Người cha kính yêu

Đây là câu chuyện của gia đình tôi như một lời thề danh dự của người lính: " Hết lòng giúp đỡ nhau, lúc thường cũng như lúc chiến đấu " của chúng tôi - lớp Công nghệ chế tạo cơ khí khóa 9 Đại học Kỹ thuật Quân sự( ĐHKTQS ) nay là Học viện Kỹ thuật Quân sự ( HVKTQS)

I5 giờ 30 chiều ngày 10 tháng tư âm lịch năm 1979. Lớp tôi tập trung giúp tôi khâm liệm bố. Một nửa lớp đang thực tập đồ án ở Hà Nội đã đến giúp tôi và dự viếng, tiễn đưa bố tôi.

Các bạn lớp tôi xúm vào lo khâm liệm cho bố tôi.

Tôi mở rộng cái áo cũ bố hay mặc, hú dài 3 lần:

- Bố Tống quang Hòa ở đâu về nhập xác!.

Lúc liệm, tôi đỡ lưng. Bạn Danh Hùng đỡ chân, bạn Quốc Khánh nâng đầu. Theo hiệu lệnh của nhân viên nhà tang lễ. Chúng tôi nâng bổng bố tôi đặt vào quan tài.

Bố tôi sinh năm 1921, mất 1979 hưởng dương 58 tuổi, chưa kịp nghỉ hưu.

Chẳng hiểu là thời bao cấp hay nhà tôi không có kinh nghiệm lo việc tang mà tôi thấy nó đơn giản quá. Bố tôi nằm trên một miếng ga trắng, dài. Tôi thấy họ buộc hai ngón tay cái và hai ngón chân cái bố tôi lại. sau đó họ lật ngược tấm ga trùm xuống tận chân cho bố tôi. Về quan tài, họ báo tôi xuống nhận. trong gian nhà chỉ lèo tèo ba hay bốn cái. tôi chọn cái khả dĩ nhất, nắp không cong vênh nhưng hai bên sườn cỗ áo hai mảnh gỗ ghép há, nẻ to đút vừa ngón tay vào.

Còn một ấn tượng nữa là khi tôi thò tay qua lưng bố tôi, lúc đặt vào quan tài xong, tay tôi ướt đẫm máu. Thứ máu hồng nhạt của người bị mổ. Tôi cũng lạ là ngày đó tại sao lại đồng ý cho họ mổ bố tôi. Khi biết tin bệnh viện muốn mổ tử thi bố tôi để so sánh với chuẩn đoán và nghiên cứu khoa học thì bà nội tôi gầm lên không đồng ý.

- Sao không để cho con tôi được toàn thây!

Chú rể tôi là Giáo sư sinh hóa, chủ nhiệm khoa sinh hóa của Bệnh viện Việt Xô bảo: Nên để họ mổ cháu ạ. Chú tôi tên là Chính, là giáo sư đầu tiên của bệnh viện Việt Xô cũng là người đầu tiên báo cho tôi kết quả xét nghiệm tủy sống của bố tôi. Chú bảo:

- Cháu là con trưởng, là bộ đội, chú biết cháu đủ cam đảm, nghị lực nên chú mới nói cho cháu. Không được cho bà và mẹ biết:

- Bố cháu bị ung thư tủy sống khó qua được, Y học hiện tại bó tay.

Trước ngày cấp cứu vào viện khoảng một tuần tôi được về tranh thủ. Bố con tôi từ nhà chị gái bên Kim Mã đi bộ về. khoảng cách khoảng 600 đến 800m là cùng. Gần đến nhà tôi ở A3 Giảng Võ bỗng bố tôi khụy xuống. Tôi đỡ vội bố tôi lên. Bố đứng thở một chút rồi đi tiếp. Bố nói:

- Dạo này bố đau lưng lắm!

Thứ tư tuần tiếp, các chú trong cơ quan đưa bố tôi cấp cứu vào bệnh viện Việt Xô.

Bố tôi vào bệnh viện bằng cổng trước, 45 ngày sau 5/5/1979 tức ngày 10 tháng tư âm lịch, bố tôi ra bằng cổng sau bỏ lại vợ và 6 đứa con và một cháu ngoại. Em út tôi lúc đó 11 tuổi. Thương bố vô cùng!

45 ngày bố nằm viện, ban ngày mẹ tôi trông, ban đêm tôi trông. Rất may thời gian đó tôi thực tập tốt nghiệp ở nhà máy cơ khí Quang Trung.

Bố tôi đau không ngủ được, khi thì tôi chườm nước nóng, khi thì chườm nước lạnh. Có hôm mệt quá, tôi ngủ thiếp trên chiếc ghế dựa, khi choàng dậy thấy ánh mắt bố đắm đuối nhìn mình. Thấy tôi tỉnh ông lặng lẽ quay đi. Tôi hỏi ông có uống nước không? Đau chỗ nào để con bóp. Ông lắc đầu.

Bác sỹ báo phải lấy tủy để sinh thiết. Bố tôi xua tay không cho lấy, chắc ông biết ung thư không chữa được( năm 1945 ông đã học năm thứ nhất trường thuốc Việt Nam sau đổi tên là Đại học tổng hợp).

Bác sỹ, y sỹ đè bố ra, bảo tôi giữ chân. Họ dùng kim tiêm to và dài như chiếc kim đan chọc vào chỗ cuối của xương cụt, rút ra nửa xi lanh thứ dung dịch trắng hồng. Bố tôi rú lên vì đau, cắn cái thìa cong gập. Tôi thương bố trào nước mắt, còn bố tôi ném về tôi ánh mắt căm hờn vì nghĩ tôi đã đồng ý cho họ lấy tủy làm nố đau đớn. Chẳng hiểu họ có tiêm thuốc tê không? Tôi ghi trong lòng ánh mắt ấy với sự ân hận cho đến bây giờ. May mà có chú tôi ngày nào cũng qua động viên, giải thích cho bố tôi nên tôi cũng đỡ áy náy.

Đến lúc bố tôi chuyển chế độ " ăn tự do" tức là thích ăn gì thì báo cho khoa điều trị. Mẹ con tôi biết là bố sắp ra đi.

Biết sắp chết, Ông động viên ngược lại :

- Tôi sắp khỏi rồi! Ra viện, UBKH sẽ cho tôi đi nước ngoài tham qua, tôi sẽ mua nhiều quà cho bà.

Ông luôn theo dõi sự phấn đấu và rèn luyện của tôi. Ông luôn hỏi:

- Con được vào đảng chưa?

Vào đảng phải có đợt, đầu năm 1977 tôi đã được xét đơn và chi bộ đã biểu quyết kết nạp tôi vào đảng thì tôi dính vụ gác đêm bỏ súng vào bếp ăn mỳ tôm ( mời các bạn đọc bài gói mỳ tôm). Bị kỷ luật, thế là bị dừng lại. Mãi tháng 1/1979 tôi mới được kết nạp vào đảng. Bố tôi mừng lắm!

Trở lại câu chuyện của bố tôi. Chuyện riêng nhưng lại liên quan đến ông bạn lính lớp tôi.

Năm 1976 bố tôi đang là Phó chủ nhiệm ủy ban Kế hoạch tỉnh YB( Bây giờ gọi là Giám đốc Sở KH & ĐT ) Năm ấy một số tỉnh sát nhập. Lao Cai, Yên Bái, Nghĩa Lộ sát nhập thành tỉnh Hoàng Liên Sơn. Bộ máy cán bộ của mỗi ban ngành, ty của tỉnh Hoàng Liên Sơn thừa ra 2 người. Bố tôi đang là cấp trưởng thành cấp phó. Bố buồn! Tôi bảo bố:

Bố thằng bạn đang học cùng lớp con là con bác Lê Khắc phó chủ nhiệm UBKH Nhà nước, để con hỏi nhé. Bố tôi mừng quá bảo:

- Con bảo bạn con nói giúp với bố nó cho bố về Hà Nội!

Về trường, lựa ngày, tôi bảo thằng Lê Thái Hà cùng lớp:

- Mày về nói với bố mày cho bố tao về Hà Nội với. Tôi nói nhưng chẳng hy vọng. Thằng này vốn phớt đời, nó bảo:

- Để xem! Chiều thứ bảy nó về tranh thủ. Tối chủ nhật nó lên kịp sinh hoạt đại đội. Sáng thứ hai lên lớp. Giờ giải lao nó nói với tôi:

- Bố tao bảo ừ, để điều động chú ấy về Vụ Địa Phương UBKH Nhà Nước.

Thứ năm tuần sau, trực ban báo tôi ra cổng có khách. Thấy bố tôi đỗ xe Úat bên cổng. Bố hồ hởi:

- Bác Khắc ký quyết định cho bố về Vụ địa phương UBKHNN đây này. Bố cho xem quyết định. Tôi nhòa nước mắt, chỉ nhìn dòng tít đầu UBKHNN và dấu đỏ phía dưới và dòng chữ LÊ KHẮC. Xe nổ máy, bỗng bố tôi bật cửa, chạy ra mở cửa sau lôi ra mấy quả dứa và buồng chuối đã chín:

- Chia cho các bạn! Bảo bố cảm ơn bạn Hà! Hình như tôi cho bạn Hà hai nải ngon nhất. Quà biếu ngày xưa đơn giản vậy.

Từ khi có ý định đến khi bố tôi về Hà Nội chưa đầy 1 tuần. Sau này, thỉnh thoảng gặp nhau, tôi ôn lại chuyện này. Hà cười bảo:

- Chuyện cũ!

Lâu lâu hẹn nó bia bọt. Tôi và Quốc Khánh đến địa chỉ nhà hàng nó chọn. Rượu ngon, thức ăn xịn. Khi tôi gọi thanh toán, nó gạt đi:

- Chi phí tiếp khách của Công ty! Chúng mày yên tâm.

Nó làm Phó tổng giám đốc một công ty liên doanh với nước ngoài.

Hôm nay giỗ bố, tôi. Vợ, con, cháu nấu nướng làm cỗ. Tôi bảo vợ làm thêm món trứng đúc thịt và lạp sường rán là món bố tôi rất thích ăn. Tôi đưa các cháu ngoại lên thắp hương trên bàn thờ, phân công các cháu làm những việc nhỏ như bê bát đũa, mang túi hoa quả lên phòng thờ để cùng tôi dọn dẹp sắp xếp bàn thờ. Cúng xong tôi dạy chúng hóa vàng v. v... kết hợp kể về cụ ngoại cho các cháu nghe. Chúng tranh nhau hóa vàng gửi quần áo, tiền vàng cho cụ ngoại.

Tình đồng đội tình lính ngày xưa là vậy mọi người à!

Viết đêm 28/5/2023 nhân lần giỗ thứ 44 bố.

T.H.Q

Trái tim người lính

 Tống Hồng Quân

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nguoi-cha-kinh-yeu-a17528.html