Hai người lính

Nơi đây đang còn một đại đội biệt động quân cùng với vài khẩu 105, cối 106,7mm. Trận địa pháo này cùng với các trận đại pháo bên núi Xương Rồng, núi Vàng gây rất nhiều khó khăn cho Quân Giải phóng. Tại đây luôn có một khẩu 82 của C17 chúng tôi chăm sóc. Cứ mỗi khi pháo lên đồi đề-ba là anh em lại cho lên đó một hai quả như chơi ú tim.

​Do sức khỏe suy yếu, tôi được ở lại cùng Dũng coi doanh trại cũ. Tay Dũng này cùng nhập ngũ với tôi ngày 9/1/1970. Số hắn hên lắm; cứ lừ đừ như ông Từ vào đền, chậm rãi, thỏ thẻ như con gái nên được mấy anh cán bộ yêu, cho làm liên lạc. Hắn cùng Nhân thả đạn trên 600. Hôm đó tôi mà thành liệt sỹ thì giờ chắc hắn cũng chẳng nhớ.

b1dvh1-1676600808.jpg

Đại tá Phạm Nguyên Dân CCB D1E1F2 .

 

 

Dạo ở Kon Tum, khi trung đội chúng tôi ở lại bắn nghi binh cho toàn mặt trận rút, cả anh An cùng anh em tá hỏa khi địch vào. Lệnh rút lui mà không thấy Dũng đâu, anh Âu, ông Cường quay lại tìm Dũng. Khi quay lại trận địa cũ, anh Cường vẫn thấy hắn lúi húi, lọ mọ trong hầm trong khi ngoài kia mũ sắt, áo rằn ri đã lố nhố tới vườn chuối rồi. Tôi thì khác, tính hay lo xa;

cặn kẽ công việc; lúc nào cũng kè kè khẩu AK, vài quả lựu đạn cùng cái giàn thun vừa tuần tra vừa bắn chim, bắn cá, dạo chơi (tôi yêu rừng; rừng cũng yêu tôi, cứ nơi nào có vắt là nó xơi tôi đầu tiên ; dù chưa thấy cây sơn là mặt đã sung húp, ngứa ngáy).

b2dvh2-1676600874.jpg

Tác giả ,CCB Nguyễn Đình Rồng

 

 

Gần đó có khe suối nhỏ với một cái vực sâu. Mọi lần cứ dùng AK bắn là được vài chú cá. Hôm nay cả miếng TNT 0,25 kg uỵch xuống mà yên ắng. Tôi thử lặn xuống mà chẳng thấy gì ngoài mấy cành cây và khúc gỗ mục cỡ bắp đùi. Ngoi lên, áy náy lại lại chúi đầu xuống lần nữa. Đau tức cả tai. Nhìn lại khúc gỗ thì ngờ ngợ. Ôi kia rồi, đôi mắt… ôm con cá Trình lên mà tay tôi run lập cập. Tối đó về chế biến, cắt khúc cho vào đầy một xoong; chất củi đun. Nghĩ cá to ninh lâu. Rồi ngủ quên. Sáng ra xem thì 1/3 là mỡ trong vắt; phía dưới cháy đen, cháy vàng. Vậy là xong!! Tiếc hùi hụi con Trình 6-7 kg chứ ít đâu.

​Mấy hôm sau đi về hướng Tây. Lúc trưa có nắng ấm. Luồn lách ra khoảng trống, đột nhiên tiếng phào phào vỗ cánh của đàn chim nào lớn lắm, cùng lúc bay lên. Tôi đoán là Phượng Hoàng hay Sếu gì đó. Lại nhớ về chuyện cổ tích… chắc gặp may rồi.

​Đêm xuống, trời đông lạnh chẳng kém miền Bắc. Cứ hai cây gỗ to cùng vài gốc bắp bằng bắp tay là cháy suốt đêm (hầm bò sâu cả mét. Trên lợp mái lá bống bóng dùng cho 6 người, cả chục cái như vậy) vẫn lạnh cóng. Mà đâu có dám ngủ vì sợ biệt kích đột nhập bất cứ lúc nào, nhất là sợ cọp nữa (hôm trước đã dắt mất con lợn 40 kí rồi). Cứ 10h đêm là mùi tanh nồng nặc lên, tôi lại chĩa khẩu AK cụt nòng ra ngoài làm một nháy 2 viên một, nó mới chịu đi (nhớ hình ảnh con lợn chỉ còn nửa trên, nằm úp trên phiến đá, nhặng bay vù vù mà hãi).

b3dvh3-1676600912.jpg

Bản đồ khu chiến nơi tác giả bị thương

 

 

​Rồi trên trời cả chục ngày đêm B52, máy bay tiếp dầu cứ đàn đàn, lũ lũ từ phía Nam bay ra phía Bắc. Xót xa cho Hà Nội! Cái đài chập 8-9 viên pin cứ o à o e trong tay ông thợ điện tử Dũng cũng đủ thông tin về Hà Nội mùa đông năm ấy.

​Mới ngày nào (tháng 7/1972) về đây, thoáng qua mà đã sang năm mới 1973 rồi. Trung đoàn nổ súng mấy đợt, quân cứ đầy lại vơi đi (anh em hy sinh nhiều quá, rồi thương bệnh binh mất sức chiến đấu). Rã rời, từ X11 về Ba Tơ lại giành đất giữ dân.

Tháng 1/1973, từ Cầu Sông vệ đến Sa Huỳnh, Nam Quảng NGãi nơi nào, xã nào cũng là chiến trận. Sức người có hạn mà chiến dịch triền miên kéo dài, chốt cả mùa Trắng tháng 8 trên núi Khoáng. Thoát hiểm 600 Ba Tơ. Sống sót trận Cầu 18 Đức Lân – đại đội Hỏa lực trợ chiến mà cũng mất 4 anh em hy sinh - hai lần bị tập kích bất ngờ (hai lần bị tập kích này riêng đại đội đã tiêu diệt cả trăm lính Việt Nam Cộng Hòa. Rất may chỉ trong phút chốc lật ngược thế trận không thì đâu còn ngồi đây để viết).

​Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris ký kết. Tháng 4/1973, thủ tục trao trả tù binh được thực thi tại thôn Vạn Lý, xã Phổ Phong, Đức Phổ đúng theo điều khoản Hiệp định.

Xạ thủ Đại liên của D1, Phạm Nguyên Dân được viên sĩ quan 4 bên tặng bài thơ “Việt Nam máu và hoa” của Tố Hữu mới làm trước đó vài ngày. Binh sỹ hai bên lại hy vọng vào một tiến trình hòa hợp dân tộc. Họ đối diện với nhau trong khoảng cách gần, song thăm hỏi, giao lưu, hút Ru-bi; thuốc lá; thuốc lào; cà phê cùng nhau. Một buổi sáng, tiếng nổ vang bên đồi Ông NGuyện, cả hai phía nhốn nháo la hét xem chuyện gì (hòa bình còn mong manh lắm). Thì ra có con nai vướng trái gài… lại lụi cụi mổ xẻ, chia cắt. Bên biệt động chuyển thịt nai cho anh em D3 mình.

​Con suối Chí bây giờ là khu du lịch, sâu vào trong là hậu cứ của C17, phía ngoài bên trái là đồi Ông Nguyện. Thỉnh thoảng H34 tiếp tế.H34 là máy bay trực thăng hạng nặng tiếp tế cả nước cho lính tắm ,ko dám đỗ chỉ bay tại chỗ xả nước xuống.Cả bọn * Thiên nga* cũng được đưa lên, nó vẫn ăn chơi kiểu Mỹ.

​Theo lệ, hôm nay tôi được ra giao lưu với bên kia. Hai anh em cũng súng đạn đầy đủ. Gần tới nơi, một mình tôi ra tay không. Ngước lên đồi, tôi chụm tay hú dài một tiếng như vượn hót. Phía trên đã đáp lại ngay:

-Anh Hùng à, em xuống ngay đây!

Viên sỹ quan đẹp trai lắm (anh em tôi đã gặp nhau vài lần xin được gọi là anh em; tôi lấy tên là Hùng). Nó thắc mắc:

- Em thấy bên anh nhiều tên Hùng lắm!

. Tôi bảo nó:

- Ờ, quân đội mà.

Nó cười tươi. Nó quý tôi, tôi cũng thấy nó điềm đạm, ăn nói thư sinh nhã nhặn nên cũng cảm tình. Ngồi lúc lâu, kể hết chuyện, nó nằm duỗi dài, gối đầu lên đùi tôi, mắt mơ màng :

- Anh Hùng, quê em Quận Nhất, Sài Gòn. Đất nước đoàn viên, anh về em chơi.

Tôi nhìn nó, thiện cảm gật khẽ (lúc này đã có mấy thanh niên, có cả một cô gái dân tộc đang lội nước đi lại dưới suối, mắt lấm lét nhìn trộm tôi. Biết bọn này được cài).

​Hiệp định đã ký, hòa hợp dân tộc, vãn hồi hòa bình rồi cũng gác lại. Tất cả chỉ còn lại trong dĩ vãng. Chúng tôi (cả bên địch và bên ta) lại kéo nhau về Nghĩa Hành để vãn hồi chiến tranh theo lệnh của cấp trên. Trung đội tôi cùng D2 về đánh địch khu vực Hành Thiện, Nghĩa Hành – nơi có Đỉnh Cộng Hòa nằm phía tây, bên kia cây cầu Cộng Hòa, con sông Vệ vẫn xanh trong, lững lờ uốn lượn, hiền hòa chảy xuôi.

​Ngày ngày, anh em bộ binh D2 đi về ngang qua, chào hỏi vui vẻ. Hôm nay, thấy mấy đứa mặt cứ hầm hầm như muốn nuốt chúng tôi. Ra là chiều nay, khẩu bên “đấm lưng” bộ binh, để đạn rơi gần găm cả vào họ, làm sao mà xin lỗi được.

​Ông Lung chính ủy cáu bẳn bắt lên gần nữa để bắn. Tới khu nhà dân, đất mềm đào được cái hố nhỏ. Anh Cường cẩn thận lại bê thêm thúng trấu đổ vào đó, đặt để lấp pháo lấy phần tử, viên đạn vừa bay đi khẩu cối nhấc đế cùng nhào theo (thế làm sao mà không đấm lưng bộ binh!).

Có lệnh mới, khẩu đội tôi lại vận động vào khu Suối đá để bắn sang đội Cộng Hòa. Nhích lên cao một chút các hầm đã cố định vị trí. Nhìn sang bên kia khu vùng lá thưa đã thấy lố nhố địch. Anh Cường chỉ nơi đất hầm cảnh giới của tôi, gần cây cổ thụ to, cách đó khoảng chục mét, vội vã chặt tạm vài cây chuối; chặt lấy 3 khúc che trên nóc hố nhỏ gọi là cho có thì đã nghe tiếng đề-ba nơi hầm pháo. Quả đạn đi tìm chim. Không thấy điểm nổ,. Anh Cường hô lùi tầm 200m 1 quả bắn. Chưa kịp thấy điểm nổ đâu đã thấy *đoành đoành * 2 quả pháo lớn nổ ngay trên đầu. Toàn bộ cây cổ thụ xum xuê giờ chỉ còn lại cái thân te tướp, trắng cả góc rừng. Rồi lại 2 quả nữa* đoành đoành * vẫn trên đầu, tôi đã nép sát, thu người thật gọn mà chỉ nghe * sựt * ở đùi phải máu vọt lên cả mặt. Tôi thảng thốt gọi :

- Bị thương rồi anh Hùng ơi!

. Anh Hùng y tá chắc cũng hoảng lắm, mãi mới đến để lôi tôi từ hầm lên (may lúc này địch đã chuyển làn về phía hầm pháo). Việt, anh nuôi cũng chạy đến. Mảng pháo to cỡ 2 ngón tay xuyên qua đùi sang mặt sau thì dừng lại, chỉ hở ra 1/3 nên loay loay băng mãi mà vẫn chảy máu. Sau phải ga-rô băng ụ lên mới tạm (mất nhiều máu quá, chắc hỏng). Tập ở đâu chạy đến, xốc tôi lên lưng; tay đau vẫn xách khẩu AK; tay còn lại bợ mông tôi; miệng nói :

- Để tôi đưa Rồng xuống suối không pháo nó quay lại.

Nó thương tôi quá! Mảnh pháo, đất đá vẫn văng rào rào tới (Đó là pháo biểu, nó chơi toàn pháo chụp. Trình độ gọi pháo của toán này đáng nể. Quả đầu đã trúng ngay chúng tôi).

Chập tối, anh Hùng với Việt khiêng tôi về tới phẫu tiền phương lúc 11 giờ. Cái dù trắng toát, ánh đèn măng-sông, tiếng người loáng thoáng mơ hồ. Anh bác sỹ giơ cho tôi nhìn mảnh đạn rồi thả choang một tiếng xuống cái khay men. Anh Hùng và Việt khiêng tôi suốt đêm. Tảng sáng tỉnh lại thấy vài ông thương binh léo nhéo bên võng :

- Bộ đội trẻ quá!

Các anh chị C20 thực hiện xử lý vết thương cho tôi, cả miếng gạc to nhúng trong chậu cồn cứ cò cưa đẩy ra đẩy vào qua lại viết thương. Rồi họ đặt một cái xăm xe đạp rọc đôi, rộng cỡ bàn tay, dài khoảng 40 cm, 2 đầu thông ra ngoài. Cả chục ngày sau nước vàng rỉ ra. Hàng ngày, các chị lên rừng lấy vỏ cây thuốc, mỗi ngày 2 gùi về cho vào cối giã nhỏ như củ nâu. Thứ này đắp lên vết thương hôm trước, hôm sau dịch nhớt được hút hết. Hiệu nghiệm vô cùng. Ai đó đã đưa tôi lên võng. Thiếp đi tới sáng, người chỉ còn như cái giẻ rách, mê man. Tới 8 giờ hôm sau, mở mắt ra thấy có em gái nhỏ tóc thề ngang vai đang đưa võng, tôi khẽ gật đầu chào em. Anh Minh du kích Đức Lân tỉm tỉm nói :

- Nó đứng cả đêm đưa võng cho cậu ngủ đấy. Tôi ngại ngùng quá mà ngu chẳng biết nói gì.

Những ngày nằm viện tới giờ vẫn băn khoăn không biết cái viên sỹ quan quê Quận Nhất ấy có còn sống không, hay bỏ xác như Trung úy Lâm Sơn Hải bị bắn chết cách chỗ tôi bị thương trăm mét hôm 5/6/1973.

Tôi bị thương ngày 7/6/1973, tại thôn Bàn Thới, Hành Thiện, Nghĩa Hành. Tôi nằm viện nửa tháng thì tạm bình phục. Trung đoàn đã bàn giao địa bàn lại cho Lữ 52/F2 để chuyển quân về Quảng Nam từ mấy hôm trước.

Tôi lại theo đoàn Thu dung khập khiễng chống gậy lên đường, qua trà Bồng, xuôi sông Tranh về Hiệp Đức. Đường về đơn vị thật đẹp. Núi rừng hùng vĩ không tiếng đạn pháo, không tiếng máy bay. Cuộc sống thanh bình, nương rẫy bạt ngàn. Từ đâu vẹt xanh lượn đi lượn lại như chào mời. Những ánh mắt phụ nữ bế con từ trên nhà sàn nhìn xuống. Khu ủy khu 5 đóng ở đây.

Về tới đơn vị, tôi đã thấy nhà ở lán trại tân binh bổ sung về đông vui, nhộn nhịp. Thương bốn anh em Nguyễn Đình Chuẩn, PHạm Đa Hòa, Doãn Đình Sắc, Phạm Phú Mỡ còn nằm lại mảnh đất Quảng Ngãi cùng biết bao anh em liệt sỹ của Trung đoàn một năm qua.

Các anh chị C20/E1/F2, anh Minh, em gái nhỏ chăm giấc ngủ cho tôi dọc đường. Những dòng viết vội vàng này cũng như đã nhận nơi tôi lời cảm ơn chân thành.

Người lính nào cũng muốn sớm chấm dứt chiến tranh để về với mẹ đang khắc khoải chờ mong. Viên sĩ quan chân đồi Ông Nguyện nếu còn sống hãy liên hệ với anh Hùng nhé. Mình lại chuyện trò như ngày nào.

Trái tim người lính

CCB Nguyễn Đình Rồng

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/hai-nguoi-linh-a17682.html