Năm nay kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không. Tôi thấy phóng viên báo chí, truyền hình tấp nập ở khu mình, hỏi tên ông nọ, bác kia để đến phỏng vấn, ghi hình, mời dự giao lưu, hội thảo về CUỘC TẬP KÍCH CHIẾN LƯỢC 12 ngày đêm vào Hà Nội.
Tôi nghĩ:
- Sao mình không viết về bố vợ mình, các bác hàng xóm, các CCB trong chi hội mình nhỉ? Thế là viết!
Như đã trình các bác, khu tập thể của tôi trước kia phải là cán bộ, sỹ quan từ 1 sao hai vạch trở lên mới được phân nhà ở đây. Lũ con cái chúng tôi vỗ ngực là " Quân khu Hòa Mục". Chắc chỉ kém tiếng tăm, uy lực so với " Quân khu Nam Đồng, Quân khu Trần Phú, Quân khu Lý Nam Đế" mà thôi.
Là tập thể bộ đội Phòng không thì đương nhiên phải là các gia đình tướng tá Phòng Không. Cái quý giá nhất là gần như tất cả các CCB hiện đang sống ở đây đều trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia chiến dịch 12 ngày đêm ĐBP trên không từ 18/13/1972 đến 30/12/1972.
Này nhé!
Trong nhà thì có bố vợ, đại tá, nguyên phó cục trưởng Cục Kỹ thuật Phòng không Phan Văn Thí.
Vào ngày rồng lửa bay trên bầu trời, vít cổ B52 xuống đất, ông là đại úy, trưởng phòng máy nổ Cục Kỹ thuật quân chủng PK.KQ. Phòng ông có nhiệm vụ đảm bảo trạm nguồn( nguồn điện) cho các trận địa tên lửa, pháo phòng không. Ra đa có quay sục tìm máy bay hay không? Tên lửa có nâng lên, chuyển hướng nọ hướng kia hay không? Màn hình trong xe chỉ huy có sáng để các chiến sỹ tiêu đồ lấy tầm, hướng được hay không? Sỹ quan điều khiển có ấn được nút đỏ, cho con rồng lửa bay lên trời, lao tới tiêu diệt máy bay Mỹ hay không? Chính là nhiệm vụ của ông bố vợ tôi.
Ông mất năm 1986, trên tay tôi và trước mắt mẹ vợ tại BV quân đội 108 vì trọng bệnh khi đang đương chức, ở tuổi 58.
Ông được tặng Huân chương Chiến thắng, Huân chương kháng chiến hạng nhất, Huân chương chiến công hạng ba. Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhì.
Dãy nhà tôi đang ở bây giờ trước là nhà ăn của sư bộ sư 361. Đối diện nhà tôi, ở hai đầu dãy là nhà của sỹ quan điều khiển Nguyễn Văn Tuyên và Nguyễn Văn Chức. Sau chiến dịch 12 ngày đêm các chú được các được phong tặng danh hiệu AHQĐ.
Dãy bên cạnh là đại tá Trần Liên, nguyên Phó tư lệnh, tham mưu trưởng binh chủng Ra Đa, nguyên Trung đoàn trưởng trung đoàn tên lửa 291 bảo vệ Thủ Đô lúc bấy giờ.
Binh chủng Ra đa là con mắt thần: Vạch mây, vạch nhiễu, gạt gió để tìm ra máy bay địch, tìm ra B52 trong đàn máy bay đông như kiến, đen như ruồi, tầng tầng, lớp lớp trên bầu trời đêm Hà Nội. RA ĐA cung cấp phần tử cho các trận địa tên lửa. Giúp phóng tên lửa trúng mục tiêu. Không có Ra Đa, tên lửa chỉ như quả đạn ngô nghê, không biết phóng đi đâu, vào đâu.
Bác Trần Liên kể:
Khi còn sống, trong lần về thăm đại đội 1, Trung đoàn pháo binh 234 ngày 19/7/1965 Bác Hồ đã tiên đoán: "Đế quốc Mỹ có thua, sẽ thua trên bầu trời Hà Nội"
Đêm 18/12/1972 rạng sáng ngày 19/12/1972. Giặc Mỹ huy động trăm máy bay trong đó có B52, đánh vào Hà Nội.
Với quyết tâm bắn rơi B52 ngay trong trận đầu. Binh chủng Ra Đa đã phối hợp với các trung đoàn tên lửa Hà Nội, bắn rơi chiếc máy bay B52 đầu tiên, rơi trong lòng Hà Nội.
Bác Liên bây giờ đã ngoài 90 tuổi, bác vẫn khỏe mạnh, minh mẫn đi lại nhanh nhẹn. Các buổi chiều, bác ra " Nhà văn hóa khu" đánh bóng bàn. Dịp này các bác liên tục được phóng viên đài báo truyền hình hẹn, phỏng vấn, hội thảo về 12 ngày đêm Hà Nội - ĐBP trên không. Bác rất giản dị, sống rất vui vẻ thân thiện với bà con trong khu tập thể.
Cùng dãy nhà bác Liên là chú Lê Đức Chu thượng úy, nguyên Tiểu đoàn phó tiểu đoàn kỹ thuật 95 trung đoàn tên lửa 261 sư 361. Nhiệm vụ của tiểu đoàn chú là lắp đạn( sản xuất đạn tên lửa ) cung cấp cho các trận địa tên lửa.
Cách con đường là nhà đại tá Đinh Văn Sành. Đại tá Trần Sanh, đại tá Nguyễn Hậu. Cuối dãy là nhà các bác đại tá Viễn, Kim, Tự, Dương đều là các sỹ quan kỳ cựu trong chiến dịch 12 ngày đêm B52 Hà Nội.
Cuối khu tập thể là nhà của đại tá Nguyễn Đình Nam, nguyên trưởng phòng xăng dầu. Đại tá Nguyễn Kim, đại tá Nguyễn Văn Đương, đại tá Nguyễn Xuân Mai.
Khu tôi trước năm 2000 có đến chục Anh hùng quân đội đánh B52. Dăm bác mang quân hàm tướng. Các đại tá nhiều không đếm xuể. Ngày đó cấp tướng tá, nhìn nể như các Nguyên soái trong phim Liên Xô.
Các thế hệ Tư lệnh, Phó tư lệnh, Chính ủy khu tôi ... ĐẦY!
Khi sân bay Bạch Mai được quân đội chia cho cán bộ. Các tướng, anh hùng còn đương chức "nhổ trại " vào khu ấy hết. Chỉ còn các đại tá về hưu ở lại.
Nhưng có lẽ đất khu này PHÁT. Ông Lê Huy Vinh nguyên Phó tư lệnh Tham mưu trưởng quân chủng nhà ở đầu khu, phía đường Nguyễn Ngọc Vũ. Ông có 3 con trai thì một cậu nối nghiệp cha. Nay là trung tướng Tư lệnh quân chủng PK.KQ.
Nhờ lộc của thần dân này, mà Nhà văn hóa khu tôi được bố con Tư lệnh tặng toàn bộ Điều hòa nhiệt độ. Những ngày hè, có hội họp. Các cụ, các ông các bà sung sướng hưởng không khí mát lạnh. Đội văn nghệ nhảy múa, tập hát hàng giờ không toát mồ hôi.
Đầu khu tập thể là hầm chỉ huy bằng bê tông cốt thép dày hàng mét. Thi thoảng tôi dẫn con vào chơi, trong hầm tối om, mát rượi. Năm nay sư 361 cho nâng cấp sở chỉ huy rất đẹp, vì hầm chỉ huy này được công nhận di tích lịch sử đánh B52 của Hà Nội.
Công nhận các đại tá, AHQĐ ngày xưa XỊN thật. Các bác rất gần gũi, thân thiết, quần chúng. Tôi nhớ vợ chồng tôi rong con đi ăn ngoài ngõ. Gặp bác phó tư lệnh Lê Huy Vinh đi làm về, Bác xuống xe con, bắt tay, hỏi han sức khỏe, vuốt tóc con tôi. Bác Sinh Huy, nguyên trắc thủ tên lửa sau này là trung tướng Hiệu trưởng trường SQPK ở nhà đầu hồi. Ngày chủ nhật về nghỉ là ra quyét ngõ sạch sẽ.
Giữa khu có đại tá Phó GS.TS Khoa học QS Nguyễn Văn Đối tuy đã 90 tuổi nhưng thấy con đường trong khu bẩn là mang chổi, hót rác ra vệ sinh, quét, hót rác vào thùng. Các bác thật giản dị mà vỹ đại!
( còn tiếp )
Trái tim người lính
Tống Hồng Quân.