Khi ấy, tôi là một học sinh còn đang học trung học cơ sở, chuyện diễn ra trong những ngày mà không khí của ngày Tết đã ùa về trong tiết trời buốt lạnh. Ngày hôm ấy, cả lớp tôi các bạn đều mặc áo ấm, đa số là áo đồng phục của nhà trường hoặc những chiếc áo khoác đầy màu sắc. Áo đồng phục bên ngoài, thường có thêm áo len bên trong sẽ rất ấm. Tôi cũng có chiếc áo ấm đồng phục như các bạn, chúng tôi thường sẽ phải mặc chiếc áo đó vào ngày thứ hai đầu tuần.
Năm ấy, dù đã sắp được nghỉ Tết Nguyên đán nhưng gió mùa đông bắc vẫn tung hoành trên mỗi nẻo đường đi học, mang theo cái rét buốt giá len lỏi vào cả lớp học dù đã đóng kín cửa. Trong một tiết học, thầy giáo gọi tôi đứng dậy cho cả lớp xem, thầy bảo: “Cậu đứng dậy xem nào, trời rét thế này cả trường đều phải mặc áo ấm, mà cậu lại không mặc, cậu đúng là một anh hùng rơm”. Tôi đứng lên, nghĩ ngợi mông lung và cũng không dám giải thích gì. Ngày hôm trước, tôi đã giặt quần áo, trong ấy có cả chiếc áo đồng phục và chiếc áo ấm duy nhất, tôi chẳng còn chiếc áo nào ấm hơn để mặc. Tôi được ngồi xuống, mắt nhòe đi, cảm nhận sự ấm nóng từ 2 dòng nước mắt chảy xuống trong im lặng.
Trong cái lạnh co ro đến tím cả mu bàn tay ngày ấy, tôi cũng chẳng dám trách thầy bởi có lẽ thầy không biết tới hoàn cảnh gia đình, cho đến bây giờ bí mật ấy thầy tôi cũng chưa được biết. Chắc thầy cũng không còn nhớ tới câu nói bình thường của mình cả mấy chục năm trước. Bí mật nho nhỏ ấy, tôi cũng chưa bao giờ nghĩ sẽ dám kể lại với thầy.
Bẵng đi chừng 6-7 năm sau, câu chuyện một chiếc áo khác lại trở lại với tôi lần nữa khi tôi đi học Đại học ở một ngôi trường đào tạo về văn chương. Tôi đã trưởng thành khi là một chàng trai 18 tuổi. Một vị Giáo sư văn học đứng lớp tôi ngày ấy, thấy tôi còn mặc chiếc áo đồng phục hồi trung học phổ thông lên lớp, thầy đã bảo tôi bỏ chiếc áo ấy đi, bỏ dứt khoát. Thầy bảo hãy cất đi làm kỷ niệm, coi đó là một phần đã qua của tuổi học trò. Nhân chuyện chiếc áo, thẩy mong muốn các bạn trong lớp hãy bỏ đi những trang viết mà thầy gọi là đèm đẹp, là ô mai; bỏ đi những gì cũ kỹ, lạc hậu để hướng tới những cái mới lạ, tiến bộ. Bỏ đi chiếc áo của thân xác thì dễ, thế còn chiếc áo của tâm hồn? Chắc hẳn là rất khó khi mà những thói quen, nếp nghĩ đã thấm sâu vào mỗi người chúng ta từ những ngày thơ bé. Quá trình trút bỏ và thay đổi để hướng tới những điều mới mẻ ấy, chắc hẳn sẽ đầy khó khăn, thậm chí là đau đớn nhưng là điều phải làm nếu muốn phát triển bản thân; rộng hơn là góp phần thay đổi xã hội.
Những ngày giáp Tết này, đi qua các cửa hàng quần áo, thấy mọi người nô nức đi mua sắm. Ai cũng mong mua được những bộ quần áo đẹp nhất cho mình và cho người thân trong gia đình. Nhìn vào các em nhỏ, tôi nhớ lại tuổi thơ của mình, tôi thấy xã hội đã thay đổi nhiều theo hướng tốt đẹp hơn, tiến bộ hơn. Các em nhỏ giờ đã được tận hưởng một đời sống vật chất tiện nghi hơn, các em thông minh và có phần sung sướng hơn thế hệ chúng tôi đầy ngờ nghệch ngày ấy. Chắc các em cũng rất mong được bố mẹ mua cho những bộ quần áo mới để đi chơi Tết.
Mong sao mỗi người, đặc biệt là các em nhỏ đều có được những bộ quần áo đẹp nhất để sum vầy bên gia đình trong những ngày đầu xuân. Khi mà nhu cầu vật chất ngày càng cao, nhu cầu tinh thần cũng cao lên, mong sao hết thảy mọi người đều có được chiếc áo đẹp cho thân xác cũng như chiếc áo đẹp cho tâm hồn. Chiếc áo của thân xác dễ hiểu và dễ kiếm. Chiếc áo của tâm hồn ấy là sự tử tế, lòng nhân ái, tình yêu thương, lòng biết ơn… Khi tâm hồn có được chiếc áo đầy màu sắc ấy, hẳn là mùa xuân trong cõi lòng sẽ dài hơn mùa xuân ở quanh ta?
Phụng Thiên
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/chiec-ao-cua-tam-hon-a17613.html