Phi công Vũ Đình Rạng sinh năm 1945, quê xã Nam Thắng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Năm 1963 ông là phi công thuộc Lữ đoàn dù 305 và đến năm 1965 thì được tuyển chọn đi học lái máy bay MiG-21 ở Liên Xô.
Đến tháng 5/1968, Vũ Đình Rạng tốt nghiệp khóa học bay, được điều về sân bay Nội Bài cùng với 60 phi công trong lớp học và biên chế vào đại đội chiến đấu chuyên luyện tập đánh ban ngày. Đến tháng 7/1969, đơn vị bắt đầu tổ chức tập bay đêm có chuyên gia Liên Xô hướng dẫn. Đại đội bay đêm gồm 13 phi công trong đó có Vũ Đình Rạng. Bay đêm là một khoa mục rất khó vì ngoài trời tối đen, không thể quan sát bằng mắt thường, phải hoàn toàn phụ thuộc vào sở chỉ huy mặt đất. Hơn nữa ở Việt Nam do phải tập cất hạ cánh trên sân bay dã chiến gồ ghề, đường băng hẹp, ngắn, không có điện nên mức độ khó còn tăng lên gấp bội.
Năm 1969, thời điểm Mỹ dùng máy bay ném bom chiến lược B-52 rải thảm vào những trọng điểm giao thông trên tuyến đường Trường Sơn. B-52 cắt bom tọa độ nên độ chính xác cao và gây tác hại khủng khiếp.Trước tình hình trên, Bộ Quốc phòng và Quân chủng Phòng không - Không quân đã quyết tâm dùng tiêm kích MiG-21 để hạ B-52.
Tổ tiêm kích MiG-21 bay đêm vào tận Khu 4 nghiên cứu cách đánh B-52, quan sát tận mắt đội hình máy bay địch bay ở độ cao 10 km bằng ống nhòm sau đó quay về sân bay Nội Bài lên phương án tác chiến. Do tiêm kích đánh chặn MiG-21 có hạn chế là chỉ bay được trong phạm vi 200 km thì hết dầu nên ta đã xây dựng tại sân bay dã chiến ở Anh Sơn, Nghệ An hầm chứa và trạm tiếp xăng dầu đảm bảo chiến đấu.
- Đêm 20/11/1971 có lệnh báo động máy bay B-52 bay vào vùng trời Khu 4, kíp máy bay chiến đấu ở sân bay Anh Sơn được lệnh vào báo động cấp 1. 20h55’, phi công Vũ Đình Rạng được lệnh xuất kích. Chiếc MiG-21 phải bay rất thấp, men theo dãy núi Đại Huệ với tốc độ chậm để tránh bay chệch ra biển sẽ bị tên lửa Talos từ tàu chiến Mỹ đánh chặn. Lúc này MiG-21 cách B-52 70 km, phi công Vũ Đình Rạng nhanh chóng thả thùng dầu phụ và vượt lên độ cao ngang với B-52. Chỉ huy mặt đất ra lệnh: “Bay về phía đuôi B-52, tiếp tục bám mục tiêu, cho phép bật radar”.
Sau khi mở radar, MiG-21 đã phát hiện chiếc B-52 gần nhất bay cách 6 km tuy nhiên đường ngắm lại chưa chuẩn, do đó phải đổi mục tiêu sang chiếc B-52 đi đầu cách 11 km. MiG-21 tiến sát đến cự ly 5 km thì bị địch phát hiện nhưng phi công Vũ Đình Rạng vẫn bình tĩnh tiếp cận vào cự ly 2 km để phóng tên lửa.
Quả tên lửa bên trái sau khi rời bệ phóng đã trúng mục tiêu, nổ trùm lên một bên động cơ B-52, chiếc MiG-21 nhanh chóng tăng tốc, thoát ly lên cao để bay về sân bay Anh Sơn.
Kết quả của trận đánh không được cả phía ta lẫn phía địch thông báo, chỉ biết rằng một tháng liền B-52 không dám bén mảng vào ném bom ở tuyến đường Trường Sơn. Nhờ những tù binh bị bắt cuối năm 1972 ta mới biết được chiếc B-52 do phi công Vũ Đình Rạng bắn đêm 20/11/1971 đã phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Nakhon Phanom, Thái Lan và bị hư hỏng hoàn toàn. Sau này phi công Vũ Đình Rạng có chia sẻ rằng, nếu khi đó ông bắn liền 2 quả tên lửa vào B-52 như phi công Phạm Tuân đã làm thì B-52 chắc chắn không thể lết về căn cứ.
- Sự kiện chấn động đó khiến Hoa Kỳ phải lệnh phải dừng toàn bộ B52 một thời gian rất để nghiên cứu tìm cách chống Mig. Điều đó đã tạo thuận lợi cho việc vận chuyển, cung cấp vũ khí, khí tài, đạn dược trên con đường 559 vào chiến trường miền Nam, đặc biệt là chiến dịch Quảng Trị năm 1972. B52 là làm cho nó không dám bén mảng ra Bắc cản trở tuyến đường vận chuyển 559 và phải dừng bay trong bốn tháng đã là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Không quân. Trước đó, nhiều người cứ nghĩ phải bắn rơi máy bay địch mới là mục tiêu cao nhất.
- Mặc dù không bắn B-52 rơi tại chỗ nhưng cuộc đối đầu trên không vào tháng 11/1971 là bài học kinh nghiệm bổ ích, giúp cho các phi công Phạm Tuân, Vũ Xuân Thiều có thể tiêu diệt B-52 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không một năm sau đó.
* Năm 2010, phi công Vũ Đình Rạng đã được xét phong anh hùng. Tuy nhiên, ông đã từ chối danh hiệu này vì cho rằng thêm một danh hiệu cũng chỉ là việc “thêu hoa trên gấm”. Chiến công bắn hạ B-52 của phi công Vũ Đình Rạng được lập sớm hơn cả nhưng lại được công nhận sau cùng.
- Tư liệu trong sách: “Hà Nội Điện Biên Phủ trên không - Ký ức một thời”.
Trái tim người lính
Quang Đinh (Sưu tầm và giới thiệu)