Kể chuyện đám cưới thời bao cấp (những năm tám mươi)

Nhân kỷ niệm 40 năm ngày cưới 26/12/1982-26/12/2022! Viết trả lời con cháu và các bạn trẻ nhân mùa cưới đang đến!

dam-cuoi-bao-cap1-1672043526.jpg
Hình ảnh đám cưới của vợ chồng tôi, thời bấy giờ

Cuối năm, khi cái lạnh tháng chạp tràn về thì những cặp đôi uyen ương lại náo nức chờ đón mùa cưới. Những đám cưới ngày nay đã khác xa với những đám cưới thuở xa xưa! Ký ức đẹp đẽ về Hà Nội cùng bao nhiêu những mùa cưới đã đi qua làm mỗi người thích hoài niệm không khỏi có chút bâng khuâng!

Đôi khi các con cháu chúng ta cũng tò mò hỏi về đám cưới của các cô bác và của cha mẹ mình ngày xưa như thế nào? Biết nói thế nào nhỉ, bởi cuộc sống đang biến đổi từng ngày và quan niệm về hạnh phúc của mỗi thời cũng khác. Thôi thì chúng ta cùng nhau ôn lại một chút ít những hoài niệm xưa!

Đó là câu chuyện về những đám cưới đơn sơ mà lại rất vui của một thời bao cấp những năm 1970 - 1980 ở nước ta, đặc biệt hơn khi sau này tôi được chứng kiến và dự cuộc vào một số đám cưới và chính mình cũng là chủ nhân câu chuyện trong đám cưới nghèo khó của chính mình! Và kỷ niệm ấy vào đúng dịp Noel này, vào đúng ngày này của gần ngọt bốn mươi năm trước đây, ngay tại thủ đô Hà Nội vào những năm tám mươi đầy khốn khó!

Những bức ảnh đen trắng thật giản dị sẽ là những nhân chứng còn lại cho những đám cưới của một thời bao cấp những năm tám mươi! Ảnh cũng chỉ còn vài chiếc, nhẫn cưới cũng không có và đặc biệt tấm áo dài trắng giản dị duy nhất cũng là phải đi mượn hoặc đi thuê mới có! Hu hu! Riêng bó hoa lay don trắng thì hầu như đám cưới nào ơ Hà Nội cũng có và cô dâu nào cũng được ôm hoa trên tay, đậm phong cách Tràng An!

Chủ yếu các đám cưới ngày ấy là ăn tiệc ngọt với bánh kẹo Mậu dịch và thêm chút hạt bí, hoa quả mà cũng vui ra trò! Tiệc mặn thường chỉ trong phạm vi gia đình và cũng tự nấu nướng là chính. Không có rượu bia tràn ngập như bây giờ, thành phố cũng chỉ có chút rượu chanh hay rượu màu thôi. Các đám cưới ở quê thì trăm phần trăm là rượu tự nấu! Các chàng thì được hút thuốc lá Sông Cầu đã là sang lắm rồi! Riêng khoản chè pha nước nóng ở thành phố thì rất xịn, cứ phải trà Thái Nguyên pha liên tục mới đủ cho khách khứa thưởng ngoạn, nghe các cụ đọc thơ lục bát và nghe thanh niên hát hò các kiểu. Vùng quê khó khăn hơn thì dùng chè bồm của Mậu dịch!

Cô dâu vào cái ngày trọng đại của hôm ấy sẽ ăn mặc ra sao? Chú rể mặc thế nào và sẽ phải làm những gì? Con cháu thích tìm hiểu quá khứ của cha mẹ và nếu biết quan tâm đôi chút tới những kỷ niệm xưa sẽ hỏi chúng ta - những bậc làm cha mẹ và đang chuẩn bị những đám cưới cho các con của mình những câu hỏi đại loại như vậy.

Bởi thế hệ xa xưa ấy bây giờ nhìn lại ký ức xưa, ta vẫn còn thấy khá lãng mạn và tâm hồn cũng trong sáng và đẹp đẽ quá! Hầu hết các thế hệ của cha anh chúng ta và thế hệ của chính chúng ta

đều đã từng trải nghiệm với bao nhiêu khó khăn của đất nước sau chiến tranh và nay họ hầu như đều đã lên ông lên bà hết cả rồi!

Cô dâu thông thường khi đó sẽ mặc áo dài trắng và cài tấm voan trắng trên đầu. Sang hơn thì mặc váy trắng có thêu ren. Chú rể thì mặc comple đen hoặc xám và thắt cà vạt rất nghiêm chỉnh. Cô dâu cũng thường được các bà, các chị hoặc bạn bè trang điểm giúp. Nhà có điều kiện hơn thì đi thuê người trang điểm. Chủ yếu là phấn son và kẻ chút mắt. Nói chung là giản dị và nghèo nàn đến lạ lùng! Chú rể hôm ấy cũng sẽ được dặm cho tí phấn lên mặt để nhìn cho sáng sủa hơn ngày thường.

Việc đón dâu cũng lại đơn giản hơn ngày nay rất nhiều lần. Tuỳ theo từng điều kiện và hoàn cảnh của mỗi gia đình mà thực hiện cho phù hợp. Chủ yếu khi ấy các chú rể vẫn đi đón dâu bằng xe đạp và đôi uyen ương sẽ chở nhau đi bon bon trên phố. Cô dâu ngồi đằng sau ôm hoa nhìn khá e ấp vì phải khéo léo một tay ôm eo chú rể, tay kia túm chặt áo dài hoặc váy cho khỏi bị cuốn vào xe! He he! Hình ảnh những đôi Uyên ương đi xe đạp trên phố với tà áo bay bay ngày ấy cũng khá lãng mạn và không kém phần quyến rũ đâu nhé. Xe đạp Thống nhất nam thần thánh của cái ngày xa xưa ấy đã là một đặc ân và là thượng sách cho nhiều chàng trai sử dụng triệt để khi đón dâu! Chợt nhớ đến một câu hát hay của cặp đôi nghệ sĩ Phương Thảo và Ngọc Lễ rằng: “Xe đạp ơi! Đã qua rồi còn đâu

Mối tình xưa, giống như một giấc mơ...”

Sau này khi phong trào đi xe máy hon đa phát triển hơn ở thủ đô Hà Nội vào những năm tám mươi thì nhà nào sang hơn chút sẽ có chiếc xe cúp màu xanh ngoc hoặc ốc biêu để cho chú rể cưỡi lên trông rất là oách xà lách lúc đi đón cô dâu. Thế nên sau này mới có câu vè rằng: “Một trăm lời nói không bằng sợi khói hon đa” để ám chỉ những cô dâu tham của!

Đám cưới khi ấy thường được tổ chức tại các hội trường của cơ quan, xí nghiệp, trường học hay đơn vị quốc phòng nào đó là chính. Nếu không có điều kiện thì cô dâu chú rể họ sẽ bàn bạc để mang nhau về quê cưới! He he!

Ngày ấy cũng chưa có mốt thuê phòng cưới ở các khách sạn, nhà hàng sang trọng như bây giờ. Không có hệ thống ánh sáng và đèn màu rực rỡ như ngày nay, mà chủ yếu là đèn VàngbtSân khấu được căng vải bạt và dán chữ hỷ khá to. Hình ảnh đôi chim Bồ câu và hai chữ cái lồng tên của cô dâu chú rể được cắt rất khéo léo hoặc bay bướm dán bên cạnh chữ Hạnh Phúc! Nếu lãnh đạo cơ quan tổ chức đám cưới cho nhân viên, thế nào thủ trưởng cũng thay mặt cơ quan lên phá biểu ý kiến chúc mừng và giao nhiệm vụ cho đôi trẻ trước sự chứng kiến của mọi người. Thế rồi cô dâu chú rể phải lên cảm ơn, đáp lễ và trịnh trọng xin hứa “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ!”

dam-cuoi-bao-2-1672043771.jpg

Nhớ lại những hình ảnh trong đám cưới của chính mình mà thấy rưng rưng cảm động! Đôi khi hạnh phúc trong nghèo khó cũng có giá trị bền vững của nó và đôi khi khái niệm hạnh phúc với nhiều người cũng thật vô cùng giản dị! Cũng chính nhờ có tình yêu và sức mạnh của nó mà con người ta luôn có động lực để làm việc và phấn đấu vươn lên! (Còn nhiều tình tiết hay ho hấp dẫn khác xin dành để kể sau vào lúc khác)

Một bình hoa tươi nhiều màu đặt trên bàn và bên cạnh là một chiếc cat sét để sẵn sàng mở nghe những bản nhạc vui! Mô tuýp thời ấy là thế! Nói về trang trí phòng cô dâu chú rể còn giản dị lắm! Dẫu thế nào thì “buồng hạnh phúc” cũng được trang trí chút ít, đơn giản và ấm áp, chủ yếu sẽ là hình ảnh mơ ước khi có chiếc chăn con công đỏ rực được treo lên tường cho thật đẹp và ngay ngắn để lấy may, bên cạnh là chiếc giường cưới có thể là vẫn giường cũ nhưng màn và chiếu thì mới toanh!

Quà cưới do họ hàng và bạn bè mang đến tặng cũng chủ yếu là những hiện vật thiết yếu như soong chậu, nồi niêu, chảo rán...tất cả đã được dán giấy màu và cho vào túi ni lon có thắt cả nơ, nhìn cũng đáng yêu ra phết! Sang hơn thì sẽ là một cái phích nước nhãn hiệu nổi tiếng Rạng Đông!

Vui nhất vẫn là khoản văn nghệ “cây nhà lá vườn” do các diễn viên không chuyên trình diễn. Một người bạn của cô dâu chú rể ăn nói có duyên nhất sẽ được chọn mời làm MC trong tiệc cưới. Bạn bè thân thiết sẽ lên hát tưng bừng do MC điều khiển! Bởi vậy vai trò của người MC thực sự quan trọng để làm đám cưới vui hơn, đình đám hơn. Từ dân ca nhạc cổ cho đến các bài hát thịnh hành của nước ngoài đều được bạn bè trình diễn rất vui vẻ. Những ca khúc Moden talking thịnh hành của những năm tám mươi đã được giới trẻ Hà Thanh hát say mê và nhảy rất diệu nghệ.

Tôi cũng là một người thích hoài cổ nên hay nhớ về ngày xa xưa! Dù bạn đã từng sống qua thời đó, đã từng hạnh phúc hay thậm chí bất hạnh thì sự trải nghiệm của một thời gian khó cũng cho chúng ta nhiều bài học đắt giá!

Trên những con phố xưa của Hà Nội, biết bao nhiêu đám cưới đã diễn ra, khi thì náo nhiệt và sôi động, khi thì tinh tế và sâu lắng! Lãng mạn một tình yêu và tuổi trẻ ! Đám cưới đơn sơ và giản dị của một thời bao cấp khốn khó, của những cặp trai tài gái sắc sống nơi Hà Thành vẫn là những ký ức không bao giờ quên của nhiều người trong đó có tôi!

 

(Rút trong bản thảo “ Kể chuyện thời bao cấp” của tôi - Phạm Thị Phương Thảo)

Phạm Thị Phương Thảo

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/ke-chuyen-dam-cuoi-thoi-bao-cap-nhung-nam-tam-muoi-a17067.html