Tôi cũng mấy lần tìm hiểu xem ‘cây vani” là cây gì để ra mùi vani thơm tho như thế. Ví dụ như cây lá dứa xanh um nơi sàn nước, sẽ cho mùi thơm ngọt ngào khi cắt lá của nó thả vào nồi chè, nồi xôi, nồi cơm. Hoa lài trắng tinh trong chậu trước nhà, đem phơi khô trộn với trà sẽ cho ra mùi trà lài thơm tho khiến ông nội tôi gật gù khen ngon khi mỗi sáng pha trà. Còn vani từ đâu mà có?
Cuối cùng thì khi đủ trưởng thành, tôi cũng biết vani là một loại hóa chất ăn được. Những chiếc ống màu trắng bé hơn đầu đũa ăn ấy đã góp phần cũng mẹ tôi làm nên cơm nên cá mà nuôi chị em tôi lớn lên.
Chè đậu đen của mẹ tôi nấu “lạ” hơn người khác bởi nấu đến hai lần.
3kg đậu đen, sẽ được mẹ cho vào nửa muỗng cà phê muối diêm, còn gọi là “thuốc muối”, nó sẽ có nhiệm vụ làm đậu đen mau mềm. Nấu đến khi hạt đậu nứt ra. Thì sẽ tắt lửa, đem số đậu đó ngâm xả nước lạnh ba lần cho “đi” hết chất “thuốc muối”, vì chất này sẽ làm người ta bị chứng đau bao tử do nó mặn và có sức bào mòn khá cao.
Sau ba lần xả cho đậu đen hết vị thuốc muối, thì mẹ sẽ vắt nước cốt của dừa khô để riêng, vắt tiếp nước dảo cho vào nấu đậu đen. Đây mới là nồi chè thật sự, vì mẹ sẽ nấu tầm một tiếng đồng hồ nữa thì cho đường, nước cốt dừa vào khuấy đều rồi cho vani vào để ra nồi chè thơm lừng hương tuổi thơ.
Ngày xưa người ta thích ăn ngọt, nên 3kg đậu đen sẽ dùng 2kg đường cùng 5 trái dừa khô cho thật là ngọt ngào và béo ngậy chứ không phải vị béo nhàn nhạt của “bột béo” bây giờ.
Hương vani ngày đó của tuổi thơ tôi, ngoài nồi chè đậu đen của mẹ, thì chỉ hiện hữu lúc xuân về. Là mấy chảo mứt dừa, mứt khoai lang đang nhảy múa trên lửa qua bàn tay mẹ, thì mấy ống vani mới được dùng
Sáng nay gió cuối mùa ràn rạt, nắng hanh hanh trải vàng, lốc xoáy bụi đường thổi vun vút thành mấy con trốt nhỏ báo hiệu mùa đông sắp tàn cho mùa Tết đến
Hương vani lại ngan ngát tuổi thơ khi tôi đi qua đường Nguyễn Văn Linh, đoạn thánh thất Trường Tây. Chắc là gần đó có cơ sở sản xuất bánh kẹo nên mùi vani mới thơm rực cả không gian như thế.
Ôi… hương vani của tôi, hương tuổi thơ cơ cực nhưng gia đình xúm xít vui vẻ. Còn bây giờ mẹ đã đi xa, ở nơi trời xanh mây trắng đó, biết có hương vani cho mẹ hít hà “nồi chè nay thơm quá” hay không.
Tản văn của Đ.P Thùy Trang
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nho-huong-vani-a16996.html