuồng cho riêng mình.
Sau khi được lắng nghe những chia sẻ của các khách mời, bạn Hương Lan háo hức: “Dù đây là lần đầu mình biết tới mặt nạ Tuồng, nhưng mình rất vui khi lần đầu được trải nghiệm vẽ những chiếc mặt nạ Tuồng đầu tiên trong cuộc đời”. Ngoài các bạn trẻ, sự kiện cũng thu hút được sự chú ý của các giảng viên. Tiến sĩ Đỗ Thị Thu Thủy- Trưởng khoa Viết văn Báo chí Trường Đại học Văn hóa Hà Nội chia sẻ: “Cá nhân tôi cảm thấy rất vui và tự hào khi các bạn trẻ hiện nay đang quay về với nghệ thuật truyền thống của dân tộc và góp phần lan tỏa những giá trị của Tuồng”.
Đại diện ban tổ chức, Phương Nam chia sẻ: “Bboy 17 cảm thấy rất tự hào khi đã tổ chức thành công một sự kiện văn hóa này. Chúng tôi hy vọng rằng sau sự kiện này, sẽ có nhiều bạn trẻ hơn nữa biết đến Tuồng và yêu những nét đẹp truyền thống do cha ông để lại”.
Workshop “Giải mã mặt nạ Tuồng” là một trong số những sự kiện hiếm hoi do sinh viên tổ chức để hướng tới việc tôn vinh những giá trị nghệ thuật truyền thống. Đây là bằng chứng cho thấy những bộ môn nghệ thuật truyền thống như Tuồng vẫn sẽ luôn có vị thế trong lòng các bạn trẻ.
Phương Nam
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/giai-ma-mat-na-tuong-a16864.html