Ba Răng Vổ bám sát địch sẵn sàng chiến đấu. Tôi sách súng bò ra cửa hang. Quân Mỹ đến gần cửa hang nghỉ và ăn trưa. Ba bảo tôi đi vào, chỉ mình Ba ở ngoài, thập thò dễ lộ.
Một Trung đội Mỹ theo đường dông lên đỉnh hang, nơi chúng tôi đang trú ẩn. Sau bữa ăn, mấy tên Mỹ phóng uế xuống kẽ hang; phân Tây rơi cạnh chỗ chúng tôi.
- Chu cha, chúng ăn cái chi mà thúi hung!
Chúng tôi lại bò lui ra. Quân Mỹ ở lỳ đó mãi tối mới rút ra ngoài đồi sim, cách cửa hang 300m triển khai tìm chỗ nghỉ.
Chúng tôi lại về chỗ cũ. Chị du kích lấy thùng đại liên mở ra, còn mấy túi gạo sấy ném cho mỗi người một gói. Ba cảnh giới cửa hang, tôi nằm bên Lợi vấn thuốc hút.
Chị du kích tên Hạnh cho Lợi thêm mấy viên kháng sinh bảo:
- Chịu khó uống luôn đi.
- Em sợ cái chân sau này không được như cũ.
- Không hề chi đâu, phần mềm mà. Sau này có điều kiện muốn tìm tôi thì cứ về Hòa Mỹ hỏi nhà Bảy Hạnh, có anh trai là Sáu Vệ. Chông tui đi kháng chiến, làm việc ở Ủy ban huyện Đại Lộc, bị địch bắt bỏ bao bố đem vứt xuống đập Vĩnh Trinh tháng 2/1968. Chị Bốn cũng hy sinh còn anh Sáu Vệ làm cơ quan trên tỉnh. Bây giờ tôi làm Xã đội trưởng Lâm Đông.
Ngày 11/3/1971, quân Mỹ ở đồi sim. Ba bò ra chỗ bọn địch ăn trưa hôm qua tìm chiến lợi phẩm; nhặt được ít đồ hộp, địch ăn dở hoặc còn nguyên đều lấy hết. Một tên Mỹ phát hiện thấy Ba, bắn một loạt đạn tiểu liên và kêu “Vixi, Vixi”.
Bọn địch nhổn nháo. Chỉ một lúc chúng ném một quả hỏa mù màu da cam làm tín hiệu cho máy bay L19 đang trinh sát bắn đạn khói xuống đỉnh hang. Hai chiếc phản lực A6 lượn vòng lại bổ nhào quăng bom, 2 quả trúng đỉnh hang. Tiếng nổ nghe ắc ắc, khói bụi cấn cát xộc xuống. Chị du kích nói, ngồi xổm hai tay ôm lấy ngực, ngậm miệng lại kẻo cắn lưỡi. Tôi ôm Hai Lợi, ngồi sát thành hang. Liên tiếp những đợt bom quăng xuống, khói đặc hầm. Máy bay đi rồi, hàng trăm quả pháo từ các trận địa bắn đến…
Đội bom, hứng pháo thế này không khác Tôn Ngộ Không trong lò bát quái. 10 giờ trưa, khi hỏa lực ngừng bắn phá, quân Mỹ từ đồi sim hè nhau tiến lên.
Chị Hạnh chui vào ngách lấy ra khẩu súng máy, loại trung liên 30ly của Mỹ với 2 dây đạn đưa cho tôi. Tôi bảo chị ở trong này với Lợi, bên ngoài mặc tôi với Ba Răng Vổ.
Phía ngoài cửa hang bom đánh, cây đá ngổn ngang; thuốc bom cay làm hắt hơi chảy nước mắt. Tôi và Ba mỗi người ở một bên cửa hang. Tôi tìm chỗ đặt súng máy, ngắm bắn ra được tới đồi sim quân Mỹ đóng mà ở ngoài bắn vào thì khuất.
Một Đại đội Mỹ đến cửa hang cách 100m, chúng đặt 2 khẩu súng máy Trung liên 30 bắn vào hang. Đạn M79, M72 và đạn súng máy va vào hang đá nổ chói tai. Tốp đi đầu hơn 10 tên, đeo mặt nạ phòng độc, mặc áo giáp; lúc này hỏa lực Mỹ ngớt bắn. Hai tên Mỹ trèo lên chỗ đá lổng cổng. Tôi ngắm mũi súng AK giữa bụng một tên nảy cò và bắn tiếp tên thứ 2. Hai tên Mỹ ngã lăn xuống kẽ đá kêu như bò rống. Tôi bắn tiếp quả đạn M72 vào đám quân Mỹ. Vầng lửa nhoàng lên, chúng hè nhau chạy ra xa, gọi phi pháo bắn tiếp. Chúng tôi chúi dưới gầm hang chịu trận.
Hỏa lực dứt, quân Mỹ lại vừa bắn vừa xông lên. Ba ra cửa hang thấy một tốp lính Mỹ bò lên kéo xác đồng đội liền bắn một quả đạn M79 giết chết 4 tên, số còn lại chạy xuống đồi sim. Tôi đặt trung liên Mỹ ngắm bắn đuổi, 4 tên Mỹ gục ngã rải rác, rồi tôi bắn xả vào đồi sim hết một băng đạn.
Ngày 12/3/1971, quân Mỹ không tiến công bằng bộ binh mà dùng 3 xe tăng M113 dàn hàng ngang, quay nòng pháo và súng 12 ly 7 bắn vào cửa hang theo kiểu cầm canh suốt một ngày.
Ngày 13/3/1971, Tiểu đoàn quân Pắc Chung Hy số 7 được 10 xe cam nhông chở từ quận Ái Nghĩa lên khu chiến tiếp sức cho quân Mỹ. Trên dãy Đồi Sim liên quân Mỹ - Nam Triều Tiên đông như kiến cỏ. Súng cối quân Nam Triều Tiên bắn vào cửa hang, trên hang nhiều như vãi ngô, gieo mạ. Chúng tôi nghĩ, không khéo nằm chờ chết thôi mất.
9 giờ ngày 14/3/1971, sau đợt hỏa lực bắn, một Đại đội quân Pắc Chung Hy tiến vào, tốp đi đầu một Trung đội đang bò trên những hòn đá cách cửa hang 30m. Ba bấm quả mìn định hướng Cờ-lê-mo M16, làm quân địch lăn cả xuống kẽ đá, chết và bị thương một số tên. Chúng bỏ chạy. Khẩu trung liên 30ly của tôi bắn quân địch thất điên bát đảo. Chúng bỏ chạy hết ra đồi sim mặc thằng chết và bị thương.
Ba Răng Vổ bò ra lượm súng và lựu đạn, tiêu diệt tiếp những tên bị thương. Tôi bò ra cửa hang tiếp sức cho Ba khuân chiến lợi phẩm vào hang. Chị Bảy Hạnh kêu: Chu cha! Nhiều súng đạn thế này, địch tấn công tha hồ sài.
Đêm nay chắc được ngủ yên, quân địch cũng hết hơi rồi. Chị Hạnh bảo, mọi người ngủ đi để chị gác cho. Ba theo ra cửa hang, nằm nghỉ ngay bên chị cho đỡ sợ.
Lúc này là 20 giờ tối ngày 14/3/1971, trong hang tối om. Tôi châm thuốc hút, Lợi bảo cho em hút chung với. Tôi bảo mệt nhọc thế này còn chung chạ làm chi. Lợi “ứ”, rồi ngậm miệng vào miệng tôi để nuốt khói.
Ngày 15/3/1971, chúng tôi vẫn nằm trong hang ăn dè đồ hộp, hút thuốc salem của Mỹ. Ba Răng Vổ kêu:
- Tức thiệt! Ta cứ ở hang thì không biết bữa mô Liên quân Mỹ - Nam Triều Tiên mới rút. Mà ta thì thương binh, cái ăn đạn dược thiếu, liệu cầm cự được bao lâu, chả lẽ Mỹ lại tiếp tế cái ăn cho ta nữa sao!
Hai Lợi nói:
- Không hiểu sao từ hồi hôm đến giờ khu chiến yên tĩnh, không máy bay pháo bắn gì cả. Theo tôi thì tụi Mỹ nè hễ có động là chúng lui liền đó.
Chị Bảy Hạnh bàn:
- Đêm nay hai cậu đi tập kích nghe, ở đây tụi tui lượm được mìn cờ-lê-mo, đạn M79, M72; đem theo khẩu súng trung liên 30 của Mỹ đi mà sài.
Đêm ấy, tôi đem súng máy và 2 quả đạn M72. Ba đeo 2 quả đạn rốc két trên lưng, tay sách súng M79 và 2 quả mìn cờ-lê-mo M16.
Lúc 2 giờ đêm rạng ngày 16/3/1971, trong lúc quân Mỹ lơ là cho rằng Việt Cộng không đủ sức tấn công, chúng tôi bò ra khỏi hang luồn lách, ém sát quân Mỹ. Ba bò sát lều bạt đặt mìn cờ lê mo quay vào rồi kéo dây ra ngoài đưa đầu dây cho tôi.
Ba bảo: “Anh cứ ngồi đây em vào đặt một quả nữa”. Đến lều bạt thứ 2, Ba cũng đặt chót lọt. Sau đó chúng tôi bố trí dãn cách nhau 30m để hỏa khí phân tán, hỏa lực tập trung, bớt thương vong. Tên Mỹ gác thỉnh thoảng lại dộng quả pháo sáng tay, cạch M79 ra xung quanh. Bọn Mỹ nhát đến nỗi con chuột chạy cũng ném lựu đạn theo.
Ba bấm mìn cờ lê mo và tôi cũng bấm. Hai tiếng nổ liên hồi, tiếp đến chúng tôi bắn rốc két vào các nhà bạt. Ba bắn đạn M79 cấp tập một lúc. Tôi bắn hết một dây băng đạn súng máy, khiến quân Mỹ nhốn nháo, la lối om sòm.
Lúc này là 3 giờ 15 phút rạng ngày 16/3/1971. Ba Răng Vổ nói:
- Anh vô hang đi, trong lúc quân Mỹ bị đánh, đang còn nhốn nháo, hoang mang dao động, tôi mở đường máu quá giang cầu binh cứu viện.
Ba nói xong lủi mất vào màn đêm.
Tôi chạy đến cửa hang, trời sáng trăng suông. xác Mỹ và quân Nam Hàn chết nằm ngược xuôi chắn lối. Tôi tránh bên này, nhảy bên kia, trượt chân ngã đè vào xác chết dưới hộc đá.
Tôi buột miệng kêu khổ. Chị Bảy Hạnh ở cửa hang thấy vậy bò ra bảo:
- Cậu đưa súng đây tôi giúp.
Nói rồi chị kéo tôi khỏi hục đá. Tôi vào hang nói lại tình hình cho 2 người nghe. Chị Bảy giục tôi tranh thủ ngủ để chị gác cho.
Ngoài hang, pháo cối bắn không ngớt; máy bay C130 thả đèn dù, trực thăng nối đuôi nhau bắn rốc két, đại liên; lửa cháy, khói mù, tiếng nổ đinh tai nhức óc. Chiếc B57 cứ mỗi vòng lượn lại quăng một quả bom xuống.
8 giờ sáng 16/3/1971, 12 chiếc CH46 loại sâu đo từ Ái Nghĩa bay lên đỗ suống đồi sim hót quân và lấy tử sĩ. Chị Bảy hạnh nói:
- Chúng ta ít người, sức đã kiệt, nước sông không động nước giếng. Chúng tấn công vào thì đánh, không thì thôi.
Quân Mỹ - Hàn đặt 2 khẩu súng máy nhằm vào cửa hang, nhưng không nổ súng, rồi cho quân lên nhặt xác. Đến trưa thì liên quân Mỹ - Hàn bốc đi hết. Chiến trường im lặng tưởng đến dễ sợ.
Một chiếc Mô Hốc trên trời xanh dẫn đường cho B52 rải bom sát dọc chân rừng. Mấy tốp B52, thay nhau ném bom, trời long đất chuyển, tiếng nổ liên chi hồ điệp làm sặc sụa khốn cùng. Chị Bảy nói:
- B52 dải thảm tức là không còn quân Mỹ; mới có hơn một tuần mà khác chi địa ngục Ngũ Hành Sơn.
11 giờ trưa 17/3/1971, tôi và chị Bảy bò ra khỏi hang nắm tình hình địch. Trèo lên đỉnh núi nhìn ra đường 14, liên quân Mỹ - Hàn đã rút hết. Một số gò đồi ven đường 14, quân Ngụy vẫn đóng rải rác, từng tốp lang thang trên đường. Kiểu này vẫn chưa có lối thoát. Chị Bảy hạnh bảo:
- Thôi cứ dô hang đợi Ba Răng Vổ quay trở lại, tiến thoái ra sao hãy hay. Cô cậu vượt sông lúc này sẽ bị chúng bắt sống.
Lại nói Ba Răng Vổ, lúc 3 giờ đêm rạng sáng 16/3/1971 phá vây, đơn thương độc mã rúc bụi, chui rừng, quanh quẩn lúc lâu thế nào lại đi vào trại quân Mỹ gần đường 14.
Tiến thoái lưỡng lan, một liều ba bảy cùng liều, chạy mãi. Trời tối nhìn không rõ, không biết hướng, đạp vào quân Mỹ đang ngủ, đụng vào nhà bạt. Quân Mỹ sị sộ, chẳng hiểu ra sao, cũng không bắn. Ba lại chạy, giẫm vào một khẩu AR15 liền nhặt lấy rồi đeo súng M79 sau lưng, tay cầm AR15 chạy khỏi trại Mỹ.
Lạc hướng, Ba đi mãi về khe E Che, không biết đi đâu liền chui vào bụi ngủ đến trưa mới dậy. Ba leo lên cây quan sát, xa mé rừng bên kia suối có một cái trại nhỏ. Ba tụt xuống khỏi cây đi kiếm đạn M79 và đạn AR15 đeo khắp người và tìm đến một nhà dân.
Ba ngồi trong bụi cây quan sát; rất lâu sau mới thấy một người đàn ông từ trong nhà đi ra, tay cầm dựa, sách súng AR15 đi vào rừng. Ba trong tư thế sẵn sàng chiến đấu kêu:
- Bớ chú! cho con hỏi thăm chút.
Người đàn ông dừng lại ngơ ngác hỏi:
- Anh mần chi? Ở mô tới?
Chuyện dài lắm. Rồi Ba kể vắn tắt chuyện chiến đấu vừa qua.
- Chu cha, nghe mà ớn luôn đó, giờ tính răng? Hay mi muốn quá giang tìm người cứu nguy cho mấy người mắc kẹt trong hang? Nhưng suốt dọc đại lộ 14 cả triền sông hầu như đều có địch, để tôi dò thử coi.
- Ủa, sao có mình chú ở đây, còn mọi người đâu?
- Còn ai nữa, chết hết rồi. Mấy keo Mỹ càn, Ngụy lùng bắn dần hết. Ta đến chốn này náu ít bữa, địch rút lại dề. Mấy năm ta dùng khẩu súng này nhiều lần giết chết Mỹ ngụy kể có đến vài ba chục tên. Hết đạn lại kiếm sài, đủ thì thôi. Mối thù của ta muôn đời, muôn kiếp không tan.
Rồi ông cho sắn khô vào xoong nấu, Ba cùng ăn. Ông bảo, vô đây nghỉ để ta đi nắm địch.
Chủ nhà đi khỏi, Ba xách súng chui vào bụi cây ngủ. Gần tối, người đàn ông trở về đem theo gói cơm, tìm không thấy Ba Răng Vổ liền la lối om sòm. Ba từ trong bụi chui ra cười hề hê. Ăn no rồi ông nói:
- Ta gặp người bà con ở ngoài rú cho biết, muốn vượt sông phải lên dãy Sơn Gà, theo đường trâu kéo gỗ ra sông thì quá giang được.
- Tên chú là gì? Ở đâu? Để sau này có dịp con tìm về cảm ơn.
- Tôi là Tư Sỏi, ở Thôn 2, Lộc Vĩnh.
Trời tối, Ba cùng ông Tư Sỏi luồn lách, mò mẫm đến được bờ sông. Ba tìm chặt được cây chuối, rồi chia tay ông Tư Sỏi rời khỏi bờ sông sang Thôn 3, Lộc Vĩnh; đây là vùng tự do không còn lo gặp địch. Ba tìm bụi rậm ven sông chui vào ngủ, đợi sớm mai tính đường về.
Ngày 18/3/1971, lúc 7 giờ sáng mặt trời lên tia nắng chiếu vào mặt. Ba tỉnh giấc, giật mình khi quờ tay phải con rắn hổ mang. Ba nhanh tay tóm được cổ con rắn đè xuống, một tay cầm hòn đá đập bể đầu con rắn. Đang lúc đói anh vơ luôn cả con rắn ăn ngấu nghiến lấy sức, rồi nhằm hướng đông tìm qua đường Lộc Tân về Phú Mỹ.
Lại nói về các mũi của Trung đội đêm 08/3/1971, sau khi nghe tiếng nổ phá cầu thì nhất tề đột phá vào các cứ điểm được giao song không giành được thắng lợi, các mũi khiêng vác tử sĩ trở về kiểm đếm quân số thì thiếu 3 người chúng tôi.
Cho đến mấy ngày sau Xã đội vẫn cử người đi tìm, nhưng bặt vô âm tín. Mấy ngày Mỹ càn, pháo bắn, bom bỏ, nhìn phía rừng Lâm Tây khói lửa súng nổ liền mấy ngày, chẳng hiểu quân nào đánh nhau mà B52 rải thảm cùng rừng mới yên tiếng súng.
13 giờ 30 chiều 18/3/1971, Ba Răng Vổ về đến căn cứ du kích. Mọi người ồ lên, đổ xô lại, người hỏi người sờ, mừng vui rối rít. Sau đó Ba kể lại chuyện xảy ra từ lúc đánh sập cầu cho đến khi trở về.
*
Đến ngày 24/3/1971, chúng tôi vẫn ở trong hang không biết mô tê gì. Cái ăn đã hết 4 ngày, người lả đi. Quá đói, nằm xuống là không muốn dậy nữa, mắt đầy đom đóm.
Tôi nghĩ, chuyến này chắc mình chuẩn bị tinh thần đi gặp ông bà nội rồi. Nên chủ động bảo chị Hạnh lại chỗ tôi và Lợi cùng nằm, có chết còn có 3 người không bị đơn độc. Chị Hạnh bò đến bên:
- Có chết cho mình cùng đi với nghe.
- Có ba người cùng chết cũng đỡ buồn hơn. Đến bước đường cùng sống chết có nhau, ba chúng ta là duyên số gặp nhau từ tiền kiếp, đến bây giờ mắc nợ nên mới gặp nhau ở đây, ông trời đã định an táng chúng ta ở hang này.
- Cậu có thương chị không?
- Thương chứ, chỉ mấy ngày chiến đấu cùng đã thân thiết như người nhà rồi đó.
Chị Bảy Hạnh xúc động, những giọt nước mắt lăn trên má, quay lại ôm lấy tôi. Tôi vỗ về an ủi chị. Lợi thấy vậy cũng quay mặt úp vào. Hai người đàn bà cùng khóc. Tôi động viên họ:
- Khóc lúc này cũng vỗ ích, chẳng lẽ thằng Mỹ lại đem đồ hộp đến cho ta nữa sao? Mà chết cũng khó, đói chưa chắc đã chết. Mỹ bắn ta bữa nọ đủ loại bom pháo kinh thiên động địa, trúng cũng chưa chết. Chẳng phải Lợi đã trúng thương đó sao, có chết đâu nào. Kệ nó, chết cũng được, nếu người chết một lúc, được như thế này hiếm có trên thế gian. Còn hơn lúc khác mỗi người chết một nơi. Khi tan xương nát thịt, tôi biết tìm Lợi và chị Hạnh ở đâu? Chi bằng nhắm mắt lại chúng ta cùng đi.
Hai người phụ nữ sắp lả đi mà vẫn bật cười. Không hiểu nghĩ gì, mà chị Bảy Hạnh lấy kéo cắt lọn tóc, lấy tấm hình cho vào túi ni lông đưa cho tôi:
- Chị trả còn ai thân thích. Cậu giữ vật này dù xa nhau vẫn nhớ đến tôi.
Tôi gật đầu bỏ trong túi áo, lịm đi lúc nào chẳng hay. Hai người phụ nữ thay nhau gác và ngủ trong cái đói cồn cào.
Hôm sau 25/3/1971, chúng tôi không dậy nổi, không khát nước, không đi tè, không phóng uế (vì có được ăn uống gì đâu). người nào cũng mắt sâu, răng khìa ra trông như ma đói. Còn tôi thì râu mọc đầy.
Tôi nói vào tai hai người:
- Hát lên, ta là người chiến thắng, không chịu lùi bước trước giặc đói, giặc ngoại xâm.
Chị Hạnh miệng lắp bắp:
- Bao chiến sĩ anh hùng, cùng vung gươm ra sa trường…
Tôi bắt nhịp, Lợi không thuộc lời cũng hát theo, đến chỗ “Hồn sông núi…” thì quên hết.
Tôi bảo:
- Thôi ta hát bài “Giải phóng miền Nam”.
Rồi hát luôn câu đầu. Tôi tưởng tượng đoàn quân giải phóng đang tiến lên với là cờ quết thắng, đuổi quân địch chạy dài. Rồi bộ đội diễu binh mừng chiến thắng tại Sài Gòn… nên cứ hát quên cả đói và mệt.
Lợi và chị Hạnh hát theo một cách rời rạc. Nhưng đến đoạn “Ôi xương tan máu rơi” thì 2 người không hát nữa. Họ trở mình ôm lấy tôi như sợ hình bóng sẽ biến mất. Tôi cũng đờ ra, không ai còn nói với ai, chỉ còn 3 cái xác như đã chết.
Lúc 1 giờ 30 phút đêm, rạng ngày 26/3/1971, tôi mơ hồ nghe hình như có tiếng ai văng vẳng bên tai rồi có ánh đèn soi vào mặt…
Ba Răng Vổ lay gọi chúng tôi, nhưng chẳng ai nói gì, chỉ có 6 con mắt mở ra lại nhắm, miệng há ra.
Anh Hoàn sờ người tôi, đưa tay lên mũi, rồi bảo:
- Còn nóng, còn thở, chưa chết đâu!
Anh Dân bảo y tá tiêm thuốc hồi sinh cho mọi người.
Năm thắm đục hộp sữa rót vào miệng chúng tôi. Từ đầu lưỡi, một dòng sữa chảy đến đâu tỉnh đến đó, mắt sáng dần.
Anh Hoàn nâng tôi dậy, mọi người gặp nhau mừng tủi vô cùng.
Năm thắm lấy cơm vắt, bình tông nước ra để mọi người cùng ăn hàn huyên tâm sự.
3 giờ sáng 26/3/1971, hai cán bộ xã của chị Hạnh cũng về hang.
Chúng tôi chào nhau tâm sự một lúc. Chị Hạnh ấn vào tay tôi mảnh giấy nhỏ bảo: “Cậu giữ cái này giúp tôi”.
Tôi yếu qua, chưa đi nổi, nên 4 người nông dân phải lấy cái võng cáng tôi và Lợi. Khi chia tay, chị Hạnh ôm lấy tôi: Cậu đừng quên chị nhé. Có dịp thì về thăm nhau, sẽ nhớ mãi đêm nay.
Tôi viết:
Tình ơi dang dở là tình
Người Nam kẻ Bắc phận mình ra sao?
Họ khiêng chúng tôi đi trong đêm, vượt sông bến Lộc Tân về Phú Mỹ.
Tôi được mọi người chăm sóc cho ăn bữa cơm canh, rau muống, cá lóc kho rồi tắm giặt chui vào hang ngủ cho đến chiều.
Tôi bảo Hin giúp cắt tóc, cạo râu, tân trang cho hết cái ám khí của những ngày trong hang đá.
Ngày 28/3/1971, tôi đến khu du kích cho chú 6 Tân mấy hộp thuốc rồi hỏi thăm Hai Lợi. Chú Tân nói:
- Họ đưa con Lợi đi viện mãi trên dốc Ông Thủ kia, nếu có điều kiện thì đi thăm nó.
Tôi thưa lại:
- Tụi con còn có 4 người, đi thăm Lợi sao được, lỡ có địch thiếu người chiến đấu.
- Vậy thôi hè, cứ thơ thơ ít bữa xem có tin gì về Hai Lợi không đã?
(Còn nữa)
Đ.V.H
Trái tim người lính
Đặng Vương Hưng (Biên soạn và giới thiệu)