Thờ cúng gia tiên và tổ tiên 

Có hai cấp độ thờ cúng: Gia tiên và Tổ tiên. Thờ cúng là thỉnh vời, giao tiếp với thế giới tâm linh : tỏ lòng hiếu kính và cậy nhờ thần lực của cõi âm, phù trợ cho sự an lạc của cõi dương “âm phù, dương trợ”. Đặc trưng của thờ cúng là hương đèn. Bởi cõi âm là tối, là lạnh; hương đèn là sáng, là ấm, để hoà hợp âm dương.

chua-lang-1672928598.png
Toàn cảnh hướng tây nam mặt tiền của Chùa làng Trung Kính hạ.Trần Minh Hải chụp 15h22 ngày 3/1/2023

1-THỜ GIA TIÊN 
-Gia Tiên: Là những bậc tiền nhân đã khuất trong gia đình, bao gồm 4 đời: cha mẹ, ông bà, cố, can (cụ, kỵ). Gọi theo Hán tự là: cao, tằng, tổ, khảo! Nếu chỉ thờ cha mẹ, cũng được gọi là thờ Gia tiên; được thờ tại tư gia của người con trai trưởng, có trách nhiệm kế tự. Và cả nhà các con trai thứ, thờ vọng cha mẹ.
-Nếu nhà thiếu con trai kế tự, thì vợ chồng con gái, cùng cháu, chắt, chít ngoại, thay nhau thờ cúng tại chính tư gia bên ngoại. 
-Việc thờ cúng, nhất thiết phải có bàn thờ, hoặc tủ thờ vững vàng, trang nghiêm, không dùng trang thờ, treo lưng lững, thiếu tôn nghiêm, tán khí
-Trên bàn thờ được đặt ở trung tâm trong cùng Bài vị, ngoài cùng lư hương. Trong thờ cúng, Lư hương như “ngôi nhà” chính của âm, nên luôn để cố định, hạn chế xê dịch. Mỗi năm, chỉ dọn quang Lư hương một lần, vào dịp cuối năm (từ 23-30 tháng chạp). Nhưng phải chừa lại một ít chân hương cũ, để tiếp nối, tránh thay đổi khác biệt. Bài vị, là thẻ để thờ, bằng giấy hoặc bằng gỗ mỏng, trên đó ghi thông tin vắn tắt nhất về người đã khuất. Long vị, theo dân gian, người chết qua ba đời, đã siêu thoát, hoá rồng! Nên Bài vị được chuyển đổi thành Long vị hay gọi là Long ngai-tựa như hình ngai vàng Vua Chúa
-Những vật dụng, lễ vật khác, được sắp đặt theo quy tắc như sau:
+Ảnh thờ (nếu có), đặt hai bên Bài vị theo vị trí: “nam tả, nữ hữu” (nam trái, nữ phải), định vị từ bàn thờ đứng nhìn ra.
+Lễ vật: Trầu cau, trà, rượu, tiền vàng đặt ở giữa, trước bài vị, sau lư hương. Có thể đặt riêng từng lễ vật hoặc đặt chung trên mâm Cỗ Bồng. Ngoài ra, hoa quả được đặt hai bên,  theo quy tắc “tả bình, hữu quả”. Nếu nhà hướng nam, gọi là: “đông bình, tây quả”.
-Hành lễ: Mọi hoạt động thờ cúng, đều vận hành theo thuyết âm, dương:
+Chủ lễ, phải là đàn ông (thuộc tính dương), để đối với âm. Đàn bà thuộc tính âm, nên chỉ thắp nhang hoặc chắp vái, chứ không làm chủ lễ (trừ trường hợp đặc biệt).
+Thắp hương: Theo triết lý phương đông, số số lẻ là dương, số chẵn là âm. Khi cúng, dùng số dương để đối với âm. Nên thắp hương phải là số lẻ (1,3,5,7,9). Tuỳ mức độ lễ trọng mà tăng số lượng hương (nhang).
+Bái lạy: phải dùng số dương (số lẻ). Với gia tiên là 3 vái, với Tổ tiên, Thần, Phật là 5 vái.
2-THỜ TỔ TIÊN
-Tổ Tiên: Là những bậc tiền nhân trong Gia tộc đã khuất, từ đời thứ 5 trở về trước, được nhập tự thờ chung, gọi là thờ Tổ tiên, được thờ tại Từ đường gia tộc. Tuỳ hoàn cảnh từng họ, mà Từ đường có kiến trúc khác nhau. Khác biệt với thờ Gia tiên, bàn thờ Tổ tiên, thay Bài vị, Long ngai bằng Khám thờ (Cỗ khảm). Khám thờ khác ngai thờ, có dạng hình vuông hay chữ nhật, khắc chạm rèm rũ phía trước
-Hoạt động thờ cúng, ngoài bậc Thuỷ tổ hay Thần Tổ, thường có ngày tưởng niệm riêng (ngày giỗ), còn tất cả, thay giỗ bằng cúng rằm tháng bảy (có thể cả rằm tháng giêng). Hương khói, vái lạy Tổ tiên, cũng cũng tương tự thờ Gia tiên, nhưng cao hơn một bậc. Thường là 5 vái lạy và thắp hương 5 nén, trở lên!
Lưu ý: Nơi thờ Tổ tiên (cả gia tiên), kỵ nhất là có đòn dông hoặc dầm nhà, án ngự, trực chỉ trên đỉnh Khám thờ và Lư hương chính. Cũng như kỵ cả việc rước vong linh người chết, chưa đủ 4 đời, vào thờ chung với Tổ tiên (Bài viết của Ts. Nguyễn Quang Cương)./.
THẦN TÀI 
Tín ngưỡng của người Tàu có các loại thần tài, trong đó có 5 ông mang tên 5 màu của Ngũ hành: Bạch Thần Tài-mệnh Kim, Thanh Thần Tài-mệnh Mộc, Hắc Thần Tài-mệnh Thủy, Xích Thần Tài-mệnh Hỏa, cuối cùng Hoàng Thần Tài-mệnh Thổ là thủ trưởng của 4 ông kia. Tùy mục đích cụ thể mà gia chủ chọn một ông để thờ. Mấy vị sau đây được người Tàu thờ nhiều nhất. 
1-Bạch Thần Tài, còn gọi là Bạch Tinh Quân hay Kim Thần. Ông này mặt trắng râu dài, tay cầm thỏi vàng, tay cầm quyển sách với 4 chữ Chiêu tài tấn bảo. Ổng có trách nhiệm phù hộ cho gia chủ phất lên nhanh chóng, nhất là người máu me cờ bạc, đỏ đen. Ổng là hóa thân của tướng Phạm Lãi, thời Xuân Thu Chiến Quốc. Sau khi phò Việt Vương Câu Tiễn, Phạm Lãi giải ngũ đi buôn. Phất lên cực nhanh, ông không những giàu nứt đố đổ vách mà còn tán tỉnh được cả nàng Tây Thi sắc nước hương trời. Ông đúc kết được 18 nguyên tắc kinh doanh hết sức quý giá, lưu truyền đến tận bây giờ.
2-Hoàng Thần Tài, còn gọi là Thần tài Âm Phủ. Ông này mặt đen râu rậm, đít cưỡi con cọp đen, tay cầm roi, đầu đội mũ ống ghi 4 chữ Nhất kiến phát tài, có biệt tài phù hộ cho gia chủ làm nghề kinh doanh bất động sản. Ổng là hóa thân của Triệu Công Minh, đời nhà Thương.
3-Thần tài Lưu Hải đẹp trai, trẻ măng, tay cầm dây ngũ sắc buộc vào con cóc 3 chân, vai đeo dây buộc những quả trứng trắng trắng và nhiều đồng tiền vàng vàng. Ổng chuyên ngành phù hộ cho gia chủ phúc lộc trường tồn, giàu sang phú quý truyền đời. Người Tàu coi con cóc là biểu tượng của vốn liếng rủng rẻng, giàu có truyền đời, vì chữ cóc đọc là thiềm, đồng âm với chữ tiền. Ổng là hóa thân của Lưu Hải, con trai của Lương Thái Tổ (907-926), người phát minh ra kỹ thuật đúc tiền và thuật luyện quặng vàng thành linh đơn trường sinh bất tử.
4-ở các đền chùa Chợ Lớn, tôi hay gặp hình tượng hai cô gái, một cô cầm bó hoa sen hoặc bó lúa, một cô bưng cái hộp-đó là Hòa Hợp nhị tiên. Cặp nữ Thần Tài này có khả năng phù hộ cho gia đình hòa thuận và buôn bán thứ gỉ gì gi cũng thành công tột bậc. Chả là, ngày xưa ở bên xứ Tàu có hai chị em tên Hòa và Hợp, buôn bán thứ hàng gì cũng 1 vốn 10 lời. (Hữu Thọ mới)
 

Trần Minh Hải

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/tho-cung-gia-tien-va-to-tien-a17222.html