Xoay quanh câu chuyện kể dân gian có nhiều dị bản này và tập tục thờ cúng ông Táo của người Hoa, người Việt xưa cũng có nhiều vấn đề để bàn. Đó không chỉ là một hoạt động và diễn xướng dân gian mà còn là một triết luận về văn minh, về một phong tục tập quán văn hoá của người Hoa, người Việt xưa nay. Khi mà hiện nay câu chuyện và “Lý sự Ông Táo”lại trở thành một mô tip (motiv) trào phúng của nghệ thuật sân khấu đang được ưa chuộng. Nhận thức được hết “Cái vì sao có ông Táo?” Và “Cái lý về sự thờ cúng ông Táo này?” Tức là làm sáng tỏ cái “Lý sự” ông Táo để thấy bề sâu của văn hoá phương Đông nói chung và Văn hoá Việt Nam nói riêng.
1/“Cái Lý” của chuyện Ông Táo:
Người bình dân gọi là “ông Táo”, người có chữ nghĩa gọi là “Táo công”, “Táo Quân”, danh xưng theo kiểu sách vở, trong các văn bản cúng đất, cúng đầu năm, thượng lương, nhà mới một cách trân trọng và lễ độ là “Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân “. Táo quân là một vị thần hẳn hoi. Xưng là “quân” vì Trời phong cho Táo làm vua một cõi- cõi Bếp. Đông trù là bếp hướng đông, hướng hành mộc, mộc sinh hỏa, như củi sinh ra lửa. Gọi là Cõi củi lửa- Cõi thủy hỏa ẩm thực… Bếp là công cụ để giúp đỡ cho sự sống nên gọi là “tư mệnh”, Táo giúp cho cái bao tử, cái no đói của con người thì không là vua sao được “Dân dĩ thực vi thiên” cơ mà? “Quân” là cách tôn xưng của Đạo Giáo; cái gì quan trọng, có tính nguyên thủ, bắt đầu... đều xưng là “quân”, như: Đông quân, Nguyên quân là mùa Xuân; Thái Thượng Lão Quân, đứng đầu các vị tiên trên trời, chỉ thua Thượng Đế một bậc; đấng minh quân là vua sáng suốt, hôn quân là vua dốt nát, sai lầm, vô đạo... Táo quân là người làm chủ về lửa trong bếp, chứ không phải lửa trong tự nhiên. Bất cứ một gia đình người Việt nào dù giầu sang hay nghèo hèn, nhà dù to hay nhỏ trong căn bếp của nhà mình đều dành một chỗ trang trọng để đặt một bát nhang thờ ông Táo. Ngoài bàn thờ Ngũ tự gia đường ra thì Táo Quân được thờ như một phúc thần trong nhà, nên ngài còn được tôn xưng là “Định Phúc Táo quân”, hàng năm khuya 22 và rạng sáng 23 âm lịch làm lễ cúng tiễn đưa ông về trời và đến đêm Trừ tịch (đêm 30 tháng Chạp) lại rước ông về cùng với tổ tiên ông bà. Dân gian nhầm câu chuyện bộ ba nhà Táo, một bà cai quản hai ông mà gọi lầm lửa Táo là “bà Hoả”. Thực ra “bà Hoả” là một trong năm bà Ngũ hành Tiên nương (Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ), năm vật chất cơ bản sinh ra từ Thái Cực vũ trụ và Lưỡng nghi Âm Dương tạo ra tất cả thế giới sự vật hiện tượng... cho nên cái gì đốt cháy được đều là lửa, lửa vật chất, lửa của Trời, của tự nhiên, lửa vật lý. Vì sao ngũ hành được gọi là tiên nương, tiên nương có nghĩa là mẹ tiên. Mẹ là nguồn gốc của sự sinh sôi, nảy nở, Mẹ có chức năng sinh sản, phát triển. Cho nên 5 vật chất cơ bản của ngũ hành có chức năng tương sinh, tương khắc, tương thừa, tương vũ; cùng sinh ra, khắc chế, bổ sung, chuyên chở, thúc đẩy nhau để tạo ra thế giới sự vật hiện tượng. Trong y học xem ngũ hành là hiện tượng của 5 cơ năng: Mộc- cơ năng phát động, Hoả- cơ năng phát nhiệt, Thổ- cơ năng bài tiết, Kim- cơ năng hấp thu, Thuỷ- cơ năng tàng trữ. Thế gian xưng gọi là bà Thủy, bà Hoả, Mẹ Đất, Mẹ Đại Ngàn (Rừng già, núi thẳm), Mẹ Tự nhiên... là vì lý do đó. Ví như lòng từ bi, cứu độ, tái sinh của Đức Quán Thế Âm Bồ tát bao la đại hải như lòng mẹ hiền, dù Ngài, theo kinh sách Phật giáo không phải là đàn bà, dân gian vẫn xưng tụng ngài là Phật Bà, vì sự thị hiện của Ngài lúc nào cũng là hình ảnh của một người mẹ hiền từ, trìu mến. Còn có một loại lửa nữa, không nằm trong loại lửa này; “Lửa Tam Muội”(thuật ngữ Phật giáo). Lửa Trời là lửa vật lý, lửa tự nhiên; lửa Tam muội là lửa Tâm lý, lửa vô hình, vô căn. Lửa Tam muội có hai loại: chân Tam muội và hỏa hầu Tam muội, một vương, một bá, chân Tam muội, do từ tu luyện mà có, điều khiển được thì khai mở được các luân xa, còn không điều khiển được thì tẩu hỏa nhập ma thành lửa sân si, lửa ghen ghét, hận thù, điên cuồng... Thái thượng Lão quân đã từng đốt Tôn Ngộ Không bằng lửa ông Táo, lửa bếp lò luyện linh đơn, vẫn không hề hấn gì đối với người có 72 phép thần thông như Tề thiên Đại thánh. Nhưng Hồng Hài Nhi chỉ cần dùng lửa Tam muội từ đan điền (dưới lỗ rún, phải khi chú bé lửa này thật tức giận mới có) thổi cái vèo đại thánh đã mở mắt không ra. Đại thánh dùng nước tự nhiên của Tứ hải Long vương vẫn không trừ được lửa này, cuối cùng phải cầu cứu Bồ tát Quan Âm ở Nam Hải, ngài dùng cam lồ thủy trong tịnh bình để tiêu trừ Tam Muội hỏa (Cam Lộ là nước sương ngọt, là nước miếng, nước bọt của con người tiết ra từ lòng yêu thương, từ bi mới chế ngự được lửa sân hận. Nếu một người nào đó gặp khi cơn giận dữ, thù hận bốc hỏa lên, hãy thử ghìm lại và tự nuốt vài ngụm nước bọt của chính mình thì sẽ thấy lửa giận hờn kia bị dập tắt ngay. Các bạn gặp trường hợp này làm thử ắt sẽ thấy hiệu nghiệm! Hoặc trước khi mở lời sân giận điêu ngoa với ai hãy thử nuốt nước bọt vài lần rồi hãy nói, công hiệu hơn cả uốn lưỡi bảy lần rất nhiều!
Từ thời nguyên thủy, con người đã phát minh ra lửa, tạm biệt cảnh ăn sống nuốt tươi, biết nấu chín đồ ăn, lúc đó người ta chưa biết dùng ba cục đá để kê nồi nên ông táo cũng chưa sinh ra. Khi loài người biết nặn đất làm ra nồi gốm, ấm sứ; biết luyện kim chế tạo ra được xoong chảo thì mới cần ba cục đá để làm ông Táo. Như vậy, ông Táo và việc thờ cúng ông Táo chắc chắn xuất hiện sau thời đại gốm sứ và kim khí của loài người. Dân gian gọi ông Táo là Thần Bếp chứ không phải Thần Lửa. Như vậy, củi lửa là nhiên liệu, còn bếp là phương tiện, làm chín thức ăn là mục đích cứu cánh của cái đạo văn hoá ẩm thực!”. Có thực mới vực được đạo” là đạo lý sống của con người. Không ai, không loài nào không ăn, không hấp thu dinh dưỡng mà có thể tồn tại được. Cho nên ẩm thực là văn hóa chỉ ở con người mới có. Sự khác nhau của con vật và con người là sự khác nhau giữa ăn sống nuốt tươi và ăn chín uống sôi. Chính vì thế bếp trở thành nguồn năng lượng là văn hóa của mỗi gia đình, của mỗi con người. Linh hồn của bếp là ông Táo, là thần bếp. Ngày xưa tất cả những chuyện lớn nhỏ, chuyện đời thường, chuyện bếp núc của gia đình đều được nói với nhau trong bếp. Chính vì thế mà chuyện gì dù có kín đáo lắm của gia đình người ta đều nghĩ rằng ông Táo đều hay. Vì ông Táo là vị thần luôn luôn tồn tại trong nhà. Khi đun củi mà nghe nổ lách tách vui tai thì nghĩ là có điềm lành vì ông Táo cười! Nói như thế để chúng ta thấy ông Táo đã trở thành một nhân vật rất quan trọng, rất thân thiết, gần gũi trong đời sống của mỗi gia đình dù ông táo là một người vô hình. Ông táo là chứng nhân của sự sống. Bước vào nhà ai mà bếp lạnh tro tàn thì cho ta một cảm giác buồn bã quạnh quẽ, thiếu sức sống. Có lẽ nơi ấy thiếu vắng hơi ấm của một người phụ nữ, một người vợ, một người mẹ, thiếu hơi thở thân quen của một gia đình. Người Việt Nam nói ông Táo nhưng trong đầu của họ luôn luôn nghĩ đến hình ảnh của một gia đình có một vợ, hai ông chồng với một câu chuyện cảm động và vô cùng nhân văn.
2/ “Cái sự” của câu chuyện Ông Táo
“Cái sự” là một câu chuyện kể lại, thuật lại công việc, một vấn đề, một sự vật hay tình huống diễn biến nào đó. Từ việc để giải thích cho ba cục đá kê một cái nồi làm cái bếp mà người xưa đã tưởng tượng ra câu chuyện về ba vợ chồng nhà Táo và nó trở thành câu chuyện cổ tích được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Văn học dân gian của Việt Nam có rất nhiều truyện cổ tích. Mỗi câu chuyện cổ tích được đặt ra, kể lại là nhằm để giải thích một hiện tượng tự nhiên, xã hội được truyền tụng lâu đời trong dân gian. Sự tích ông táo cũng vậy, nói là chuyện ông Táo nhưng thực ra trong đó có ba nhân vật; một người vợ và hai người chồng. Truyện tích kể rằng; Thị Nhịcó chồng là Trọng Cao. Tuy vợ chồng ăn ở với nhau rất yêu thương, gắn bó nhưng mãivẫn không có con. Vì vậy, dần dần giữaTrọng Cao và Thị Nhị hay xảy ra xô xát, Trọng Cao hay dằn vặt vợ.
Một hôm, chỉ vì một chuyện cãi vã, Trọng Cao gây thành chuyện lớn, đánh Thị Nhịvà đuổi đi. Thị Nhị bỏ nhà, lang thang đến một xứ khác và sau đó gặp Phạm Lang, được Phạm Lang yêu thương và lấy Phạm Lang làm chồng. Về Trọng Cao, sau khiThị Nhị đi rồi thì chàng rất ân hận. Vẫn còn rất yêu thương vợ, Cao lên đường tìm kiếm vợ.
Trải qua nhiều ngày tháng, tìm mãi đến hết gạo hết tiền, Cao vẫn chưa tìm được vợ nên chàng thành kẻ xin ăn dọc đường.Cuối cùng may mắn đã đến với Cao khi chàng xin ăn đúng vào nhà của Thị Nhị và thị đã nhận ra đúng người chồng cũ của mình. Nàng mời vào nhà và nấu cơm mời Cao. Đúng lúc đó thì Phạm Lang trở về, Thị Nhị sợ chồng nghi oan, nàng dấu Caodưới đống rơm sau vườn. Chẳng may, đêm ấy, Phạm Lang nổi lửa đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng. Thấy lửa cháy, Nhị lao mình vào cứu Cao ra. Thấy Nhị nhảy vào đống lửa, Phạm Lang thương vợ cũng nhảy theo. Cả ba đều chết trong đám lửa.
Thượng Đế thương tình thấy 3 người sống có nghĩa có tình nên phong cho làm vua bếp hay còn gọi là Định phúc Táo Quân và giao cho người chồng mới là Thổ Công trông coi việc trong bếp, người chồng cũ là Thổ Địa trông coi việc trong nhà, còn người vợ là Thổ Kỳ trông coi việc chợ búa. Không những định đoạt may, rủi, phúc họa của gia chủ, các vị Táo còn ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ vào thổ cư, giữ bình yên cho mọi người trong nhà.
Đó chỉ là một câu chuyện cổ tích, câu chuyện cổ tích này đã hóa thân vào trong nền văn hóa của dân Việt và trở thành tín ngưỡng bái thần. Với người Việt xưa, bất cứ một cái gì có liên quan đến sinh mệnh và cuộc sống của con người đều được siêu nhiên hóa, thần thánh hóa và được tôn thờ; thần lửa; thần cây; thần đất, thần núi, thần nước…đều được tôn thờ một cách trân trọng.
3/ Từ tục đưa rước ông táo đến việc sân khấu hóa câu chuyện Táo quân
Người Việt xưa cho rằng đêm 22 rạng ngày 23, tháng chạp âm lịch hằng năm Táo quân sẽ cưỡi cá chép về thiên đình để chầu trời, tối 30 thì về lại trần gian với các vị thần hành khiển mới. Nên nhà nào cũng đặt bàn hương án với hương đăng thanh trà, hoa quả, áo mão, hia đai, tranh cá chép, gậy mía để đưa ông Táo về trời. Gia chủ lúc nào cũng khấn xin ông Tao đừng tâu lại những chuyện sai lầm của nhà mình với trời đồng thời cũng xin trời phù hộ phúc đức cho gia đình được bình an, làm ăn phát đạt. Ông Táo nghiễm nhiên trở thành sứ giả kết nối giữa người trần gian với Thiên Đình. Chuyện này cũng có một dị bản rất thú vị mà tôi được đọc khi còn bé trong quyển Chân lý của Minh Đăng Quang, tôn sư của hệ phái Phật giáo Khất sĩ Việt Nam. Ngài Minh Đăng Quang cho rằng tục lệ đưa rước ông Táo có từ thời người Mãn Thanh cai trị Trung Nguyên ở Trung Hoa. Bọn quan lại địa phương hình hài đen đúa, dân ghét gọi là táo, lại có thói tham lam, hay mách lẽo, vơ vét của cải làm cho nhân dân vô cùng ta thán. Bọn chúng lập ra cái lệ cứ vào ngày 23 tháng Chạp thì về chầu vua ở triều đình, cho nên các địa phương mỗi gia đình phải lập bàn hương án để tiền bạc, quà cáp cho chúng mang về nộp cho các quan trên và cho triều đình. Nhà nào không dâng lễ nạp cống thì khó mà bình yên. Bọn chúng lợi dụng lệ này mà vơ vét của cải trong dân chúng. Cảnh này, xã hội ta cũng có, khi mà cơ chế xin cho còn thịnh hành, hối lộ, tham nhũng và đút lót lại quả còn chưa được kiểm soát thì hàng năm văn bản cấm các địa phương về trung ương trao quà cáp của Chính phủ vẫn hằng được ban ra. Bức xúc từ những tệ nạn ấy mà hằng năm, sân khấu nghệ thuật Việt Nam đều có tiết mục Táo quân chầu trời. Tiết mục nhỏ thì có Sớ Táo quân, tiết mục lớn hơn thì sân khấu hoá thành kịch bản hấp dẫn thu hút được sự quan tâm của khán thính giả cả nước. Táo quân trong những vở diễn này không còn là táo của từng nhà mà là táo của các ban ngành cả nước. Nó trở thành những vở kịch trào phúng, hài hước, dí dỏm, tạo nên những tiếng cười sâu sắc mỉa mai, châm biếm vào những thói hư tật xấu của xã hội, ít nhiều nó cũng đóng góp vào việc điều khiển và hình thành những thái độ hành vi đúng đắn, có văn hóa cho con người, cho một tổ chức, cộng đồng xã hội…
4/ Ứng xử của người hiện đại với phong tục này
Từ câu chuyện cổ tích, phong tục thờ cúng thần bếp, đưa rước ông Táo cho đến bài vè Sớ táo quân và sân khấu hóa kịch bản Táo quân chầu trời… Cho thấy sự sáng tạo văn hoá nghệ thuật của người Việt rất phong phú. Táo quân chầu trời hoặc Sớ Táo quân không có trong văn hóa Trung Hoa và các nước phương Đông khác.
Ngày nay dù cuộc sống đã được hiện đại, công việc bếp núc, văn hoá ẩm thực cũng đã được thay đổi và cập nhật rất nhiều nhưng câu chuyện cổ tích Táo quân và tục lệ thờ cúng, đưa rước ông Táo vẫn luôn luôn tồn tại trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người Việt. Với sân khấu, Táo quân không còn là một vị thần mà đã trở thành một người bạn thân thiết, đồng cảm, nói tiếng nói của nhân dân đối với các cấp quản lý xã hội, phần nào cũng góp phần điều chỉnh thái độ, hành vi văn hóa cho toàn xã hội để cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
Một phong tục đẹp, một tín ngưỡng đáng trân trọng và một nền văn hóa nghệ thuật đáng được ưa chuộng như thế thì mỗi con người hiện đại chúng ta không nên bỏ qua và xem thường.
Hội An, Tháng Giêng 2023 - HD
Huỳnh Dõng
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/ly-su-ong-tao-a17208.html