Nhạc kịch 'Bầy chim thiên nga' được chào đón hào hứng của công chúng

Vở nhạc kịch “Bầy chim thiên nga” vừa ra mắt đã nhận được sự chào đón hào hứng của công chúng, đặc biệt là các khán giả nhỏ tuổi bởi câu chuyện nhân văn, đầy ắp tình yêu thương.

Hơn nữa, cách thể hiện cũng mới lạ, kết hợp hài hòa giữa cốt truyện cổ tích với xu hướng sống hiện đại, mang đến sự hấp dẫn, hào hứng cho khán giả, đặc biệt là các em nhỏ.

Ấn tượng nhạc kịch “Bầy chim thiên nga”


Vở nhạc kịch “Bầy chim thiên nga” nhận được sự chào đón hào hứng của khán giả nhỏ tuổi. Ảnh: hanoimoi.com.vn

Sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ trong cả hai đêm diễn vở nhạc kịch “Bầy chim thiên nga” đều kín khán giả, trong đó có quá nửa là khán giả nhỏ tuổi. Các em nhỏ chăm chú theo dõi và vô cùng hào hứng tham gia giao lưu, tương tác cùng các diễn viên trên sân khấu.

Ấn tượng đầu tiên của nhiều khán giả khi xem nhạc kịch “Bầy chim thiên nga” là sân khấu đẹp, hoành tráng, phục trang đầy màu sắc và độc đáo khiến, người xem cảm thấy mãn nhãn. Xem xong vở diễn, khán giả lại đặc biệt ấn tượng khi trải nghiệm qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau…  

Vở nhạc kịch được mở màn với không khí lễ hội khi các hoàng tử hát bài “Đội kèn tí hon” của Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu, các nhân vật khác trong vở diễn nhảy múa với đầy hoa tươi và quả ngọt. Khán giả, đặc biệt là các em thiếu nhi được cười một cách vui vẻ, thoải mái khi chứng kiến sự nhí nhố đáng yêu của công chúa Li-dơ và các hoàng tử ở phần đầu vở diễn, khi tất cả còn đang được sống vui vẻ, hạnh phúc trong sự thương yêu của vua cha. Các em cười thật sảng khoái khi thấy bà tiên xuất hiện với phong cách thật đáng yêu, tay cầm cây kẹo mút to đùng và nhũng nhẽo, ngây thơ, ngơ ngác kiểu rất… trẻ con. Khán giả cũng tức giận khi thấy bà kế hậu (hoàng hậu sau của nhà vua, thực chất là một phù thuỷ) vì ghen ghét với tình cảm gia đình đầm ấm, ghen với tình yêu thương của nhà vua dành cho các con và hoàng hậu đã qua đời, nên đã phù phép, biến các hoàng tử thành thiên nga, khiến nhà vua mất trí, không còn nhận ra công chúa Li-dơ là con gái của mình để rồi đuổi cô ra khỏi cung điện…

Khi xem đến cảnh công chúa Li-dơ phải sống thui thủi một mình trong rừng sâu và không nguôi nhớ về cha, các anh, khán phòng lặng thinh, có người rơi nước mắt vì cảm thương cô công chúa nhỏ. Rồi mọi người lại vui mừng, xúc động khi thấy Li-dơ gặp lại các anh mình sau nhiều ngày xa cách, cảm phục công chúa khi cô phải chịu vất vả, cay đắng để dệt áo tầm gai hóa giải lời nguyền cho các anh…

Một trong những điểm hấp dẫn khán giả, đặc biệt là các em thiếu nhi trong vở nhạc kịch “Bầy chim thiên nga” là những câu nói, trào lưu hiện nay được lồng ghép vào vở diễn, mang lại tiếng cười cho khán giả. Đó là nhân vật Cận Phù - lính hầu của bà kế hậu - quên mất lời hoàng hậu dặn dò, đã bào chữa rằng "Thần mải xem Tiktok nên quên mất". Hay như khi chứng kiến thái độ ngang ngược của một tên lính, nhà vua đã chỉ mặt tên lính và nói: “Có phải hoàng hậu chiều ngươi quá nên ngươi sinh hư phải không”. Rồi khi công chúa bị nghi oan là phù thủy, hoàng tử đã quay xuống khán phòng hỏi: “Công chúa là người tốt hay xấu?”, các em thiếu nhi hào hứng hô to “người tốt ạ”, khiến cho khoảng cách giữa khán phòng và sân khấu trở nên thật gần gũi…

Và không thể không nhắc tới phần âm nhạc - linh hồn của vở nhạc kịch. Trong “Bầy chim thiên nga”, ê kíp thực hiện đã chọn phong cách âm nhạc tự do (free-style), kết hợp giữa âm nhạc cổ điển, âm nhạc đương đại, cụ thể là sự đan cài giữa thanh nhạc, khí nhạc. Cùng với những bản nhạc quen thuộc là những sáng tác mới dành riêng cho các nhân vật như: “Hồ thiên nga” - lời Việt của Nguyễn Tuấn Nghĩa; bài hát “Công chúa” do Lê Hải Nam sáng tác; ca khúc “Tâm sự của hoàng tử” do Lưu Thiên Hương sáng tác; ca khúc “I see the light” - phim “Tangled (Công chúa tóc mây) do Nhạc sỹ Trần Lệ Chiến viết lời Việt; “Giàn hỏa thiêu” do Nguyễn Tuấn Nghĩa sáng tác; “Những bóng ma ở bãi tha ma” do Lưu Hương Giang sáng tác; bài hát “Khúc ca cuộc đời” do Nhạc sỹ Trần Lệ Chiến sáng tác...  

Âm nhạc của vở diễn luôn là những xúc cảm mới mẻ, thể hiện rõ sắc thái tình cảm của từng nhân vật cũng như từng trường đoạn. Khi Li-dơ lưu lạc, nhớ về gia đình và những tháng ngày hạnh phúc, giai điệu bài “Công chúa” vang lên khiến người nghe xúc động. Khi Li-dơ vào rừng hái tầm gai, bài “Những bóng ma ở bãi tha ma” vang lên tạo thêm màu sắc kinh dị cho trường đoạn này… Có thể nói, những bản nhạc trong vở nhạc kịch là chất xúc tác đưa người xem vào mạch cảm xúc của các nhân vật trong vở diễn với những xúc cảm vui, buồn, hồn nhiên, trầm tư, thân thiện, ác độc… và được đẩy lên cao trào khi công chúa bị đưa lên giàn hỏa thiêu… Nhưng cuối cùng cái thiện vẫn thắng cái ác trong hoan ca bằng một lễ hội hoàng cung cùng toàn thể dân chúng mừng ngày đoàn tụ.

Đề cao tình cảm gia đình

Kịch bản nhạc kịch “Bầy chim thiên nga” do Nhạc sỹ, Nhà báo Trần Lệ Chiến, Phó Tổng biên tập Tạp chí âm nhạc (Hội Nhạc sỹ Việt Nam) chuyển thể từ truyện cổ tích cùng tên của Nhà văn Đan Mạch An-đéc-xen, do đạo diễn - Nghệ sỹ Ưu tú Lê Ánh Tuyết thực hiện, cùng với ê kíp gồm các nhạc sỹ, hoạ sỹ, biên đạo múa nổi tiếng tham gia dàn dựng cùng dàn nghệ sỹ, diễn viên tài năng của Nhà hát Tuổi trẻ tham gia biểu diễn.

Nhạc sỹ Trần Lệ Chiến, tác giả kịch bản cho biết, mặc dù dựa theo cốt truyện cổ, nhưng ê kíp thực hiện đã làm mới “Bầy chim thiên nga” bằng cách xây dựng thành một tác phẩm nghệ thuật mang phong cách nhạc kịch, kết hợp giữa thần thoại và hiện thực để các em thiếu nhi có những cảm nhận thú vị từ một câu chuyện tưởng chừng xưa cũ, nhưng lại mang tới góc nhìn mới mẻ, trao cho các em bài học cuộc sống ý nghĩa. Trong vở nhạc kịch có kẻ yếu, người mạnh, có người tốt lẫn kẻ xấu, đặc biệt có công chúa, hoàng tử, bà tiên, phù thủy… là những nhân vật mà các em nhỏ rất thích.

Theo Nghệ sỹ Ưu tú, Đạo diễn Lê Ánh Tuyết, khán giả nhí đến với “Bầy chim thiên nga” không chỉ được đắm mình trong không gian cổ tích, được gặp những nhân vật mà mình yêu thích, mà còn được vui, buồn cùng nàng công chúa Li-dơ và các người anh của nàng. Từ những tình huống của câu chuyện, các em nhỏ sẽ biết phân biệt việc tốt, việc xấu, thêm yêu thương những người thân trong gia đình.

“Vở kịch là một câu chuyện cổ tích có tính nhân văn, gợi trí tưởng tượng phong phú cho khán giả và những bài học trong cuộc sống phù hợp với lứa tuổi các em nhỏ. Đó là tình yêu, sự hy sinh của nàng công chúa xinh đẹp Li-dơ dành cho các anh trai và gia đình của mình. Vở diễn sử dụng nhạc kịch kết hợp thần thoại và hiện thực với nhiều thể loại: nhảy hiện đại, múa ballet, hát..., nhằm truyền tải thông điệp giáo dục nhẹ nhàng, khiến các khán giả nhí dễ hiểu, dễ nhớ”, Đạo diễn Lê Ánh Tuyết chia sẻ.

Với lợi thế của một nhà hát tổng hợp ca - múa - nhạc - kịch, nên trong “Bầy chim thiên nga”, các nghệ sỹ của Nhà hát Tuổi trẻ đã có nhiều đất diễn, bộc lộ được sở trường trong từng phân đoạn.

Trong đó, diễn viên Ngô Lệ Quyên, vai công chúa Li-dơ đưa người xem đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác khi hóa thân từ một cô bé vô tư, hồn nhiên trong sáng đến một cô gái đầy nghị lực, ngoan cường, dùng tâm thiện và tấm lòng từ bi để chiến thắng cái ác. Diễn viên Thu Nga trong vai bà tiên khiến em nhỏ vô cùng thích thú bởi cách vào vai dí dỏm, hài hước và trêu đùa cả khán giả nhí… Diễn viên Phạm Trung Thạch với vai Cận Phù khiến vở kịch có thêm những tình tiết thú vị hấp dẫn…

“Sợi chỉ đỏ” xuyên suốt cả vở nhạc kịch “Bầy chim thiên nga” là câu chuyện đề cao tình cảm gia đình. Cuộc sống sẽ luôn tồn tại những khó khăn, thử thách. Những biến cố trong hành trình đời người lại mang đến cơ hội cho mỗi người tôi luyện bản thân, vượt lên chính mình. Câu chuyện là bài học quý giá về tình yêu thương, lòng nhân ái, hạnh phúc, tự do…, giúp mỗi chúng ta hiểu rằng sức mạnh của tình yêu thương có thể chiến thắng điều ác, lan tỏa điều thiện tâm, làm cho cuộc sống thêm tươi đẹp và có ý nghĩa…

Hào hứng khi xem xong vở diễn, bé Phương Hà, quận Hoàn Kiếm chia sẻ: “Con rất thích xem vở diễn này và muốn được xem lại lần nữa. Con thích nhất công chúa Li-dơ, nhưng con cũng thích cả bà tiên và các hoàng tử nữa, các bạn động vật cũng rất đáng yêu. Và con thích nhất là được chụp ảnh với công chúa và bà tiên trong vở kịch…”.   

Có thể nói, với hơn 1 tiếng diễn ra, vở diễn với những tình tiết vui nhộn, hài hước, nhưng cũng đầy cảm xúc… đã cuốn hút các em thiếu nhi. Vở kịch mang đến nụ cười và cũng đã lấy đi những giọt nước mắt của các em thiếu nhi, đồng thời, mang đến cho các em nhỏ những bài học cuộc sống đầy tính nhân văn. Vở diễn sẽ là “món ăn tinh thần” hấp dẫn dành cho các em thiếu nhi trong mùa hè 2021.

Đến nay, sau hai buổi công diễn với rất đông khán giả, Nhà hát Tuổi trẻ đang phải tạm dừng biểu diễn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Nhưng với những ấn tượng mà vở diễn để lại, nhạc kịch “Bầy chim thiên nga” chắc chắn sẽ “kéo” khán giả trở lại sân khấu ngay khi dịch bệnh được kiểm soát.

----

Phương Lan (TTXVN)

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nhac-kich-bay-chim-thien-nga-duoc-chao-don-hao-hung-cua-cong-chung-a1716.html