Tự hào 2 Trạng nguyên nổi tiếng của họ Đặng Việt Nam

Trạng nguyên là danh hiệu thuộc học vị Tiến sĩ của người đỗ cao nhất trong các khoa đình thời phong kiến ở Việt Nam, kể từ khi có danh hiệu Tam khôi dành cho 3 vị trí đầu tiên. Người đỗ Trạng nguyên nói riêng và đỗ Tiến sĩ nói chung phải vượt qua 3 kỳ thi: thi hương, thi hội và thi đình.

Theo công trình nghiên cứu "Các nhà khoa bảng Việt Nam" và "Quốc triều hương khoa lục" cho biết: Trong lịch sử khoa bảng Việt nam, từ khi bắt đầu mở khoa thi (1075) đến khi chấm dứt (khoa thi cuối cùng tổ chức năm 1919), tổng cộng có 184 khoa thi, với 2785 vị đỗ đại khoa (đỗ Tiến sĩ và tính cả Phó bảng), trong đó có 56 Trạng nguyên (gồm 7 trong số 9 thủ khoa Đại Việt và 49 Trạng nguyên).

d1abc1q-1674701825.jpg

Ảnh do tác giả sưu tầm chỉ mang tính minh hoạ.

 

 

Thật vinh dự cho họ Đặng Việt Nam có rất nhiều người tài giỏi, đi thi đã đỗ đạt cao, ngoài những người đã đỗ Hoàng giáp, Thám hoa, Bảng nhãn... đặc biệt, có 2 vị đã đỗ Trạng nguyên, đó là cụ Đặng Thì Thố và cụ Đặng Công Chất (thời gian cách nhau hơn một trăm năm).

1- Trạng nguyên Đặng Thì Thố (chữ Hán: 鄧時措, 1526 – ?) là thủ khoa của khoa thi năm Kỉ Mùi năm Quang Bảo thứ 6 (1559) dưới thời vua Mạc Tuyên Tông. Cụ là hậu duệ của Quốc công Đặng Tất, quê làng An Lạc (còn gọi là làng Thạc), huyện Thanh Lâm (nay thuộc xã An Châu, thành phố Hải Dương). Hiện nay, ở các xã An Châu, Nam Trung và Nam Chính (Nam Sách) vẫn còn gia phả ghi về cụ Tổ Đặng Thì Thố - giỗ ngày 12 tháng 10 âm lịch.

Cụ Đặng Thì Thố đỗ Tiến sĩ cập đệ khoa Kỉ Mùi năm Quang Bảo thứ 6 (1559) dưới thời vua Mạc Tuyên Tông. Sau đó, cụ trở thành quan của triều đình nhà Mạc, làm đến chức tả thị lang bộ Binh hàn lâm viện. Mộ của cụ táng tại An Lạc, được con cháu trùng tu năm 2005.

Con trai cụ là Đặng Thì Mẫn (1549 - ?) cũng đỗ đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa thi năm Hoằng Định thứ 14 (Quý Sửu, 1613) thời Lê Kính Tông.

2- Trạng nguyên Đặng Công Chất (chữ Hán: 鄧公質, 1621 hay 1622 - 1683), người làng Phù Đổng, huyện Tiên Du, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc (nay thuộc xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội). Nguyên quán của cụ là xã Thái Bạt, huyện Bất Bạt (nay thuộc xã Tòng Bạt, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội); đỗ Trạng nguyên khoa Tân Sửu, niên hiệu Vĩnh Thọ thứ 4 (1661) thời vua Lê Thần Tông.

Tháng 3 âm lịch năm Cảnh Trị thứ 3, Ất Tỵ 1665, đời vua Lê Huyền Tông, khi đó cụ Đặng Công Chất đang là Hàn lâm viện thị giảng được thăng làm Công bộ hữu thị lang. Tháng 9 âm lịch năm 1671 cụ cùng Binh bộ tả thị lang Lê Sĩ Triệt khảo xét các nha môn trong ngoài. Tháng 7 âm lịch năm Vĩnh Trị thứ nhất (Bính Thìn, 1676), sau khi Lê Hy Tông lên ngôi cụ được phong làm Lại bộ tả thị lang.

Theo chú giải cho Văn bia số 42 tại Văn miếu Hà Nội của Viện nghiên cứu Hán-Nôm: Trạng nguyên Đặng Công Chất từng giữ các chức quan như Tham tụng, Thượng thư Bộ Hình và được cử đi sứ (năm 1682) sang nhà Thanh (Trung Quốc). Lúc mất được tăng Thái bảo, Thượng thư bộ Lại, tước bá.

Tháng 12/2020, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội quyết định đặt tên Đặng Công Chất cho một con đường ở Gia Lâm.

Trái tim người lính

Đặng Vương Hưng (Sưu tầm và biên soạn)/Kết Nối Người Họ Đặng

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/tu-hao-2-trang-nguyen-noi-tieng-cua-ho-dang-viet-nam-a17436.html