Thổ Hà là một trong 3 thôn của xã Vân Hà, Việt Yên có không gian văn hóa đặc trưng của toàn vùng Kinh Bắc. Thổ Hà hội tụ đầy đủ các thiết chế văn hóa, làm cơ sở cho việc duy trì đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng dân cư ở đây. Đó là các công trình văn hóa tiêu biểu như đình, chùa, đền...
Đình Thổ Hà là một công trình điêu khắc nghệ thuật có quy mô hoành tráng và độc đáo, đã được Nhà nước công nhận là một di tích lịch sử văn hóa từ năm 1960. Chùa Thổ Hà ( Đoan Minh Tự ) được xây dựng từ thế kỷ thứ XVI theo kiểu nội công ngoại quốc, với quy mô to lớn. Nếu vào thăm chùa, du khách có thể chứng kiến và chiêm ngưỡng tòa phật điện trang nghiêm cổ kính với nhiều thế hệ tượng phật. Động tiên trong chùa là hình ảnh ghi lại quá trình từ lúc mới sinh, đến khi trưởng thành và quá trình tu hành để đắc đạo của vị phật tử ở đây. Từ chỉ của làng nằm bên bờ sông Cầu, nằm cạnh Chùa Đoan Minh. Đến năm 1974 được chuyển ra điểm mới, cạnh đình làng. Từ chỉ của làng được kết cấu theo kiểu con chồng, kẻ chàng, không chạm khắc. Từ chỉ thờ Khổng Tử (pho tượng bằng đồng), và 8 tấm bia đá ghi danh sách những người đỗ qua các kỳ thi của triều đại phong kiến Việt Nam. Từ chỉ của Làng được xây dựng nhằm mục đích phát huy truyền thống hiếu học của các thế hệ ông cha, giáo dục con cháu hôm nay và mai sau tu dưỡng học tập làm rạng danh tiên tổ.
Việc chuẩn bị cho lễ hội ở Thổ Hà rất công phu. Trước tiên là chọn những người đủ tiêu chuẩn đóng các vai chính trong đám rước như: tổng cờ, tổng kiếm, đình huyền tuyết mao, người mang gươm trường, tam đa...Bầu chọn chủ tế và ban tế, cắt cử người vào các chân phù giá, sau đó là các đợt tập duyệt. Công việc cuối cùng là lau chùi các đồ thờ phụng, đồ rước. Những công việc này do Nhân dân Thổ Hà bầu chọn, cắt cử dưới sự điều hành của Ban tổ chức lễ hội.
Điều quan trọng đầu tiên là chọn ra người làm chủ tế và ban tế. Ban tế thường chọn 15 cụ ở độ tuổi 60 trở lên, trong đó có một ông chánh tế, một đọc văn tế, một thông xướng, một hòa xướng. Những người này được quy định là những người phu phụ song toàn, tử tôn hưng thịnh. Riêng người chủ tế được dân Thổ Hà chọn với tiêu chuẩn cao hơn. Việc chọn tổng cờ, tổng kiếm, người mang gươm trường, đỉnh huyền tuyết mao, tam đa... cũng là những công việc thân trọng. Theo quy định ở Thổ Hà, những người được giao nhiệm vụ đó phải là những người đàn ông cao lớn, vạm vỡ tuổi từ 30-40 gia đình sống có nền nếp...
Các chân phù giá như: vác cờ, khiêng kiệu, bát biểu, khiêng chiêng trống...đều không có tang bụi, can phạm...tuổi từ 18 trở lên. Song song với các công việc chuẩn bị trên, thì việc chuẩn bị đồ vật, lễ vật cũng được tiến hành. Giáp đăng cai thì phải chuẩn bị vất vả hơn nhiều. Mọi công việc chuẩn bị xong cũng là lúc hội Thổ Hà diễn ra. Ban tế tập trung ở Đình từ chiều ngày 21, ăn ngủ tại đình và lo đèn nhang, lễ vật để lễ thánh và mời Thánh về dự lễ hội cùng dân làng.
Lễ hội diễn ra theo trình tự: Đúng 6 giờ sáng là đội hình tham gia rước đã tập trung đông đủ. Đội hình được dàn theo thứ tự: Đám rước cờ Tổ quốc đi đầu, tiếp đó là cờ hội, cờ ngũ hành, trống tiền, chiêng tiền, long đao, múa trống, múa sênh tiền, tổng cờ long đao, hương án, tổng kiếm, đồ tế, bộ tam đa, kiệu thánh, kiệu mẫu, cờ ngũ hành...cuối cùng tất cả là các cụ bô lão trong thôn....Khi đám rước tới cửa đình, cuộc tế lễ diễn ra chừng 1 giờ. Nội dung văn tế là kể về công lao của Thánh đối với dân làng; mời Thánh về dự hội với dân làng và xin Thành phù hộ cho dân một năm mới làm ăn thịnh vượng, nhà nhà yên bình, làng xóm vui tươi, người người mạnh giỏi. Cùng với các hoạt động tế lễ, các hoạt động phần hội cũng đồng thời diễn ra. Đó là các trò chơi dân gian như: Chọi gà, đấu vật, cờ tướng, hát quan họ trên thuyền, bóng bàn, bóng chuyền...
Thổ Hà là vùng đất lịch sử lâu đời. Qua nhiều thế hệ và sự thăng trầm của lịch sử, nhân dân Thổ Hà đã kế tiếp nhau xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Họ đã thể hiện được nét đẹp văn hóa của mình như bức sắc phong treo trang trọng ở đình Thổ Hà - "Mỹ Tục Khả Phong".
Vũ Hoàng Thương
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/bac-giang-le-hoi-tho-ha-viet-yen-a17670.html