Lịch sử Việt Nam (Từ tiền sử đến năm 2007) (Kỳ 21)

Trân trọng giới thiệu sách “Lịch sử Việt Nam (Từ tiền sử đến năm 2007)” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành.

Kỳ 21.

Với ý chí thống nhất đất nước mạnh mẽ, Nguyễn Huệ đã vượt qua ý muốn của Nguyễn Nhạc, vạch kế hoạch tiến quân ra Bắc, lật đổ chế độ phong kiến nhà Trịnh. Quyết định của Nguyễn Huệ có ý nghĩa lịch sử quan trọng, đưa phong trào nông dân Tây Sơn có qui mô cả nước, biểu hiện nhu cầu bức thiết của lịch sử, của nhân dân khi đó: thống nhất đất nước, thống nhất dân tộc.

tay-son-that-ho-tuong-d1ango-van-so-1673687186.jpg
Tây Sơn thất hổ tướng Ngô Văn Sở: Nanh vuốt hùng mạnh của vua Quang Trung. Nguồn: hosodanhnhan.com/

 

   Thực hiện chiến dịch tấn công ra Bắc Hà, Nguyễn Hụê chia quân làm 4 đạo: đạo thứ nhất do Nguyễn Lữ chỉ huy ở lại giữ Thuận Hoá vừa được giải phóng, đạo thứ hai do Nguyễn Hữu Chỉnh chỉ huy gồm 400 chiến thuyền làm nhiệm vụ tiên phong nhanh chóng tiến ra chiếm Vị Hoàng (Nam Định) làm đầu cầu chiến lược cho đại quân đổ bộ ra miền Bắc, đạo chủ lực do Nguyễn Huệ chỉ huy 1.000 chiến thuyền tập kết ở Vị Hoàng để tiến đánh Thăng Long. Trong đạo quân chủ lực có một có một cánh quân do phó tướng Vũ Văn Nhậm chỉ huy tiến theo đường bộ cũng sẽ tập kết ở Vị Hoàng để cùng tiến đánh Thăng Long.

   Mùa hè năm 1786 đạo quân tiên phong Tây Sơn gồm 400 chiến thuyền do Nguyễn Hữu Chỉnh chỉ huy xuất phát từ sông Gianh tiến ra Bắc. Tiếp đó đạo quân của phó tướng Vũ Văn Nhậm theo đường bộ tiến ra. Đồn Dinh Cầu (Hà Tĩnh) và các đồn khác của quân Trịnh ở Nghệ An nhanh chóng lọt vào tay quân Tây Sơn. Tướng Trịnh trấn thủ Nghệ An Bùi Thế Toại, trấn thủ Thanh Hoá Tạ Danh Thuỳ bỏ chạy. Ngày 11 tháng 7 năm 1786 đạo thuỷ quân tiên phong Tây Sơn tấn công Vị Hoàng và nhanh chóng chiếm được vị trí chiến lược quan trọng này. Tiếp đó, đạo quân chủ lực của Nguyễn Huệ gồm 1.000 chiến thuyền lướt sóng như bay rầm rộ tiến ra Bắc với khẩu hiệu “Phù Lê diệt Trịnh”, quân kỳ đỏ rực mặt biển. Nhân dân Thanh -Nghệ nhìn đoàn binh thuyền hùng dũng,  cờ quạt rợp trời đều tấm tắc khen “Đây là một việc không mấy đời đã có”. Ngày 17 tháng 7 năm 1786 đại quân Nguyễn Huệ tới Vị Hoàng. Ngày 18 tháng 7 thuỷ quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy nhanh chóng đánh tan thuỷ quân Trịnh do Đinh Tích Nhưỡng chỉ huy trên sông Luộc. Thừa thắng, quân Tây Sơn tràn lên bờ chém giết luôn cả đạo bộ binh và pháo binh quân Trịnh do ĐỗThế Dận chỉ huy. Quân Trịnh tan vỡ bỏ chạy. Ở mặt trận Kim Động (Hải Dương), đạo quân Trịnh của tướng Trịnh Tự Quyền kinh hoàng tan vỡ. Chỉ một đêm chiến đấu ba đạo chủ lực của nhà Trịnh hoàn toàn tan rã. Sớm 19 tháng 7 năm 1786, Nguyễn Huệ tiến vào Phố Hiến (Hưng Yên) thủ phủ trấn Sơn Nam. Từ Phố Hiến, quân Tây Sơn tiến đánh Thăng Long. Ngày 21 tháng 7 quân Tây Sơn tiêu diệt thuỷ quân Trịnh ở bến Nam Dư (nay là xã Trần Phú, Thanh Trì, Hà Nội). Tướng Trịnh là Nguyễn Cảnh Yên, Ngô Cảnh Hoàn bị đại bác Tây Sơn bắn chết. Thuỷ quân Tây Sơn tiếp tục tiêu diệt thuỷ quân Trịnh do Hoàng Phùng Cơ chỉ huy ở hồ Vạn Xuân (nay thuộc xã Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Hà Nội). Sáu người con của Hoàng Phùng Cơ tử trận. Hoàng Phùng Cơ bỏ chạy thoát thân. Sau những chiến thắng liên tiếp, quân Tây Sơn mở toang cánh cửa vào Thăng Long, tràn vào đánh bại quân Trịnh ở bến Tây Long (Nhà hát lớn bây giờ) chiếm quảng trường Ngũ Long. Chúa Trịnh Khải bỏ chạy lên Sơn Tây nhưng bị Nguyễn Trang bắt và tự sát chết. Cơ đồ nhà Trịnh bắt đầu từ Trịnh Kiểm (1645-1570) đến vị chúa cuối cùng là Trịnh Khải (1782-1786) kéo dài 248 năm,  trải qua 11 đời chúa thì sụp đổ.

Trịnh Kiểm (1545-1570 )-25 năm

Trịnh Tùng  (1570-1623 )-53 năm

Trịnh Tráng (1623-1652 )-29 năm

Trịnh Tạc (1653-1682 ) –29 năm

Trịnh Cán (1682-1709 )-17 năm

Trịnh Cương (1709-1729 )-20 năm

Trịnh Giang (1729-1740 )-11 năm

Trịnh Doanh (1740-1767 )-27 năm

Trịnh Sâm (1767-1782 )-15 năm

9.Trịnh Tông (1782-1786 )-4 năm

    10.Trịnh Bồng (1786-1787 )-1 năm           

Trong khi chiến sự đang tiếp diễn thì một đạo quân tiến vào hoàng thành đưa mật thư của Nguyễn Huệ tôn phò vua Lê cho vua Lê Hiển Tụng.

  Ngày 21 tháng 7 năm 1786, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ cùng đại quân tiến vào Thăng Long. Chỉ mấy ngày, Nguyễn Huệ đã tiêu diệt làm tan rã 20 vạn quân Trịnh, khôi phục lại nền thống nhất đất nước sau 257 năm chia cắt. Nguyễn Huệ không chỉ là nhà quân sự thiên tài mà còn tỏ ra có tài trị quốc. Nguyễn Huệ vào kinh thành ra lệnh chiêu an dân chúng, cấm ngặt quân sĩ không được sách nhiễu xâm phạm tài sản của nhân dân. Mặt khác, lãnh tụ Tây Sơn ra lệnh bắt giết không thương tiếc bọn côn đồ trộm cướp khiến kinh thành yên ổn, cuộc sống trở lại thanh bình.

   Ngày 31 tháng 7 năm 1786 Nguyễn Huệ ra mắt vua Lê Hiển Tông với thái độ rất khiêm tốn. Vua Lê phong Nguyễn Huệ làm “Nguyên soái phù chính lực uy vũ uy quốc công”. Ba ngày sau , do cảm mến tài đức, Vua gã công chúa Ngọc Hân cho Nguyễn Huệ. Ngày 10 tháng 8 năm 1786 Vua Lê Hiển Tông mất. Lê Duy Kỳ là cháu Lê Hiển Tông được Nguyễn Huệ đưa lên Ngôi vua : vua Lê Chiêu Thống.

   Việc Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc trái với ý muốn của Nguyễn Nhạc. Sau khi Nguyễn Huệ lật đổ nhà Trịnh, Nguyễn Nhạc tức tốc đem 2.000 quân ra Thăng Long vì sợ không kiềm chế được Nguyễn Huệ nữa. Ngày 28 tháng 8 năm 1786 Nguyễn Nhạc ra đến thăng Long, Nguyễn Huệ trao binh quyền cho Nhạc. Vài ngày sau quân Tây Sơn rút khỏi Bắc Hà về Phú Xuân.

   Sau khi quân Tây Sơn rút, Bắc Hà trở nên rối loạn. Trịnh Bồng, con Trịnh Giang quay lại xưng chúa và nắm quyền, uy hiếp nhà Lê. Vua Lê Chiêu Thống phải mời Nguyễn Hữu Chỉnh đem quân từ Nghệ An ra cứu. Nguyễn Hữu Chỉnh diệt được Trịnh Bồng nhưng lại khuynh loát triều đình,  âm mưu phản lại Tây Sơn. Năm 1787 Nguyễn Huệ sai Vũ Văn Nhậm và Ngô Văn Sở đem 2 vạn quân ra giết Nguyễn Hữu Chỉnh. Diệt xong Chỉnh, Vũ Văn Nhậm lại mưu phản loạn. Tháng 4 năm 1788 Nguyễn Huệ đem tượng binh và bộ binh đi gấp từ Phú Xuân ra Thăng Long, chỉ 10 ngày ra tới nơi và giết chêt Vũ  Văn Nhậm. Vua Lê Chiêu Thống do quá hoảng sợ chạy sang Trung Quốc cầu cứu nhà Thanh để mong giữ vững ngai vàng. Cùng thời gian này, do sự bạc nhược của Nguyễn Lữ, Nguyễn Phúc Ánh đang quay lại tấn công và uy hiếp Gia Định. Nguyễn Huệ phải về Phú Xuân chuẩn bị tấn công tiêu diệt Nguyễn Phúc Ánh. Công việc cai trị Bắc Hà, Nguyễn Huệ giao cho Ngô Văn Sở , Ngô Thời Nhậm và một số tướng lĩnh thân cận khác. Như vậy Lê Chiêu Thống quá ươn hèn mục nát đã tự đánh mất ngai vàng. Triều hậu Lê do Lê Thái Tổ sáng lập sau cuộc kháng chiến chống quân Minh thắng lợi. Đời Lê Sơ từ đời Lê Thái Tổ (1428-1433) đến đời Lê Cung Hoàng (1522-1527) trải qua 10 đời vua. Đời Lê Trung Hưng tồn tại song song với nhà Mạc, với Trịnh-Nguyễn, trải qua 18 đời vua, từ Lê Trang Tông (1533-1548) cho đến vua cuối cùng là Lê Chiêu Thống (1787-1789). Tổng cộng triều Hậu Lê trị vì được 361 năm, trải qua 25 đời vua.

Thời Lê Trung Hưng trải qua 18 đời vua  :

Lê Trang Tông (1533-1548 )-5 năm

Lê Trung Tông (1548-1566 ) –18 năm

Lê Anh Tông  (1566-1573 ) –7 năm

Lê Thế Tông (1573-1599 ) –26 năm

Lê Kính Tông (1600-1619 ) –19 năm

Lê Thần Tông (1619-1643 ) –24 năm

Lê Chân Tông (1643-1649 ) –6 năm

Lê Huyền Tông (1663-1671 )-8 năm

Lê Gia Tông (1672-1675 )-3 năm

10.Lê Hi Tông (1676-1704 )-28 năm

11.Lê Dụ Tông (1705-1728 )-23 năm

12.Lê Thuần Tông (1732-1735 )-3 năm

13.Lê Ý Tông (1735-1740 ) –5 năm

14.Lê Hiển Tông (1740-1786 )-46 năm.

15.Lê Chiêu Thống (1787-1789 )-2 năm

Vốn có dã tâm xâm lược nước ta, lại được Lê Chiêu Thống cầu cứu, vua Càn Long nhà Thanh (Trung Quốc) điều động 29 vạn quân chiến đấu, 60 vạn dân binh phục vụ  mở cuộc tấn công qui mô lớn vào nước ta. Quân Thanh chia làm 4 đạo tiến vào Đại Việt; đạo chủ lực chiếm phần lớn binh lực do Tôn Sĩ Nghị, Tổng đốc Lưỡng Quảng (Quảng Đông, Quảng Tây) với chức “Chinh man Đại tướng quân” chỉ huy theo đường Lạng Sơn tiến xuống, đạo thứ hai do tri phủ Sầm Nghi Đống từ Cao Bằng tiến sang, đạo thứ ba do đề đốc Ô Đại Kinh tiến theo đường Tuyên Quang,  đạo thứ tư từ Quảng Ninh đánh vào miền Đông Bắc. Trước sức mạnh to lớn của quân xâm lược, quân Tây Sơn ở Bắc Hà do Đại tư mã Ngô Văn Sở chỉ huy nghe theo lời của Ngô Thời Nhậm đã thực hiện cuộc rút lui chiến lược bảo toàn lực lượng về xây dựng phòng tuyến Tam Điệp để có thể ngăn chặn bước tiến của quân Thanh vào miền Trung, làm căn cứ để đại quân Tây Sơn ở Phú Xuân ra tập kết tấn công giải phóng Thăng Long sau này. Thuỷ quân Tây Sơn về đóng ở biển Biện Sơn (Thanh Hoá) tạo thành một hệ thống phòng tuyến Tam Điệp-Biện Sơn. Bước đi này của quân Tây Sơn ở Bắc Hà cực kỳ đúng đắn đến mức các nhà sử học sau này đều gọi là “Nước cờ Tam Điệp”.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/lich-su-viet-nam-tu-tien-su-den-nam-2007-ky-21-a17325.html