Tình quân dân ngày ấy

Mùa xuân này tôi đã qua dấu mốc tuổi lục tuần theo tuổi lý lịch chứ tuổi đúng thì tôi đã hơn một hay hai tuổi gì đó. Ngày mẹ sinh ra tôi, mẹ cũng không nhớ là tôi sinh năm nào bởi mẹ không biết chữ, thành thử không ghi chép lại được. Mẹ chỉ nhớ tôi sinh cùng một năm với từng này đứa trong xóm.

Các bà mẹ đều nói một đáp số rằng thì là tụi chúng tôi tuổi "Chào sáu mốt đỉnh cao muôn trượng". Tuổi Tân Sửu cột vào cái kiếp con trâu. Đã là thân trâu thì phải nai lưng ra mà cày, mà kéo. Ngẫm thấy đời long đong lận đận, vất vả quá trời nên đành lòng với số phận vậy. Qua tuổi 60 đã bước sang tuổi già. Người già thì sống hoài niệm hay nhớ về cái xưa. Muốn được ngồi với những người cùng thời để ôn nghèo, kể khổ. Muốn làm sống dậy những kỷ niệm đẹp, những kỷ niệm của thời thơ ấu, thưỏ cắp sách đến trường và những ngày tháng chăn trâu, cắt cỏ, tắm sông, bắt tôm, bắt cá, buông diều, đánh khăng, đánh đáo,...

d2ad2-1672585726.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

 

Quê tôi, làng Thuyền Quan nhỏ bé nằm bên dòng sông Trà Lý, đoạn cuối nguồn trước khi đổ ra biển qua cửa Trà Lý. Cái tên Thuyền Quan được đặt để ghi dấu mốc ông quan triều đình thời Lê sơ là Quách Hữu Nghiêm, người làng bên đã gửi thác nơi đây. Ông làm đến chức Thượng thư bộ lại kiêm Đô ngự sử dưới thời hai đời vua Lê, là Lê Thánh Tông và Lê Hiến Tông. Sau khi ông đi sứ bên nhà Minh về, vua cho ông về thăm quê bằng chiếc thuyền chạy trên sông. Thuyền về đến làng tôi thì đột ngột bị đắm, ông qua đời ngay tại khúc sông đó. Tình tiết và sự thật về cái chết của ông còn nằm trong bí ẩn. Tương truyền rằng vì ông là người tài giỏi nên khi đi sứ sang Tàu, ông bị những kẻ cận thần của vua nhà Minh tìm kế hãm hại. Hậu thế cũng tin và truyền miệng cho nhau như vậy. Sau khi ông qua đời vua Lê tổ chức mai táng cho ông theo nghi lễ người có công trong triều và cho dựng đền thờ ông trên phần đất nằm bên cạnh ngã ba sông Côn (tên tục là Cun). Làng tôi được mang tên là làng Thuyền Quan từ thuở đó. (Ngày nay là xã Sơn Hà, huyện Thái thụy, tỉnh Thái Bình). Ngôi đền đó có tên là đền Côn Giang. Để ghi nhớ công lao to lớn của danh nhân Quách Hữu Nghiêm - người có công đầu trong việc ngoại giao đi xứ Trung Quốc thời Lê sơ. Hằng năm bà con làng tôi mở hội đền vào ngày mùng 9 tháng 9 âm lịch, đúng ngày mất của ông. Sau này đền Côn Giang được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử quốc gia, được tôn tạo và ngày hội đền hằng năm đã vượt ra khỏi phạm vi làng.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, làng Thuyền Quan bé nhỏ quê tôi như nhiều làng quê khác, là địa điểm đón nhận nhiều đợt các đơn vị bộ đội về huấn luyện trước khi vào Nam chiến đấu. Tôi nhớ, ngày đó tôi còn nhỏ chừng lên 7 lên 8. Năm đó là năm 1969 có đơn vị bộ đội về trọ ở làng tôi để huấn luyện chiến đấu gấp trước khi đi B. Gia đình tôi có hai chú bộ đội trọ nhưng vì còn nhỏ nên tôi không nhớ được tên các chú. Bên cạnh nhà tôi là nhà ông chú họ. Nhà ông chú họ cũng có hai chú bộ đội trọ. Có một chú tên là Hãy. Chú Hãy thường hay bế đứa con trai con nhà chủ, khi đó em mới lên 5 tuổi. Mỗi đợt các chú bộ đội về trọ thì cả làng tôi vui lắm. Tình quân dân thắm thiết. Các bà, các mẹ, các chị rất thương yêu các chú. Tụi trẻ con chúng tôi thì cứ luẩn quẩn bên các chú, xem các chú lau những khẩu súng AK, CKC, K44…bằng những mảnh vải cũ nhưng sạch. Những nòng súng và hộp chứa đạn đen ngòm thường xuyên được lau chùi nên bóng loáng. Ban ngày các chú luyện tập ngoài thao trường. Thao trường là nghĩa địa ở đầu làng. Những nghĩa địa ngày đó chỉ nguyên là đất, mồ mả còn thưa thớt chứ không như bây giờ. Buổi tối các chú sinh hoạt đại đội ở sân kho hợp tác xã. Nội dung sinh hoạt thường là tổng kết sau một ngày huấn luyện, những ưu khuyết điểm của từng chiến sĩ, tinh thần kỷ luật, tính đồng đội… Đặc biệt là ý thức giữ gìn tình quân dân. Tôi còn nhớ người chỉ huy đại đội đứng trước hàng quân đọc dõng dạc 10 lời thề của quân đội nhân dân Việt Nam. Trong đó có một điều tôi nhớ mãi là "không lấy của dân" và người chỉ huy nói mở ngoặc thêm là "không được lấy từ cái kim sợi chỉ của nhân dân".

Tôi nhớ những ngày đơn vị bộ đội đóng quân ở làng thì người dân làng tôi quen với những tiếng kẻng gõ liên hồi trong đêm, biết đó là tiếng kẻng báo động quân. Những tiếng kẻng bất chợt có khi là nửa đêm, có khi là gần về sáng, không có giờ giấc cố định. Khi hồi kẻng vang lên, những tiếng chân của những người lính trẻ rầm rập chạy khắp các ngõ xóm trong làng để ra tập trung ở sân kho hợp tác với thời gian ngắn nhất. Sau đó là những tiếng điểm danh quân trong từng tiểu đội: 1; 2; 3; 4; 5… Có những anh lính trẻ vừa chạy vừa dụi mắt nhưng không hề kêu ca một lời. Tuổi trẻ đang sức ăn, sức ngủ nhưng tình yêu tổ quốc, lòng căm thù giặc và tính kỷ luật vượt lên trên hết. Mỗi lần báo động quân, mẹ tôi thầm thương các anh vì không được trọn giấc ngủ.

Những ngày có các chú bộ đội về trọ nhà dân, tụi trẻ con chúng tôi thường được ăn bánh mì luộc. Sau mỗi bữa ăn chính của các chú bộ đội, các chú thường mang về những chiếc bánh mì luộc áng chừng bằng cái trôn bát B52 (một loại bát sắt tráng men, to hơn bát sứ). Màu bánh mì trắng đục. Có những lần bề mặt chiếc bánh có những chấm đen nhỏ xíu, đó là những con mọt chưa được lọc sạch ra khỏi bột. Thế mà tụi trẻ chúng tôi vẫn nhai nghiến ngấu, ăn ngon lành. Bởi ngày đó được ăn bánh mì làm từ bột mì của Liên xô là điều mong mỏi. Một thời kỳ mà cái ăn chưa đủ nên thứ gì cũng thành ngon. (ngày nay loại bột mì đó chỉ dùng cho chăn nuôi). Tụi trẻ con chúng tôi thường được các chú bộ đội chỉ bảo bài vở những buổi tối học bài khi các chú được rảnh rỗi. Ngày các chú được nghỉ, các chú thường làm những đồ chơi thủ công cho chúng tôi chơi…Ngày đó đúng là tình quân dân cá nước.

Đúng là kỷ luật của Quân đội là kỷ luật thép. Các chú trọ trong nhà dân nhưng rất lễ phép, trật tự, ngăn nắp. Những chiếc chăn cá nhân được gấp vuông vắn đặt giữa đầu giường, những chiếc khăn mặt phơi trên dây, 2 mép chiều ngang khăn trùng khít nhau. Các chú thường quét nhà chủ mỗi khi rảnh nên nhà lúc nào cũng sạch sẽ…

Những năm tháng chống Mỹ, do yêu cầu ở chiến trường cần gấp quân chiến đấu, thành thử mỗi đợt huấn luyện tân binh ngoài Bắc thời gian thường chỉ kéo dài độ 3 tháng. Mỗi đợt kết thúc khóa huấn luyện, các chú phải hành quân bộ để lên đường vào Nam chiến đấu. Giây phút chia tay thật bịn rịn, quyến luyến. Kẻ đi, người ở tình xa cách. Khi đó chúng tôi còn nhỏ chỉ thấy lưu luyến các chú. Những người lớn thì thầm với nhau. Họ bảo rằng: "chia tay, có thể sẽ không có ngày gặp lại nhau nữa". Các chị thôn nữ thì thẹn thùng dúi vào tay các chú bộ đội những vật kỷ niệm nho nhỏ, thường là chiếc khăn mùi xoa thêu đôi chim bồ câu đậu trên cành cây và những dòng chữ: "Nhớ Mãi!"; "Kỷ niệm", "Lưu Niệm"... Người trao, người nhận âm thầm, lặng lẽ và những ánh mắt buồn. Những lần chuyển quân ban ngày thì tụi trẻ chúng tôi được chứng kiến. Khi đoàn quân hành quân dọc làng để đi đến nơi tập trung. Chúng tôi thường chạy bộ theo một đoạn rồi vẫy tay chào tạm biệt các chú. Các chú tươi cười rồi vẫy tay lại như một lời tạm biệt. Có những lần chuyển quân vào ban đêm khi đó tụi trẻ chúng tôi đang say giấc. Sáng ra không thấy ba lô và quân từ trang của các chú còn ở trong nhà mình thì biết rằng các chú đã hành quân đi rồi. Thế là chúng tôi cứ òa lên khóc như một lẽ tự nhiên vậy.

Chiến tranh đã lùi xa 47 năm rồi nhưng ký ức vẫn còn sống động những năm tháng mà ở đó tình quân dân gắn bó mật thiết như cá với nước. Đó là những năm tháng không thể nào quên. Qua trang "TRÁI TIM NGƯỜI LÍNH". Nếu có các chú, các bác nào đã có những năm tháng đóng quân ở cái làng Thuyền Quan quê tôi ngày ấy (nay là xã Sơn Hà, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) còn được may mắn trở về, xin hãy lắng lòng những giây phút, để sống lại những thời khắc không thể nào quên qua bài viết này và gắng sắp xếp thời gian để về thăm lại nơi mà những người dân đã trở thành những người thân của người lính trước khi vào Nam chiến đấu.

Trân trọng!

Tuyên Quang. Những ngày cuối năm Nhâm Dần (1/01/2023)

Trái tim người lính

Phạm Huy Cận

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/tinh-quan-dan-ngay-ay-a17170.html