Có lẽ mọi người còn nhớ, theo sự phân công của Ban lãnh đạo lớp sử K13, suốt 4 năm Đại học, tôi đều phụ trách công tác văn nghệ của lớp. Tôi nghĩ,có sự phân công đó là do Ban lãnh đạo lớp đã tham khảo lý lịch đoàn của tôi. Tôi là người được cho là có năng khiếu hát ở trường cấp 3 Thái Phiên nổi tiếng củaThành phố Hải Phòng. Ở trường, tôi đã thường xuyên tham gia dàn đồng ca nhà trường, là người lĩnh xướng một số tiết mục đồng ca. Năm 1966, trong cuộc hội diễn văn nghệ toàn ngành giáo dục Hải Phòng, tiết mục đồng ca “Đường ra mặt trận” của trường do tôi lĩnh xướng, đã giành giải Nhất. Ngay sau đó, chúng tôi đã được đài phát thanh Hải Phòng mời về trụ sở của đài tại phố Tô Hiệu ghi âm và bài hát đã được đài phát thanh phát lại nhiều lần .
Có một chút năng khiếu văn nghệ, cùng với lòng nhiệt tình của tuổi trẻ, tôi sẵn sàng nhận nhiệm vụ mà lớp phân công, hăng hái hoạt động, góp phần để lời ca tiếng hát của lớp sử K13 hòa chung phong trào “tiếng hát át tiếng bom” của cả nước.Với sự đóng góp tích cực của các bạn trong lớp, hoạt động văn nghệ trong suốt 4 năm đại học của lớp đã để lại ấn tượng tốt đẹp và khắc sâu trong ký ức của mỗi thành viên trong lớp sử K13.
Ngay từ năm thứ nhất đại học tại Trại chuối, xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, vào những dịp sơ kết học kỳ hoặc tổng kết năm học, lớp thường tổ chức liên hoan văn nghệ, có các tiết mục đồng ca, song ca, đơn ca, múa, đôi khi có kịch và hòa tấu nhạc cụ gồm ghi ta (Phạm Thành), Ác mô ni ca (Nguyễn Việt) và sáo trúc (Công Phin). Ở một số nơi lớp tán, hoặc trong các đợt đi thực tập ở các địa phương, nếu có tôi tham gia, chúng tôi đều có một buổi tối biểu diễn văn nghệ, cũng là lễ “ra mắt” phục vụ nhân dân địa phương. Nhân dân đi xem rất đông và tấm tắc khen ngợi.
Kỷ niệm sâu sắc năm học đầu tiên của lớp có vở kịch “Ngọn Lửa”, kể về tình thần đấu tranh bất khuất của đồng bào miền Nam trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Tôi đóng vai ông già Văn Thiên Tường, một người nông dân Nam bộ yêu nước, kiên cường, có con rể là lính ngụy, do bạn Đào Hùng đóng vai. Cùng đóng vai lính ngụy có bạn Nguyễn Việt . Hồi đó, xem xong vở kịch, thầy Hà Văn Tấn , chủ nhiệm lớp khen chúng tôi diễn hay. Thầy đặc biệt khen vai ông già Văn Thiên Tường của tôi, hóa trang và diễn xuất rất giống ông già, giọng nói Nam bộ cũng giống. Tuy nhiên, tuổi 18 khi đó nói giọng ông già còn trẻ quá. Đặc biệt, năm đó, lớp có tiết mục múa đôi Duy Ngô Nhĩ. Diễn viên múa là tôi và bạn Huyền Yến. Đệm nhạc cho chúng tôi múa là anh Phạm Thành (ghi ta) và Nguyễn Việt (kèn Ácmô ni ca). Tiết mục múa Duy Ngô Nhĩ của chúng tôi đã được Khoa Lịch Sử lựa chọn tham gia Hội diễn văn nghệ toàn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1968 và được đánh giá rất cao. Tôi còn nhớ tối hôm đó, sau khi kết thúc biểu diễn tiết mục múa này, tôi rời sân khấu xuống sân. Thật ngạc nhiên, vừa xuống hết bậc cầu thang sân khấu, trước mặt tôi đã xuất hiện một số bạn từng là bạn học cùng lớp toán năng khiếu Hải Phòng với tôi tại Trường cấp 3 Thái Phiên. Đó là bạn nữ Nguyễn Viết Triều Tiên, các bạn nam: Phạm Xuân Mỹ và Lê Văn Nắp (lúc đó đang học khoa Toán của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội), tươi cười bắt tay đón tôi, khen tiết mục múa của chúng tôi rất hay. Bạn Mỹ còn nói thêm: “Bông hoa múa cùng với Phin quá đẹp”. Tôi phải thừa nhận, bạn Yến, phu nhân anh Phạm Thành bây giờ, có mái tóc mượt mà dài tới đầu gối chân, lại đươc tết thành những mớ nhỏ, kiều phụ nữ Duy ngô nhĩ, nom thật duyên dáng. Đến tận bây giờ, thỉnh thoảng mọi người lại nhắc đến điệu múa này với lòng yêu mến. Bạn Trương Quốc Bình còn đề nghị chúng tôi diễn lại tiết mục này khi có hội lớp.
Sau khi tốt nghiệp, các bạn trong lớp đi nhận công tác mỗi người mỗi ngả, thông tin về nhau còn hạn chế. Vì thế, các cuộc hội lớp ban đầu tôi không có điều kiện tham dự. Từ khi kết nối được với lớp, có điều kiện tham gia các cuộc gặp mặt hàng năm của lớp sử K13, tôi lại có dịp đóng góp những tiết mục văn nghệ của mình, cùng vui chung với các anh chị và các bạn. Cuộc gặp mặt năm 2011 ( tôi 61 tuổi). tại Đại học Quốc gia Hà Nội (Cầu giấy), tôi đã hát bài ”Đi tìm người hát lý thương nhau” của nhạc sĩ Vĩnh An, được mọi người khen rất hay. Có bạn nhận xét, giọng hát của tôi còn hay hơn khi tôi còn là sinh viên.
Đúng vậy. từ khi rời ghế lớp sử K13, tôi vẫn duy trì thú vui văn nghệ. Sau khi rời ghế nhà trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, tôi về làm phóng viên tại cơ quan Thông tấn xã Việt Nam, sau đó, để “tự cứu mình trước khi trời cứu”, vượt qua khó khăn về kinh tế trong những năm còn bao cấp, tôi chuyển công tác về Liên hiệp Công ty Du lịch dịch vụ Hải Phòng, rồi làm điều phối viên dự án cho một số tổ chức Phi chính phủ quốc tế như Tổ chức tình nguyện quốc tế Nhật Bản - JVC, Oxfam Quebec (Canada), Tổ chức bảo tồn động thực vật hoang dã (Anh), Cơ quan viên trợ quốc tế DANIDA (Đan Mạch), Viện Công nghệ Châu Á (AIT}, Hội trợ giúp người khuyết tật Việt Nam (Mỹ) và APHEDA ( công đoàn Úc). Tùy theo điều kiện công tác ở những nơi khác nhau, dù trong hoàn cảnh nào, tôi đều tham gia các hoạt động văn nghệ ở những nơi tôi tham gia công tác, giúp cho không khí làm việc thêm sôi động. Đặc biệt, nhờ thỉnh thoảng hát Karaoke, giọng ca của tôi ngày càng được cải thiện rõ rệt. Chính giọng ca này đã góp phần quan trọng thuyết phục cô hàng xóm, nhà ngay sát văn phòng cơ quan đại diện củaThông tấn xã Việt Nam tại Hải Hưng (nay là Hải Dương), về chung một nhà với tôi. Trong thời gian tham gia hoạt động văn nghệ ở Liên hiệp Công ty Du lịch dịch vụ Hải Phòng, tôi đã đoạt giải Huy chương Bạc trong đợt liên hoan văn nghệ toàn ngành du lịch Thành phố Hải Phòng. Trong thời gian làm cho Tổ chức tình nguyện quốc tế Nhật Bản, giúp người nghèo ở Hải Phòng, Ủy ban bảo vệ và chăm sóc thiếu nhi Thành phố Hải Phòng (trực thuộc Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh Thành phố), là một trong những đối tác của tổ chức JVC chúng tôi. Có lần Thành đoàn Hải Phòng tổ chức liên hoan văn nghệ, có các đơn vị tham gia gồm: Nhà Văn hóa Thanh niên Thành phố, Cung văn hóa Thiếu niên Thành phố, Ủy ban Bào vệ và chăm sóc Thiếu nhi Thành phố, các Tổng đội Thanh niên xung phong.... Dịp đó, tôi tham gia hội diễn với danh nghĩa là đại diện của dự án hợp tác giữa Ủy ban Bào vệ và chăm sóc Thiếu nhi Thành phố và JVC. Trong cuộc Hội diễn văn nghệ này, tôi cũng đoạt Huy chương Bạc cho tiết mục đơn ca nam.
Một điều đáng nhớ là, trước khi rời Việt Nam, kết thúc một nhiệm kỳ để về nước công tác, hai vợ chồng người bạn đồng nghiệp Nhật Bản đã gặp tôi, tay anh chồng cầm một cuốn băng casset trắng (chưa ghi), ân tình yêu cầu tôi: “Trước khi về nước, chúng em muốn anh tặng chúng em một món quà”. Anh đề nghị tôi ghi tiếng hát của mình vào băng casset đó để các bạn mang về Nhật Bản làm kỷ niệm. Đáp lại yêu cầu chân tình của hai bạn, tôi vui vẻ nhận lời. Công việc ghi âm tiếng hát của tôi cũng đặc biệt. Không có phòng ghi chuyên nghiệp, tôi mang băng về ngôi nhà riêng cấp 4 để ghi âm. Để không làm phiền hàng xóm khi nghe thấy tiếng tôi hát giữa đêm khuya, tôi mang đài casset lên giường, nằm trùm hai lớp chăn bông rộng, tiến hành ghi âm các bài hát. Sáng hôm sau, tôi mang theo tấm quà này tặng cặp đôi bạn Nhật Bản, được hai bạn rất cảm động.
Về hưu rồi, ai cũng muốn sống vui, sống khỏe. Đây là lúc chúng ta trở thành “tỷ phú thời gian”. Ngoài hát, tôi muốn chơi nhạc cụ để “làm mới” mình. Khi còn trẻ, tôi vẫn chơi sáo trúc, không đến nỗi tồi, như mọi người đã biết. Cách đây 2 năm, tôi đã mua một cây sáo trúc đắt tiền, tiếng rất hay, nhưng không thể thổi hay được như trước vì cao tuổi, hơi yếu đi nhiều. Tôi chuyển sang chơi đàn nhị, lứu. Tôi quyết định tự làm đàn nhị để chơi. Không phải không có tiền mua đàn nhưng tôi muốn tự làm đàn. Môt cây đàn nhị giá hiện nay giao động khoảng từ 700.000 đồng đến 3 triệu đồng, tùy loại và chất lượng. Vì là “tỷ phú thời gian” nên tôi quyết định tự làm đàn, vừa khám phá những điều mới lạ, để tiêu xài thời gian cho vui và cũng là để tiêu hao ca lo, giảm mỡ trong cơ thể. Bà thím ruột của tôi, năm đó đã 84 tuổi, thấy tôi cứ cặm cụi làm đàn nhị, nói một câu động viên: “Làm thế còn hơn ngồi cờ bạc”. Vâng đúng thế. Tôi sợ cờ bạc lắm. Nhà tôi vốn là nhà giàu nhiều đời, có tá điền làm thuê. Nhà tôi nhiều ruộng. Các vị là con gái khi đi lấy chồng đều được nhận của hồi môn là 1 sào ruộng. Tới đời ông nội tôi, do nghiện cờ bạc, ông nội đã bán gần hết ruộng và trở thành nhà rất nghèo. Kể ra, trong cái rủi, có cái may. Giá ông nội tôi không đánh bạc, không bán hết ruộng vườn thì nhà tôi đã trở thành địa chủ rồi. Đã là địa chủ thì không biết cuộc đời sẽ ra sao. Dưới 10 tuổi, tôi đã thích chơi đàn nhị , thích hát chèo. Nhà tôi, dòng họ Phạm Công của tôi, từ xưa đã là nòng cốt của đội chèo làng. Cả xã tôi chỉ có một đội chèo là đội chèo làng Hàm Dương của tôi. Các ông chú, bà cô ruột của tôi đều là các kép chính trong đội chèo làng. Ông chú thứ 3 của tôi không chỉ biết hát chèo hay, diễn xuất giỏi, là đạo diễn của đội chèo mà còn chơi thành thạo nhiều loại nhạc cụ như: đàn nhị, đàn nguyệt, sáo trúc,kèn, đàn bầu, là một tay trống “kỳ khôi”…. Là thương binh chống Pháp, tái ngũ thời chống Mỹ, ông là cây sáo trong giàn nhạc của một đoàn văn công quân đội. Có lẽ chú tôi đã thừa hưởng gien của ông nội tôi, một người chơi thành thạo đàn bầu và sao trúc thuở sinh thời.
Sở thích văn nghệ, nhất là hát chèo đã ngấm vào máu của tôi từ tấm bé. Đi xem các cô, chú diễn chèo: Thạch Sanh, Trương Viên v.v… nhiều lần nước mắt tôi ròng ròng, tôi khóc rưng rức, thương cho những số phận đen đủi. Hồi 7-8 tuổi, tôi đã tự làm được một cây đàn nhị. Bát đàn làm bằng ống tre căng da ếch. Thân đàn và tay nắm lên dây đàn làm bằng gỗ. Dụng cụ làm đàn là cây dao rựa để đẽo, chặt, cắt và dùng dùi sắt nung đỏ để dùi lỗ tay nắm lên dây đàn. Cung vĩ tôi làm bằng tre sẵn có trong nhà. Không có lông đuôi ngựa làm vĩ, tôi xin tóc mẹ tôi để căng cung vĩ. Dây đàn, tôi dùng cước. Thế là thành cây đàn để tôi và ông anh họ hơn tôi 1 tuổi đi biểu diễn khắp xóm cho trẻ con xem.
Để làm cây đàn nhị hiện nay, tôi cũng tự tạo dụng cụ để làm.Tôi thích bưng bát nhị bằng da trăn. Nghe nói, âm thanh nhị bưng bằng da trăn hay hơn da ếch. Tôi đi nhiều cửa hàng bán nhạc cụ dân tộc ở Hà Nội, tìm mua da trăn nhưng không ai có. Rồi tôi lên mạng internet tìm kiếm, liên lạc được với cụ nghệ nhân ưu tú Đào Soạn 84 tuổi, người làng Đào Xá, huyện Ứng Hòa, Hà Nội – nơi có truyền thống 200 năm làm các loại nhạc cụ. Cụ hứa bán da trăn cho tôi và tôi đã thỏa ước nguyện.
Bên cạnh đàn nhị, tôi cũng rất mê đàn bầu. Cũng giống như cách suy nghĩ khi làm đàn nhị, tôi đã làm thành công một số cây đàn bầu. Tôi đọc tìm hiểu thấymột số nhạc công chuyên nghiệp, trong đó có nữ nghệ sỹ ưu tú Lệ Giang nói: Trái tim của cây đàn bầu là mobin (mic thu âm đàn). Nó là yếu tố chủ yếu quyết định chất lượng âm thanh của đàn bầu. Thoạt đầu, tôi mua mobine ở cửa hàng nhạc cụ dân tộc tại Hà Nội. Âm thanh không được ưng ý cho lắm. Khi đánh vào các nốt cao ở quãng 2 (gần cần đàn), tiếng đàn nghe chỉ thấy bịch, bịch. Có khi tiếng que gẩy còn át cả tiếng đàn. Tôi lên mạng tìm kiếm, có một số người bán đàn quảng cáo mobin của họ đánh được nốt cao nhất, nghe rõ và hay. Tôi đã đặt mua họ với giá đắt nhưng thực tế không như họ nói. Một hôm, tình cờ, có bạn trên Youtube hướng dẫn sử dụng rơ le làm mobin đàn bầu cực hay. Theo sự hướng dẫn, tôi đã làm thành công mobine này, đánh được âm cao nhất và hay. Để có thể mang cây đàn bầu đi xa, tham gia vui văn nghệ cùng lớp, tôi đã cắt đôi cây đàn, lắp bản lề, có thể gấp cây đàn, cho vào trong túi, gọn nhẹ, mang theo mỗi cuộc hành trình. Tôi còn lên mạng internet tự học, rồi mua linh kiện về, tự làm được tăng âm chất lượng tốt, nhỏ gọn đặt vừa trong lòng bàn tay, để đi biểu diễn cùng cả lớp trong mỗi chuyến đi xa.
Tôi thật cảm động, trong đêm giao lưu văn nghệ, dịp hội lớp cuối tháng 6 năm 2022 vừa qua tại Tam Đảo, tôi được biểu diễn nhiều bài đàn bầu trước các bạn cùng lớp. Kết thúc buổi giao lưu là bài Người ở đừng về – dân ca quan họ Bắc Ninh do cả lớp cùng hát, trên nền tiếng đàn bầu của tôi, thật vui.
Tôi mong sao tất cả mọi người, có được sức khỏe tốt đề cả lớp, mỗi năm một lần gặp nhau, tôi vẫn đóng góp tiếng hát và tiếng đàn của mình vui cùng cả lớp.
23/7/2022
P.C.P
Phạm Công Phin
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/ky-niem-50-nam-ra-truong-1972-2022-de-tieng-dan-tieng-hat-cung-ca-lop-mai-ngan-vang-a17151.html