Ngôi chùa nằm trên địa bàn thuộc xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội. Đây là một trong những quần thể di tích gắn với nhiều giá trị nghệ thuật cũng như đóng góp vào những sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nơi đây đã trở thành địa điểm du lịch văn hóa tâm linh của người dân trong vùng và du khách thập phương trên mọi miền tổ quốc.
Chùa Hải Giác còn khá nguyên vẹn, là một ngôi chùa lớn đồ sộ trong vùng. Nhà đại đường cấu thành bởi năm tòa ngang dọc nối tiếp liên hoàn. Đối diện với đại đường là tam quan, hai bên là nhà Tổ và điện Mẫu. Theo truyền thuyết, chùa Hải Giác ra đời từ thế kỷ thứ VI, nghĩa là từ khi Hạ Mỗ có địa vị trung tâm của đất nước, kinh đô một thuở của nhà nước Vạn Xuân.
Chùa Hải Giác được xây dựng trên khu đất bằng phẳng ở rìa làng bên hữu ngạn sông Nhuệ cổ. Các kiến trúc bộ phận được bố trí chiều sâu theo trục chính là đông – tây. Phía trước là tam quan, sau đến sân gạch rộng, hai bên sân là hai dãy nhà Tổ, nhà Mẫu nằm song song. Cuối cùng là tòa đại đường. Bao quanh khu kiến trúc là giếng nước dựng lầu Quan Âm, vườn Tháp, vườn cây xanh rộng lớn để tạo ra không gian thanh u tĩnh mịch cho cửa Thiền, đem lại sự hài hòa giữa kiến trúc với môi trường tự nhiên, tạo cho di tích những vẻ đẹp độc đáo gần gũi với cuộc sống con người.
Tam quan là một nếp nhà ba gian, hai tầng tám mái. Tầng trên treo chuông, khánh, bên dưới bốn bề thoáng đạt tiện dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Từ Tam quan vào Tam Bảo, cũng như từ nhà Tổ sang điện Mẫu qua một sân rộng hơn 300m2, có rất nhiều chân đá tảng cũ (qua nhiều lần tu tạo, tôn tạo) được xếp thành hàng dài sát chân hè chùa. Đặc biệt ở hai bên hậu đường, mỗi bên có một cửa ra vào, nhân dân địa phương gọi là cửa thoát tục.
Nhà Tổ nằm ở bên phải sân chùa gồm 5 gian, trong cung đặt 10 pho tượng các sư tổ. Điện Mẫu nằm đối diện với nhà Tổ. Hai nếp nhà này có quy mô và kiến trúc giống nhau. Trong điện Mẫu có đủ nhóm tượng Tam phủ (Mẫu Thiên, Mẫu Thủy, Mẫu Nhạc)..., có động Sơn Trang và ban thờ Trần Triều Hiển Thánh.
Khu chùa chính của chùa Hải Giác vẫn bảo lưu được quy hoạch trên mặt bằng kiến trúc của ngôi chùa thời Lê là tiền đường, thượng điện cùng những dãy hành lang bao quanh. Thượng điện là dãy nhà dọc 4 gian nối với chính giữa của nhà tiền đường. Bao quanh khu chùa chính là 3 dãy hành lang nối tiếp nhau, mỗi dãy gồm 10 gian hẹp lòng. Mặt sau của các dãy nhà xây tường bao ngăn cách, sát tường xây bệ gạch để đặt tượng.
Các pho tượng tròn được phân bố đậm đặc trong khu chùa chính và ba dãy hành lang bao quanh. Về số lượng, chùa Hải Giác là một trong những chùa có nhiều tượng nhất ở nước ta hiện nay. Chùa Hải Giác hiện nay còn lưu giữ được hơn 200 pho tượng lớn nhỏ, trong đó có 50 pho tượng tròn là những tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao.
Tại tòa thượng điện trên vị trí trang trọng ở hàng thứ nhất là 3 vị Tam Thế đang ngồi kiết già trên tòa sen. Hàng thứ hai là bộ Di Đà tam tôn gồm A Di Đà và hai bên có hai Đại bồ tát Quan Thế Âm và Đại Thế Chí thị giả. Hàng thứ ba là tượng Di Lặc, Văn Thù, Phổ Hiền ngồi trên lưng bạch tượng ở hai bên nhằm làm tăng thêm sức mạnh của Đức Phật tương lai. Hàng thứ tư là tượng Thích Ca thiền định. Tám pho tượng lớn đều ngự trên tòa sen, có vân xoáy trên đầu. Hàng thứ năm là tượng Ngọc Hoàng ngồi trên long ngai, hai bên có Nam Tào, Bắc Đẩu. Hàng thứ sáu, Thích Ca sơ sinh trong tòa Cửu Long, hai bên có Phạm Thiên, Đế Thích.
Ở hai góc cuối thượng điện có Quan Âm Thị Kính (bên phải) và Quan Âm Thiên Thủ (bên trái). Hai bên sườn thượng điện là Thập điện Diêm Vương, phía tiền đường có hai pho Kim Cương lớn, còn gọi là hai ông Hộ Pháp ( Khuyến Thiện và Trừng Ác).
Bên trái tiền đường, thờ đức Ông và 2 quan văn võ tùy tòng. Đối xứng với ban tượng này về phía bên phải có nhóm tượng gồm Thánh Tăng, Diệu Nhiên và Đại Sĩ ( còn gọi là ông ăn khói nói ra lửa). Dọc theo hai tường hồi, tượng được bài trí giống nhau, mỗi bên gồm 4 vị Kim Cương và hai Bồ Tát, cả hai tập hợp hoàn chỉnh là Bát bộ Kim Cương, Tứ Bồ Tát. Hai dãy hành lang song song với thượng điện được dùng làm nơi tọa lạc của 18 vị La Hán. Tượng được thể hiện trong nhiều tư thế khác nhau, tiêu biểu cho cá tính và đặc trưng của từng người.
Nhà hậu đường trong cùng được dùng làm Mặt động và dựng 25 tấm bia hậu để biểu dương những người công đức. Trong đó có 5 bức tượng phù điêu của thời Lê. Mặt động của chùa Hải Giác được thể hiện hai tầng đối nghịch nhau. Tầng trên là cõi phúc, cõi cực lạc dành cho những người có công quả tu luyện và chuyên làm những điều thiện; Tầng dưới là cõi âm ti địa ngục với những hình phạt khốc liệt đang đón đợi kẻ ác ở trên dương giới. Toàn bộ mặt động có 13 pho tượng lớn và hàng trăm pho tượng nhỏ được bố trí hợp lý thành những tiểu cảnh mang ý nghĩa giáo dục đối với con người.
Được biết, Ni sư Thích Đàm Chính về tiếp quản ngôi chùa từ năm 2003. Trong hơn 20 năm qua, thầy rất tích cực trong việc tu bổ, tôn tạo chùa và tham gia công tác an sinh xã hội ở trong và ngoài tỉnh. Ni sư Thích Đàm Chính chia sẻ: Từ khi về trụ trì chùa tôi đã mang giáo lý nhà Phật giảng dạy cho các Phật tử có được tâm an, có sức khỏe và hiểu được tình yêu thương, từ bi – bác ái. Chính bởi vậy, hàng năm tôi cùng các Phật tử thường xuyên đi làm từ thiện, không chỉ ở trong vùng mà đoàn chúng tôi còn deo duyên tới các vùng sâu, vùng xa trên mọi miền tổ quốc. Tôi cũng nhận thức rằng, nhờ ơn Đảng, chính quyền và nhân dân đã luôn hết lòng ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi cho tôi trong mọi công việc vì thế chỉ cần còn khỏe thì tôi sẽ còn cống hiến cho xã hội.
Hàng năm ngoài các tiết sóc vọng và lễ tết của dân làng. Lễ hội chùa Hải Giác được tổ chức long trọng vào 3 ngày: Rằm tháng Tư – Phật đản; Rằm tháng Bảy – Lễ Vu Lan và Rằm tháng Mười một – ngày hy sinh của Đức Tổ Thanh Trang. Tháng 10 – 1991, Bộ Văn hóa – Thông tin và Thể thao đã xếp hạng chùa Hải Giác là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Đến tháng 12 – 2020, chùa Hải Giác được Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội công nhận là điểm du lịch văn hóa tâm linh cấp thành phố. Đây cũng là một địa chỉ đỏ cho du khách thập phương muốn về đây chiêm bái, tìm hiểu cội nguồn và lễ Phật.
Viết Tuấn
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/chua-hai-giac-diem-du-lich-van-hoa-tam-linh-tren-manh-dat-ha-thanh-a17661.html