Trưa đến, cây bàng là nơi tá túc của mấy bà bán hàng rong. Các bà tựa lưng, tránh nắng cho qua buổi trưa để chiều đi bán hàng tiếp. Mùa quả chín chả ngày nào chúng tôi không nghiêng ngó, leo trèo để hái ăn, cảm nhận một hương vị ngai ngái, ngòn ngọt pha một chút chan chát, thơm ngon lạ lùng. Thích nhất là sau những cơn mưa, mở cửa ra thấy quả rụng lăn lóc, trẻ con tranh nhau tìm quả chín. Lũ chim còn nhanh hơn chúng tôi nên đôi khi bọn tôi còn ăn quả thừa của chúng. Chính những quả chúng ăn dở đó lại rất ngọt. Ăn hết quả thì lấy búa đập hạt để ăn nhân, chao ơi là bùi, là thơm! Cả lũ chí choé như đàn chim sẻ tranh mồi vậy.
Sau này khi thành cô thiếu nữ tôi mới cảm nhận được cái đẹp của những lá bàng mùa xuân, lộc non mơn mởn bật trên những cành khẳng khiu, hè về xanh mát, mùa đông tán lá hoá màu vàng pha đỏ, càng rét càng đỏ rực. Có một đêm trăng tôi ngồi bên cửa sổ, ngắm cây bàng, chợt vô tình thấy anh hàng xóm bên nhà đối diện từ trên tầng hai đang nhìn thẳng vào tôi. Cảm giác xấu hổ làm tôi tức giận, từ đó không dám nhìn về bên nhà đó nữa. Như thể sự ngây thơ của tôi đã bị ăn trộm vậy. Cái cửa sổ vô tội từ đó gần như luôn đóng kín một bên cả ngày lẫn đêm, ở phía tán bàng không vươn tới được. Cửa đó hướng tây nên thỉnh thoảng lại có người mở ra, phàn nàn: sao có gió đâu mà cửa cứ đóng lại vậy nhỉ? Tôi chả biết nói sao, chỉ rình một lúc sau không ai để ý lại đóng vào. Sau này bố tôi bèn buộc một sợi dây thắt vòng một đầu để móc vào cánh cửa chính cho cửa khỏi bị đóng lại. Tôi đành bó tay, không dám ngồi bên cửa sổ ngắm phố và cây bàng nữa.
Giờ đây nhiều khi hát câu “ta còn em cây bàng mồ côi mùa đông, ta còn em góc phố mồ côi mùa đông” tôi lại nhớ cây bàng trước cửa ngày xưa. Câu hát ấy cứ như nói về ngôi nhà của chúng tôi vậy.
Một hôm tôi tình cờ đọc trang Di tích nhà tù Hoả Lò mới biết cây bàng đã từng giúp bao chiến sĩ cách mạng khỏi bệnh tật. Tán bàng xanh mát làm giảm bớt sự oi bức trong nhà tù. Những quả bàng các anh nhặt về trong giờ đi dạo được giao cho tổ y tế, dành để phân phối cho những người ốm yếu nhất. Đó là nguồn vitamin quý giá giúp họ phục hồi sức khoẻ. Lá bàng cũng dùng để rửa vết thương. Mấy cây bàng trong nhà tù chính là cứu tinh của các chiến sĩ nơi địa ngục trần gian đó. Ngẫm lại thấy thương quý các bác các anh vô cùng. Thứ quả tôi từng nhặt ăn chơi lại cứu mạng bao người. Họ phải có tinh thần đồng đội cao lắm mới dành dụm cho nhau những quả bàng quý như thuốc bổ đối với họ lúc đó.
Thì ra cây bàng lại đáng quý như vậy. Nó không chỉ đẹp, mát, là nguồn cảm hứng của các nhà thơ, nhà văn mà còn là nguồn dược liệu quý giá vô cùng. Tiếc là những cây bàng không còn nhiều ở Hà Nội nữa. Chúng đúng là những cây bàng mồ côi thật sự, đơn độc và kiêu hãnh.
Chuyện làng quê
Thanh Nga
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/cay-bang-a17671.html