Lợi dụng điều này mà một số mặt hàng "cận date" được tung ra thị trường với những chương trình giảm giá, những chiêu trò khuyến mại cho người tiêu dùng, hỗ trợ công nhân khó khăn...mà nếu để ý một chút ngày sản xuất (NSX) và hạn sử dụng (HSD) thì rất dễ nhận ra những mặt hàng còn HSD rất ngắn thậm chí được tính bằng ngày.
Khi tôi đang làm cho một công ty điện tử của nước ngoài, trong mỗi dịp tết đến thường có hai phần quà cho công nhân (một của công ty và một phần của công đoàn) mà chủ yếu là đồ thực phẩm. Tết năm đó có một phần quà (tôi không nhớ là của bên nào) bao gồm dầu ăn, nước ngọt, bánh kẹo, xúc xích và lạp xưởng. Khi đem về nhà một số người mới phát hiện lạp xưởng đã bị mốc xanh, kiểm tra thêm mới phát hiện trừ dầu ăn thì các món quà còn lại HSD còn chưa đầy một tháng. Công ty yêu cầu thu hồi và thay đổi quà nhưng trong 2ngàn phần quà đó thì một số lớn đã theo những chuyến xe để về với gia đình công nhân ở rất xa.
Cái lý, cái tình
Trong lần về thành phố Long Xuyên (An Giang) để thi công cho một công trình, tôi thường tiếp khách tại một quán ăn khá rộng rãi và đẹp. Hôm đó tôi và một người bạn đến quán sau khi xong công việc để ăn tối, thấy nhân viên PR của một hãng bia cũng có tiếng trên thị trường mời chào, chúng tôi đồng ý lấy mấy chai. Nhưng khi uống thấy vị hơi lạ nên xem lại HSD thì hởi ôi là ngày hết hạn, thắc mắc thì nhân viên PR xin phép đổi nhưng chờ mãi vẫn không có nên có thể đoán chắc rằng đó là lô hàng duy nhất ở quán?
Xin gặp quản lý PR cũng không được, cô nhân viên còn bảo là: "còn mấy tiếng đồng hồ nữa mới hết hạn"? Cái LÝ của họ rất đúng, đành vậy, hỏi chủ quán thì nhận được câu trả lời không bán bia đó?
Không muốn làm to chuyện nên chúng tôi thanh toán ra về và tôi cũng không bao giờ tiếp khách ở quán đó một lần nào nữa, thậm chí có người mời tôi cũng yêu cầu đổi chổ khác.
Trở lại câu chuyện công ty điện tử, khi nhận được thông tin quà bị hư hỏng ban lãnh đạo nhanh chóng gửi lời xin lỗi đến toàn thể công nhân và yêu cầu tự tiêu hủy những phần quà không sử dụng được sau khi có đầy đủ bằng chứng để làm việc với bên cung cấp và bộ phận hành chính công ty. Sau đó là thông báo cho công nhân sẻ nhận được một phần quà bằng tiền mặt gấp đôi giá trị phần quà. Còn hứa sẻ điều tra đến cùng nếu có sự thông đồng nào đó, chính cái nhanh chóng của lãnh đạo và xử sự rất TÌNH nên tránh được rất nhiều sự phiền hà không đáng có!
Cái tâm
Tôi từng làm nhân viên thị trường (sale) cho một tập đoàn đa quốc gia về mặt hàng tiêu dùng (loại hàng có HSD) nên cũng quen biết nhiều với nhân viên và quản lý của các nhãn hàng khác. Nhận thấy rất nhiều nhân viên ( không phải là tất cả) của các nhãn hàng vì chạy theo doanh số mà rất hay dùng "chiêu khuyến mãi" đễ "ép" khách hàng nhập nhiều hàng mà không điều tra hiệu quả tiêu thụ trong khu vực. Hậu quả là tồn hàng mất khách, hàng hoá hết "date".
Riêng tôi và một số khác thì không làm vậy mà luôn duy trì địa bàn và phát triển thị trường mới bằng cả cái TÂM. Luân chuyển hàng hóa kịp thời. Cho dù khách hàng thấy có "chương trình" thì muốn nhập thật nhiều để hưởng lợi nhưng khi thấy khu vực đó không thể tiêu thụ hết thì từ chối khéo và giải thích thật chân tình. Vì thế thị trường luôn đủ rộng và phát triển đều đều.
Trong xã hội thị trường hiện nay, dù kinh doanh bất kỳ mặt hàng nào cũng phải từ TÂM dù trên mạng hay truyền thống nhất là thực phẩm. Còn người tiêu dùng cũng nên thận trọng xem kỹ trước khi mua, đặc biệt cần xem ngày sản xuất và hạn sử dụng liệu có phù hợp cho nhu cầu của bản thân và gia đình.
Hãy là một người tiêu dùng thông thái.
Chuyện Quê
Phạm Đình Kỳ
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/can-tet-het-date-va-cai-ly-cai-tinh-cung-cai-tam-a17194.html