Lịch sử Việt Nam (Từ tiền sử đến năm 2007) (Kỳ 40)

Trân trọng giới thiệu sách “Lịch sử Việt Nam (Từ tiền sử đến năm 2007)” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành.

Kỳ 40.

III. CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945

Tình hình thế giới: Sau khi gây ra những cuộc chiến tranh cục bộ, ngày 1 tháng 9 năm 1939 phát xít Đức không tuyên chiến bất ngờ tấn công Ba Lan mở đầu cho đại chiến thế giới thứ hai. Sau khi đè bẹp Ba Lan, từ tháng 4 đến tháng 6 năm 1940 Đức đánh chiếm toàn bộ Tây Âu, trong đó có cả nước Pháp, ném bom dữ dội nước Anh. Từ tháng 9 năm 1940 đến tháng 4 năm 1941 Đức đánh chiếm toàn bộ Nam Âu. Ngày 22 tháng 6 năm 1941, Đức dùng 5, 5 triệu quân tấn công xâm lược Liên Xô. Đến tháng 9 năm 1941 Đức chiếm được 43% diện tích trồng trọt, 45% dân số toàn Liên Xô. Cuộc chiến tranh Xô-Đức diễn ra quyết liệt quyết định số phận toàn thế giới. Quân đội Đức tạm thời thu được những thắng lợi cực kỳ to lớn.

bac-ho-1download-1675327585.jpg

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một bữa cơm cùng đồng bào, chiến sĩ tại chiến khu Việt Bắc thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Trưng bày được tổ chức nhân kỷ niệm 75 năm ngày Toàn quốc kháng chiến (19.12.1946 - 19.12.2021). Nguồn: Internet

 

         

Tại châu Á, ngày 7 tháng 7 năm 1937, phát xít Nhật phát động chiến tranh xâm luợc toàn Trung Quốc. Năm 1940 quân đội Nhật tiến vào Đông Dương. Ngày 7 tháng 12 năm 1941 với việc Nhật dùng máy bay bất ngờ tấn công Trân Châu Cảng (Ha-Oai), tiêu diệt toàn bộ hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ và sau đó 3 nước phát xít Đức, Ý, Nhật cùng tuyên chiến với Mỹ,  chiến tranh Thái Bình Dương bùng nổ và Đại chiến thế giới thứ hai lan tràn khắp thế giới. Tình hình thế giới thay đổi hết sức nhanh chóng, có thể tạo thời cơ cho Đông Dương giành độc lập, đòi hỏi Đảng Cộng sản phải điều chỉnh chiến luợc cho phù hợp với sự thay đổi khách quan, chuẩn bị lực lượng, đón thời cơ giải phóng dân tộc. Sự điều chỉnh chiến lược bắt đầu từ Hội nghị Ban chấp hành Trung ương VI ngày 6 tháng 11 năm 1939, Hội nghị Trung ương VII và hoàn chỉnh ở Hội nghị Trung ương VIII họp từ ngày 10 đến ngày 19 tháng 5 năm 1941 ở Pắc bó (Cao Bằng) dưới sự chủ tọa của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

          Về tình hình thế giới trong bối cảnh Đại chiến thế giơi thứ hai, Hội nghị Trung ương VIII nhận định rằng chiến tranh sẽ làm cho phe đế quốc suy yếu, tạo điều kiện cho cách mạng thế giới phát triển. Phe Đồng minh do Liên Xô làm trụ cột sẽ chiến thắng, phe phát xít nhất định thất bại. Kết quả của Đại chiến thế giới thứ nhất một nước xã hội chủ nghĩa (Liên Xô) ra đời, kết quả của Đại chiến thế giới thứ hai sẽ có nhiều nước xa hội chủ nghĩa ra đời. Chủ nghĩa xã hội sẽ trở thành hệ thống kinh tế, chính trị thế giới.

          Về tình hình Đông Dương và Việt Nam, Hội nghị Trung ương VIII khẳng định Đông Dương là một bộ phận của cách mạng thế giới, một bộ phận của phe dân chủ Đồng minh chống phát xít. Vận mệnh các dân tộc Đông Dương gắn với vận mệnh cách mạng thế giới và vận mệnh Liên Xô, Trung Qúôc. v. v. Sau khi Nhật chiếm Đông Dương thì mâu thuẫn giữa các dân tộc Đông Dương với phát xít Nhật và phát xít Pháp là mâu thuẫn chủ yếu, giải  quyết mâu thuẫn này là một đòi hỏi cấp bách, quyết định sự tồn vong của các dân tộc Đông Dương. Xuất phát từ đó, Hội nghị Trung ương VIII đề cao nhiệm vụ dân tộc, cách mạng, trước mắt là cách mạng gỉai phóng dân tộc. Đây là nhiệm vụ bức thiết nhất của cách mạng Đông Dương vì trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc, không đòi được độc lập tự do cho toàn thể dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia còn chịu mãi kiếp ngựa trâu mà quyền lợi của bộ phận, của giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được, vấn đề ruộng đất cho dân cày càng không giải quyết được. Hội nghị quyết định tạm gác khẩu hiệu ruộng đất, chỉ tịch thu ruộng đất của Việt gian, đế quốc cùng ruộng đất công chia cho nông dân cày cấy và giảm địa tô, mang lại một phần quyền lợi cho họ. Lúc này chưa thể đánh đổ toàn bộ giai cấp địa chủ để tranh thủ thân sĩ địa chủ yêu nước tham gia Mặt trận giải phóng dân tộc.

          Về mối quan hệ cách mạng ba nước Đông Dương: Trước kia,  Đảng xem xét vấn đề dân tộc trong khuôn khổ toàn Đông Dương. Hội nghị Trung ương VIII chủ trương đặt vấn đề dân tộc trong phạm vi từng nước nhằm phát huy sức mạnh và tính tự chủ độc lập của từng dân tộc. Đồng thời, 3 dân tộc Việt- Lào- Cam phu chia  cùng gắn bó liên minh với nhau trong chống kẻ thù chung. Sau khi giành độc lập thì ba dân tộc có quyền tự quyết, muốn thành lập quốc gia riêng hay thành lập Liên bang Đông Dương thì tuỳ theo nguyện vọng của nhân dân ba nước. Riêng Việt Nam, sau khi cách mạng thành công sẽ thành lập Việt Nam dân chủ cộng hoà, quốc kỳ màu đỏ sao vàng năm cánh. 

          Nhằm đoàn kết mọi lực lượng có thể đoàn kết để thực hiện nhiệm vụ cấp thiết là giải phóng dân tộc, Hội nghị Trung ương VIII quyết định thành lập Mặt trận đoàn kết dân tộc: Việt Nam độc lập đồng minh hội gọi tắt là Việt Minh. Ở Lào thành lập Ai Lao độc lập đồng minh hội. Ở Cam pu chia thành lập Cao Miên độc lập đồng minh hội. Sẽ tiến tới thành lập Đông Dương Độc lập đồng minh. Việt Minh lấy liên minh công nông làm cơ sở đoàn kết các tầng lớp và giai cấp khác. Tế bào cấu tạo nên Mặt trận là các đoàn thể quần chúng mang tên cứu quốc: Hội thanh niên cứu quốc, Hội công nhân cứu quốc, Hội nông dân cứu quốcv. v.

          Về phương pháp cách mạng: Hội nghị Trung ương VIII chủ trương toàn Đảng và toàn dân phải ra sức chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền, coi đây là nhiệm vụ trung tâm. Đảng phác thảo tiến trình khởi nghĩa đi từ khởi nghĩa từng phần giành chính quyền ở từng địa phương, khi có thời cơ tiến lên tổng khởi nghĩa trong toàn quốc. Hội nghị Trung ương VIII đề nhiệm vụ xây dựng Đảng vững mạnh để đóng vai trò tiên phong trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.

          Đảng lãnh đạo xây dựng lượclượng chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Trước hết Đảng lãnh đạo xây dựng Mặt trận Việt Minh, xây dựng lực lượng chính trị. Dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, từ Cao Bằng và sau đó từ căn cứ địa Việt Bắc, các đoàn thể cứu quốc ra đời và lan rộng trong toàn quốc ở miền núi, nông thôn, đồng bằng và đô thị. Trên cơ sở đó, Mặt trận Việt Minh các cấp được xây dựng trong cả nước. Ngày 19 tháng 5 năm 1941 Mặt trận Việt Minh ra đời có hệ thống tổ chức từ trung ương đến địa phương. Việt Minh công bố 10 chính sách lớn mang lại quyền lợi cho nhân dân. Mặt trận đã đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân thành một lực lượng chính trị to lớn. Trên cơ sở lực lượng chính trị , Đảng xây dựng lượng vũ trang cách mạng. Ngày 22 tháng 12 năm 1944 Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập  trong một khu rừng ở Nguyên Bình (Cao Bằng) gồm 34 chiến sĩ do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy. Ngày 15 tháng 5 năm 1945 Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân thống nhất với Cứu quốc quân thành lập Việt Nam giải phóng quân. Lực lượng cách mạng lớn mạnh làm cho chính quyền địch ở 6 tỉnh Việt Bắc tan rã. Trên cơ sở các căn cứ địa, khu giải phóng Việt Bắc ra đời ngày 4 tháng 6 năm 1945 gồm 6 tính: Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Truyên Quang, Thái Nguyên. Tân Trào (Sơn Dương-Tuyên Quang) trở thành Thủ đô của khu giải phóng.

          Ngoài khu giải phóng Việt Bắc, còn có 7 chiến khu kháng Nhật trên các địa bàn chiến lược quan trọng: Chiến khu Quang Trung (Hoà Bình-Ninh Bình-Thanh Hoá), chiến khu Vần-Hiền-Lương (Phú Thọ-Yên Bái), Chiến khu Trần Hưng Đạo (Đông Triều) và chiến khu Quảng Ngãi. Ngoài ra còn có nhiều căn cứ ở các địa phương: Yên Thế, Bắc Giang, Lập Thạch (Vĩnh Yên), Ngọc Thanh (Phúc Yên), Bãi Sậy (Hưng Yên), Trầm Lộng (Hà Đông), Đông An (Hà Nam), Phương Quả (Thái Bình), Hương Sơn, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), Trung Thuần (Quảng Qình), Tam Kỳ, Quế Sơn (Quảng Nam), Bầu Bèo (Ninh Thuận). Ngoại thành Hà Nội có an toàn khu của Trung ương và xứ uỷ Bắc kỳ. Hình thành hệ thống chính quyền mới ở khu giải phóng: Uỷ ban dân tộc giải phóng các cấp và Uỷ ban giải phóng dân tộc Việt Nam (Chính phủ cách mạng lâm thời) được thành lập ngày 16 tháng 8 năm 1945.

          Trên mặt trận tư tưởng văn hoá, những chiến sĩ cộng sản đã ra sức tuyên truyền phổ biến đường lối chủ trương của Mặt trận Việt Minh. Cổ vũ quần chúng đứng dậy tham gia đấu tranh. Trong đấu tranh tư tưởng, nền báo chí và nền văn học cách mạng ra đời phục vụ cho sự nghiệp cách mạng. Trong giai đoạn chuẩn bị lực lượng cách mạng, Đảng được củng cố, tăng cường kết nạp lớp đảng viên Hoàng Văn Thụ, tổ chức cho nhiều cán bộ giầu kinh nghiệm của Đảng vượt ngục trở về làm nòng cốt ở các địa phương.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/lich-su-viet-nam-tu-tien-su-den-nam-2007-ky-40-a17513.html