Vĩnh biệt tác giả bài thơ "Quê hương"

10:31 phút ngày 23/01/02023 (tức ngày mồng 2 Tết năm Quý Mão), nhà thơ Trần Chấn Uy gọi điện thông báo cho tôi: nhà thơ Giang Nam đã ra đi vĩnh viễn, hưởng thọ 96 tuổi.

giang-nam-1674457048.jpg
 

 

Ông là một con người đã chọn tổ quốc và thơ ca là lẽ sống của đời mình. Và suốt đời ông đã đi trên con đường ấy. Không có bất cứ điều gì, không có thách thức nào có thể thay đổi con đường của ông.

Nhà thơ Giang Nam sống hiền như cây , kiên định như cây, mạnh mẽ như cây và nở hoa kết trái như cây trong gió bão.

Xin cúi đầu vĩnh biệt ông, nhà thơ của bài thơ Quê Hương bất diệt.

Tham khảo từ Trang thông tin điện tử của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa

Nhà thơ Giang Nam - Tiểu sử và sự nghiệp

Giang Nam tên thật là Nguyễn Sung, sinh ngày 02 tháng 02 năm 1929 (tính theo âm lịch là ngày 23 tháng Chạp năm Mậu Thìn – 1928), trong một gia đình nhà Nho bình dân yêu nước, tại làng Bình Trị, tổng Hiệp Trung, huyện Tân Định, phủ Bình Hoà, tỉnh Khánh Hoà (nay là làng Bình Trị, xã Ninh Bình, huyện Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà). Hiện gia đình nhà thơ đang thường trú tại số 46 đường Yersin, thành phố Nha Trang, Khánh Hòa.

Ngoài bút danh Giang Nam, trước đây ông còn dùng các bút danh khác như: Châu Giang, Hà Trung, Lê Minh khi viết trên các báo chí công khai dưới chế độ Sài Gòn thời gian từ năm 1955 đến năm 1959.

Trước Cách mạng tháng Tám (1945), dưới thời Pháp thuộc, sau khi học xong bậc Tiểu học tại huyện nhà, ông ra học tại trường Quốc học Quy Nhơn và thi đỗ bằng Thành chung (1945). Cùng với hai người anh trai là Nguyễn Lưu (Trưởng ty Thông tin tỉnh Khánh Hòa, đã hy sinh hồi tháng 9 năm 1955) và Nguyễn Quang (sau này là GS.TS. Ngôn ngữ học, Phó Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học Xã hội, thuộc Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam, nay là Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) đã thi đỗ trước đó, thì đây là ba trong số rất ít người đầu tiên ở huyện Ninh Hoà đã đạt học vị Thành chung, lại là ba anh em ruột trong một gia đình.

Cách mạng tháng Tám (1945) thành công, rồi kháng chiến chống Pháp bùng nổ, Khánh Hoà là một trong những địa phương đầu tiên ở nước ta đã gan góc dũng cảm chiến đấu nhằm ngăn chặn bước tiến của quân xâm lược trong những ngày đầu với 101 ngày đêm năm 1945 tại ga Nha Trang. Giang Nam cùng với hai người anh trai của mình đã tham gia kháng chiến từ dạo đó, bấy giờ ông mới 16 tuổi. Ban đầu ông công tác ở Uỷ ban Hành chính kháng chiến xã Hoà Dũng[1] với cương vị cán bộ, rồi Trưởng ban Thông tin, sau về làm cán bộ phòng Văn hoá Thông tin huyện Ninh Hoà.

Nhờ khả năng làm thơ đăng báo mà ông được đề bạt vượt cấp, Uỷ ban Hành chính Kháng chiến Tỉnh Khánh Hoà rút ông về công tác tại Ty Văn hoá Thông tin vào tháng 5 năm 1948, với nhiệm vụ viết bài và biên tập chính cho báo Thắng, báo Trait d’Union (Gạch nối) để phổ biến trong thị xã và cung cấp bản tin cho các địa phương, các ban ngành trong tỉnh. Tại cơ quan này, vài tháng sau ông được kết nạp vào Đảng. Gần cuối cuộc kháng chiến ông được cử giữ chức Phó Trưởng ty Văn hoá Thông tin tỉnh Khánh Hoà.

Trong thời gian này (1948), Tỉnh ủy Khánh Hòa chủ trương “Tiến về làng”, kêu gọi cán bộ về lại với dân, đổi phương thức hoạt động: đào hầm bí mật, bám sát nhân dân, gây dựng lại phong trào. Trong cuộc vận động này, đồng chí Tôn Thất Vỹ đã có bài xã luận “Tiến về làng”, đăng trên trang nhất. Bên cạnh đó in 4 câu ca dao của nhà thơ Giang Nam:

“Khói ai phơ phất bên đèo,

Phải người chiến sĩ nấu cơm chiều đó không?

Quê làng người đợi kẻ trông,

Sao anh chưa xuống núi, để em trông ngày ngày.”

(Thơ của Giang Nam)

Kháng chiến thắng lợi, Hiệp định Gienève được ký kết, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, cán bộ và quân đội ta ở Miền Nam tập kết ra Bắc, Nhà thơ Giang Nam cùng một số cán bộ chủ chốt: (Nguyễn Lưu, Lê Thanh Liêm, Mai Xuân Cống…) được tổ chức phân công ở lại hoạt động bí mật, gây dựng phong trào hậu chiến. Tranh thủ những ngày đầu, chính quyền Ngô Đình Diệm chưa kịp xây dựng bộ máy kìm kẹp một cách chặt chẽ và được sự tổ chức, hướng dẫn khéo léo của Thị ủy Nha Trang, Nhà thơ Giang Nam và một số cán bộ, đảng viên sống hợp pháp đã cùng với nhân sĩ trí thức xuất bản báo Gió Mới (do đồng chí Hồng Nhật làm chủ bút). Báo ra hàng tháng, khổ 24cm x 30cm, dày 30 trang, in mỗi số 5.000 tờ. Báo giữ lại 1.000 tờ cho Khánh Hòa, số còn lại gởi cho Tổng phát hành Nam Cường ở Sài Gòn phát hành, được các tầng lớp nhân dân miền Nam, trong tỉnh và Nha Trang nô nức đón đọc. Những hoạt động ấy như những ngọn lửa nhen nhóm trong lòng nhân dân tình cảm yêu nước, yêu hòa bình, thống nhất hướng về cách mạng. Nhiều bài báo và thơ văn của ông và nhiều đồng chí khác đã phát huy tinh thần đấu tranh cách mạng, tình cảm ruột thịt Bắc - Nam và nguyện vọng hòa bình thống nhất nước nhà:

“…Ai nói dùm em: Bao giờ hết cảnh chiến trường

Cho đò Bến Điệp tình thương lại đầy”.

(Thơ “Chiều Bến Điệp”, Gió Mới số 1).

 

“…Hai quê xa cách quá chừng

Cùng chung nước Việt em đừng có quên

Bao giờ thống nhất bình yên

Để hai quê ấy sống liền với nhau

Đường xa thì đã có tàu

Cách sông thì đã có cầu bắt qua”.

(Thơ “Hai quê”, Gió Mới số 2).

Báo Gió Mới ra được 12 số (từ tháng 5-1955 đến tháng 6 - 1956) thì bị chính quyền Sài Gòn đình bản, một số người làm báo và giúp đỡ tài chính bị bắt giam.

Từ năm 1956 đến năm 1959 – giai đoạn đen tối của cách mạng Miền Nam – có lúc ông phải chạy vào Miền Đông Nam Bộ làm nhiều nghề để sinh sống, chờ thời cơ hoạt động trở lại. Thời gian này, ông lợi dụng báo chí công khai ở Nha Trang, Sài Gòn để kín đáo ngợi ca kháng chiến, chống âm mưu chia cắt đất nước với các bút danh: Châu Giang, Hà Trung, Lê Minh.

Đến năm 1959, ông được điều động về chiến khu Khánh Hoà (Hòn Dù) làm Phó Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ Khánh Hoà. Cuối năm 1961, ông được điều về phụ trách bộ phận văn hoá văn nghệ của Ban Tuyên huấn Khu 6 mới thành lập (gồm các tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng và một phần Đắc Lắc). Năm 1963, Hội Văn nghệ Giải phóng Miền Nam thành lập, ông được giao nhiệm vụ Phó Tổng Thư ký Hội, kiêm Tổng biên tập báo Văn nghệ Giải phóng và Uỷ viên Ban Tuyên huấn Khu Sài Gòn – Gia Định. Cuối năm 1977, khi tờ báo này sáp nhập với tờ Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam), ông là Uỷ viên Thường vụ Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khoá 2 và 3, Tổng biên tập Tuần báo Văn nghệ (1978-1980), Trưởng ban Đối ngoại Hội Nhà văn (1981-1983), Thường trực Đảng Đoàn Hội Nhà văn Việt Nam[2]; Đại biểu Quốc hội và là Uỷ viên Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội khoá 6 (1976-1981). Sau đó, vì nhu cầu công tác, ông được điều về tỉnh Phú Khánh rồi Khánh Hoà, tham gia Ban vận động thành lập và là thành viên sáng lập Hội Văn học Nghệ thuật của tỉnh, được bầu làm Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Khánh, rồi Khánh Hoà (1984-1989); Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Khánh Hoà (1989-1993) phụ trách Văn xã. Từ khi về hưu cho đến nay, ông được cử làm Trưởng đại diện của Tuần báo Văn nghệ khu vực miền Trung và Tây nguyên.

Tác phẩm đã xuất bản

- Thơ và trường ca: Thơ Giang Nam,[3] Ty Thông tin Khánh Hòa xuất bản (in litô), 1949; Tháng Tám ngày mai (thơ), Nxb Văn học, HN, 1962; Quê hương – Tập thơ từ miền Nam gởi ra, Nxb Văn học, HN, 1965 (tập thơ này đã được Nxb Giải phóng in 1962); Người anh hùng Đồng Tháp (thơ, trường ca), Nxb Giải phóng, 1969; Vầng sáng phía chân trời (thơ), Nxb Văn học Giải phóng, SG, 1975; Hạnh phúc từ nay (thơ), Nxb Tác phẩm mới, HN, 1978;Thành phố chưa dừng chân (thơ), Nxb Tác phẩm mới, HN, 1985; Ánh chớp đêm giao thừa (trường ca), Nxb Quân đội Nhân dân, HN, 1998; Mầu nhiệm (thơ), trong tập “Nẻo về” in chung với 2 tác giả khác, Nxb Văn học, HN, 1999; Sông Dinh mùa trăng khuyết (trường ca), Nxb Quân đội Nhân dân, HN, 2002; Thơ với tuổi thơ (tuyển thơ thiếu nhi), Nxb Kim Đồng, HN, 2001; Lắng nghe thời gian (thơ), Nxb Hội Nhà văn, HN, 2008; Người đi mở đất (trường ca, đã công bố chương đầu); Tuyển tập thơ Giang Nam, Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, HN, 2013 ... và khoảng 50 bài thơ đăng báo từ 1999 đến nay nhưng chưa tuyển thành tập.

- Truyện và ký: Vở kịch cô giáo (tập truyện ngắn), Nxb Văn học, HN, 1962; Người Giồng Tre (ký và truyện ngắn), Nxb Giải phóng, 1969; Trên tuyến lửa (ký), Sở Văn hoá Thông tin Long An xuất bản, 1984; Rút từ sổ tay chiến tranh (ký), Nxb Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 1987; Sống và viết ở chiến trường (Hồi ký), Nxb Hội Nhà văn, HN, 2004; Tôi đã học văn theo kiểu của mình (hồi ký), in trong “Ký ức một thời học Văn”, Nxb GD, HN, 1995; cùng một số bài hồi ký về nghề Văn, về chân dung văn nghệ sĩ bạn bè đồng nghiệp.

Các giải thưởng văn học

- Giải 3 về truyện ngắn của Báo Thống nhất (1959), truyện Những người thợ đá.

- Giải nhì về thơ 1960-1961 của Tạp chí Văn nghệ (1961), bài Quê hương.

- Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu về Văn học Nghệ thuật của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam[4](1960-1965), giải chính thức về thơ (1965) cho tập thơ Quê hương.

- Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt 1 (2001) cho 3 tập thơ: Quê hương, Hạnh phúc từ nay, Thành phố chưa dừng chân.

- Các giải thưởng về Văn học Nghệ thuật của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Khánh Hoà:

+ Giải thưởng 25 năm (1975-2000) về các tác phẩm và công lao đóng góp cho Văn học Nghệ thuật của tỉnh.

+Giải thưởng năm 2002 cho trường ca Sông Dinh mùa trăng khuyết, giải B.

+ Giải thưởng 5 năm (2001-2005) cho 2 tác phẩm Sống và viết ở chiến trường, Sông Dinh mùa trăng khuyết, giải B.

- Tặng thưởng của Uỷ ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 2002 cho tác giả cao tuổi: trường ca Sông Dinh mùa trăng khuyết.

Với những cống hiến trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và thời đổi mới, nhà thơ Giang Nam đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều huân huy chương cao quý:

- Huân chương Quyết thắng chống Pháp hạng Nhất (1962).

- Huân chương Quyết thắng chống Pháp hạng Nhất (1975).

- Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng Nhất (1973).

- Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất (1985).

- Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba (1997).

- Huân chương Độc lập hạng Ba (1997).

- Huy chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật (1997).

- Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng (2008).

- Và nhiều Huy chương khác.

Nguyễn Thọ

________________________________

 

(Sưu tầm và biên tập từ nguồn: Tuyển tập thơ Giang Nam, Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, HN, 2013 và Địa chí Khánh Hòa - phần báo chí bổ sung năm 2014).

[1] Xã Hoà Dũng hồi chín năm kháng chiến gồm 3 xã hiện nay là Ninh Quang, Ninh Bình và Ninh Hưng, đều thuộc huyện Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà (từ năm 2011 là thị xã Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà)

[2] Lúc này, nhà thơ Giang Nam, nhà văn Nguyễn Khải cùng là Thường trực Đảng Đoàn, nhà văn Nguyên Ngọc là Bí thư Đảng Đoàn của Hội.

[3] Tập thơ này khoảng 30 bài, hiện chưa tìm lại được.

[4] Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu (1960-1965) do Trần Bạch Đằng - Ủy viên Chủ tịch đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trân dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam, đặc trách công tác thông tin, văn hóa, giáo dục làm Chủ tịch Hội đồng. Hội đồng đã chọn 54 tác phẩm thuộc các thể loại văn học nghệ thuật để trao ba loại giải: 02 Giải đặc biệt, 35 Giải chính thức (không phân hạng), 17 Giải khuyến khích.

Nguyễn Quang Thiều

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/vinh-biet-tac-gia-bai-tho-que-huong-a17413.html