Kỳ 30
SỰ KIỆN 31: 20 VẠN QUÂN TƯỞNG GIỚI THẠCH VÀO HÀ NỘI (1946).
Những ngày đầu sau cách mạng tháng Tám, Hà Nội cũng như cả nước gặp không ít khó khăn, giặc đói, giặc dốt, tệ nạn do xã hội cũ để lại hoành hành, công thương nghiệp đình đốn, kinh tế tiêu điều xơ xác do chiến tranh và do sự bóc lột, cướp bóc của phát xít Nhật, Pháp. Nghiêm trọng nhất là tình hình quân sự, 20 vạn quân Tưởng Giới Thạch tràn vào miền Bắc nhưng chủ yếu là đóng ở Hà Nội với âm mưu lật đổ chính quyền Cách mạng, đưa bọn tay sai lên nắm chính quyền làm tay sai cho Tưởng, 6 vạn quân Nhật còn lại trên đất nước ta, một bộ phận không nhỏ đóng ở Hà Nội. Sau quân đội Tưởng là các bè đảng phản cách mạng như Việt Nam quốc dân Đảng của Vũ Hông Khanh, Việt Nam cách mạng Đảng của Nguyễn Hải Thần. Bọn đầu cơ cách mạng này theo về chống phá cách mạng chờ quân đội Tưởng lật đổ Chính phủ Hồ Chí Minh để lên nắm chính quyền. Quân Tưởng và bọn tay sai ra sức khiêu khích để lấy cớ lật đổ Chính phủ ta, chúng bắt cóc, tống tiền, giam cầm tra tấn giết hại những ngườu cách mạng và cả dân thường. Chúng yêu sách, in bạc giả, cưỡng bức, phá rối. Tội ác của chúng được phơi bày trong vụ Ôn như Hầu.
Tất cả những khó khăn đó đã đặt chính quyền cách mạng và nền Cộng hoà non trẻ vào thế “ Nghìn cân treo sợ tóc”. Đảng, Nhà nước ta đứng đầu là Hồ Chủ tịch đã thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, huy động sức mạnh toàn dân, đấu tranh khôn khéo, mềm dẻo về sách lược, cứng rắn về nguyên tắc, triệt để lợi dụng mâu thuẫn trong nội bộ kẻ thù để phân hoá, cô lập chúng cao độ, thêm bạn bớt thù, tránh một lúc phải đương đầu với nhiều kẻ thù, tập trung mũi nhọn vào kẻ thù chính, từng bước vượt qua tình thế khó khăn, giữ vững chính quyền cách mạng, đưa cách mạng đi lên. Đảng xác định nhiệm vụ chủ yếu nhất là phải bảo vệ chính quyền cách mạng, tiếp đó là diệt giặc đói, giặc dốt, phát động “ tuần lễ vàng” để xây dựng nền tài chính đất nước, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, phát động phong trào “ hũ gạo đồng tâm” giúp đỡ nhau cứu đói.
Nhân dân Hà Nội tích cực hành động biến những chủ trương biện pháp của Đảng thành hiện thực để nước nhà và Thủ đô vượt qua bước khó khăn hiểm nghèo nhất. Nhân dân Hà Nội tích cực tham gia tiết kiệm, tham gia “tuần lễ vàng” góp phần xây dựng nền tài chính đất nước đang kiệt quệ, tích cực tham gia diệt giặc dốt. Nhân dân Hà Nội tích cực đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ngày 6-1-1946, góp phần xây dựng chính quyền mới thêm vững mạnh. Nhân dân Thủ đô đã bình tĩnh trước những vụ khiêu khích của quân Tưởng, đang bị đói nhưng đã nhường lương thực để cung cấp cho quân Tưởng.
Thực hiện chủ trương mềm dẻo về sách lược, hoà với Tưởng để chống Pháp, ta đã nhường 70 ghế trong Quốc hội cho tay sai Tưởng, 50 ghế cho Việt Nam Quốc dân Đảng, 20 ghế cho Việt Nam Cách mạng Đảng. Nguyễn Hải Thần người của Việt Nam Cách mạng Đảng giữ chức Phó Chủ tịch nước. Trong Chính phủ, Nguyễn Tường Tam làm Bộ trưởng bộ kinh tế, Trương Đình Tri làm Bộ trưởng Y tế, Vũ Hồng Khanh làm Phó Chủ tịch Quân Uỷ hội (Võ Nguyên Giáp làm Chủ tịch). Bằng những biện pháp chủ trương mềm dẻo về sách lược, cứng rắn về nguyên tắc, cùng với sự bình tĩnh kiềm chế của nhân dân Thủ đô, chúng ta đã đập tan được âm mưu khiêu khích lật đổ Chính quyền cách mạng của Tưởng, bảo vệ và củng cố được chính quyền cạch mạng non trẻ.
(Còn nữa)
CVL
PGS TS Cao Văn Liên
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/36-su-kien-lich-su-tieu-bieu-cua-thang-long-ha-noi-ky-30-a16898.html