Kỷ niệm 50 năm ra trường (1972 - 2022): "Nhà đổ" - Chuyện bây giờ mới kể     

Trân trọng giới thiệu bài của Huyền Yến, nhân Kỷ niệm 50 năm ra trường (1972 - 2022) của cựu sinh viên lớp Sử khóa 13 - Đại học Tổng hợp Hà Nội nhan đề ""Nhà đổ" - Chuyện bây giờ mới kể". Bài này đăng trên sách "MỘT THỜI ĐỂ NHỚ" (Tập 2) do NXB Thông tấn ấn hành cuối năm 2022.

Từ Trại Chuối, Đại Từ, Thái Nguyên, chúng tôi trở về Hà Nội trong niềm hân hoan khó tả. Song, khi “ chuyến xe bão táp”  chở mấy người tiền trạm cùng “ tài sản” của lớp dừng bánh trước dãy nhà 4 tầng bị bom Mỹ “ cưa” đổ non nửa, ngay cạnh khu nhà cao tầng của trường Đại Học Ngoại Ngữ ở Thanh Xuân, Hà Nội khiến chúng tôi hoàn toàn bị sốc và vô cùng thất vọng!  Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đây ư ? Ký túc xá cho sinh viên là đây ư ? Thú thực lúc đó trong tôi bỗng hiện lên hình ảnh cái lò gạch xập xệ, mốc thếch, bừa bãi, bẩn thỉu mà Nam Cao đã miêu tả trong tác phẩm nổi tiếng của ông. Chán nản, tôi tự hỏi không hiểu sao trường lại thảm hại thế này, thà đừng trở về Thủ đô nữa còn hơn.Thà sống nơi núi rừng với nhà tranh vách nứa còn hơn vạn lần sống trong cái nhà đổ nát, gạch vữa tung tóe khắp nơi, trên các tầng cao là những tấm bê tông to bự treo lơ lửng sẵn sàng rơi xuống bất cứ lúc nào. Rồi còn thoang thoảng đó đây là thứ mùi khó chịu bốc lên từ  những “chiếc vành khăn” nữa….. Thật là khủng khiếp, không thể tưởng tượng nổi. Sau này tôi mới biết không phải nhà trường muốn “ đọa đầy “ sinh viên như vậy mà vì cuộc trở về của chúng tôi diễn ra quá nhanh trong khi ký túc xá Mễ Trì vẫn còn bị các đơn vị quân đội chiếm giữ làm kho quân nhu. Phải có thời gian họ mới trả lại được.

anh-8-1671848453.jpg
Huyền Yến (áo hoa) đứng ngoài cùng bên phải. Ảnh chụp năm 1996 trước sảnh "Nhà đổ" bị bom Mỹ đáng sập một nửa đã được xây dựng lại.

 

Nhà Đổ, trước khi bị Mỹ tàn phá vốn là một khu nhà 4 tầng khá bề thế, được dành cho lưu học sinh nước ngoài. Họ là những sinh viên Liên Xô và các nước XHCN khác đến Việt Nam chủ yếu để học tiếng Việt. Nơi đây một thời từng là khu vực khá hấp dẫn, vui vẻ, đa sắc màu do chính các bạn lưu học sinh đó tạo nên.

Tiến hành cuộc chiến bằng không lực, Mỹ muốn trước hết bịt miệng Việt Nam trước công luận thế giới. Do vậy, một trong những mục tiêu hàng đầu của Mỹ là ném bom hủy diệt trạm phát sóng của Đài TNVN ở khu vực Mễ Trì. Tuy nhiên những năm đầu của cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, Mỹ đã nhiều lần ném  bom xuống khu vực đó, nhưng cũng chỉ sau 9 phút ngưng sóng , Tiếng Nói Việt Nam lại vang lên hào hùng  : “ Đây là  Tiếng Nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa… ” làm nức lòng quân dân cả nước và bạn bè thế giới. Song,  những quả bom rơi  không trúng mục tiêu của những lần oanh tạc ấy đã biến ký túc xá của lưu học sinh nước ngoài thành khu Nhà Đổ !

1k17-1671848386.jpg
Huyền Yến (ngoài cùng) và Phạm Đức Thành - chồng của Huyền Yến (giữa), Vũ Xuân Bân cùng đông đảo cựu sinh viên lớp Sử khóa 13 (1968 - 1972) Đại học Tổng hợp Hà Nội (cũ) trở lại nơi sơ tán thời kỳ máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc, cách nay 52 năm, tại xóm Trại Chuối, xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên (nay chìm ngập dưới lòng hồ thủy lới Núi Cốc). Ảnh này chụp sáng 15/11/2020 trước sảnh Hồ Núi Cố Plaza - Hotel.

     

Mọi chuyện rồi cũng qua. Ở đời, khi buồn ngủ gặp được chiếu manh, Ngưởi vô gia cư kiếm được chỗ ngả lưng ở gầm cầu, hay chiếc ghế đá trong công viên cũng là quá hạnh phúc rồi. Tình cảnh chúng tôi  lúc đó từ rừng xanh núi đỏ trở về chưa có nhà cửa đàng hoàng thì Nhà Đổ cũng là quá được . Chỉ có cái sĩ diện là bị tổn thương mỗi khi có bạn bè, người thân đến thăm! Nhiều người phải tiếp bạn ở những quán nước lụp sụp ven đường cạnh bến tầu điện Thanh Xuân. Bạn có hỏi ký túc xá ở đâu thì cứ chỉ đại về phía khu nhà cao tầng của Đại học Ngoại Ngữ. Thật là ngao ngán . 

 Sau khi tiếp quản ngôi Nhà Đổ, chúng tôi phải lao động cật lực hàng tuần để quét dọn, tẩy uế, lấy giấy báo che những mảng tường nứt, bong tróc loang lổ, sửa lại các cửa sổ phía đầu nhà sắp bị rơi xuống đất, gia cố thậm chí làm mới hoàn toàn cửa ra vào bằng những tấm liếp cỡ lớn có thể nâng lên hạ xuống cho ra dáng phòng ở và để chống bọn trộm cắp rình rập.

Khó khăn nhất là vấn đề giường nằm. Ở nơi sơ tán chúng tôi còn được nằm trên những chiếc giường làm bằng tre , nứa ,vốn đã từng được ngợi ca trong áng văn nổi tiếng “ Cây tre Việt Nam ”của ông Thép Mới. Về Hà Nội rồi lấy đâu ra tre. Lúc đầu đành phải động viên nhau tự tạo, có gì nằm nấy. Ít lâu sau, chúng tôi được nhà trường trang bị thêm một số giường gỗ và giường sắt 2 tầng.

Hầu hết các phòng từ tầng 1 đến tầng 2 đều được sử dụng để ở. Bọn con gái được ưu tiên ở những phòng rộng và thoáng hơn trên tầng 2. Bọn con trai lại ở theo từng tổ. Mỗi phòng cố nhồi nhét khoảng 6 đến 8 người. Những bạn ở Hà Nội như Nguyễn Việt, Minh Trang, anh Đỗ Như Lân…được khuyến khích về nhà ngoại trú để có thêm diện tích cho các bạn cùng lớp.

Các cụ thường nói “ăn hết nhiều, ở hết mấy”. Vấn đề chỗ ở rồi cũng ổn dần. Nhưng “ gaygosyki” nhất là chỗ tắm rửa và giải quyết “nặng, nhẹ” mỗi ngày.

Việc tắm rửa rồi cũng dần dần được khắc phục. Hàng ngày, chờ đến tối muộn mọi người kéo nhau sang khu ký túc xá Mễ Trì lấy nước từ những bể lộ thiên có từ thời chưa xẩy ra cuộc chiến tranh phá hoại. Bẩn hay sạch không quan trọng miễn là có nước xì xụp tắm giặt là tuyệt vời rồi! Bọn con trai cứ thiên nhiên tự tiện, múc nước dội ào ào ngay cạnh bể nước. Bọn con gái thì dấm dúi , bảo nhau tìm chỗ kín đáo để “hành sự”.

Khổ nhất vẫn là khâu “công tác nặng”. Nếu ở rừng hoặc nông thôn thì chẳng khó gì, cứ theo các cụ dạy mà tiến hành “thứ nhất quân công, thứ nhì….. đồng”. Đằng này giữa Thủ đô ngàn năm văn hiến, làm sao đây ta ?Tôi nhớ ngày đó, phía trường Đại học Ngoại Ngữ có một khu nhà xí xổm công cộng khoảng mươi ngăn, nằm cách Nhà Đổ khoảng vài trăm mét, nhìn ra bến xe điện Thanh Xuân, đường đi Hà Đông. Tuy gọi là “Public WC” nhưng mọi cánh cửa nhà xí đều bị bọn trộm cắp tháo sạch. Khốn khổ cho chúng tôi mỗi lần đi “giải quyết” đều phải vượt qua sân bóng đá khá rộng, mấp mô, cỏ mọc cao lút đầu người, hoặc phải lượn qua khu nhà cao tầng trường Đại học Ngoại Ngữ và không ai bảo ai mọi người đều không quên mang theo cái nón, cái mũ hoặc tờ báo…Đọc đến đây có bạn sẽ hỏi mang theo những thứ đó để làm gì ? Xin thưa, để che mặt mình khi đang “ngồi công tác” bất chợt có người đi ngang qua nhòm vào ( họ nhòm chỉ là để tìm chỗ giải quyết cái cấp bách mà thôi ). Cái bi hài ở đây là khi rơi vào tình thế đó mọi người đều phản xạ rất nhanh, lấy bất cứ thứ gì có trong tay che cái mặt chứ không che cái “bộ phận quan trọng”. Sao kỳ vậy ? Bởi mặt người thì khác nhau và mang những danh xưng cụ thể, còn “cái đó” dù nam hay nữ cũng đều “sêm sêm”như nhau cả thôi ,  che đậy mà làm gì !

Chúng tôi khỏe chân mạnh tay, như vậy, thế cũng là xong. Khổ nhất là mấy anh thương binh đi học, giải quyết chuyện đó rất khó khăn, trong đó đã xảy ra chuyện… cười ra nước mắt.

 Ngày đó, tiêu chuẩn của sinh viên mỗi tháng chỉ được 13 cân rưỡi gạo và bột mỳ. Hình như sau đó có tăng lên 1, 2 cân nữa thì phải, tôi không nhớ nữa. Số gạo,mỳ đó được chia làm hai bữa chính trưa, chiều. Bữa sáng thì tùy nghi di tản. Tổng quản nhà ăn vẫn là ông Điển.

Nhà bếp khá rộng tọa lạc trong khu ký túc xá Mễ Trì. Gọi nhà bếp cho sang chứ thực ra chỉ vẻn vẹn vài ba nhân viên, ngày nào cũng vậy có mỗi nhiệm vụ đơn giản là nấu chảo cơm bự và nồi canh rau muống khô “made in Trung Quốc”, hoặc măng tươi Việt Nam rõ lớn. Cơm nấu từ gạo mậu dịch để lâu có những bữa ngửi thấy cả mùi mốc. Thế vẫn còn thơm! Bởi dù sao vẫn là cơm gạo tẻ  được ví ngang với mẹ đẻ. Tệ nhất là những bữa chúng tôi ăn bột mỳ luộc có “nhân mọt” đen sì. Không chỉ có vậy, tất cả các khâu từ vo gạo, rửa rau đến nước nấu cơm, canh đều lấy từ hố bom ngay cạnh nhà bếp! Những hố bom đó là chứng tích tội ác chiến tranh do người Mỹ gây ra, nay được sử dụng làm nơi chứa nước ăn hàng ngày cho sinh viên! Bẩn vậy, nhưng ơn trời suốt những tháng ngày đó chúng tôi chỉ bị đau bụng loàng xoàng, không có ca tử vong nào do ngộ độc.

Hàng ngày, cứ đến bữa, là từ trong Nhà Đổ lại tóa ra từng tốp người vội vội, vàng vàng vác những chiếc vấu, xoong, chậu… lũ lượt, rảo bước kéo nhau sang nhà bếp để nhận phần cơm canh của từng nhóm. Nhóm tôi còn có Lê Doãn Tặng, Phạm Đức Thành, rồi thêm Trương Quốc Bình. Ngày đó chưa có thói quen “hối lộ” như sau này, nhưng vì hay chuyện trò vui vẻ với mấy anh chị nhân viên nhà bếp, nên mỗi khi nhận phần ăn, chúng tôi thường được chị Tư  cấp dưỡng ưu tiên xúc xẻng cơm nặng tay hơn một chút, có bữa chị còn dúi thêm nắm mì luộc hoặc thêm vài thìa canh. Thời buổi đói kém, thêm chút đồ ăn chả đáng là bao nhưng với những “ma đói” như chúng tôi lúc đó quả là ưu ái rồi[1].
          Nhớ những buổi chủ nhật cuối tuần, nhân viên nhà bếp nghỉ nấu nướng, chúng tôi phải thay phiên nhau làm “ anh chị nuôi” . Đám trai trẻ Nguyễn Việt , Hùng con, Minh Giang …nghịch như quỷ sứ đã trộn bột mỳ rồi nặn thành những hình thù mang dáng hình  “ phồn thực” đặc trưng của loài người , đem luộc rồi phân phát cho cả lớp ăn ( thay cho việc nặn tròn và ấn bẹt miếng bột như các chị nhà bếp vẫn làm ) . Thật  là “ nhất quỷ nhì ma”  !

Đói. Suốt ngày chỉ nghĩ đến ăn. Một số người có điều kiện, nhất là nhóm cán bộ đi học và mấy anh công an vũ trang có lương tháng đều tìm cách cải thiện bữa ăn. Nhóm tôi có Phạm Đức Thành, người đất cảng Hải Phòng nên mỗi lần từ quê lên , anh  đều mang theo chút ít hải sản, nhất là món mắm tôm thứ thiệt do gia đình tự sản tự tiêu. Mắm tôm nhà làm nên có thể ăn sống luôn hoặc chưng với tí hành mỡ làm thức ăn mặn. Công nhận là mắm ngon. Chả vậy mà mỗi lần ông bạn họ Trương trước khi ra bến tầu điện Thanh Xuân gặp bạn, còn thò ngón tay trỏ ngoáy vào lọ mắm tôm rồi cẩn thận lùa vào trong miệng kiểu như mấy anh hôi miệng trước khi đi chơi với người yêu thường xịt nước thơm  vào mồm  hay nhai viên kẹo cao su vậy. Bình thích mắm tôm đến nỗi được gọi với biệt danh là “Bình mắm tôm”. Sau này trở thành Cục phó Cục Bảo Tồn, Bảo tàng, rồi Giám đốc Viện Bảo tàng Mỹ thuật VN, Giáo Sư Tiến Sĩ, món khoái khẩu nhất của vị này vẫn là bún đậu mắn tôm.

Sống thiếu thốn kham khổ, nhưng nhìn chung cả 100 con người trong ngôi Nhà Đổ đều vui vẻ, chan hòa, quí mến, bảo vệ nhau.

Lớp tôi là một “hợp chủng quốc”. Có đủ mọi thành phần tộc người và dặc biệt là đủ mọi lứa tuổi khác nhau. Vì vậy, trong cái muôn thuở  của  đất trời  “người với người sống để yêu nhau” đã tạo nên những đôi bạn thân nhau … gắn bó với nhau trong học tập, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Và cũng bắt đầu từ đây đã nẩy sinh những mối tình thật đẹp. Cám ơn ngôi Nhà Đổ, cám ơn “cái lò gạch” đáng yêu ấy đã cho chúng tôi và một số đôi bạn khác  những tháng ngày học tập, gần gũi, hiểu nhau hơn và đã gắn bó cả cuộc đời cho đến tận ngày hôm nay.

Tuy nhiên, cũng có một vài anh bạn  ngày đó lên án, và “chính quyền lớp” cấm yêu đương, thậm chí còn họp hành  kiểm điểm lên án... Nhưng cũng cần thấy sự việc có hai mặt của một vấn đề. Trước hết, Nhà trường không khuyến khích yêu đương khi còn đi học. Nhưng mặt khác, các bạn nữ trong lớp, trong đó có tôi, hầu hết đều muốn có người yêu lớn hơn mình cả về tuổi tác lẫn sự hiểu biết. Do vậy, các chàng trai trẻ hơi bị khó kiếm bạn tình đồng môn đành tìm kiếm bên ngoài, làm anh ngư phủ “đánh  bắt xa bờ” !

Nhà Đổ không chỉ là ký túc xá cho sinh viên mà còn là “  giảng đường “ , hàng ngày các thày cô lên lớp. Tiếng là “ giảng đường “ nhưng trông thật thảm hại. Xung quanh phòng học là những bức tường rạn nứt, loang lổ và góc phía đông vẫn trống hoang trống huyếch, một mảng bê tông bằng cái chiếu bự vẫn treo lơ lửng. Những ngày mưa to, gió lớn, chúng tôi phải ngồi né vào phía trong để tránh mưa hắt vào. Bàn ghế không có. Thày giáo đứng giảng bài. Sinh viên ngồi bệt dưới đất, vở để trên đùi ghi lấy ghi để. Tài liệu không có, giáo trình cũng không. Đúng là khổ hơn cả thời đi sơ tán trên núi rừng Đại Từ - Thái Nguyên.

Không chỉ khổ vì phải ngồi bó giò mỗi khi lên lớp nghe giảng, chúng tôi còn bị thày Chủ nhiệm khoa kiểm tra, nhắc nhở liên tục.

Quay lại chuyện học hành. Có thể nói vất vả nhất của đời sinh viên là những đợt kiểm tra chuyên đề , đặc biệt là thi cuối học kỳ và cả năm học. Trong chúng tôi ngày đó lưu truyền câu ca: Mỗi năm là mấy lần thi / 4 năm như thế còn gì là xuân. Ngày đó chưa có lệ cho sinh viên “nợ” chuyên đề như ngày nay. Cuối năm không đủ điểm lên lớp là lưu ban, học lại. Do vậy, trái ngược với thái độ láng cháng, không tập trung, thậm chí bỏ tiết, trốn học khi lên lớp nghe giảng, những ngày ôn thi thật là “nước sôi lửa bỏng”, nhất là với những người học kém thì mùa thi quả là nhọc nhằn, lo lắng.

Sau  khi nhận được giới hạn chương trình ôn tập, cả lớp không ai bảo ai tự hình thành nên các nhóm ôn tập. Tôi không biết cả lớp có bao nhiêu nhóm ôn thi, chỉ nhớ một số nhóm tiêu biểu như nhóm của ông bạn mọt sách là Kiểm người Vĩnh Phúc, nhóm Nguyễn Việt, nhóm Vũ Minh Giang…Thường thì mỗi nhóm có một hai người học hành kha khá, ghi chép đầy đủ bài giảng, có khả năng tổng hợp và trình bày các vấn đề dễ hiểu, dễ nhớ. Ngày đầu học ôn, người trưởng nhóm có nhiệm vụ trình bầy những nội dung chính của từng vấn đề . Ai không hiểu điểm nào thì cùng thảo luận. Những thành viên trong nhóm, nhất là các bạn học kém thì ra sức ghi lấy, ghi để tối về “tự  tu” hoặc truy bài theo từng nhóm nhỏ. Ngày hôm sau gặp lại, các thành viên lần  lượt trình bày vấn đề hôm trước đã ghi chép . Cứ thế cho đến khi mọi người trong nhóm nhớ được từng nội dung cơ bản đã ôn tập.Thế là tạm ổn để bước vào mùa thi.

Tôi ở cùng nhóm với Phạm Đức Thành, Trịnh Đình Hiền, Lê Doãn Tặng và  Phiêu cùng một số bạn khác mà nay tôi không còn nhớ nữa. Cũng như các nhóm kia, diễn giả Phạm Đức Thành cũng bắt mọi người phải nắm chắc từng nội dung cốt lõi của vấn đề để khi làm bài thi không bị lan man, lạc đề. Học sử ngày đó khổ nhất là nhớ sự kiện, nhớ các niên đại. Rồi mỗi một sự kiện đều phải trình bày từ nguyên nhân đến diễn biến, kết quả, ý nghĩa và bài học lịch sử . Học ôn theo nhóm, Nhà Đổ lại chật chội, nóng bức. Do vậy, các nhóm đều kéo nhau ra ngoài, chiếm lĩnh vị trí đắc địa nhất để ôn thi. Nhóm tôi nhanh chân “chiếm” luôn khu mộ ông Trần Đăng Ninh phía bên kia đường vừa rộng vừa mát. Về sau các nhóm khác cũng ùn ùn kéo đến.

Mùa thi rồi cũng tới. Ơn trời năm đó về đại thể chúng tôi đều đạt từ trung bình trở lên. Nhiều người chịu khó ôn tập, trình bày bài tốt nên đạt vào loại khá giỏi.

 Giữa lúc chúng tôi đang quen dần với cuộc sống Nhà Đổ thì đùng một cái, Mỹ lại tăng cường bắn phá miền Bắc. Cả lớp phải chia tay Nhà Đổ, tay xách nách mang kéo nhau về xã Cao Viên thuộc huyện Thanh Oai, Hà Đông. Sống ở vùng đất thuộc Hà Tây quê lụa (nay là Hà Nội) mới chỉ được vài tháng, Mỹ lại ngừng ném bom. Chúng tôi  lại được lệnh trở về Hà Nội. Nhưng lần này dù có muốn “chốn cũ ta về” (Nhà Đổ) cũng không được nữa vì đơn vị hậu cần quân đội đã rời đi, trả lại ký túc xá cho nhà trường. Từ đây, chúng tôi thực sự được về ăn ở trong ký túc xá Mễ Trì của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Như vậy, chỉ vẻn vẹn có 4 năm theo học, lớp Sử khóa 13 trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (từ 1968 đến 1972), chúng tôi đã phải 4 lần chuyển địa điểm. Từ Đại Từ - Thái Nguyên về Nhà Đổ, rồi Cao Viên, đến Ký Túc xá Mễ trì, Vạn Thắng (Ba Vì) cuối cùng kết thúc ra trường ở huyện Yên Phong Hà Bắc (nay là Bắc Ninh). Mỗi nơi chúng tôi sống và học tập đều để lại biết bao  kỷ niệm đáng nhớ của thời sinh viên đại học trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh. Nhưng có lẽ Nhà Đổ đã để lại trong chúng tôi nhiều kỷ niệm sống động, với các cung bậc cảm xúc buồn vui và không ít kịch tính mà đến tận hôm nay - “ chuyện bây giờ mới kể” .

 Gần 30 năm ra trường, một ngày mùa Thu năm 1996, chúng tôi hẹn hò nhau trở lại thăm Nhà Đổ. Ngôi Nhà Đổ lúc này được xây dựng lại trông khang trang lịch sự hẳn lên !  Chúng tôi có thể hội họp, vui chơi ăn uống, giải khát ở nơi đây trong những gian phòng mát lạnh, trang trí nhã nhặnvới những nhân viên hết sức mến khách. Tuy vậy, phần phía Đông ngôi nhà bị máy bay Mỹ cưa cụt, vẫn cứ cụt. Hình như người ta muốn để vậy làm chứng tích tố cáo tội ác chiến tranh cho các thế hệ mai sau. Ngôi nhà vừa đẹp lại vừa ngồ ngộ thương thương …..

      Huyền Yến

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/ky-niem-50-nam-ra-truong-1972-2022-nha-do-chuyen-bay-gio-moi-ke-a17034.html