Thấy bình thường bởi ông nhà thơ này mới có cô con gái đầu lòng khi tuổi đời ngấp nghé 60. Sự mong ngóng một hình hài nối dõi tưởng rằng tuyệt vọng đã vỡ òa hạnh phúc được xem như có hậu này như tiếp thêm mạch sống và tình yêu cho nhà thơ Lê Minh Quốc. Mọi niềm vui của một người đàn ông ở tuổi về chiều dành hết cho cô con gái bé bỏng, thiết nghĩ đó là hệ quả tất yếu của bao năm nay bùng nổ nên cũng là điều bình thường dễ thông cảm.
Ngạc nhiên vì tình yêu cuồng nhiệt của nhà thơ Lê Minh Quốc dành cho cô con gái đầu lòng không có dấu hiệu suy giảm, ngược lại còn tăng thêm cường độ theo sự trưởng thành của cô bé. Năm 2019, Lê Minh Quốc in hẳn tập thơ “Chào thế giới bây giờ con đã đến” tặng riêng con gái mình. Từ ngày bé Mì (Lê Minh Quốc Ấn) chào đời, thời gian biểu của Lê Minh Quốc chỉ còn dành cho con. Đến độ mặt mũi hốc hác, hai mắt trũng sâu, râu ria quên cạo để tập trung hết cho bé Mì. Phải đặt mình trong hoàn cảnh của Lê Minh Quốc mới thấu hiểu phần nào sự cực đoan trong tình yêu của ông nhà thơ này dành cho con.
Lê Minh Quốc từng có thơ: “Mỗi lần yêu là một lần suýt chết/ Cớ sao tôi chịu đựng quá nhiều”. Ấy là Quốc viết về những mối tình mà anh đã trải qua. Có chơi thân với Quốc mới hiểu, khi yêu một người phụ nữ nào là Quốc như ngọn lửa cháy lên hừng hực nhưng thói đời lại dội vào nhiều thùng nước lạnh để ông nhà thơ còn lại tro tàn bơ vơ. Người tình ra đi không ngoảnh mặt, chẳng để lại gì kể cả một mầm sống hy vọng cho nhà thơ cất lên lời ca “ái ân ơi đừng phụ lòng ta”.
Sau những cuộc tình phải “chịu đựng quá nhiều” đó, may mắn cho Quốc còn có mẹ - người không bao giờ bỏ rơi anh. Nếu nói đàn ông chẳng qua chỉ là những thằng nhóc nhiều tuổi, thì đứng trước mẹ của mình, Quốc không hơn một thằng nhóc nhiều tuổi. Bà chăm sóc, cưng chiều con trai của bà từ lúc lọt lòng đến khi đầu hai thứ tóc. Dù quê nhà ở Đà Nẵng nhưng bà bỏ hết vào ở với Quốc để cơm nước cho con. Vì Quốc thiệt thòi hơn nhiều người anh em của mình. Trưởng thành Quốc đi bộ đội ở chiến trường K suýt chết. Về Sài Gòn đi học đi làm và yêu lần nào cũng suýt chết. “Nước mắt chảy xuôi” muôn đời vẫn thế.
Ngày mẹ Quốc mất ở quê nhà thì tôi đang đi Campuchia không về kịp để viếng. 100 ngày mất cụ bà, Quốc rủ tôi đi Đà Nẵng với hành trang là cuốn sách “Mẹ đã đi chợ về” vừa được NXB Trẻ in xong để Quốc hóa vàng gửi theo mẹ. Mọi sự với nhà thơ Lê Minh Quốc thường đến muộn màng, trễ tràng và trật nhịp. Ngay cả cuốn sách viết về mẹ mà mẹ cũng không kịp cầm trên tay. Âu đó cũng là số phận của ông nhà thơ này.
Hôm đó, hóa vàng cuốn sách xong, Quốc nói rất nhỏ, như một lời khấn thầm để báo tin với mẹ: “Liên Anh có thai rồi”. Liên Anh khi đó là người yêu của Quốc, giờ là vợ của Quốc, là mẹ của bé Mì. Lâu nay Quốc sống đời vợ chồng hoặc như vợ chồng với nhiều bà chị mà không có con, lạ quá! Hai gã đàn ông chợt ngộ ra, có con hay không phụ thuộc vào ý muốn của đàn bà, đó là thiên chức của họ chứ các ông “râu hùm hàm én mày ngài” có muốn cũng không được.
Và chỉ khi thực sự yêu, theo lẽ bình thường, đàn bà mới muốn có con với người tình của mình. Sự hiện diện của bé Mì, tình yêu của Liên Anh như “hoa mùa Xuân” ngập tràn trong ngôi nhà Quốc, trong cuộc đời Quốc. Ông nhà thơ này đã chịu đựng và chờ đợi “hoa mùa Xuân” ấy quá lâu, dài bằng cả một đời người, thương ông thật. Bé Mì càng lớn thì gương mặt càng giống bà nội – mẹ của Quốc, đã cho ông nhà thơ “cảm giác của sự tái sinh”.
Có bé Mì rồi, Quốc càng yêu hơn mẹ mình, Quốc càng yêu hơn vợ mình. Lê Minh Quốc, thốt lên: “Hỡi các đấng mày râu quân tử dù to thân lớn xác cỡ nào đi nữa nhưng lúc chăm con, mỗi đêm dăm ba lần phải thức giấc ẵm bồng, ru con, pha sữa, thay tả… có chịu đựng nổi không? Tôi đã từng ưỡn ngực, vác mặt lên trời một cách kiêu hãnh. Thế rồi, từng đêm lặp lại từng đêm chăm con đã khiến tôi mặt xụi lơ như bong bóng xì hơi. Rã rời. Mệt mỏi. Mất ngủ liên tục cứ bần thần như gà nuốt dây thun. Và nói thật, tôi đã đầu hàng vô điều kiện. Giương cờ trắng đầu hàng trước công việc tưởng chừng dễ ẹt, chẳng mấy hao tâm tốn lực”.
Lê Minh Quốc nhận ra: “Trong khi đó, người mẹ vẫn chăm con bền bỉ từ ngày này qua tháng nọ mà không một lời than vãn. Tại sao lại thế? Chỉ có thể từ tình yêu thương vô bờ bến dành cho con đã tạo nên một sức mạnh phi thường. Tôi tin là thế.”.
Tùy bút “Từng ngày ba mẹ thở theo con” vừa rất riêng nhưng cũng rất chung, ở đó không chỉ là chuyện của một gã đàn ông lần đầu được làm cha, mà qua đó có cả không gian và chi tiết giống như nhiều gia đình khác. Các bậc làm cha, làm mẹ luôn cho đi không nghĩ suy tính toán thiệt hơn miễn là con của mình được hạnh phúc. Yêu thương cho nhau không lỗi hẹn bao giờ. Cho nhau cũng chính là nhận lại. Vậy bạn còn chờ gì nữa mà không thử đọc tập sách này để xem gia đình ông nhà thơ Lê Minh Quốc đã cho nhau thế nào và xem bản thân mình đã sống với người thân ra sao?!
Trần Hoàng Nhân
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/yeu-thuong-cho-nhau-khong-loi-hen-bao-gio-a16890.html