Lịch sử Việt Nam (Từ tiền sử đến năm 2007) (Kỳ 45)

Trân trọng giới thiệu sách “Lịch sử Việt Nam (Từ tiền sử đến năm 2007)” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành.

Kỳ 45.

Khó khăn nhất là việc đối phó với các lực lượng ngoại xâm và bọn phản động nhiều màu sắc để bảo vệ chính quyền cách mạng. Đảng ta đứng đầu là Hồ Chủ Tịch chủ trương triệt để lợi dụng mâu thuẫn giữa các kẻ thù để phân hoá chúng, tránh một lúc đương đầu với nhiều kẻ thù.

b1qh1a-1675759225.jpg

Quốc hội khóa I đã quy tụ được đông đảo giới trí thức trong cả nước, trong đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh trúng cử với số phiếu cao nhất (98,4%).

 

 

Thực hiện kế sách đó, từ tháng 9-1945 đến tháng 3-1946, ta đã thực hiện sách lược hoà hoãn nhân nhượng với quân Tưởng ở miền Bắc và kiên quyết chống Pháp  xâm lược ở miền Nam vì Pháp là kẻ thù chính. Với sách lược đó, ta đã cung cấp lương thực cho Quân Tưởng, mở rộng thêm 70 ghế trong Quốc hội cho các đảng phái tay sai của Tưởng như Việt Nam quốc dân Đảng, Việt Nam Cách mạng Đảng. Đưa một số thành viên của các đảng này vào Chính phủ: Nguyễn Hải Thần làm Phó Chủ tịch nước, Nguyễn Tường Tam-Bộ trưởng kinh tế, Trương Đình Tri, Bộ trưởng Bộ y tế; Vũ Hồng Khanh-Phó Chủ tịch quân uỷ hội (Võ Nguyên Giáp là Chủ tịch ). Các lực lượng vũ trang của ta được lệnh tránh không để chúng khiêu khích dẫn đến xung đột, kiếm cớ lật đổ chính quyền ta. Tuy nhiên chính quyền ta cũng kiên quyết trừng trị những tên phản động gây tội ác mà có bằng chứng cụ thể . Để tránh mũi nhọn của địch đang chĩa vào Đảng, tháng 11 năm 1945, Đảng tuyên bố tự giải tán (thực tế rút vào hoạt động bí mật), chỉ để lại một bộ phận hoạt động công khai lấy tên là “Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác”. Kết quả to lớn của các sách lược này là đã hạn chế và vô hiệu hoá hoạt động lật đổ chính quyền ta của quân Tưởng 

          Giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 12-1946: Hoà với Pháp để đuổi quân Tưởng. Sau đại chiến thế giới thứ  hai (1939-1945) nội chiến giữa chính quyền Tưởng Giới Thạch với lực lượng cách mạng Đảng cộng sản Trung Quốc bùng nổ khốc liệt. Tưởng giới Thạch phải rút quân về nước, ra khỏi vấn đề Việt Nam. Pháp cũng muốn hoà hoãn Với Tưởng. Do Mỹ dàn xếp, ngày 28-2-1946, Tưởng và Pháp ký “Hiệp ước Pháp- Hoa”. Theo đó, Tưởng đồng ý cho quân đội Pháp vào miền Bắc Việt Nam thay thế quân đội Tưởng. Phía Pháp phải nhường cho quân Tưởng nhiều quyền lợi quan trọng .

          “Hiệp ước Pháp-Hoa” đặt ra cho Chính phủ ta hai con đường, thứ nhất chống lại việc quân Pháp ra miền Bắc. Như vậy ta đã chống lại “Hiệp ước Pháp -Hoa”, chống lại một lúc cả Pháp và Tưởng  mà sau chúng là Mỹ. Con đường thứ hai là ta cho quân Pháp ra miền Bắc, mượn quân Pháp đẩy nhanh 20 vạn quân Tưởng về nước, tranh thủ thời gian chuẩn bị kháng chiến. Trước hai con đường đó ta chọn giải pháp hoà hoãn với Pháp. Thực hiện sách lược này, ta đã tiến hành một quá trình đàm phán với Pháp. Lúc 16 giờ ngày 6-3-1946, Hồ Chủ tịch đã ký với đại diện Pháp Xanh tơni “Hiệp định sơ bộ” tại số nhà 38 phố Lý Thái Tổ-thành phố Hà Nội. Theo đó Chính phủ Pháp công nhận Việt Nam dân chủ cộng hoà là một Quốc gia Tự do nằm trong Khối liên hiệp Pháp. Chính phủ ta đồng ý cho quân đội Pháp vào miền Bắc Việt Nam  thay quân đội Tưởng  với danh nghĩa Đồng minh vào giải giáp quân đội Nhật . Hai bên ngừng bắn ở Nam Bộ để tạo không khí thuận lợi cho việc đàm phán chính thức tại Pa ri .

          Ngày 31-5-1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường thăm nước Pháp theo lời mời của Chính phủ Pháp. Cuộc đàm phán chính thức giữa Việt Nam và Pháp diễn ra tại lâu đài Phôngtennơblô (cách Pa ri 60 km). Trong thời gian này ở Đông Dương, thế lực hiếu chiến Pháp đã phá vỡ “Hiệp định sơ bộ”, mở rộng cuộc xung đột ở Đông Dương .Vì thế cuộc đàm phán Việt-Pháp tại Phông tennơblô không đạt kết quả. Ngày 14-9-1946 trước khi lên đường về nước, để cứu vãn tình thế, Hồ Chủ tịch ký với Pháp bản tạm ước, theo đó hai bên Pháp -Việt ngừng cuộc xung đột, phía Pháp phải thi hành tự do dân chủ ở Nam Bộ và thả những người bị Pháp bắt. Pháp được một số quyền lợi kinh tế, văn hoá  ở Việt Nam . “Với Hiệp định sơ bộ” và bản “Tạm ước 14-9”, ta đã loại trừ được quân Tưởng mà đằng sau là Mỹ để ta tập trung lực lượng vào kẻ thù chính là Pháp, tranh thủ được thời gian để chuẩn bị lược lượng cho cuộc kháng chiến, cho một cuộc chiến tranh không thể tránh khỏi vì Pháp quyết tâm dùng vũ lực xâm lược nước ta một lần nữa .

          Tóm lại từ tháng 9 năm 1945 đến tháng 12 năm 1946, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ đứng đầu là Hồ Chủ Tịch, ta đã giữ vững được chính quyền cách mạng, đẩy mạnh cuộc kháng chiến ở miền Nam, có thời gian để chuẩn bị lực lượng cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp sắp bùng nổ. Nguyên nhân thắng lợi là Đảng ta đã có đường lối chính trị đúng đắn, cứng rắn về nguyên tắc, mềm dẻo về sách lược, biết xác định kẻ thù chính  để tập trung lực lượng đối phó với Pháp. Tất cả đường lối này là phải dựa vào sức mạnh của nhân dân để thực hiện. Chỉ có sức mạnh của nhân dân mới đưa đất nước, chính quyền vượt qua được tình thế “nghìn cân treo sợi tóc” hiểm nghèo, củng cố và bảo vệ được chính quyền cách mạng .

II-Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946-1954)

1-Những cuộc chiến đấu ở đô thị (19-12-1946 đến 17-2-1947).  Sau khi đưa quân ra miền Bắc, thực dân Pháp liên tục gây ra các vụ khiêu khích và đánh chiếm. Ngày 20-4-1946 Pháp gây ra xung đột ở Hải Phòng, đánh chiếm Lạng Sơn. Ngày 17-12-1946, quân Pháp thảm sát đồng bào ta ở phố Hàng Bún (khu Yên Ninh-Hà Nội) . Ngày 18-12-1946, chúng chiếm Sở Tài chính, Bộ giao thông. Đêm 18-12, Moóc lie hạ tối hậu thư buộc Chính phủ ta phải tước vũ khí các đội tự vệ, đòi để chúng quyền kiểm soát trật tự ở thủ đô. Hành động của Pháp đặt chính phủ ta vào tình thế không thể nhân nhượng hơn được nữa. Vì nhân nhượng hơn là dẫn tới đầu hàng mất nước. Đêm 19-12-1946, Ban thường vụ Trung ương Đảng họp quyết định phát động cuộc kháng chiến trên qui mô toàn quốc. Cùng đêm đó, Hồ Chủ Tịch ra “ Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”. Ngày 22 -12-1946, Trung ương Đảng ra chỉ thị “Toàn quốc kháng chiến”, đồng thời Tổng chỉ huy quân đội Võ Nguyên Giáp ra mệnh lệnh chiến đấu: “Tổ quốc lâm nguy, giờ chiến đấu đã đến!” .

          Vì quân Pháp chiếm đóng các đô thị nên cuộc kháng chiến của ta cũng bắt đầu từ đô thị . 20 giờ đêm 19-12-1946, điện ở nhà máy điện Yên Phụ tắt làm hiệu lệnh chiến đấu cho toàn quốc. Pháo của ta ở pháo đài Láng nã pháo vào khu quân Pháp ở nội thành. Tại Hà Nội, lực lượng Pháp có 6.500 tên cùng 13.000 Pháp kiều. Phía ta có 28.500 quân. Các trận đánh dữ dội diễn ra ở từng ô chợ Đồng Xuân, Nhà bưu điện, Bắc bộ phủ.Ta tiêu diệt 500 tên địch, phá huỷ 30 xe cơ giới. Ngày 17 -2-1947 sau khi hoàn thành nhiệm vụ tiêu hao và giam chân địch để ta triển khai kháng chiến về nông thôn, rừng núi, quân ta rút khỏi thành phố, chuyển sang kháng chiến lâu dài. Cuộc kháng chiến ở Hà Nội là cuộc kháng chiến tiêu biểu nhất cho kháng chiến ở các đô thị. Các đô thị khác trên toàn quốc cũng bước vào kháng chiến. Ngày 20-12-1946  Hải Dương, Hải Phòng kháng chiến. Ở Bắc Giang, Bắc Ninh Pháp bị ta đánh dữ dội phải rút về Hà Nội. Ở Nam Định, ta tiêu diệt hàng trăm tên. Tháng 3-1947, quân ta ở thành phố Nam Định rút ra ngoài. Tại cố đô Huế, ta đánh địch 50 ngày đêm tiêu diệt 200 tên. Ngày 8-2-1947 quân ta rút ra ngoài thành Huế. Ở Đà Nẵng ta tấn công đánh 6.500 tên địch,  sau đó ta rút ra ngoài và bao vây lại quân Pháp .

          Cuộc kháng chiến ở các đô thị của ta thu được những thắng lợi to lớn, làm thất bại âm mưu của Pháp nhằm đánh úp cơ quan đầu não của ta ở Hà Nội, tiêu diệt lực lượng vũ trang của ta ở đô thị. Ta đã giam chân Pháp, tạo điều kiện cho cả nước chuyển sang kháng chiến lâu dài. Trên chiến trường Việt Nam khi đó, Pháp có khoảng 10 vạn quân. tập trung phản công lớn trên các chiến trường Bắc bộ, Trung Bộ nhưng bị thiệt hại lớn mà không đạt được mục đích chiến tranh. Âm mưu quân sự và chính trị bước đầu của chúng đều hoàn toàn thất bại.

2-Đường lối kháng chiến của Đảng: Đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược thể hiện trong nhiều văn kiện, tiêu biểu là “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Hồ Chủ Tịch ngày 19-12-1946, “Chỉ thị toàn quốc kháng chiến” của Trung ương Đảng ngày 22-12-1946 và tác phẩm “Kháng chiến nhất định thắng lợi” của Tổng Bí thư Trường Chinh viết năm 1947 .

          Nội dung cơ bản của đường lối kháng chiến: Qua các văn kiện và tác phẩm trên trước hết nêu lên mục đích của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược để hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc, vì giải phóng dân tộc, bảo vệ độc lập dân tộc là nhiệm vụ cấp bách nhất. Thực hiện cách mạng dân tộc gắn liền với nhiệm vụ dân chủ, trong quá trình kháng chiến phải thực hiện cải cách dân chủ, thực hiện người cày có ruộng. Phương châm của cuộc kháng chiến là kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài và dựa vào sức mình là chính .

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/lich-su-viet-nam-tu-tien-su-den-nam-2007-ky-45-a17561.html