Lịch sử Việt Nam (Từ tiền sử đến năm 2007) (Kỳ 10)

Trân trọng giới thiệu sách “Lịch sử Việt Nam (Từ tiền sử đến năm 2007)” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành.

Kỳ 10.

Nho sĩ đầu tiên trải qua 3 kỳ thi gọi là khảo khóa, nếu đỗ gọi là Khóa sinh. Khảo khóa được tổ chức vào tháng 4 âm lịch. Tháng 11 Khoá sinh trải qua kỳ thi tiến ích, sau đó trải qua kỳ thi sát hạch do chính quan Đốc học cấp lộ (đạo, tỉnh ) tỉnh duyệt bài. Nếu đủ điểm Khoá sinh sẽ dự kỳ thi hương. Thi hương là kỳ thi liên lộ (đạo, tỉnh). Khoá sinh phải làm và nộp hồ sơ. Hồ sơ có chứng nhận và bảo đảm của chính quyền địa phương, sau đó chuyển về Bộ lễ trước kỳ thi một tháng.

d1abvm1-1672738844.jpg
Khuôn viên của Văn Miếu Quốc Tử Giám-ngôi trường đại học đầu tiên tại Việt Nam. Nguồn: Internet.

 

Thời Hậu Lê thi hương bao gồm 9 trường (9 khu vực): Hải Dương-Sơn Nam, Tam Giang, Kinh Bắc, An Bang, Tuyên Quang, Thanh Hoá, Nghệ An. Người đỗ kỳ thi hương được gọi là Cống sĩ (Hương cống), lấy 1 người, đỗ loại hai được gọi là Sinh đồ, lấy 10 người. Sinh đồ không được đi thi hội. Đỗ đầu thi hương gọi là Giải nguyên. Người thi hương phải trải qua 4 kỳ thi: kỳ 1 thi Tứ thư, Ngũ kinh, kỳ 2 hỏi về chiếu, chế, biểu,viết theo lối biền ngẫu, kỳ 3 làm 1 bài thơ, 1 bài phú khoảng 300 tiếng trở lên, kỳ 4 viết một bài văn rút ra từ kinh sử bàn về giúp nước, cứu đời. Cống sĩ được đi thi hội. Thi hội là kỳ thi lớn (đại tỉ), tổ chức vào mùa xuân. Thi hội trải qua 4 kỳ thi, đỗ được học vị Tiến sĩ. Tiến sĩ được vào thi đình, tổ chức vào mùa thu. Thi đình do vua trực tiếp hỏi để lấy Trạng nguyên trong hàng Tiến sĩ. Không thi đình vẫn xếp loại Tiến sĩ. Năm 1232 thời Trần Thái Tông ban hành học vị Thái học sinh (Tiến sĩ) cho những người đỗ thi hội. Năm 1247 đặt ra học vị tam khôi: Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa cho 3 người đỗ xuất sắc kỳ thi đình. Học vị Thái học sinh tồn tại đến năm 1407 (đời Hồ). Học vị Tiến sĩ có từ năm 1442 đời Lê Thái Tông. Tiến sĩ chia làm 5 bậc:

     1:Trạng nguyên

     2:Bảng nhãn.

     3:Thám hoa (Tam khôi)

     4:Hoàng giáp (Tiến sĩ xuất thân)

     5:Tiến sĩ đệ tam giáp (Đồng Tiến sĩ).

     Kết quả thi từ 1075 đến hết thời Lê Sơ (1527):

Triều đại   Số khoa thi   đỗ Tiến sĩ   Trạng nguyên

     Lý         6                    27               4

Trần     14                  238             12

Hồ         2                    200             1

Lê Sơ     28                  485             20

Cộng      50                  950             47

     Nhìn chung học hành thi cử thời Lý, Trần do ảnh hưởng tam giáo nên còn phóng khoáng. Đến thời Hậu Lê,  Nho gia độc tôn nên khoa cử nặng lý thuyết, coi trọng khoa học xã  hội, coi nhẹ khoa học tự nhiên. Học hành thi cử khuôn sáo, tầm chương trích cú, dẫn lời thánh hiền, nói mà không làm. Nho sĩ được rèn luyện theo đúng đạo đức thánh hiền: nhân, trí, tín, lễ, nghĩa để thi hành đạo tam cương, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Tuy nhiên lối học hành, thi cử khắt khe đòi hỏi kiến thức sâu rộng đã đào tạo nên những danh nhân lỗi lạc cho đất nước như Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi . v. v.

     Chữ viết: Trong thời Bắc thuộc, chữ Hán được du nhập vào nước ta. Khi xây dựng quốc gia phong kiến độc lập chữ Hán thành chữ chính thức trong chiếu,  chỉ, tấu trình, công văn trong công việc hành chính nhà nước.

     Ơ thời Trần, chữ Hán được dùng để sáng tác văn học. Bên cạnh chữ Hán, cha ông ta đã sáng tạo chữ Nôm làm chữ của dân tộc. Đời Hồ chữ Nôm được dùng làm chữ chính thức nhà nước. Sự sụp đổ của Triều Hồ năm 1407 đã đưa chữ Hán trở lại địa vị độc tôn. Đời Hậu Lê, chữ Hán và chữ Nôm đều được sử dụng để sáng tác văn học, viết lịch sử nước nhà. Hai loại chữ song hành đã đưa văn học Đại Việt thời kỳ này thành hai dòng: Văn học chữ Hán và văn học chữ Nôm. Văn học chữ Nôm gần gũi với văn học dân gian. Thời Trần, Nguyễn Thuyên (Hàn Thuyên), Nguyễn Sĩ Cố  sáng tác thơ bằng chữ Nôm. Chữ Hán có thơ của Trần Nhân Tông, Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu, Phạm Sư Mạnh, Nguyễn Trung Ngạn. Văn chương chữ Hán có bài “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn chứa chan tinh thần yêu nước, chí khí căm thù giặc. Khúc khải hòan ca oanh liệt của dân tộc trong trong 3 lần chiến thắng quân Nguyên -Mông là đề tài cảm hứng vô tận cho các nhà thơ chữ Hán và chữ Nôm. Thời hậu Lê, văn học chữ Hán chiếm ưu thế vì đó là chữ của nhà nước, chữ của thánh hiền. Văn thơ chữ Hán phát triển mạnh với các tác gia nổi tiếng như Nguyễn Trãi: “Bình Ngô đại cáo”, “Quân trung từ mạnh tập”, Lý Tử Tấn, Nguyễn Mộng Tuân. Văn thơ chữ Hán chứa chan tinh thần yêu nước, khí phách anh hùng dân tộc. Trong chiến thắng oanh liệt của cuộc kháng chiến chống Minh, “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi là bản “Tuyên ngôn độc lập” thứ hai, sau bài thơ “Thần” của Lý Thường Kiệt. Song văn học chữ Hán đời Hậu Lê dần dần đi vào khuôn mẫu chính thống, đề cao chế độ đương thời, thần thánh hoá nhà vua. Thơ của Lê Thánh Tông và hội “Tao đàn nhị thập bát tú” (thành lập năm 1494) là tiêu biểu của xu hướng này. Tuy nhiên, một số nhà thơ chữ Hán như Nguyễn Trãi, Nguyễn Mộng Tuân vẫn dùng ngòi bút vạch trần sự bất cập của xã hội đương thời.

     Trong các thế kỷ này, văn học dân gian ngày càng phát triển. Lý Tế Xuyên đời Trần đã sưu tầm những chuyện thần thoại, chuyện cổ dân gian tập hợp trong cuốn “Việt điện u linh”. Ca dao, tục ngữ từ nhân dân lao động mà ra và ngày càng phong phú. Văn học chữ Nôm và dân gian thời kỳ này chuẩn bị tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ ở thế kỷ sau, khi nhân dân sử dụng các thể loại này như là một vũ khí chống lại chế độ phong kiến thối nát từ thế kỷ XVI trở đi.

     Các triều đại đã thành lập các cơ quan nghiên cứu, viết lịch sử dân tộc. Nhà Trần lập Quốc sử viện. Nhà sử học lớn Lê Văn Hưu soạn bộ “Đại Việt sử ký” gồm 30 quyển. Sử học triều Hậu Lê phát triển mạnh. Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê viết bộ “Đại Việt sử ký toàn thư” là một bộ sử có giá trị, trong đó có thể thấy bóng dáng bộ “Đại Việt sử ký” của Lê Văn Hưu đã bị mất. Nguyễn Trãi soạn sách “Địa dư chí”, một tác phẩm địa lý đầu tiên xác định rõ cương vực lãnh thổ Đại Việt, nêu lên tài nguyên, sản vật phong phú , những tập quán văn hoá của nhân dân các vùng. Lương Thế Vinh, Vũ Hữu là hai nhà toán học xuất sắc thời Lê đưa toán học nước nhà lên một trình độ mới và được vận dụng vào đời sống sản xuất, trong xây dựng. Lương Thế Vinh viết “Đại thành toán pháp”, Vũ Hữu viết “Lập thành toán Pháp”, hệ thống hoá hình học và số học. Trần Quốc Tuấn viết “Binh thư yếu lược” tổng kết lý luận quân sự, đặt nền tảng cho khoa học quân sự Việt Nam. Kĩ thuật quân sự, vũ khí thời gian này có bước phát triển mới, thuốc súng được dùng để chế tạo hoả pháo. Trần Nguyên Đán say sưa nghiên cứu thiên văn, lịch pháp. Phan Phu Tiên, Nguyễn Trực ngày đêm say sưa khám phá tính dược liệu của cỏ cây làm thuốc chữa bệnh. Nguyễn Trực viết “Bản thảo thực vật toát yếu”,  một công trình lý luận y dược giá trị. Nguyễn Bá Tĩnh viết “Nam dược thần hiệu” nêu lên 580 vị thuốc nam, 3.873 phương thuốc điều trị 184 bệnh.

     Ca múa nhạc cung đình thời Hậu Lê phát triển  với tính nghệ thuật cao. Bên cạnh đó,  nghệ thuật ca múa nhạc dân gian: tuồng chèo, kịch cổ, hát ả đào, Tác phẩm “Hí phường phả lục” của Lương Thế Vinh là tác phẩm lý luận đầu tiên về nghệ thuật kịch cổ, trong đó tác giả nêu lên kinh nghiệm nghề nghiệp, nghệ thuật biểu diễn, ca hát, đánh trống. Trong dân gian thịnh hành nhiều trò chơi dân dã làm phong phú đời sống sinh hoạt tinh thần, rèn luyện sức khoẻ, phục vụ sản xuất, chiến đấu như trò đấu vật, đánh cầu, cướp cầu, đua thuyền, múa rối nước, đấu gậy, đánh đu, chơi cù, luyện võ. Thời Trần ở Thăng Long đã có các đội thể thao chuyên nghiệp.

     Nghệ thuật điêu khắc được cha ông ta sử dụng ngay từ khi mới lập nước, trang điểm làm đẹp các vật dụng và trong kiến trúc nhà cửa, cung điện, đền đài, lăng tẩm, chùa,  tháp . Trên các đồ gốm, đồ sứ, đồ sành, được khắc vẽ mây, sóng nước, hoa sen, hoa cúc, những con vật như rồng, voi, trâu, sư tử, sấu và nhạc công, vũ nữ đang ca múa. Nghệ thuật điêu khắc đời Trần phóng khoáng, khoẻ mạnh và mang tính hiện thực. Các công trình kiến trúc thế kỷ X-XV có qui mô to lớn vượt xa các triều đại trước. Thời Lý xây dựng nhiều chùa tháp. Chùa Giam (Quế Võ-Bắc Ninh) có diện tích 8.400m2, tháp Báo Thiên cao đến 12 tầng (60m). Chùa Diên Hựu (chùa Một Cột) ở Thăng Long là tượng trưng cho hoa sen nở trên mặt nước. Thành Thăng Long thời Lý dài tới 25 km, cung điện trong thành cao tới 4 tầng. Kiến trúc thời Lý chắc khỏe, hoà đồng với thiên nhiên. Thời Hậu Lê xây cung điện, lăng tẩm nhiều hơn, kế thừa kiến trúc Lý- Trần nhưng bắt đầu có xu hướng mô phỏng nghệ thuật kiến trúc Trung Hoa.

Pháp luật : Thời Hùng Vương và An Dương Vương không tìm thấy pháp luật thành văn của những nhà nước đầu tiên này. Hơn một nghìn năm Bắc thuộc, pháp luật phong kiến Trung Quốc được chính quyền đô hộ du nhập vào làm phương tiện thống trị nhân dân ta. Sau khi giành được độc lập, các triều Ngô-Đinh-Tiền Lê chủ yếu dùng uy lực hình phạt để răn dạy và chế ngự tội phạm. Nhà Đinh đặt vạc dầu lớn ở sân  rồng, nuôi hổ dữ để ném kẻ tội phạm vào dầu sôi hoặc cho hổ xé xác. Năm 1002, triều Tiền Lê đưa luật đánh roi và tử hình vào để trừng trị kẻ có tội. Lê Ngọa Triều sai quấn cỏ gianh vào tội nhân và đốt cho chết hoặc thả xuống sông Ninh cho rắn cắn.

     Đến vương triều Lý, pháp luật thành văn của Đại Việt mới được biên soạn. Năm 1042 thời Lý Thái Tông ban hành bộ luật “Hình thư” 3 quyển gồm luật dân sự, hình sự, luật tài chính,  luật hành chính và luật tố tụng. “Hình thư” lần đầu đưa ra khái niệm quyền sở hữu, trong đó khẳng định quyền sở hữu ruộng đất là cơ bản nhất. Luật đưa ra những điều kiện pháp lý cho những bản hợp đồng và việc thực hiện hợp đồng. Luật đưa ra những qui phạm bảo vệ lực lượng sản xuất và bảo đảm quốc phòng. “Hình thư” là bộ luật bảo vệ quyền lợi, địa vị tài sản cho hoàng tộc và quí tộc phong kiến. Pháp luật cho phép chuộc tội bằng tiền (trừ tội thập ác) đã làm cho pháp luật không nghiêm minh, lợi thế tố tụng thuộc về kẻ giầu có. Các hình phạt thời Lý tàn khốc như xẻo thịt, băm xương, chặt chân, tay, ngoài ra còn thêm những hình phạt phụ như thích chữ vào mặt . Hình thư có kỹ thuật lập pháp cao, đạt trình độ hệ thống hoá, pháp điển hoá, đề ra những nguyên tắc trong quá trình tố tụng, khuyến khích khen thưởng những người tố cáo. Pháp luật thời Lý chịu ảnh hưởng pháp luật phong kiến Trung Hoa nhưng cũng chịu ảnh hưởng lớn của tư tưởng Phật giáo nên còn mang sắc thái từ bi. Thời Lý Thái Tông đã cho đặt chuông ở điện Văn Minh để ai có oan khiên đến rung chuông kêu lên triều đình.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/lich-su-viet-nam-tu-tien-su-den-nam-2007-ky-10-a17189.html