Vợ bác Hưng than thở thay cho lời chúc Tết:
- Đúng là “nhà không có nóc". Được thằng con trai thì cả hai cái tết đều về ở bên nhà bố mẹ vợ.
Tôi cười, và chúc Tết chị, rồi rỉ tai:
- Nhà chị như thế là có phúc rồi, còn than thở gì nữa. Con người ta mang nặng đẻ đau 9 tháng 10 ngày, nuôi con mấy chục năm. Bây giờ về làm dâu nhà chị, rồi sinh cháu cho chị, chị không phải nuôi ngày nào mà được cả con lẫn cháu... Con trai chị như thế là quá chuẩn rồi. Sợ nó không làm như vậy mà cứ đi đá ống bơ thì mới buồn.
Thấy chị im lặng, tôi hỏi tiếp:
- Chắc chị nói xéo anh nhà?
Chị không trả lời thẳng tôi, nhưng bảo:
- Người ta hay nói về cái nóc nhà. Để hiểu được cái nóc nhà cho đúng nghĩa thì cũng nhiêu khê lắm... Đừng có nói thoát ra khỏi quê hương rồi là không cần lễ giáo, không cần khuôn phép, tập tục và sự giáo dục đâu nhé...
Nghe chị nói, tôi hơi bị cứng họng, không chêm, không cãi được câu nào…
Tôi có ông bạn hôm rồi đến nhà chơi, mấy anh em uống rượu khai hạ, ông kể: Ông có thằng cháu nội mới hơn 5 tuổi. Khi nào giỗ chạp bố nó cũng bảo các con vái lễ tổ tiên. Thấy lạ cháu đến lớp kể lại cho bạn bè: Đến ông bà chơi được ăn nhiều món ngon, nhưng trước khi ăn phải vái cái tủ xong mới được ăn.
Biết được trăn trở của con, bố nó giải thích cho con. Ở trên tủ là nơi linh thiêng thờ cúng tổ tiên, o dì, chú cậu và những người thân đã mất.
Hôm rồi cháu đến ông bà ăn tết, khi chuẩn bị cúng giao thừa, cu cậu kéo ông và thằng em ra góc nhà, rồi nói lại y chang lời bố nó:
- Ở trên tủ là nơi linh thiêng thờ cúng tổ tiên, o dì, chú cậu và những người thân đã mất. Chứ không phải vái cái tủ đâu...
Con trẻ là mùa xuân, bắt đầu hình thành nhân cách. Lễ giáo và cội nguồn trong cuộc sống hàng ngày của gia đình, nhất là những người xa xứ, ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý trẻ. Do vậy, chúng ta cũng nên giữ gìn nét đẹp văn hoá đó...
Tết, tôi đến chơi nhà một người bạn, thấy một thanh niên nằm trên Sofa hai chân hướng về phía ban thờ. Tôi định nhắc thì thấy cháu bé, con của anh bạn, cầm cái gối ra đặt vào phía dưới chân cậu thanh niên ấy rồi nói:
- Chú ơi, trở về hướng này.
Cậu thanh niên có lẽ hiểu được ý của cháu bé. Cậu ta cảm ơn cháu bé, rồi ngồi dậy, không nằm nữa. Vâng, đời sống và sự giáo dục đựợc bắt đầu ngay từ những cháu bé như vậy, đâu có gì khó khăn và xa lạ...
Từ cái thời sinh ra hội đoàn đến giờ đã trải qua bao nhiêu thăng trầm cười ra nước mắt. Vậy mà mỗi khi xảy ra xô xát, mất đoàn kết, họ phải nhờ sứ quán can thiệp… Cũng như cái Liên hiệp người Việt cũng vậy, đánh nhau, chửi nhau rồi kéo nhau ra tòa, vạch áo cho người xem lưng đấy thôi. Thật buồn.
Tôi nghĩ: Cứ để cho các bác chơi trò Táo quân cho vui, đợi cho hết cái thế hệ 1, đến thế hệ thứ 2, chắc sẽ có nhiều thay đổi…
Bởi vậy, các cơ quan đại diện phải có phương hướng từ bây giờ đi. Như cổ nhân đã dạy: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người" là thế.
Hãy xem thế hệ thứ 2 họ kinh doanh, mới thấy được sự sáng tạo và độc đáo. Họ xuất phát từ đi làm thuê, chắt mót được kinh nghiệm và vốn để làm chủ. Đấy họ không phụ thuộc vào một hội đoàn nào cả. Nhưng các cháu rất đoàn kết tương trợ giúp nhau, theo xu thế từng nhóm và đã tạo nên những thương hiệu riêng của mình về ẩm thực, với những cái nóc nhà tươi đẹp của người Việt trên nước Đức cũng như châu Âu. Chưa kể đến các cháu sinh viên, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ…
Có nhiều cháu ở với bố mẹ nấu nước sôi còn cháy cả nồi. Có cháu bảo xem hộ nước đã sôi chưa thì bảo: Nó đang thì thầm, đun cạn thì bảo nước mỏng lắm rồi. Vậy mà, bây giờ nhiều cháu nấu cho các nhà hàng sang trọng. Và khi bước chân ra xã hội lại bản lĩnh đến vậy.
Các cháu là công dân toàn cầu, trong dòng máu có hai nền văn hoá Đông Tây. Thuần Việt nhưng rất hiện đại, luôn hướng về cội nguồn và không có khái niệm về hội đoàn của các bậc cha chú...
Chúc mừng các cháu, một năm mới nhiều may mắn, thành công và hạnh phúc.
Berlin, mùng 3 tết (24/1/2023) - DD
Dinh Dung
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/the-he-thu-hai-o-duc-va-nhung-noc-nha-moi-a17455.html