Kỳ 56.
V. XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI (1976-1986)
1- . Thống nhất đất nước
Chiến thắng mùa xuân 1975 đã lật đổ chính quyền Việt Nam cộng hoà, chính quyền của tư sản và địa chủ, đồng minh của đế quốc Mỹ. Chiến thắng mùa xuân 1975 không chỉ kết thúc cuộc chiến tranh khốc liệt nhất, lâu dài nhất trong lịch sử chiến tranh ở Việt Nam mà còn kết thúc 21 năm chia cắt, mở ra một thời kỳ thống nhất đất nước, thống nhất giữa hai miền Nam-Bắc. Khâu đầu tiên của việc thống nhất đất nước là phải thống nhất về mặt Nhà nước tạo ra sức mạnh mới, những thuận lợi mới để phát triển kinh tế, văn hoá và củng cố quốc phòng. Thống nhất đất nước càng tăng cường ảnh hưởng của Việt Nam trên trừơng quốc tế. Vì vậy thống nhất đất nước càng sớm thì càng phát huy nhanh sức mạnh toàn diện của đất nước.
Từ ngày 15 đến ngày 21 tháng 11 năm 1975, đoàn đại biểu miền Nam và miền Bắc đã họp ở Sài Gòn bàn về việc thống nhất đất nước. Hội nghị quyết định thống nhất về mặt nhà nước bằng một cuộc tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội chung của cả nước. Ngày 25 tháng 4 năm 1976, 23 triệu cử tri (98,8%) đã tham gia cuộc tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội thống nhất-Quốc hội khoá VI gồm 492 đại biểu. Cuối tháng 6 đầu tháng 7-1976, Quốc Hội họp tại Hà Nội quyết định đổi Quốc hiệu từ Việt Nam dân chủ cộng hoà thành Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thủ đô là thành phố Hà Nội , cờ đỏ sao vàng 5 cánh là Quốc kỳ, bài “Tiến quân ca” của cố nhạc sĩ Văn Cao là Quốc ca, thành phố Sài Gòn-Gia Định mang tên Lãnh tụ dân tộc: Thành phố Hồ Chí Minh. Quốc hội bầu cụ Tôn Đức Thắng làm Chủ tịch nước, Phạm Văn Đồng làm Thủ tướng Chính phủ, Trường Chinh làm Chủ tịch Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Ngày 18-12-1980, Quốc Hội thông qua Hiến pháp mới thay cho Hiến pháp 1959. Đây là đạo luật cơ bản đầu tiên khi cả nước thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội. Thống nhất nhà nước tức là thống nhất lãnh thổ tạo cơ sở cho thống nhất chính trị, tư tưởng , văn hoá và xã hội của hai miền Nam-Bắc, tạo cơ sở cho cả nước phát huy sức mạnh phát triển toàn diện để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, tạo sức mạnh bảo vệ tổ quốc, mở rộng mối quan hệ hội nhập quốc tế. Thống nhất đất nước cũng nói lên quyết tâm sắt đá của nhân dân ta kiên quyết xây dựng và bảo vệ một quốc gia thống nhất, độc lập , toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ .
Theo qui định của Hiến pháp 1980, chế độ chính trị là nhà nước Cộng hoà dân chủ nhân dân làm nhiệm vụ chuyên chính vô sản, xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn lãnh thổ. Quốc Hội là đại diện của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất nắm cả ba quyền: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Quốc hội có hai cơ quan mới là Hội đồng nhà nước. Hội đồng nhà nước là cơ quan cao nhất, bảo đảm sự hoạt động thường xuyên của Quốc hội, là Chủ tịch tập thể của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là chế độ nguyên thủ tập thể. Đó là sự tập trung nhiệm vụ, quyền lực của Uỷ ban thường vụ Quốc Hội và Chủ tịch nước vào một cơ quan .
Hội đồng Chính phủ theo hiến pháp 1980 gọi là Hội đồng bộ trưởng đứng đầu là Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng do Quốc hội bầu ra, được phân nhiệm nắm quyền hành pháp và chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Toà án nhân dân tối cao do Chánh án Toà án nhân dân tối cao đứng đầu được phân nhiệm nắm quyền tư pháp và chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Viện kiểm soát nhân dân tối cao đứng đầu là Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nắm quyền kiểm sát, quyền công tố và chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Như vậy Quốc hội không chỉ nắm toàn quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp mà còn thực hiện quyền giám sát toàn bộ các cơ quan quyền lực nhà nước. Nhà nước chỉ là một bộ phận của hệ thống chính trị.
Ở các cấp chính quyền địa phương là sự thu nhỏ của chính quyền Trung ương. Công dân ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ) bầu ra Hội đồng nhân dân tỉnh (Hội đồng nhân dân Thành phố). Hội đồng nhân dân tỉnh (Hội đồng nhân dân thành Phố) bầu ra Uỷ ban nhân tỉnh (Uỷ ban nhân dân thành phố) do Chủ tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh (Chủ tịch, Phó chủ tịch Uỷ ban nhân thành phố) đứng đầu. Giúp việc và phụ trách các ngành trong tỉnh (thành phố) có các sở do các Chánh, Phó Giám đốc sở đứng đầu. Ở cấp huyện (quận ở thành phành phố, thị xã) công dân, bầu ra Hội đồng nhân dân huyện (quận, thị xã), Hội đồng nhân dân huyện (quận, thị xã) bầu ra Uỷ ban nhân dân huyện (quận, thị xã) do chủ tịch Uỷ ban nhân huyện (quận, thị xã) đứng đầu. Phụ trách các ngành trong huyện (quận, thị xã) có các phòng do các Trưởng, Phó phòng đứng đầu. Ở cấp xã (thị trấn, phường) công dân bầu Hội đồng nhân dân xã (thị trấn, phường). Hội đồng nhân dân xã (thị trấn, phường) bầu ra Uỷ ban nhân dân xã (thị trấn, phường) đứng đầu là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã (thị trấn, phường). Đơn vị hành chính thấp nhất là thôn, bản ở miền núi, ấp ở miền Nam do trưởng thôn (bản, ấp) đứng đầu. Trưởng thôn (bản, ấp) do nhân dân đơn vị đó bầu ra một cách dân chủ .
Hệ thống toà án của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm Toà án nhân dân tối cao, Toà án cấp tỉnh (Toà án thành phố trực thuốc Trung ương), Toà án cấp huyện (quận, thị xã). Toà án cấp tỉnh (thành phố trực thuộc trung ương) và Toà án tối cao vừa là toà án xử sơ thẩm vừa là toà xử phúc thẩm các vụ kháng án ở các toà cấp dưới gửi lên. Hệ thống công tố, kiểm sát bao gồm Viện kiểm sát nhân dân tối cao, còn có Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh (thành phố trực thuộc trung ương), Viện kiểm sát nhân dân các huyện (quận, thị xã).
Nhà nước chỉ là một bộ phận chủ yếu của hệ thống chính trị. Hệ thống chính trị gồm Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bao gồm tất cả các đoàn thể như Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội phụ nữ Việt Nam, Hội cựu chiến binh Việt Nam, trong đó Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối hệ thống chính trị .
Hiến pháp 1992 được Quốc hội khoá VIII thông qua. Hiến pháp này có một số thay đổi về bộ máy nhà nước so với Hiến pháp 1980 như bỏ chế định Hội đồng nhà nước (nguyên thủ tập thể), khôi phục lại chức danh Chủ tịch nước (nguyên thủ cá nhân) với nhiều quyền lực: quyền đối ngoại, quyền phê chuẩn các dự án luật mà Quốc hội thông qua để dự án luật thành luật, quyền tổng động viên, quyền tuyên bố tình trạng khẩn cấp, quyền ân xá, đặc xá. Chủ tịch nước còn là Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng. Hiến pháp 1992 thiết lập lại Uỷ ban thường vụ quốc hội. Cơ quan hành pháp trung ương bỏ tên gọi Hội đồng bộ trưởng và Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng, thay vào đó gọi là Chính phủ do Thủ tướng đứng đầu. Chính phủ do Quốc hội khoá XII bầu ra hiện nay (2007) do Thủ tướng đứng đầu, có ba phó thủ tướng, 20 bộ , 6 cơ quan ngang bộ. Địa phương có 64 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Dưới tỉnh là huyện (quận), dưới huyện là xã (phường, thị trấn), dưới xã là thôn (ấp, bản, tổ dân phố). Tính đến tháng 8-2007, cả nước có 10. 968 xã, phường, thị trấn, 120.966 thôn, bản tổ dân phố. Tổng số cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn toàn quốc là 192.438 người, trong đó cán bộ chuyên trách giữ chức vụ được bầu cử chiếm 57,75%, công chức chuyên môn chiếm 42,25 %. Trung bình cứ 10 nghìn dân có 23 cán bộ công chức cấp xã. Trình độ học vấn cán bộ công chức đa số là trung học phổ thông, chiếm 75,5 %. Về trình độ chuyên môn, trên đại học chiếm 0,04 %, cao đẳng, đại học chiếm 9,04% , 48,7 % chưa được đào tạo, 55,53 % chưa được đào tạo về quản lý nhà nước . .
(Còn nữa)
CVL
PGS TS Cao Văn Liên
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/lich-su-viet-nam-tu-tien-su-den-nam-2007-ky-56-a17694.html