Phải - Trái

Trong giờ giảng bài về an toàn bức xạ cho nhân viên bức xạ x quang chẩn đoán, giảng viên cho chiếu lên màn hình bức ảnh nhà bác học Rơn-ghen và bức ảnh nổi tiếng phim chụp bằng tia x bàn tay của vợ ông. Giảng viên nói với các học viên:

"Đây là chân dung nhà bác học nổi tiếng đã phát hiện ra tia x và được nhận giải Nobel vật lý năm 1901, là nhà bác học đầu tiên nhận giải Nobel vật lý. Bên cạnh chân dung ông là bức ảnh x quang đầu tiên của thế giới, chụp bàn tay đeo nhẫn của vợ ông. Các anh chị thấy bức ảnh x quang có đẹp không?". Tiếng học viên lao xao, một số người nói "đẹp", đa số người trả lời "không đẹp, không nét". Giảng viên nói tiếp:

"Về mặt chất lượng bức ảnh chụp x quang, tôi thấy chưa đẹp, nhưng nếu biết bức ảnh x quang này chụp từ năm 1895, với ống phát tia x đơn sơ, chưa hề có phin lọc thì với tôi đây là bức ảnh x quang đẹp nhất mà tôi từng thấy. Các anh chị có đồng ý với ý kiến của tôi không?". Phía dưới học viên vang lên nhiều tiếng trả lời đồng tình "rất đẹp thầy ơi", giảng viên nói tiếp:

"Khi thấy kết quả bức ảnh chụp x quang, nhà bác học Rơn-ghen và các cộng sự của ông vô cùng phấn khởi, họ nhận thấy đây là một dấu mốc quan trọng của một phát minh khoa học. Ngươi duy nhất cảm thấy sợ hãi khi nhìn thấy tấm phim x quang chụp bàn tay đeo nhẫn của mình đó là vợ của nhà bác học. Bà nói bà đã thấy thần chết và bà không bao giờ đến phòng thí nghiệm của chồng kể từ đó", có nhiều tiếng cười vui vang lên từ phía học viên. Giảng viên tiếp tục trình bày:

"Các anh chị thử đoán xem bàn tay đeo nhẫn trên bức ảnh x quang là tay phải hay là tay trái?". Phía học viên ồn lên, một số đắn đo vì nghi thầy bẫy, số đông trả lời.

"Tay trái ạ".

"Tại sao lại là tay trái?", giảng viên hỏi tiếp.

"Tại vì tay trái gần tim"; "tại vì tay phải là tay thuận phải để làm việc, đeo nhẫn sẽ vướng" - những câu trả lời khác nhau từ phía học viên.

"Nếu vợ nhà bác học thuận tay trái nên đeo nhẫn ở tay phải cho khỏi vướng thì sao?". Giảng viên đặt câu hỏi trao đổi, phía học viên thảo luận sôi nổi. Giảng viên tiếp tục:

"Tôi sẽ không đưa ra kết luận đó là bức ảnh x quang tay phải hay tay trái mà chỉ nhân thấy chiếc nhẫn ở bức ảnh để kể một câu chuyện liên quan", phía học viên không còn tiếng ồn nữa.

"Trong một lễ cưới ở một nhà thờ, đến thời khắc đôi trai gái trao nhẫn cưới cho nhau trước sự chứng giám của linh mục. Chàng trai cầm chiếc nhẫn định lồng vào ngón tay đeo nhẫn bên bàn tay phải của cô gái, vị linh mục liền nhắc 'bàn tay phải bản thân nó đã hoàn hảo để không cần phải đeo trang sức nữa'. Chàng trai nhận ra mình đã sai nên chuyển sang lồng chiếc nhẫn vào ngón tay đeo nhẫn bên bàn tay trái của cô gái" - Biết cách chỉ ra cái sai của người khác một cách tế nhị cũng là văn hóa ứng sử?

"Trong cuộc sống cũng có những con người hoàn hảo đến mức họ từ chối, họ không cần nhận danh hiệu anh hùng, huân chương.. dù họ rất xứng đáng với những điều đó", giảng viên chia sẻ và học viên đồng tình.

"Để ghi công nhà bác học Rơn-ghen về việc phát hiện ra tia x, ngoài giải thưởng Nobel, các nhà khoa học trên thế giới còn lấy tên ông đặt cho tia x - tia Rơn-ghen. Trong chúng ta ngồi đây, trước khi tôi giảng, những ai chưa hề biết tia x có tên là Rơn-ghen?" Giảng viên hỏi, khoảng hai phần ba cánh tay giơ lên.

"Còn bây giờ có bao nhiêu người ngồi đây biết tia x là tia Rơn-ghen?" Một trăm phần trăm cánh tay của các học viên giơ lên.

Lớp học an toàn bức xạ ngày mai được tổ chức ở Bệnh viện đa khoa khu vực Cam Ranh sẽ có một giờ học như vậy. Ai quan tâm nhớ đến dự nhé.

Hà Nội, 16/12/2022

N.V.N.

Trái tim người lính

 Nguyễn Văn Nọi

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/phai-trai-a16913.html