Nhà giáo Trần Thị Thanh Liêm – cô giáo như mẹ hiền cho nhiều thế hệ hoc trò
Bà còn là một nhà nghiên cứu - một dịch giả kỳ cựu đã tham gia biên soạn và biên dịch hàng chục tác phẩm, giáo trình, từ điển cho đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước. Ngoài ra, bà còn dịch thơ và sáng tác thơ. Bà đã để lại không ít dấu ấn sâu sắc trong lòng bạn đọc trong nước và quốc tế.
Năm chục năm “đưa đò” không mệt mỏi
Sinh ra tại mảnh đất Văn Hóa (huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) - cái nôi nuôi dưỡng nhiều thế hệ tài năng, nhiều danh nhân nổi tiếng; nhà giáo Trần Thị Thanh Liêm đã tiếp nối truyền thống hiếu học của cha ông, trở thành một nhà giáo mẫu mực, “mắt sáng lòng trong”, đã truyền được cảm hứng về tình yêu tiếng Trung cũng như văn hóa Trung Hoa cho biết bao thế hệ học trò.
Được cha là một nhà giáo ưu tú bồi dưỡng và mẹ nuôi dưỡng lòng yêu thương, tạo điều kiện thuận lợi để học tập, năm 1973, nhà giáo Trần Thị Thanh Liêm đã tốt nghiệp xuất sắc Chuyên ngành Tiếng Trung Quốc (TQ) - Đại học Ngoại ngữ (ĐHNN) nay là Đại học Hà Nội (ĐHHN) và được giữ lại làm giảng viên (GV) tiếng Trung Quốc tại trường. Đây không chỉ là bước đầu sự nghiệp mà còn là cơ hội để bà tiếp tục trau dồi tri thức, rèn luyện các kỹ năng của bản thân.
Trong những năm 1983 -1985, bà tham gia học tập thêm và tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Việt (Hàm thụ) tại ĐH Tổng hợp Hà Nội và có một năm làm Chuyên gia Tiếng Việt tại ĐH Ngoại ngữ Phnompenh (Campuchia).
Sau đó, giai đoạn năm 1985 - 1994, nhà giáo Trần Thị Thanh Liêm tiếp tục tham gia giảng dạy tiếng Trung tại ĐHHN. Sau một thời gian bà lại có cơ hội được xuất ngoại khi tham gia công tác tại Học viện Ngôn ngữ Bắc Kinh (NNBK), nay là ĐHNNBK (1994 - 1995). Với phương pháp giảng dạy thu hút, hiệu quả và tâm huyết của mình, hè năm 1995, bà được tin tưởng giao nhiệm vụ dạy tiếng Việt tại Hàn Quốc.
Từ 1995 - 1997, Nhà giáo Trần Thị Thanh Liêm tham gia khóa học Thạc sĩ tại ĐH Quốc tế Châu Á (ĐHQTCA), Đại học Hà Nội. Từ năm 1997, bà đảm nhận chức vụ Trưởng Bộ môn tiếng Trung Quốc - ĐHQTCA ĐHHN.
Năm 1998, bà được mời tham gia giảng dạy Chuyên đề Văn hóa Trung Quốc tại Tokyo Nhật Bản, sau đó lại quay trở về giảng dạy tiếng Trung Quốc tại ĐH Hà Nội. Năm 2005, nhà giáo Trần Thị Thanh Liêm chính thức nghỉ hưu. Tuy nhiên, với trình độ, năng lực và uy tín của mình, bà được nhiều trường ĐH và CĐ mời tham gia giảng dạy và giữ nhiều cương vị khác nhau,...
Trong giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2007, bà là Trưởng Bộ môn tiếng Trung Quốc tại ĐH Phòng cháy Chữa cháy Hà Nội. Từ năm 2007 đến nay, bà làm Trưởng ngành tiếng Trung Quốc, Phó trưởng khoa Ngoại ngữ ĐH Đại Nam. Năm 2009, nhà giáo Trần Thị Thanh Liêm tham gia Báo cáo chuyên đề Đối chiếu tiếng Việt - tiếng Hán và Phương pháp dịch Việt Hán - Hán Việt (Kỷ yếu Tọa đàm Đối chiếu tiếng Việt - tiếng Hán và Phương pháp dịch Việt Hán - Hán Việt) tại Học viện Sư phạm Liễu Châu (Quảng Tây, Trung Quốc).
Đáng chú ý, ngày 8/12/2009, bà đồng thời được Học viện Sư phạm Liễu Châu trao Giấy mời làm Cố vấn Phát triển Hợp tác Giáo dục với Việt Nam từ 2009.
Dịch giả - Nhà nghiên cứu - Nhà giáo Trần Thị Thanh Liêm và tác giả bài viết
Lòng yêu nghề và say mê nghiên cứu là động lực để bà gắn bó gần 50 năm với phấn trắng, bảng đen. Từ khi tốt nghiệp và trở thành nhà giáo đến nay, “lớp học” của cô giáo Trần Thị Thanh Liêm không chỉ giúp các bạn sinh viên tiếp thu kiến thức mà còn học hỏi được cả về nhân cách, lối sống của một người thầy, sự nghiêm túc trong nghiên cứu khoa học, tác phong làm việc và giảng dạy.
Trong suốt nhiều năm giảng dạy và nghiên cứu, nhà giáo Trần Thị Thanh Liêm đã có nhiều cống hiến to lớn cho Ngành Ngôn ngữ Trung Quốc tại Việt Nam, khi là tác giả, đồng tác giả, chủ biên, chủ biên dịch của gần 100 đầu sách. Những cuốn sách, bộ giáo trình mà bà tham gia biên soạn không chỉ có các kiến thức thông thường mà đó còn là kinh nghiệm tích lũy của bản thân, đồng nghiệp trong quá trình giảng dạy; đáp ứng được nhu cầu của người đọc trong và ngoài nước.
Có thể kể đến một số bộ sách, giáo trình nổi bật như: Giáo trình Văn học Trung Quốc (3 tập, NXB Giáo dục, xuất bản các năm 1990, 1993, 1995, 1997) đồng dịch giả, tái bản nhiều lần; Sách học tiếng Trung Quốc - NXB Thanh niên. 1995 Biên soạn (BS); Chủ biên dịch và BS bổ sung: Giáo trình Hán ngữ (6 tập, Phiên bản(PB)1), NXB ĐH Sư phạm, 2003, tái bản nhiều lần; Giáo trình Hán ngữ (6 tập, PB2 NXB ĐHQGHN, PB3 Giáo trình Hán ngữ (6 tập), PB3. NXB ĐHQGHN.2022 đã XB 2 tập, đang chuẩn bị XN 4 tập tiếp theo; Giáo trình tiếng Hán hiện đại (5 tập, NXB ĐH Quốc gia, 1998- 2002); Tập viết chữ Hán (NXB ĐHQG, 1999), HSK. 2 tập, NXB Hải Phòng 2008; Phát triển Hán ngữ (8 tập) NXB Hồng Đức. 2019,...
Tâm hồn nghệ sĩ lãng mạn, phá cách
Ngoài giảng dạy tiếng tiếng Trung Quốc, nghiên cứu, biên soạn giáo trình và sách chuyên khảo, bà còn là một phiên dịch kỳ cựu, là cầu nối cho nhiều trường học, công ty đầu tư hợp tác giữa 2 nước Việt Nam - Trung Quốc. Bà từng có vinh dự tham gia dịch thuật cho các vị lãnh đạo nhà nước như Cố Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (nay là Phó Chủ tịch nước) Đàm Quang Trung; Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó thủ tướng Chính Phủ và hiện là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ,…
Bên cạnh những cuốn giáo trình chuyên ngành tiếng Hán, nhà giáo Trần Thị Thanh Liêm còn Chủ biên các cuốn từ điển và sách có giá trị cho ngành, bao gồm: Từ điển Hán Việt (NXB Khoa học Xã hội, 2007); Từ điển Thành ngữ Hán Việt (NXB Lao động, 2009); Từ điển Hán Việt hiện đại (NXB VHTT, 2003); Từ điển Đồng nghĩa Trái nghĩa Hán Việt (NXB VHTT, 2003); Từ điển Việt Trung hiện đại (NXB VHTT, 2006); Ngữ pháp tiếng Hán (NXB ĐHQG, 2005); Chủ biên dịch (CBD) Kinh điển Văn hóa 5000 Trung Hoa (4 tập) NXB VHTT.2002; Đồng BD Vương triều Ung Chính (10 tập, NXB Hội nhà văn 2003); Người đẹp bất hạnh (NXB Lao động, 2000); Biên soạn (BS) & Đồng BS: Phong tục Tập quán Việt Nam và thế giới (6 tập). NXBVHTT. 2007; Tuyển tập Danh ngôn Thế giới (2 tập, NXB Thanh Niên, 2012), v.v...
Ngoài ra, bà còn có rất nhiều sách biên soạn, sách dịch, video giảng dạy tiếng Trung Quốc, nhiều bài nghiên cứu tham gia Hội thảo Quốc tế, Tạp chí Khoa học, Tạp chí Ngôn ngữ trong và ngoài nước…
Không chỉ là một nhà giáo mẫu mực, một dịch giả uy tín, nhà giáo Trần Thị Thanh Liêm còn mang một tâm hồn nghệ sĩ đa cảm. Bà làm thơ bằng những trải nghiệm của một nhà giáo đã kinh qua nhiều dấu mốc của thời đại, bằng cả cái chất nghệ sĩ rất riêng của mình.
Nhà giáo Trần Thị Thanh Liêm - Người "đưa đò" mắt sáng, lòng trong
Bà ghi lại niềm vui trong cuộc sống, trong công việc bằng cách tìm đến với những vần thơ, những câu thơ chất chứa tình cảm, trào dâng cảm xúc. Những trải nghiệm thú vị, những khát khao cống hiến của bà đã vun đắp nên nhiều bài thơ ấn tượng, được tuyển chọn in trong những tập thơ như: Thơ Hương xưa (đồng tác giả, NXB Văn học 2013), Gương mặt thơ Việt Nam đương đại (đồng tác giả, NXB VHTT 2013); Thơ Đường luật Việt Nam (đồng tác giả, NXB Hội nhà văn 2011); Thơ 2 – Tủ sách Nhà văn (đồng tác giả, NXB HNV, 2012) Thơ nhà giáo (đồng tác giả, NXB Văn hóa Dân tộc, 2012),…
Trước những cống hiến hết mình cho ngành, cho nghệ thuật, nhà giáo Trần Thị Thanh Liêm đã vinh dự nhận được nhiều lời khen, giấy khen và giải thưởng ở các cuộc thi như: Giải Khuyến khích (KK) Cuộc thi Thơ Đường luật lần 1 năm 2013 của Diễn đàn Thơ VN Thi hữu www.vnthihuu.net với bài thơ “Thương mẹ”; Giải ba Cuộc thi thơ toàn quốc “Việt Nam trong tôi” năm 2017 với tác phẩm “Lính thủy Trường Sa”; Giải KK cuộc thi thơ “Việt Nam đất nước lời ru” với bài thơ “Thu Trường Sa”. Huy chương vì Sự nghiệp giáo dục, Huy chương vì nghĩa vụ Quốc tế.
Nhà giáo Trần Thị Thanh Liêm trong buổi trả lời phỏng vấn trên Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc
Không chỉ để lại những ấn tượng sâu sắc trong vai trò là một cô giáo, một dịch giả, một nhà nghiên cứu khoa học tâm huyết, bà còn để lại dấu ấn trong vai trò nhà quản lý xuất sắc. Đã ngoài thất thập nhưng bà vẫn say sưa nghiên cứu, miệt mài với những công trình khoa học: Biên soạn từ điển và sách giáo khoa, biên dịch sách và giáo trình cùng những giờ lên lớp sôi động truyền cảm hứng tới sinh viên (SV) thân yêu. Nhiệt huyết cống hiến trong bà vẫn sùng sục sôi, trái tim nhân hậu dành cho học trò vẫn còn nguyên vẹn.
Đúng như Mạnh Cường Đỗ Loan đã nói, Nhà giáo - Dịch giả - Nhà nghiên cứu Trần Thị Thanh Liêm là một trong những người đã chứng tỏ phụ nữ chưa bao giờ là kẻ yếu thế. Tất cả những điều người khác làm được thì bà cũng đều có thể. Cổ nhân nói: Người thầy trung bình chỉ biết nói, người thầy giỏi biết giải thích, người thầy xuất sắc biết minh họa, người thầy xuất chúng biết cách truyền cảm hứng.
Với sự nỗ lực không mệt mỏi và tài năng truyền cảm hứng của mình, bà đã gây dựng nên một tấm gương sáng cho những thế hệ sinh viên mai sau. Không phải cố tình hay cố ý mà chỉ đơn giản là dốc hết sức hoàn thiện con người mình về kiến thức chuyên môn cũng như kỹ năng mềm trong mọi mặt của cuộc sống, và sự kính trọng cũng không thể nằm ngoài sự hiền tuệ, cái nhân hậu, nết dịu dàng và tấm lòng sẻ chia, cảm thông của bà đối với mọi người.
Dịch giả, Nhà nghiên cứu, Nhà giáo Trần Thị Thanh Liêm xứng đáng là người mẹ dịu hiền nuôi dưỡng, chăm bồi tâm hồn của rất nhiều thế hệ học trò và là tấm gương sáng cho các thế hệ sinh viên học tập và noi theo.
Nguyên Minh
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/dich-gia-nha-nghien-cuu-tran-thi-thanh-liem-nha-giao-50-nam-dua-do-mat-sang-long-trong-a17468.html