Kiên Giang: Thực hiện đồng bộ các giải pháp kích cầu du lịch để ngành công nghiệp không khói phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh

Sau thời gian dài bị tác động bởi dịch Covid -19, ngành du lịch tỉnh Kiên Giang đã tập trung mọi nguồn lực, giải pháp, nhiệm vụ để phục hồi và phát triển các hoạt động du lịch, từ đó, các chỉ tiêu, doanh thu liên tục tăng trưởng đã đóng góp to lớn vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

anh-thai-so-du-lich-kien-giang-1671161482.jpg
Ông Bùi Quốc Thái, Giám đốc Sở du lịch tỉnh Kiên Giang

Để tìm hiểu về sự tăng trưởng của ngành du lịch trong năm 2022, Phóng viên Tạp chí điện tử Văn hoá và Phát triển đã có buổi trao đổi với ông Bùi Quốc Thái, Giám đốc Sở du lịch tỉnh Kiên Giang về vấn đề này.

Phóng viên: Xin chào Giám đốc Bùi Quốc Thái! Xin cảm ơn ông đã nhận lời tham gia phỏng vấn. Từ sau dịch Covid -19, thói quen và hoạt động sống của các tầng lớp trong xã hội có sự thay đổi. Theo ông, điều đó có ảnh hưởng đến ngành du lịch tỉnh Kiên Giang?

Giám đốc Bùi Quốc Thái: Nhìn chung, sau thời gian chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thói quen và hoạt động của các tầng lớp trong xã hội ít nhiều có sự thay đổi, điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến ngành du lịch Việt Nam nói chung, du lịch tỉnh Kiên Giang nói riêng. Mặc dù vậy, năm 2022 trong điều kiện bình thường mới, hoạt động du lịch của tỉnh phục hồi khá tốt, công tác xúc tiến, quảng bá, kích cầu du lịch gắn với nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch được quan tâm chỉ đạo; việc liên kết hợp tác phát triển du lịch được kết nối lại; nguồn nhân lực được đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng cơ bản yêu cầu phục vụ cho du khách; công tác quản lý nhà nước được thực hiện đúng quy định của pháp luật,…

Đồng thời, Ban Giám đốc Sở đã đề ra nhiều giải pháp trọng tâm, trong đó tập trung thực hiện các dự án, hạng mục cơ sở hạ tầng du lịch; hoàn thành các đề án phát triển du lịch được Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh giao; tham gia vào các Đoàn công tác của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh làm việc với các địa phương, các doanh nghiệp du lịch để kịp thời nắm bắt, phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với những hoạt động du lịch và các vấn đề có liên quan đến phát triển du lịch,...nên các chỉ tiêu phát triển du lịch đều tăng cao so với cùng kỳ, đạt và vượt so với kế hoạch năm đã đề ra, cụ thể: Tổng lượt khách đến tham quan du lịch đạt trên 7,5 triệu lượt khách, (tăng 142% so với cùng kỳ, vượt 35,1% kế hoạch năm), trong đó khách quốc tế trên 220 ngàn lượt (vượt 11,6% kế hoạch năm). Tổng thu từ du lịch đạt 10.585 tỷ đồng (tăng 230,9% so với cùng kỳ, vượt 36,7% kế hoạch năm) chứng tỏ nhu cầu du lịch của du khách trong và ngoài nước là rất cao.

Phóng viên: Có ý kiến cho rằng, do ảnh hưởng của hậu dịch covid-19 và một số nguyên nhân khách quan nên công tác quy hoạch, xây dựng các thể chế, chính sách phát triển du lịch có sự chậm chễ, ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

Giám đốc Bùi Quốc Thái: Đây là vấn đề rất được Lãnh đạo Sở, Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh cùng các Ban, Ngành quan tâm. Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp kích cầu du lịch, đến nay tỉnh đã thu hút 328 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch với tổng diện tích 10.044 ha, tổng vốn đầu tư 380.077 tỷ đồng. Sở đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Đề án phát triển các sản phẩm ngành nghề truyền thống gắn với du lịch, Đề án phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, Đề án phát triển du lịch nông thôn gắn với Chương trình COP trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Hiện Sở đang trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch tỉnh Kiên Giang đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn”.

Phóng viên: Để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, ngành du lịch Kiên Giang cần có những giải pháp gì trong năm 2023, thưa ông?

Giám đốc Bùi Quốc Thái: Phát triển du lịch trong bối cảnh hiện nay chắc chắn sẽ đối mặt với nhiều những khó khăn thách thức; tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, suy thoái kinh tế, bất ổn chính trị, chiến tranh...xảy ra ở một số quốc gia đã làm ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch đặc biệt là tác động trực tiếp đến việc quyết định lựa chọn điểm đến du lịch của du khách quốc tế. Do đó để tiếp tục giữ vững nhịp độ tăng trưởng, phục hồi nhanh và phát triển trở lại ngành du lịch, năm 2023 cần tập trung vào các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp sau:

Tham mưu tổ chức triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Kiên Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; đề xuất những giải pháp mới, giải pháp mang tính đột phá để khôi phục lại hoạt động du lịch; những nội dung, giải pháp nào không còn phù hợp thì kịp thời tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.

Cụ thể hóa các đề án, dự án do Sở Du lịch làm chủ đầu tư, chủ trì tham mưu bao gồm: Các dự án đầu tư hạ tầng du lịch tại U Minh Thượng, Hòn Đất, Kiên Lương; Đề án “Tái cơ cấu ngành Du lịch tỉnh Kiên Giang đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn”; Đề án phát triển các ngành nghề truyền thống gắn với du lịch tỉnh Kiên Giang; Đề án phát triển du lịch nông thôn gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); Đề án phát triển du lịch cộng đồng; Dự án Hệ thống website tích hợp video thực tế ảo quảng bá hình ảnh du lịch (Mobile app); hoàn thành cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) tiến tới hình thành bộ nhận diện thương hiệu du lịch Kiên Giang....để sớm đưa vào khai thác phục vụ phát triển du lịch.

Đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá du lịch, truyền thông về các điểm đến an toàn với những việc làm cụ thể, thiết thực; phối hợp với Trung tâm xúc tiến tỉnh quảng bá điểm đến, tổ chức các sự kiện du lịch để thu hút khách. Tích cực tham gia các Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa tỉnh Kiên Giang với Thành phố Hồ Chí Minh, với các tỉnh/thành ĐBSCL và mở rộng liên kết với các tỉnh/thành vùng du lịch trọng điểm trong cả nước.

Củng cố, làm mới các sản phẩm dịch vụ hiện có, xây dựng và phát triển thêm các sản phẩm dịch vụ mới, đặc trưng, khác biệt để thu hút khách. Triển khai các chương trình đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, trong đó sẽ phối hợp với các Sở, ngành, địa phương, các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp để triển khai việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển du lịch; tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với phát triển du lịch.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch, trong đó tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật du lịch đến các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lich; bên cạnh đó tăng cường công tác thanh, kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh du lịch. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên du lich, bảo vệ môi trường; xây dựng điểm đến du lịch văn minh, sạch đẹp, an toàn, thân thiện.

Thực hiện chuyển đổi số ngành du lịch, trong đó tập trung triển khai chuyển đổi số trong công tác quản lý nhà nước về du lịch và chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh du lịch. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch bệnh (không được lơ là) trong hoạt động du lịch, đảm bảo an toàn cho du khách.

Về thu hút khách quốc tế, Sở Du lịch sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan và cộng đồng doanh nghiệp Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp khôi phục lại các thị trường khách quốc tế truyền thống, có kế hoạch thu hút khách từ các thị trường tiềm năng, trong đó sẽ phối hợp với Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch, Hội Đầu tư Phát triển du lịch, các doanh nghiệp lớn tại Phú Quốc đề xuất thêm chương trình xúc tiến quảng bá du lịch ra thị trường nước ngoài để thu hút khách quốc tế.

Tham mưu đề xuất việc mở thêm các đường bay trong nước, đường bay quốc tế, kết nối du lịch tàu biển quốc tế với Phú Quốc. Tăng cường hợp tác quốc tế trên lĩnh vực du lịch với các địa phương nước ngoài để chủ động thu hút nguồn khách khách quốc tế đến với tỉnh; tổ chức đón, tiếp các Đoàn khảo sát (Famtrip, Presstrip) trong và ngoài nước đến Kiên Giang khảo sát, trải nghiệm dịch vụ du lịch để kết nối tour tuyến quốc tế đến Kiên Giang.

Tích cực huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phát triển du lịch, đặc biệt là đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng trọng điểm đến các khu, điểm du lịch. Vận động, huy động nguồn lực của doanh nghiệp du lịch cùng ngân sách nhà nước bảo đảm cho các hoạt động xây dựng, phát triến thương hiệu du lịch.

Đồng thời đề xuất chính sách ưu đãi đầu tư, tạo môi trường đầu tư kinh doanh du lịch thuận lợi, thông thoáng cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành trong và ngoài nước. Đa dạng hoá, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch cũng như đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực du lịch.

Phóng viên: Với một số giải pháp mà ngành du lịch tỉnh nhà đã đề ra, trong năm 2023, ngành công nghiệp không khói sẽ hứa hẹn khởi sắc?

Giám đốc Bùi Quốc Thái: Vâng! Chắc chắn là thế, bởi, với những giải pháp đồng bộ và tích cực, ngành du lịch Kiên Giang hứa hẹn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng, ước đón 8.300.000 lượt khách đến tham quan, du lịch, đạt 109,7%, tăng 48,2% kế hoạch năm 2022, trong đó, khách quốc tế ước đón 350.000 lượt khách, đạt 156,9%, tăng 75%, kế hoạch năm 2022. Tổng doanh thu ước đạt 13.000 tỷ đồng, đạt 122,8%, tăng 67,8%.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông đã giành thời gian trao đổi. Xin chúc ngành du lịch tỉnh Kiên Giang gặt hái nhiều thành tựu trong năm 2023.

Trương Anh Sáng (Thực hiện).

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/kien-giang-thuc-hien-dong-bo-cac-giai-phap-kich-cau-du-lich-de-nganh-cong-nghiep-khong-khoi-phat-trien-thanh-nganh-kinh-te-mui-nhon-cua-tinh-a16892.html