36 sự kiện lịch sử tiêu biểu của Thăng Long – Hà Nội (Kỳ 34)

Trân trọng giới thiệu sách “36 sự kiện lịch sử tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành.

Kỳ 34

SỰ KIỆN 35 : TRẬN ĐIỆN BIÊN PHỦ TRÊN BẦU TRỜI HÀ NỘI ( 12-1972)

Từ 1965 đến 1972, Hà Nội phải đương đầu với cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ. Ngày 14 tháng 6 -1972, máy bay Mỹ ném bom đốt cháy kho xăng Đức Giang (Yên Viên). Ác liệt nhất là từ 18 đến 30 tháng 12 năm 1972 Mỹ mở cuộc tập kích chiến lược chủ yếu bằng máy bay chiến lược B52 ném bom rải thảm nhằm huỷ diệt Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên. Đây là một trong những thảm hoạ lớn nhất mà Hà Nội phải chịu đựng trong lịch sử chiến tranh. Mỹ đã huy động 100 chiếc B52, 700 máy bay chiến thuật hiện đại nhất của không lực Hoa Kỳ trong đó có 30 chiếc F111, hơn 60 tàu chiến của Hạm đôị VII vào cuộc tập kích.

d1-42007-1671524098.jpg
Bộ đội tên lửa tham gia bảo vệ Hà Nội 12 ngày đêm cuối năm 1972. Nguồn: Internet.36 sự kiện

 

Suốt 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972, máy bay Mỹ xuất kích 663 lần chiếc B52, 3.884 lần chiếc máy bay cường kích đánh phá liên tục Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên. Riêng ở Hà Nội, Mỹ tập trung 444 lần chiếc B52, chiếm 66% tổng số lần chiếc B52 và hơn 1000 lần chiếc máy bay cường kích, chiếm 27 % tổng số lần cường kích trong cả đợt đánh phá. Tại Hà Nội, chúng ném bom vào các khu vực đông dân như bệnh viện, trường học, bến xe, nhà ga, chợ búa gây nhiều thương vong thiệt hại người và của cho dân thường. Số lượng bom Mỹ ném trong 12 ngày đêm lên đến 10 vạn tấn, riêng Hà Nội chịu 4 vạn tấn với sức công phá bằng 5 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống hai thành phố của Nhật Bản là Hirôsima ngày 6 và Nagazaki ngày 9 tháng 8 năm 1945[1]. Đây là cuộc tập kích chiến lược, cuộc bắn phá bằng không quân mà qui mô to lớn chưa từng có trong lịch sử ném bom. Nhiều phố xá đông dân cư bị san bằng huỷ diệt, trong đó có phố Khâm Thiên bị huỷ diệt hoàn toàn. Riêng phố Khâm Thiên 283 người chết, 266 người bị thương, 534 ngôi nhà bị phá huỷ hoàn toàn,  1.200 ngôi bị hư hỏng nặng. Trên nền ngôi nhà số 312 người dân Hà Nội đã xây dựng một tượng đài để ghi nhớ vụ thảm sát này[2].

          Nhân dân Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên đã đánh trả quyết liệt, chỉ 12 ngày đêm ta đã bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 B52, 5 máy bay F111 cánh cụp cánh xoè, bắt sống 44 giặc lái. Riêng Hà Nội bắn rơi 30 máy bay ( 30/81), trong đó có 23 B52 (23/34). Đây là chiến dịch lần đầu tiên tiêu diệt lớn nhất máy bay B52, con át chủ bài của không quân Mỹ. Đó là trận “ Điện Biên Phủ” trên không đối với không lực Hoa Kỳ. Do thất bại trong chiến tranh phá hoại và cuộc tập kích chiến lược B52 vào các thành phố lớn Việt Nam, trong đó có Thủ đô Hà Nội, Tổng thống Mỹ Ních xơn tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc và phải quay lại bàn đàm phán và sau đó phải ký kết hiệp định Pa ri năm 1973, cam kết rút quân về nước, chấm dứt  gần 30 năm (1945-1973) dính líu của Mỹ vào Đông Dương. Sau khi Mỹ rút, quân nguỵ thực sự bước sang giai đoạn suy sụp không gì cứu vãn được, thừa thắng quân và dân ta đã nổi dậy tiến công mãnh liệt và với trận quyết chiến chiến lược, Chiến dịch Hồ Chí Minh, ta đã lật đổ chế độ nguỵ quyền, thống nhất đất nước. Đúng như Hồ Chí Minh, Lãnh tụ thiên tài vĩ đại của dân tộc đã viết:

          Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Nguỵ nhào

          Tiến lên chiên sĩ đồng bào

          Bắc-Nam xum họp xuân nào vui hơn.

(Còn nữa)

CVL

---------------------

[1] . Đại học sư phạm Hà Nội. Lịch sử Việt Nam 1945-1975. NXB Giáo dục. H. 1987. Tr. 168.

[2] . Công ty du lịch Việt Nam-Hà Nội. Hướng dẫn du  lịch Việt Nam. T1. Hà Nội. 1993. Tr 83.

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/36-su-kien-lich-su-tieu-bieu-cua-thang-long-ha-noi-ky-34-a16982.html