4.
Hôm Hoài và Giáo về qua nóc Ông Chanh, các cháu nhỏ chạy ùa ra, ôm lấy hai anh, khóc òa. Chúng bảo rằng tưởng hai anh không còn quay về được nữa! Chị H’Ly gọi Hoài, Giáo vào nhà, đưa chuối bảo ăn và đưa nước đoác bảo uống. Hoài ngỡ ngàng với thứ nước uống lạ lùng này - nó ngòn ngọt, có hơi men nồng nồng giống như bia. Khi ở Ban, Hoài đã từng đi chặt hũ đoác và ăn sống, nhưng chưa được uống thứ nước lên men này bao giờ. Cây đoác giống như cây dừa, mọc hoang dại trong rừng. Ở ngọn cây, trong lõi là một cái hũ to như củ chuối, trắng phau, có vị ngọt mát như củ đậu. Hũ đoác có thể dùng ăn sống hoặc xào, nấu, khá ngon và bổ dưỡng. Hoài đã từng mất cả buổi mới chặt được vài cái hũ đoác, đem về cho nhà bếp làm thức ăn. Giáo giảng giải: “Khi cây đoác ra buồng, người ta chặt buồng gần sát cuống, xẻ rãnh rồi hứng ống lồ ô ở dưới. Nước trong cây chảy ra nhỏ giọt, mỗi ngày được khoảng vài ống lồ ô. Đem về nhà, ngâm rễ cây chuồn vào, chỉ cần qua đêm đã thành thứ rượu nồng”. Chị Chanh vội đi nấu cơm. Đồng bào đã thu hoạch lúa, nhà nhà tạm thời no đủ.
Lúc về đến Đội sản xuất Làng Tuyên, Hoài không thấy Hải đâu. Mãi sau, vào bếp để lấy nước, Hoài mới thấy Hải đứng khóc lặng lẽ ở góc nhà. Gặng hỏi mãi, Hải mới trả lời: “Em tưởng hai anh hy sinh rồi! Sao mà đi lâu thế?”. Hoài nói vui: “Hy sinh thế nào được. Bom đạn Mĩ chê bọn anh, em ạ!”. Nói xong, Hoài cười, nhưng bỗng thấy toàn thân mình ớn lạnh.
Thấy Hoài rùng mình, run run, giọng lạc đi, Hải hoảng hốt: “Anh đau rồi!”. Chuyến đi đồng bằng dài hai mươi mốt ngày đã hút cạn sức lực của Hoài. Bây giờ, Hoài bị một trận sốt rét quật ngã. Vốn ưa hoạt động mà Hoài buộc phải mắc võng nằm co ro. Đầu đau như búa bổ. Các khớp xương nhức nhối. Bụng tức anh ách, lúc nào cũng thấy no một cách giả tạo. Hải nấu cháo, đem tới: “Anh ơi, anh ráng ăn chút cháo cho có sức!”. Hoài húp một thìa cháo loãng, kêu: “Mặn quá em ơi!”. Hải ân cần: “Miệng anh đắng đấy. Cháo em không nêm gì anh à! Vậy, em hòa sữa vào nhen!”. Hải chạy về nhà mình, lấy hộp sữa Ông Thọ đem sang. Hộp sữa này, Hải nhờ mua ở đồng bằng từ mấy tháng trước, cứ để dành mãi. Hải mở lon sữa, múc hai thìa vào bát cháo, khuấy đều. Cô động viên: “Ráng ăn đi rồi uống thuốc, sẽ lành bệnh ngay thôi!”. Hoài cố gắng ngồi trên võng, húp từng thìa cháo. Anh thấy miệng đắng ngắt, cổ họng ghê lợm cứ muốn nôn mửa, nhưng anh kìm lại được. Nhìn nét mặt lo lắng của Hải, Hoài lại kiên trì múc cháo, run rẩy ăn.
Sau khi ăn chút cháo, Hoài nằm xuống, mơ mơ tỉnh tỉnh. Hải lục ba lô, lấy liều thuốc ký ninh mà cô cất kỹ, đem ra cho Hoài uống. Chiến khu gian khổ, thiếu thốn, viên thuốc ký ninh cũng trở thành báu vật. Trong cơn sốt li bì, Hoài không còn suy tính gì được, nhất nhất làm theo lời Hải. Anh uống những viên thuốc đắng ngắt, rồi phủ bọc võng, nằm run. Chỉ một hồi sau, Hoài thấy tai bùng lên, bùng lên bùng bục như có sấm rền trong đầu. Mắt cảm thấy bị chói nắng, không nhìn rõ gì cả. Đêm, mắt chong đèn không sao ngủ được. Đầu cứ buốt thon thót. Hai hôm sau, Hải bảo: “Anh Hoài, em lấy thuốc tiêm cho anh, mau lành, nhen!”. Hoài lắc đầu: “Anh đỡ rồi, không cần đâu em. Để dành thuốc tiêm, khi bị ác tính hãy dùng!”.
Sức trẻ đã vực Hoài dậy rất nhanh. Chỉ ba ngày sau, Hoài đã hết sốt, ngồi dậy được. Nhìn sang bên cạnh, thấy một người nằm rên trên chiếc võng vải ka ki, Hoài ngạc nhiên: “Ơ, Vò đấy à?”. Vò mở mắt, không nói gì và lại tiếp tục rên hừ hừ. Thì ra, Vò đã bị sốt cách đây chục ngày rồi, mắc võng nằm ở ngôi nhà lớn. Bây giờ, mọi người chuyển Vò sang mắc võng cùng nhà với Hoài, để dễ chăm sóc. Hải đảm nhận luôn công việc của y tá, hộ lý.
Nằm trong võng, Vò cựa quậy, kêu khó thở. Hải vực Vò dậy, chuyển ra chiếc sạp làm bằng nan lồ ô ở phía dưới võng. Nằm bẹp trên sạp, Vò thở khò khà khò khè. Hoài lần khỏi võng, xuống sạp, ngồi bên Vò, cầm tay và gọi: “Vò ơi, Vò ơi!”, song Vò chẳng biết gì cả. Người Vò lạnh ngắt, chân tay co lại, chẳng cử động gì. Đôi mắt Vò mở, song không nhìn vào đâu cả. Hoài nắm tay Vò giật giật và gọi: “Vò ơi, có lạnh không?”. Vò hơi cựa quậy một chút, nhưng không nói được mà chỉ: “Ự, ự” trong họng. Hoài bảo Hải lấy tấm mền dù hoa của mình, gập làm đôi, đắp cho Vò.
Hải tới ngồi bên, nắn bóp hai tay Vò. Đôi tay Vò gầy nhẳng, cứng đơ đơ. Hải bảo: “Em định tiêm thuốc cho anh Vò, nhưng anh ấy cũng nói như anh, rằng cất đi, khi nào cần lắm hãy dùng. Bây giờ, em tiêm thuốc cho anh Vò nhé!”.
Vò cũng bị sốt rét, nhưng lại kèm thêm đi lỏng nên Hải không biết điều trị thế nào cho hợp. Tiêm thuốc ký ninh rồi, vẫn chẳng bớt! Cũng không có đủ người để chuyển Vò vào viện, vì phải khiêng võng đi hai ngày đường, mà nhân lực lúc này đang thiếu - những anh em khỏe mạnh đang trên đường cõng lương thực ra tiếp tế cho Ban, phải ba ngày nữa mới về.
Tối, Vò kêu đau bụng, muốn đi ngoài. Đành phải đỡ Vò xuống khỏi sạp, lấy lá lót để Vò đại tiện. Nhưng, ngồi mãi, Vò cũng chỉ thải ra chút phân màu trắng, mà ở hậu môn, lại lòi ra một khúc ruột dài tới cả gang tay! Da Vò từ xanh xao chuyển sang màu xám nhạt. Đỡ Vò lên, thấy Vò thở khò khè, hơi thở hắt ra toàn khí lạnh. Mắt Vò lõm xuống, đờ dại; Hoài đưa tay ngang qua mắt Vò nhưng không thấy mắt cử động. Toàn thân Vò vã mồ hôi làm ướt tóc, ướt cả áo quần. Gay rồi - Hoài nghĩ - Vò bị thoát tâm dương rồi, vô phương cứu chữa!
Khoảng chín giờ tối hôm đó, Vò tắt thở. Thấy toàn thân Vò lạnh ngắt, nhưng trên đỉnh đầu còn âm ấm, Hoài liên tưởng đến cuốn sách nhà Phật mà anh đọc được khi còn ở miền Bắc, có viết: “Nếu người chết mà toàn thân lạnh ngắt chỉ có đỉnh đầu còn nóng thì thần thức sẽ thoát ra ở đỉnh đầu và người này chắc chắn sẽ sinh về một trong những cõi Trời để hưởng phúc lạc”. Không biết thực hư thế nào, nhưng Hoài cứ tin rằng, những người như Vò, sống một cuộc sống lương thiện, xả thân vì nước, thì khi qua đời, sẽ được về miền cực lạc.
Hoài bảo với anh Bá cứ để Vò nằm cạnh mình, tới sáng hãy đem đi mai táng.
Nằm bên xác người đồng đội thân yêu, Hoài cảm thấy như Vò đang chuyện trò cùng mình. Bao nhiêu kỷ niệm, tưởng như đơn giản, mà lại thắm đẫm tình người, cứ hiện lên trong tâm trí Hoài. Vò quê ở Ninh Giang, Hải Dương. Mới mười chín tuổi, Vò đã được kết nạp vào Đảng - kết nạp ngay trên đường vào Nam. Do có khả năng viết lách, Vò được chuyển từ đơn vị bộ binh sang Ban tuyên huấn Khu. Sang Ban, cũng giống như Hoài, nhiệm vụ đầu tiên Vò được phân công, không phải là viết tài liệu, mà là vào đội sản xuất tham gia làm nông. Vóc người mảnh khảnh, da dẻ xanh xao, chẳng bao lâu, Vò bị những trận ốm đau hành hạ. Song cậu ta rất cố gắng. Nhiều buổi trời mưa lạnh, Vò vẫn đi chăn trâu, về còn hái rau cho nhà bếp. Có hôm, Vò cùng Hoài ra suối bắt cá. Không lưới, không cần câu, Vò có kiểu bắt cá rất lạ. Đó là ném đá ùm ùm xuống suối cho cá sợ, chui hết vào các hốc đá. Rồi Vò lội xuống suối, lùa tay vào những nơi đó, tóm ra những chú cá tươi rói. Hoài làm theo Vò, nhưng luồn tay vào hốc đá nào cũng trống không, tới khi gặp một hốc có chú cá khá to, thì nó đã nhanh như chớp, lách khỏi bàn tay Hoài, thoát ra. Nhìn con cá trầu bơi vụt đi trong làn nước trong veo, Hoài tiếc rẻ quá. Hoài đành đi dọc suối, nhặt những con ốc đá, loại ốc to bằng đốt ngón tay cái, chuyên bám vào các tảng đá, thịt khá ngon ngọt. Hôm ấy, hai anh em đem về hai chục con cá nhỏ cùng với một bọc ốc suối; cả đội được bữa ăn tươi! Vò rất chịu khó khâu vá, tuy đường kim mũi chỉ của cậu ta rất vụng về, chỉ như đường may lược của các cô gái. Chiếc mũ Vò may còn đó, chiếc quần cậu ta may bằng vải xé từ ruột nghé đựng gạo đang còn dở dang... Hoài quặn thắt lòng khi nghĩ rằng, trước đó ít ngày mà có nhân lực để đưa Vò đi bệnh viện hoặc chỉ cần có thêm ít ống thuốc ký ninh, ít Cacofe, B12, cùng với thuốc chống đi lỏng, điều trị cho Vò là có thể giữ cậu ta lại được. Đơn giản như vậy đó, song thật đau xót, không thể làm như vậy được. Thuốc quá thiếu thốn, không còn một ống ký ninh, mà thuốc viên cũng hết nhẵn. Cách đây ít lâu, nhìn da Vò xanh dợt, bủng beo, thân hình gầy nhom, khật khưỡng, Hoài nghĩ rằng cậu ta khó mà trụ được với cuộc sống khắc nghiệt này. Có ít viên sâm Triều Tiên, Hoài đã đưa cho cậu ta dùng. Song ăn thua gì kia chứ? Còn đau xót nào hơn nỗi đau xót khi biết trước rằng đồng chí mình có thể chết, lại biết cách để cứu đồng chí mình, nhưng không có điều kiện để cứu, đành chịu thua thần chết?
Sáng, Hoài thức dậy sớm để chuẩn bị đưa Vò đi mai táng. Vừa bước xuống võng, Hoài thấy chân nặng trịch, người lảo đảo muốn ngã. Giáo đỡ hoài, động viên: “Ai ở Trường Sơn mà chẳng bị sốt rét nghĩa vụ, rồi sẽ quen đi và sẽ thấy bình thường!”. Anh Bá khuyên Hoài: “Cậu còn yếu, chưa đi tiễn Vò được đâu. Cứ nằm nghỉ, bọn mình sẽ lo chu đáo cho Vò!”. Ngồi xuống sạp, Hoài đặt tay lên vai Vò, giọng rầu rầu: “Vâng, tôi đành ở lại. Anh đem theo tấm dù hoa này của tôi bọc xác Vò nhé!”.
***
Trong buổi họp Đội, anh Bá nêu yêu cầu của Ban là phải phấn đấu trồng được tám chục nghìn gốc sắn! Anh nói: “Tình hình còn khó khăn, chúng ta phải tính chuyện lo lương thực dự trữ. Sắn trồng một năm là cho củ, nhưng nếu để dự trữ, thì hai, ba năm sau khai thác vẫn được. Do vậy, bên cạnh việc trồng lúa, ngô để khai thác theo mùa, ta cần trồng sắn để khai thác lâu dài!”. Ai cũng thấy anh Bá nói có lý.
Muốn trồng sắn, phải có hom sắn, tức là thân cây sắn. Hom tại chỗ không đủ, Đội phải đi xa, mất một ngày đường mới có thể tới nơi khai thác. Đó là những rẫy sắn của các đơn vị bạn, đã được đào hết củ từ vài ba năm, chỉ để lại thân cây. Với lượng hom sắn cần nhiều như vậy, anh Bá huy động gần hết Đội đi lấy hom, chia thành ba nhóm. Nhóm thứ ba gồm Giáo, Hoài, Hải, Nhơn, do Giáo phụ trách, được phân công lấy hom sắn ở vùng Nước Lon. Sáng dậy, ăn cơm xong, mỗi người mang một nắm cơm, một con rựa lên đường. Rẫy bỏ hoang đã lâu, mọc chi chít những cây, cỏ, dây leo. Hoài lầm lũi phát dây dợ, mở đường vào bên trong rẫy. Phát hiện một đám đất quang quẻ, có nhiều cây sắn nằm rải rác hoặc chất đống, Hoài vội gọi Hải, Giáo, Nhơn tới. Bốn người cặm cụi chặt, dỡ, gom những cây sắn lại. Họ chọn những cây sắn thẳng, khỏe mạnh bó thành từng bó, mỗi bó một trăm cây. Bó xong, đã quá trưa, bốn người giở cơm nắm ra ăn.
Nhìn rẫy sắn bị bỏ hoang, Hoài nhớ lại những ngày hành quân trên đường Trường Sơn vào Nam. Khi gần đến Khu, bị kẹt đường do địch càn, lương thực cạn kiệt, Hoài đã đến những rẫy sắn như thế này để mót sắn. Ở đó sắn nhiều, nhưng bỏ lâu rồi nên hoang vu, sắn mọc lẫn những bụi gai góc, lau sậy, cây cối. Phải chui rúc mà mót, may thì gặp nơi nhiều, không may thì gặp nơi ít hoặc không được củ sắn nào. Cứ theo triền dốc đi xuống, Hoài gặp một bãi sắn đã bị khai thác. Những cây sắn to đổ ngổn ngang, để lại những cái hốc đỏ lòm màu đất. Hoài ngơ ngác tìm các bờ bụi, chẳng thấy cây sắn nào sất! Mà sao lắm cây mâm xôi thế. Loại cây này thân đầy gai, bò ngùng ngoằng, quấn vào nhau dầy đặc. Gai nó cào toạc cả da thịt. Nắng chói chang. Nắng toé lửa. Hoài bươn lên sườn núi lùng nhùng những bụi mâm xôi rồi rúc ngang, kiếm mãi vẫn chẳng có gì. San và Vượng cũng vậy. Nhưng sau đó, ba người cũng tìm ra vài ba gốc sắn mọc lẫn trong lau lách. Thế là xúm nhau vào phát, đào. Cái thứ sậy chết tiệt này, rễ, gốc ăn tràn mặt đất, cắm sâu xuống đất và cứng tổ cha. Hoài, San, Vượng phải thay nhau dùng dao găm bạt dần từng mảng rễ, gốc đó ra mới đào được. Khát khô cả cổ. Bi đông cạn sạch nước rồi. Trời lại rắc cho một ít hột mưa rào. Hơi đất được dịp bốc lên, thốc vào mặt ba người - những khuôn mặt có những cái miệng và cái mũi đang há hốc ra thở dốc. Ậm ạch, hì hục mãi rồi cũng moi được sắn từ lòng đất lên. Khoảng một nửa gùi tất cả. Quá trưa, ba người ra về. Hôm sau, lại đi đào sắn, song ba người đi chếch ra ngoài một chút. Hoài và San mượn được hai cái xẻng nhỏ, chắc sẽ đỡ vất hơn. Nơi này khá rậm. Rúc một lúc là mất hút Vượng rồi. Mọi người í ới gọi nhau, nhưng không được, đành chia hai cánh, đào hai ngả vậy. Nơi này khá nhiều sắn. Hoài và San cắm cúi đào. Đất cũng khá mềm. Cứ đào được một bụi, lại rúc rúc, luồn luồn trong bụi rậm, lần ra từng hốc sắn mà đào. Khoảng nửa buổi, Hoài rúc ngược lên và gặp Vượng, anh đào được khá nhiều sắn. Sắn to thật, nhiều củ bằng bắp đùi. Hoài cũng ra sức đào, moi lên những củ sắn đầu phình to, đuôi múp lại, trông thật ngộ ngĩnh. Xế trưa, ba người ra về, mỗi người lặc lè một gùi sắn. San không gùi, anh buộc lại mà gánh. Thế là tai vạ đến với anh: rúc một chặp, sắn bị dây dợ, gai góc lôi kéo thi nhau rơi. Mỗi lần như vậy, San lại phải đặt gánh xuống, lượm từng củ, buộc lại. Có lẽ quá mệt, anh đâm bẳn tính, cáu gắt nhặng xị. Hoài cứ bụm miệng cười. Ai bảo dại! Khát khô cả cổ. Mệt mỏi rã rời. Gùi sắn trĩu nặng trên lưng...
Hoài nói với Giáo: “Những rẫy sắn như thế này, chắc chắn là còn nhiều củ. Khi nào, ta tới mót nhé!”. Giáo gật gù tán thành ý kiến của Hoài.
Chuẩn bị ăn cơm, Hoài nghe có tiếng nói lao xao phía đầu rẫy. Hóa ra có nhóm ba người dân đi ngang, mỗi người gùi một gùi nặng sau lưng. Nhơn chạy ra, vẫy vẫy: “Đồng bào ơi, vô đây nghỉ đã!”. Nhóm người dừng chân, vui vẻ bước theo Nhơn tới bên gốc cây, hạ gùi xuống. Hoài chỉ ba nắm cơm đang được bày trên tàu lá chuối, mời: “Đồng bào cùng mình ăn trưa nào!”. Một người trong nhóm, có mái tóc dày, quăn, chỉ vào chiếc gùi đặt bên cạnh mình: “Mình mời cán bộ ăn thịt voi!”. Ui cha, chưa bao giờ Hoài được ăn thịt voi. Chỉ được nghe anh em kháo nhau là thịt voi rất lành, ăn như cơm, không sợ đau bụng. Thấy mọi người tỏ vẻ ngạc nhiên, người tóc quăn nói: “Bọn mình đi rừng, tìm săn con nai, con heo, thì gặp con voi này. Nó bị trúng đạn máy bay Mỹ, mới chết. Bọn mình không đi săn nữa, xẻ thịt voi, đem về đây. Cán bộ cùng ăn nghe!”. Nói rồi, anh mở gùi, cầm ra một tảng thịt, đưa Nhơn: “Cán bộ làm chín đi. Mình cùng ăn trưa!”.
Chỉ một lúc, thịt voi đã được chị Nhơn khéo léo làm thành hai món: nướng và nấu. Chỉ tiếc là không đem theo gia vị, chị Nhơn phải đốt cỏ tranh lấy tro thay muối, cho nên thức ăn hơi bị nhạt.
Bảy người ngồi quanh “mâm” cơm, thực ra là một tàu lá chuối rộng bản, trên có bày ba nắm cơm và thịt voi, vui vẻ ăn với nhau, thân thiết như người trong một nhà.
Ăn xong, cậu bé trong đoàn rút một ống nứa từ gùi ra, đưa cho Giáo: “Nước đoác, cán bộ uống đi!”. Giáo đỡ ống nứa, cười hề hề:”Nước đoác mà có thịt voi/Ăn rồi lại uống, cuộc đời lên tiên!”. Giáo đưa lại ống nước cho Nhơn: “Ưu tiên phụ nữ, chị uống trước!”. Không khách sáo, Nhơn đón lấy ống nước, mở nút lá chuối, nói: “Uống vòng tròn nghe!”. Ực một hơi, Nhơn chuyển qua cho Hải: “Tới em!”. Hải cũng làm một hớp rồi chuyển cho Hoài: “Tới anh!”. Hoài đỡ lấy ống, nhưng chuyển luôn cho anh tóc quăn: “Mình không uống được bia, rượu. Hôm uống ở nóc Ông Chanh, mình bị say, suýt nữa thì không về nhà được!”. Hải nhìn Hoài ngạc nhiên, nhưng chỉ cười.
Bữa trưa vui vẻ quá. Anh tóc quăn mở gùi, lấy ra bốn tảng thịt voi, đưa cho Giáo: “Cán bộ đem về ăn chung!”. Hoài lục túi, lấy ra chiếc máy lửa Zippo mà anh mua được trong chuyến đi đồng bằng vừa qua, đưa cho anh: “Mình kỉ niệm cho các anh!”.
Hai nhóm người chia tay nhau. Nhóm “đồng bào” tiếp tục leo dốc, đi về phía Nước Là. Nhóm “cán bộ” xuôi xuống, hướng về Đội sản xuất. Bốn anh em, mỗi người một gùi cây sắn nặng trịch sau lưng, cắm cúi bước. Giáo nhẩm tính: Mỗi gùi được khoảng năm, sáu trăm hom sắn. Cả đội được chừng vài chục ngàn hom mỗi chuyến. Còn là mệt mới đủ hom để trồng tám mươi nghìn gốc sắn!
Ra khỏi một cánh rừng, bốn người đi qua một đồng cỏ. Bầu trời thoáng đãng, gió lồng lộng khiến cho ai nấy thấy người nhẹ bẫng. Mặc dù gùi hom sắn đè nặng sau lưng, xiết lấy lồng ngực, Hoài vẫn cố vươn mình, hít một hơi thật sâu. Làn gió phóng khoáng vờn trên đồng cỏ, tạo nên những gợn sóng dập dờn, đẹp, thanh bình, đáng yêu làm sao!
Bỏ qua đồng cỏ bằng phẳng, bốn người đi ngược lên một con dốc, bước vào một rẫy lúa. Lúc này, lúa đã vào hạt, toả ra hương thơm dịu ngọt, báo hiệu một mùa ấm no. Mọi người men theo rẫy lúa, cắm cúi bước. Hoài hít hà hương lúa, nhớ tới những ngày lao động ở Kim Lan, được gặt lúa cùng bà con nông dân, cũng được hít thở bầu không khí ngọt ngào hương quê như lúc này đây. Hoài thấy lâng lâng, chìm trong giấc mơ thanh bình. Giấc mơ đưa Hoài về với Hà Nội, với dòng sông Hồng mênh mông, sóng vỗ dập dờn, với bọn bạn học hồn nhiên…
Bỗng, Hoài giật nảy mình, choàng khỏi cơn mơ, bởi tiếng Giáo quát: “Trực thăng. Đứng im!”.
Tất cả dừng lại, khom người, gùi hom sắn đè nặng trên lưng.
Có tiếng động cơ máy bay phành phạch ngay phía đồng cỏ, mỗi lúc một to. Đã có kinh nghiệm trong chuyến đi đồng bằng, Hoài biết có hai chiếc máy bay trực thăng đang tiến về phía mình. Hoài cũng đoán rằng chúng sẽ rải chất độc, mà bọn giặc Mỹ gọi là chất khai quang. Sau bao thất bại ê chề, sau bao trận trải thảm bom, thảm chất độc mà không đạt được mục tiêu, chúng rút kinh nghiệm, đánh tập trung hơn, chọn điểm để đánh. Bây giờ, chúng không dùng máy bay vận tải cỡ lớn C123 hoặc H-34 rải chất độc hóa học xuống cả cánh rừng bao la, mà dùng máy bay trực thăng rải xuống từng thửa ruộng, đám rẫy.
Bó hom sắn trên lưng trở thành vật ngụy trang, che chở cho bốn người nên họ cứ kiên nhẫn khom người chờ máy bay bay qua. Thế rồi, tiếng máy bay gầm rít ngay trên đầu, một màn sương đùng đục, nâu đỏ bao phủ rẫy lúa. Một mùi hăng, nồng pha lẫn mùi dầu diezen lan tỏa, khiến ai nấy tức thở. Hai chiếc máy bay bay song song dọc theo rẫy lúa, phun thuốc “khai quang” xuống mù mịt. Tới cuối rẫy, chúng quay lại, hạ thấp hơn, phun nốt số thuốc còn lại, rồi mới cút. Giáo dùng khăn che miệng, cố nói to: “Chạy nhanh xuống suối!”. Lăn lộn ở chiến trường nhiều năm, Giáo dày dạn kinh nghiệm, biết xử lý các tình huống để thoát hiểm. Mọi người nhanh chóng tách khỏi rẫy lúa, men theo con dốc nhỏ, cứ theo tiếng nước chảy róc rách mà lần xuống.
Hạ gùi hom sắn xuống bờ suối, mọi người nhìn nhau, giật mình vì thấy trên tóc ai cũng lấm tấm những giọt nước nâu đỏ, nhờn nhờn. May mà nhờ gùi hom sắn che chở, chất độc chỉ lọt vào người một ít. Giáo bảo mọi người dìm ngay hom sắn xuống nước và gội đầu, rửa mặt cho kỹ. Loại chất độc hóa học này không tan trong nước, phải loại chúng ra ngay khỏi cơ thể. Hoài phục Giáo, xử lý nhanh và chính xác các sự cố. Không có thuốc giải độc, đành phải lấy nước tẩy độc thôi. Mỗi người đều gội đầu, rửa mặt mũi, tay chân kỹ càng. Hoài bảo Hải và Nhơn lên đoạn suối phía trên tắm, giặt, bởi anh thấy vai áo của hai người bị ươn ướt thứ nước nhầy nhầy độc hại đó. Bốn gùi hom sắn được ngâm trong dòng suối trong lành. Hoài hy vọng, nước suối sẽ làm trôi đi hết chất độc, chứ không, cây sắn chứa độc, nảy mầm, sinh củ trong độc tố, nguy hại khôn lường!
Khi bốn người về đến nhà, anh em đang lo lắng, trông đợi. Hai nhóm kia đã về từ năm giờ chiều. Mọi người lo nhóm của Giáo gặp máy bay trực thăng, bị chúng “kít” xuống bắt! Anh Bá đến đỡ gùi hom sắn xuống giúp Hoài - anh vẫn bảo rằng Hoài còn thư sinh, yếu hơn mọi người, cần được đặc biệt quan tâm. Nghe Hoài nói lí do về chậm, anh cứ xuýt xoa: “May quá, may quá!”.
Bữa chiều, cả đội được liên hoan thịt voi “thí xác” (có nghĩa là vô cùng thoải mái, tha hồ). Tối, cả Đội họp, nghe anh Bá đọc thư của Trưởng ban Tuyên huấn Khu phổ biến tình hình, xác định nhiệm vụ của đơn vị. Theo nhận định của Khu ủy, lương thực vẫn luôn là vấn đề trọng yếu. Phải tích cực sản xuất, tự túc lương thực, nếu không sẽ đói, mất sức chiến đấu. Như vậy, đội sản xuất Làng Tuyên phải có kế hoạch sản xuất lâu dài, cơ bản hơn. Hoài nhói lòng khi biết rằng rẫy sắn của Đội phía Nước Ngheo vừa bị máy bay Mỹ rải chất độc hóa học tàn phá. Bởi vậy, ngay sáng mai, toàn đội phải tới Nước Ngheo chặt cây sắn, không để chất độc theo thân xuống củ. Riêng nhóm của Giáo, chỉ tham gia trong buổi sáng, sau khi ăn trưa, sẽ đi lấy thịt voi.
Nhìn rẫy sắn mênh mông, chứa đựng biết bao mồ hôi, nước mắt của mỗi người trong đội Làng Tuyên, sắp đến ngày được thu hoạch, vì bọn giặc man rợ, mà bây giờ rũ lá, phủ một màu vàng thê thảm cả một ngọn đồi, lòng ai cũng tái tê. Bọn xâm lược này không từ một thủ đoạn nào để triệt đường sống của người Việt Nam, cố thực hiện bằng được dã tâm cướp nước!
Mọi người dàn hàng, khom mình, dùng rựa phạt cây sắn tới sát gốc. Những dòng nhựa ứa ra, như cây rỉ máu đớn đau. Mùi hoá chất độc nồng nặc như bàn tay ma quái bịt miệng, bịt mũi, làm cho mọi người nghẹt thở. Dù ai nấy dùng khăn che kín mũi, miệng, nhưng làm sao cản nổi sự thâm nhập của loại chất độc này vào lục phủ ngũ tạng?
Chả mấy chốc, một vạt rẫy đã trơ ra những gốc sắn, ngổn ngang những thân cây khẳng khiu. Hy vọng là, chất độc mới thấm vào lá sắn, chưa kịp theo dòng nhựa thấm vào củ sắn. Thế nhưng, còn chất độc thấm trong đất, làm sao mà tẩy rửa được, rồi nó vẫn ngấm vào củ, gây hại lâu dài, làm sao mà lường cho thấu? Nhưng thôi, cứ phải thực hiện biện pháp ngăn chặn duy nhất đúng lúc này là chặt cây, không để chất độc lan xuống củ.
5.
Nhóm bốn người: Giáo, Hoài, Hải, Nhơn, do Giáo phụ trách, lên đường tới rừng Ông Xây lấy thịt voi.
Giáo có kỹ năng đặc biệt về đi rừng. Chỉ nghe anh tóc quăn bảo qua, Giáo đã hình dung ra đường ngắn nhất tới rừng Ông Xây. Giáo phổ biến: tối nay sẽ ngủ ở rừng Chò, sớm mai đi tiếp, tới nơi, xẻ thịt voi rồi quay về. Trong gùi của mỗi người đều có tăng, võng, dao, rựa. Riêng Giáo còn đem theo rìu, anh bảo là da voi dầy, chân voi rắn, phải có rìu mới trị được.
Khu rừng mà Giáo chọn để nghỉ qua đêm, có tên là rừng Chò, bởi nó có nhiều cây chò, nằm trên một dải đất bằng phẳng. Hoài sững sờ trước vẻ đẹp của rừng, đặc biệt là những cây chò. Cây vươn cao tới gần bốn chục mét, thân to một người ôm không xuể. Trông chò ra dáng một lực sĩ, vươn thẳng, chắc nịch, tràn đầy sức sống. Những “chàng lực sĩ” ấy đứng rải rác, xen với những cây sấu, re xanh, trám, sâng... tạo thành một khu rừng nguyên sinh, với bầu không khí dìu dịu, trong lành.
Không biết ai đã dựng sẵn một dàn tăng võng, có thể chứa năm, sáu người. Bốn người chỉ cần phủ các tấm tăng lên nóc, mắc bốn chiếc võng vào hai thanh ngang, là đã có một chiếc lều đàng hoàng. Theo sự phân công của Giáo, hai cô gái mắc võng ở giữa, Hoài, Giáo ở hai bên. Hoài thầm nghĩ: “Giáo chu đáo thật. Hai người nằm ngoài bảo vệ hai cô đây!”. Nghĩ tới việc có thể làm “lá chắn” bảo vệ những đồng đội nữ, Hoài thấy vui vui, mà lại bùi ngùi chua xót. Sống trong rừng thời chiến, thiếu thốn, gian khổ, cái chết luôn luôn rình rập, nam giới phải chịu đựng một, thì chị em phải chịu đựng gấp cả chục lần. Hoài cảm phục hai người phụ nữ đang cùng anh đi kiếm thực phẩm cho đồng đội này, cả hai không hề tỏ ra phải lên gân để vượt qua mọi thử thách, mà cứ lặng thầm, bình dị, hồn nhiên cống hiến.
Giáo nói: “Hôm nay, ta tự chiêu đãi những món ăn ngon của rừng nhé!”. Cả nhóm “Nhất trí!” và bắt tay vào việc. Giáo và Nhơn đi bắt cá, ốc. Hoài và Hải đi hái rau, lượm củi.
Rừng Trường Sơn không những “che” mà còn “nuôi” bộ đội, “vây” và “diệt” quân thù. Trong rừng, trời đã ban xuống cho con người không biết bao nhiêu là lương thực, thực phẩm. Riêng các loại rau, lá rừng có thể ăn được, đã có cả trăm loại. Nhưng cũng phải thận trọng, trong rừng còn có bao nhiêu loài lá độc, bao cạm bẫy nguy hiểm. Hoài đã học được rằng, phàm những lá, quả có vị chua, đều không độc. Hoài biết tới trên bốn chục loại lá, quả chua, như sấu, bứa, tai chua, sống đời, bụp giấm, rau chua, lá giang... Lá, quả chua trở thành món ăn thân thiết đối với người lính Trường Sơn. Chỉ cần chút muối, chút bột ngọt và vài nắm lá chua là đã có nồi canh chua hấp dẫn. Lính Trường Sơn ai mà chẳng bị sốt rét “nghĩa vụ”, khi lên cơn sốt rét, sao lại thèm của chua đến thế. Trời đã chiều lòng người Trường Sơn, ban cho món chua ấy giúp những người bị sốt rét đỡ đắng miệng, thêm sức chống đỡ với lưỡi hái của thần chết.
Tuy vậy, Hoài tự thấy mình còn ngù ngờ lắm, chưa nhận dạng được nhiều loài cây, cỏ, củ sẵn có trong rừng để khai thác. Anh chỉ biết mấy thứ thông thường có thể ăn được như nấm mối, nấm mèo, môn dóc, môn thục, rau dớn, củ nưa… còn lại bao sản vật khác, đối với Hoài vẫn là điều bí ẩn. Hoài cùng Hải bắt đầu đi kiếm rau. Thấy đám môn dóc, Hoài bảo: “Rau đây rồi!” và định sà xuống hái. Hải ngăn lại: “Có rau khác ngon hơn, anh ơi!”. Hải tiến tới một bụi cây, chỉ vào một cây thân gỗ, chỉ to bằng cổ tay trẻ con, cao quá đầu người, bảo: “Đây là cây rau ranh, lá ngon lắm! Quê em có câu: Rau ranh ốc đá là cá nậu nguồn”. Hai anh em vít cành, hái lá - mùa này, rau ranh đang ra lá non. Hoài bứt một nắm thứ lá giòn giòn, mềm mềm ấy, vo vo rồi cho vào miệng, nhấm nháp vị ngọt lẫn chát dịu, nồng nồng hương đất rừng và nắng gió Trường Sơn. Hoài nhận xét: “Mùi, vị rau này giống rau ngót ở miền Bắc!”. Hải tiếp lời: “Quê em lại có rau bồ ngót có mùi vị giống loại rau này, nhưng lá nhỏ hơn”. Hoài hỏi: “Có phải đó là loại cây thâm thấp, hay được trồng quanh vườn làm bờ rào không?”. Hải ngạc nhiên: “Sao anh biết?”. Hoài cười: “Anh đoán mò đó mà. Vậy thì rau ngót quê anh với rau bồ ngót quê em, chỉ là một thôi!”. Quanh quẩn cả nửa tiếng đồng hồ, hai anh em mới hái đủ rau nấu một nồi canh. Thực ra, vì Hải muốn hái độc một món rau ranh nên mới lâu thế, chứ hái rau khác thì chỉ một loáng là thừa ăn.
Hải lấy gạo, cho vào ăng gô (một kiểu cặp lồng), đem ra suối vo. Gạo ở chiến trường có rất nhiều loại. Khi ở Ban, được cung cấp lương thực từ kho, thường gặp loại gạo đã để lâu, sinh ra mọt rất nhiều. Những con mọt bé bằng đầu tăm, màu hơi đo đỏ, đen đen, ngày đêm gặm nhấm, làm cho nhiều hạt gạo bị rỗng ra, khi đem vo, nổi lềnh bềnh. Lại có loại gạo bị lẫn rất nhiều sạn. Không có rá để đãi sạn, người ta phải vo, khuấy, lắng, đãi dần từng lớp gạo, lọc sạn lại. Có khi, chỉ một ăng gô gạo mà có tới một vốc sạn. Tuy ở đội sản xuất, không gặp tình trạng ấy, nhưng lại phải ăn thứ gạo “đá”. Ở miền núi có thứ lúa rất dễ gieo trồng, khỏe mạnh, năng suất khá, nhưng hạt rất cứng cho nên được gọi là gạo “đá”. Nếu nấu như gạo bình thường, cơm vẫn chín, nhưng ăn cứng như đá, không nuốt nổi. Để cơm mềm, phải vo gạo sớm, để ráo nước cả tiếng đồng hồ, khi nấu phải ninh như người ta hầm bắp. Vo gạo xong, Hải mới cùng Hoài kiếm củi. Rừng cây tươi tốt, những cây chò không bị gẫy cành, cho nên rất hiếm củi khô. Hải trấn an Hoài: “Không lo, anh. Em thấy có nhiều cây trường lắm. Mà gỗ trường tươi, còn bén lửa nhanh và cháy đượm hơn củi khô”. Cây trường không lớn, dễ chặt, chẻ ra thấy rơm rớm nhựa đỏ như máu. Hai anh em chặt, chẻ một lúc đã được một đống củi trường to tướng.
Hải nhen bếp. Chỉ một loáng, ngọn lửa hồng đã bùng lên, nổ lép bép, vui mắt, vui tai làm sao. Hai ăng gô cơm được treo trên ngọn lửa, sôi lọc bọc, đảm bảo cho bốn người ăn hai bữa - chiều nay và sáng mai.
Cơm cạn, Hải dụi lửa, chỉ để lại những hòn than rực hồng.
Trong khi chờ Giáo và Nhơn về, hai anh em thủng thẳng dạo thăm rừng. Hoài chỉ vào một cây chò cao vút, nói: “Hồi còn công tác ở Tây Bắc, anh đã từng gặp cả cánh rừng chò nguyên sinh vào mùa hoa nở. Hoa chò mọc ở đầu cành, cánh hoa màu vàng, có mùi thơm nhẹ. Dù ở tít trên cao, nhưng hoa chò vẫn tỏa xuống hương thơm dìu dịu. Gỗ cây chò cũng thơm như vậy”.
Không biết do nghe Hoài nói hấp dẫn quá, hay cây chò này đang toả hương, mà Hải lim dim mắt, cánh mũi phập phồng, lồng ngực cũng phập phồng... Lát sau, Hải mở mắt, nở nụ cười hiền hậu: “Hương rừng Chò thơm quá, mà lại ấm quá anh ơi!”. Cảm xúc dễ được lan truyền, Hoài cũng thấy rừng Chò sao mà thơm, sao mà ấm! Hai anh em ngồi xuống bộ rễ cây chò êm êm, tựa lưng vào thân cây chò thô ráp, tận hưởng những giây phút thanh bình của thời chiến.
Giáo, Nhơn vẫn chưa về. Hoài bảo Hải: “Anh đi gọi, xem thế nào, em nhé!”. Rồi Hoài đứng lên, rảo bước về phía con suối, đi xuôi xuống. Qua một đoạn dốc, con suối bỗng dưng trải rộng ra, chảy mạnh hơn, rì rà rì rào. Hoài đứng lặng một lúc, lắng nghe bản tình ca dạt dào của thiên nhiên, rồi chậm rãi đi trên bờ cát mịn màng dọc con suối. Nhìn quanh, không thấy ai, Hoài bắc tay hú to mấy tiếng. Vẫn không thấy ai, Hoài đi tới tận cuối bãi cát, bắt gặp một chiếc gùi đặt trên một tảng đá bằng phẳng, đó là chiếc gùi mà Giáo và Nhơn đem theo lúc chiều. Lo lắng, không hiểu chuyện gì xảy ra với hai người, Hoài lại bắc tay lên miệng, hú gọi. Tiếng hú vang lên, kéo dài, va vào rừng cây, tạo thành thứ âm thanh rền rền, âm âm, nghe là lạ. Hoài đi tiếp, gặp một đồi cỏ tranh lớn. Cỏ mọc cao lút đầu người, dày, xanh, dập dờn gợn sóng theo chiều gió. Đang mải quan sát đồi tranh, Hoài giật nảy mình khi thấy nhô lên hai bóng người. Hóa ra, đó là Giáo và Nhơn. Hai người vạch cỏ tiến ra, đầu tóc rối bù; Nhơn, váy áo xộc xệch, Giáo, chỉ có mỗi chiếc quần đùi…
Hai người không nói không rằng, chỉ nhìn Hoài và cười ngượng nghịu. Giáo vuốt vuốt mái tóc, rồi lại vò vò, làm cho nó rối tung lên. Nhơn xốc lại chiếc váy, lại làm cho một chiếc cúc áo bung ra. Tự nhiên, Hoài cũng gãi gãi đầu, không nói gì được, chỉ cười trừ.
Tới bãi nghỉ, Giáo gọi to: “Hải ơi, có cá chình, anh bắt về đây này!”. Hải đang nằm thiu thiu trên võng, vội tung bọc võng ra, bật xuống đất, reo vui: “Ôi, cá chình, cá chình cơ à?”. Cá chình là loại thức ăn cao cấp ở rừng núi này, không dễ kiếm. Hồi ở Ban, Hoài đã được vài lần ăn cá chình do anh em câu hoặc bắt được từ sông Thanh. Thịt cá chình nạc, chắc, ngọt, ăn một lại muốn ăn mười, nhưng cá ít, người đông, mỗi người cũng chỉ được một lát nhỏ. Lần này, bốn anh em mà có cả một con cá to bằng bắp chân, tha hồ thưởng thức. Giáo bảo, cùng Nhơn đi xuôi con suối, tìm bắt mãi cũng chỉ được một ăng gô ốc, đã thất vọng, nhưng khi quay lên, nghỉ chân ở bãi cát mới thấy có “mà” cá chình nên bắt được con này. Trong khi Hải đem cá ra làm, thì Hoài ngồi “khai thác” chuyện của Giáo về “mà” cá chình, chuyện bắt cá chình. Giáo cứ cười hề hề: “Có gì đâu mà kể!”. Hoài vật nài: “Chuyện cá chình mà lại không hấp dẫn à? “Mà” cá chình là gì? Bắt cá chình thế nào? Làm sao mà anh bắt được con cá to như thế, trong khi chẳng có lưới, cũng chẳng có câu?”.
Được khích lệ, Giáo hứng chí:
- Cá chình, thứ cá da trơn, trên sông, suối Trường Sơn này, có mà vô thiên lủng! Có con to bằng một thằng bé, dài cả mét…
- Úi úi… - Định cắt ngang lời Giáo vì thấy anh nói hơi bốc, khéo lại giống chuyện “Con rắn vuông”, nhưng sợ Giáo mất hứng, Hoài lại im.
Chớp mắt, nuốt khan đánh ực một cái, Giáo tiếp:
- Bắt cá chình, dễ lắm. Trên núi này, có hai cách: Một là câu. Hai là lặn xuống, mò vào hang, xiên. Câu ấy à, thường thôi. Bí quyết là bắt được con cá niên còn sống, mắc nó vào lưỡi câu, thả trước hang có cá chình. Bọn này chúa thích ăn cá niên, cho nên trông thấy cá niên bơi lội trước mắt, sẽ tợp mồi ngay. Lặn bắt cá mới đáng bàn. Phải dài hơi, lặn sâu, lặn lâu để đủ thời gian thò thuốn sắt vào hang, thọc, ngoáy, giật, kéo con cá ra.
Ngừng lại nhìn Hoài đang chăm chú nghe, Giáo hạ giọng, vẻ quan trọng:
- Nói dễ mà không phải dễ. Dù câu hay bắt, cũng phải biết “mà” của nó mới được!
- “Mà” là thứ gì?
- À, là dấu vết của con cá cho biết nơi nó ở. Phải nhìn tinh mới thấy; trước miệng hang, cá bơi qua bơi lại nhiều nên cát phẳng hơn và lõm xuống một chút. Cứ nhìn thấy “mà”, là biết trong hang có cá chình.
- Như anh, câu hay bắt nó đấy?
- Bắt chứ có cần câu đâu mà câu! Mình mà thèm câu à!
Thấy Hoài cứ tròn mắt ngạc nhiên, Giáo lấy trong giỏ ra một thanh sắt tròn, to cỡ chiếc đũa, đầu nhọn hoắt, có ngạnh, giải thích:
- Đây, phải dùng cái này để xiên con cá trong hang, kéo ra!
Hoài thán phục thật sự:
- Anh xứng đáng là Yết Kiêu của Đội ta.
Giáo cười tít cả mắt, trông hồn hậu, đáng mến làm sao. Bất chợt thấy Nhơn tựa vào thân cây nhìn mình đắm đuối, Giáo cúi mặt xuống, im thin thít. Hoài nhìn hai người, ngẫm nghĩ: “Đúng là gay to rồi!”.
Bốn người bắc đá làm ghế ngồi quanh “mâm cơm”, gồm ăng gô cơm, ăng gô canh và mấy khúc cá chình nướng, đặt trên miếng lá chuối rừng. Trong nhóm này, chị Nhơn lớn tuổi nhất, hơn Giáo và Hoài bốn tuổi, hơn Hải tới tám tuổi, được coi như chị cả. Chị người dân tộc Cor, Trà Bồng, Quảng Ngãi. Chị nấu ăn ngon nên được phân công làm cấp dưỡng cho Đội. Hôm nay, chị hái được thứ lá rừng gì đó, bọc cá, nướng trên bếp than, làm thành món nướng hấp dẫn lạ thường. Món canh ốc cũng đặc biệt. Các chú ốc được chị Nhơn rửa sạch, chặt bớt phần đuôi, rồi nấu với rau ranh, được một ăng gô canh ngọt lừ. Hoài đã quen ăn ốc kiểu này: không cần dùng tăm hay kim khêu mà dùng miệng hút tụt thịt ốc từ trong vỏ ra. Ăn món canh ốc với rau ranh, thấy ngọt lừ, nhớ lại câu ca dân gian mà Hải nói với anh hồi chiều, Hoài nhận xét: “Rau ranh ốc đá hợp lại, vị ngon ngang với canh cá của người miền núi!”.
Bữa cơm kéo dài trong câu chuyện rôm rả về đủ loại thức ăn của rừng, xen với tiếng hút ốc chùn chụt, tạo nên một không khí vui vẻ, thân tình hiếm có.
Cơm xong, Nhơn đem bi đông ra, rót cho mỗi người lưng nắp ăng gô nước. Chị bảo: “Nước sâm cau đấy, uống đi cho khỏe!”. Trên những khu rừng miền Tây Quảng Nam có một loài cây nhỏ thân gỗ, lá dài, củ như chùm rễ, được gọi là sâm cau. Củ của nó chỉ to, dài hơn ngón tay, khi nấu, cho một thứ nước giải khát vị ngọt thanh, giúp cơ thể hồi phục sức khỏe khá hiệu nghiệm. Quanh khu vực của đội sản xuất cũng có loại cây này, nhưng phải lùng sục trong rừng rất mất công, khi đào cũng rất vất vả vì nơi sâm mọc đất rất cứng. Không biết ngoài giờ làm bếp núc, chị Nhơn đã bỏ ra bao nhiêu thời gian để đi kiếm loại củ rừng quý hiếm này? Hoài thầm cảm ơn người phụ nữ chu đáo, cứ lặng lẽ phục vụ đồng đội từng miếng ăn, thức uống, chưa bao giờ thốt lên một lời ca thán, kể cả những lúc thiếu thốn nhất, đến hạt muối cũng không có. Hoài nhớ có đợt bị hết muối, mà mưa dai dẳng cả tuần lễ, nước sông, suối dâng cao, lũ băng băng, không thể đi mua muối, chị Nhơn đem cỏ tranh đốt lấy tro thay muối, nó cũng có vị hơi mằn mặn, chan chát, giúp anh em bớt cơn đói muối. Ai đã từng bị đói muối mới thấy giá trị của hạt muối lớn lao đến nhường nào. Khi bị thiếu muối dài ngày, cơ thể người ta rã rời ra, đau đầu, chóng mặt, rối loạn ý thức, mất tập trung, buồn nôn... Hồi ở ngoài Ban, khi đến bệnh viện, Hoài đã chứng kiến một bệnh nhân phải cấp cứu vì bị đói muối lâu ngày, nặng đến mức đã co giật, hôn mê, tụt huyết áp, tưởng không qua khỏi. Nắm tro cỏ tranh mà chị Nhơn làm ra cho anh em, có tác dụng hạn chế những hệ lụy do thiếu muối gây ra, có thể chị cũng không biết được giá trị của nó, nhưng với Hoài, đó là một sáng kiến lớn lao, biểu hiện của tinh thần trách nhiệm cao và tình thương yêu đồng đội vô bờ bến, đáng trân trọng.
Chị Nhơn đang ở cái độ đậm đà nhất của người phụ nữ, với dáng vóc cân đối, thân hình chắc nịch, bộ ngực căng tràn. Nước da nâu nâu, khuôn mặt góc cạnh nhưng không thô, cặp mắt tròn, sáng trong, chị có cái đẹp hoang dã, bản năng. Chợt nhớ đến cảnh tượng hồi chiều ở đồi tranh, Hoài thấy lo lo cho chị.
Bốn người lặng lẽ nhâm nhi nước sâm rừng, thứ nước ngòn ngọt, thanh thanh chứa đựng tinh túy của núi rừng, cảm thấy tâm hồn sảng khoái lạ thường.
Không biết hôm nay là ngày mấy âm lịch, mà trăng lên sớm thế. Trăng chưa tròn, nhưng sáng lung linh. Ánh trăng xuyên qua các vòm lá, đọng lại thành những bông hoa nhiều cánh trên mặt đất. Khi gió và lá vờn nhau xao động, những bông hoa ấy lại thay hình đổi dạng, chập chờn, huyền ảo. Hoài ngắm những bông hoa lạ ấy, nhớ tới thời niên thiếu, được xem kính vạn hoa, cũng có những hình hoa biến ảo như thế này. Cuộc đời dâu bể, có ai ngờ cậu học sinh Hà Nội lại trở thành anh nông dân Trường Sơn, biết canh tác theo phương pháp cổ xưa nhất, mà vẫn cùng đồng bào, đồng chí tạo nên những mùa lúa, ngô, khoai, sắn nuôi sống những đội quân cách mạng, chờ ngày xuống đồng bằng đánh đuổi bọn giặc cướp nước, đem lại hòa bình, thống nhất cho Tổ quốc.
Thấy ba bạn cũng im lặng như mình, Hoài đứng lên, rủ:
- Mình ra thác nước ngắm trăng đi!
Lúc này, trời lành lạnh, nhưng không ai thấy ngại ngùng, mà đều hăng hái tiến về phía dòng suối. Ở đây, bầu trời được mở rộng ra, thoáng đãng, trong trẻo. Mặt trăng lung linh, tỏa ánh sáng dìu dịu xuống khu rừng. Dòng nước reo vui, bãi cát trải rộng, mờ mờ ảo mộng mời chào. Hoài hỏi Giáo:
- Hang có cá chình đâu Giáo ơi?
- Ở kia kìa! - Giáo chỉ tay về phía đầu vũng nước, nơi có những tảng đá lớn chồng lên nhau.
Những tảng đá im lìm, in bóng đen trầm mặc xuống dòng nước; nước trong leo lẻo, chảy băng băng, lấp lóa phản chiếu ánh trăng, tạo nên bức tranh tương phản, chứa đựng bao bí ẩn của thiên nhiên hoang dã. Hoài chịu, không thể hình dung được cái “mà” cá chình như thế nào. Mà có biết “mà” cá chình, thì cũng chẳng thể nào lặn bắt được nó.
Trong ánh trăng thanh, bầu không khí lành lạnh, mọi người kể với nhau chuyện về quê hương, những kỷ niệm ngọt ngào, ấm áp, mà bây giờ đã trở thành dĩ vãng, không biết bao giờ có thể có lại được. Cả những kỷ niệm buồn đau, cay đắng, họ cũng chia sẻ cho nhau, trong sự cảm thông của tình đồng chí. Nhơn không thể nào quên được trận bom Mỹ dội xuống ngôi làng người Cor Trà Bồng, cướp đi những người thân của chị. Giáo nhớ mãi những ngày trốn lính đầy sợ hãi, nhục nhã. Hải kể lại những ngày địch dồn dân, lập ấp chiến lược, cả gia đình bị lùa vào khu dồn, chỉ có mỗi mình Hải cùng mấy bạn đi lên đồi hái củi là không bị bắt, rồi vượt vùng ranh, lên căn cứ tham gia cách mạng. Hoài nhớ mãi thời học sinh, khi học cấp hai vẫn hay cùng các bạn ra bãi đá ven sông Hồng học bài, lúc rảnh rỗi thì xem phim ở rạp Tháng Tám, ngày hè lại cùng các bạn tham gia lao động ở Kim Lan, cùng bà con nông dân thu hoạch lúa, mà cảm thấy mùi rơm rạ còn thơm nồng tới tận bây giờ. Hoài kể về những cảnh đẹp của Hà Nội, những công trình thể hiện ý chí thống nhất đất nước, như Câu lạc bộ Thống nhất, Công viên Thống nhất... Hải xuýt xoa: “Miền Bắc chắc là giàu, đẹp lắm anh nhỉ. Ước gì em được ra thăm miền Bắc !”. Hoài thủ thỉ, giọng chân thực: “Miền Bắc đẹp lắm. Miền Bắc là hậu phương vững chắc cho miền Nam chúng ta. Khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân/Quân không thiếu một người” thể hiện tinh thần của miền Bắc vì miền Nam ruột thịt. Nhưng, bị chiến tranh tàn phá, phải dồn lực cho tiền tuyến, miền Bắc còn nghèo lắm. Sau này thống nhất, chắc chắn còn phải mất nhiều công sức xây dựng mới làm cho miền Bắc giầu đẹp lên như Hải hình dung”. Hải, Nhơn, Giáo lặng nghe trong niềm xúc động chân thành, khao khát đến ngày thống nhất được ra miền Bắc thăm Hồ Gươm - Cầu Thê Húc - Tháp Rùa, thăm Chùa Một Cột, dạo chơi trong công viên Thống Nhất…
Mãi khuya, mọi người mới về lều, lên võng, phủ bọc. Giáo, Nhơn nhanh chóng đi vào giấc ngủ. Hoài, Hải còn thức, nhưng không dám nói chuyện vì sợ ảnh hưởng tới hai đồng đội.
Dần dần, tất cả chìm vào sự im lặng của đêm. Hoài có một giấc ngủ dài và sâu, đầu nhẹ nhõm, lâng lâng. Chỉ đến khi con tắc kè kêu lên hai tiếng “Tắc… kè…” gọi bạn tình, Hoài mới bừng tỉnh giấc. Nhẹ nhàng ngồi dậy, Hoài thấy Hải vẫn ngủ yên, nhưng võng Giáo và Nhơn có vẻ không có người nằm. Nhẹ nhàng xuống đất, xỏ dép, vòng về phía võng của hai người, Hoài thấy chúng trống trơn. Đoán chắc chuyện gì đang xảy ra, Hoài bấm đèn pin, đi về phía suối nước. Bãi cát vắng tanh, nhờ nhờ trắng dưới ánh sáng trăng. Hoài dò dẫm về phía đồi tranh. Và rồi, anh nghe thấy những tiếng động lạ thường. Tiếng người phụ nữ “hực... hực...” kèm theo tiếng rên rỉ. Tiếng người đàn ông thở hào hển. Tiếng quần lộn trên cỏ tranh nghe xào xạo…
Hoài hiểu mọi chuyện là gì rồi. Cỏ tranh, một khi để lá của nó cứa vào da thịt, có thể bị thương, rất xót. Thế nhưng, nếu khéo léo ép chúng nằm rạp về một phía, có thể tạo nên một tấm nệm êm… Giáo và Nhơn, chắc là đang tận hưởng những khoái cảm nhục dục trên tấm đệm thiên nhiên êm ái ấy… Hoài đứng lặng, suy nghĩ một lúc, rồi lầm lũi trở về lều…
Mọi người dậy sớm, ăn sáng rồi hăm hở đi về rừng Ông Xây. Hoài không thể ngờ rằng lại có nhiều người đến lấy thịt voi đến thế. Hóa ra, ở chiến trường, có miếng ngon là mọi người nhanh chóng thông báo cho nhau cùng khai thác để cùng được hưởng. Nhìn con voi to như một quả đồi nhỏ nằm phủ phục, đầu bị đạn rốc két do máy bay Mỹ bắn bay một nửa, thân xác bị xẻ nham nhở, Hoài thấy đau xót quá. Với con voi to như vậy, nặng hàng mấy tấn, thì không thể nào lấy được phần thịt nằm phía dưới, vì vướng bộ xương, cũng không thể lật thân mình nó lên. Cho nên, mọi người chỉ lấy vòi, chân - được cho là rất ngon - cùng thịt ở phần trên của thân voi. Với phương tiện chỉ là những con dao, con rựa, cùng lắm là chiếc rìu, mọi người hì hục chặt, xẻ, xẻo, mồ hôi mồ kê đổ ra nhễ nhại.
Bất ngờ, Hoài gặp ông Chanh, chị H’Ly, em H’Len và một thanh niên khác trong nóc Ông Chanh, đã tới lấy thịt voi từ sớm, chuẩn bị ra về. Ông Chanh bảo Hoài - đang đứng trông gùi đồ cho Giáo vào lấy thịt voi: “Mình có hai cái bàn chân voi, mình cho cán bộ một chiếc, đem về nấu ăn cho mạnh chân, khỏe tay!”. Nói là làm, ông Chanh mở gùi, lấy chiếc bàn chân voi, chuyển ngay vào gùi của Hoài. Nhớ tới ăng gô cá chình nướng để dành từ chiều hôm qua, Hoài đem ra sẻ một nửa, lấy lá dong gói lại, đưa cho ông Chanh.
Phạm Việt Long
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/hoi-am-rung-cho-5-tiep-a1735.html