NS Năm Sa Đéc- Ngôi sao cải lương Nam Bộ

Ở Nam Bộ, nói đến nữ nghệ sĩ Năm Sa Đéc, từ tuổi 40 trở lên ít ai là không nghe danh tiếng của bà.

Lùi lại hơn 80 năm trước, từ giai đoạn sơ khai của nghệ thuật cải lương, phong trào ca nhạc cổ điển được nhân dân ái mộ và phát triển rộng khắp các làng quê nông thôn Nam bộ. Từ năm 1910, bài bản cổ nhạc khá phong phú đa dạng qua các làn điệu hò, lý, ngâm... thuộc dân ca đã được chuyển hóa, đủ 3 Nam, 6 Bắc, 4 Oán, 7 bài lớn, 8 bài Ngự, 10 bài Liên Hoàn... Danh ca, nhạc sĩ, xuất hiện đông đảo.

d5-sa-dec-1674619404.jpg

NS Năm Sa Đéc (thứ 3 từ trái qua) cùng NS Ngọc Nuôi, Kim Hương trong vở "Đoạn Tuyệt".

 

Các lễ hội cúng đình, cúng miễu, giỗ chạp, tiệc tùng, liên hoan, thôi nôi, đầy tháng... hay rước các danh ca, nhạc sĩ giúp vui, thường họ ít khi nhận thù lao, chỉ chè chén qua loa cho xôm tụ, với sự góp mặt của các nhà giáo, các kỳ lão. Tóm lại, nơi nào có quần chúng tụ họp là có tài tử đàn ca. Lúc đầu còn ngồi ca, tài tử cao hứng vừa ca vừa ra bộ. Ca và ra bộ càng nhiều thì khán giả càng tán thưởng. Rồi lần hồi tiến dần đến hát chập, cao hơn một bước nữa là sân khấu.

Năm 1915, tại tỉnh Sa Đéc, một gánh hát bội tiên phong ra đời mang tên Thiện Tiền Ban do ông Hương Cả Tam, tên thật là Nguyễn Văn Tam, đứng ra thành lập và làm “bầu gánh”. Hương Cả Tam chánh quán tại làng Tân Đông, tổng An Thạnh Hạ, quận Châu Thành, tỉnh Sa Đéc (nay thuộc thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp). Mà Hương Cả Tam là thân sinh của nữ nghệ sĩ Năm Sa Đéc.

Nghệ sĩ Năm Sa Đéc, chính danh là Nguyễn Kim Chung, sinh năm 1908 và mất năm 1988, hưởng thọ 80 tuổi. Năm nay, kỷ niệm 105 năm ngày sinh và 25 năm ngày giỗ của bà.

Nữ nghệ sĩ Năm Sa Đéc gia nhập sân khấu theo chí hướng của cha mẹ. Vì Năm Sa Đéc xuất thân từ hát bội. Gánh hát mà bà gia nhập là Phước Tường năm 1928, năm đó bà mới 20 tuổi, chủ gánh là Sáu Xưởng, em ruột của Nguyễn Ngọc Cương, bầu gánh Phước Cương, thân sinh của nữ NSƯT Kim Cương. Sau đó, bà rời gánh Phước Tường, cộng sự với đoàn Phụng Hảo của nữ NSND lão thành Phùng Há, lần lượt bà cộng tác gánh Vân Hảo (Ba Vân - Phùng Há), Thanh Minh - Thanh Nga (chủ bầu Lư Hòa Nghĩa, cha ruột của Thanh Nga và Bảo Quốc)... Vì bà từ sân khấu hát bội bước qua lĩnh vực cải lương nên nghề nghiệp rất vững vàng, chỉ cần học tập thêm chút ca cổ là tiến bộ rực rỡ trên nghệ thuật sân khấu cải lương.

Mấy chục năm qua, người sành điệu sân khấu ca kịch, chắc còn nhớ vai bà Phán Lợi, do nữ diễn viên Năm Sa Đéc thủ diễn, qua vở xã hội Đoạn tuyệt (phóng tác theo tác phẩm cùng tên của nhà văn Nhất Linh) rất thành công, được khán giả hoan nghênh nhiệt liệt qua nhiều lần trình diễn trên sân khấu đại ban Thanh Minh - Thanh Nga, ăn khách một thời. Nhiều ký giả kịch trường thời đó đã khẳng định chưa ai thủ diễn vai bà Phán Lợi hay hơn nữ diễn viên Năm Sa Đéc.

Và đời sống hạnh phúc lứa đôi, bà đã một lần đổ vỡ, mãi đến năm 1947, bà chắp nối cùng nhà biên thảo Vương Hồng Sển, nguyên Giám thư Bảo tàng viện Sài Gòn. Qua quá trình chung sống với cụ Vương Hồng Sển hơn 40 năm, bà hạ sinh người con trai duy nhất là Vương Hồng Bảo, sinh năm 1951. Ngoài địa hạt ca kịch cải lương, bà còn là nữ minh tinh điện ảnh qua nhiều bộ phim thực hiện trước năm 1975 mà chắc khán giả khó quên: Lệ đá, Con ma nhà họ Hứa...

Sau năm 1975, mặc dù tuổi tác đã cao, nhưng nghệ thuật vẫn không chùn bước, “Gừng càng già càng cay”, khán giả yêu mến kịch nói vẫn tiếp tục gặp lại bà trong vở Lá Sầu riêng của đoàn kịch Kim Cương. Dù vắng mặt trên sân khấu, bà Năm Sa Đéc lại xuất hiện ở phim ảnh với những bộ phim quen thuộc như: Cho đến bao giờ (do đạo diễn Huy Thành năm 1983), Mùa nước nổi (Hồng Sến năm 1984), Con thú tật nguyền (Hồ Quang Minh năm 1984), Nơi bình yên chim hót (Việt Linh năm 1986) và bộ phim cuối cùng là Phù sa thực hiện năm 1987 bà thủ diễn vai bà Hai Lành. Hoàn thành bộ phim Phù sa, bà Năm Sa Đéc trở về Sài Gòn rồi nhuốm bệnh, phần tuổi cao, sức yếu... bà từ giã cỏi đời một cách đột ngột vào năm 1988, thọ 80 tuổi.

Nhắc đến chân dung nghệ sĩ Năm Sa Đéc vang bóng một thời để khách mộ điệu thương tiếc một tài hoa với đức hạnh vẹn toàn để lớp nghệ sĩ sau lấy đó làm điểm tựa soi gương.

 

Trần Trọng Triết

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/ns-nam-sa-dec-ngoi-sao-cai-luong-nam-bo-a17427.html