CƠ YẾU phải đảm bảo mấy nguyên tắc cơ bản sau: TUYỆT ĐỐI BÍ MẬT - CHÍNH XÁC - NHANH CHÓNG KỊP THỜI. Nhờ có CƠ YẾU mà các thông tin về chuyến chở hàng chi viện vào chiến trường miền Nam được bí mật đến cùng. CƠ YẾU góp phần không nhỏ vào chiến công của đoàn tàu không số. Vi dụ những mệnh lệnh ngắn gọn được chuyển đi như: Chuyển hướng vào bờ. Gặp địch tại tọa độ, Xin hủy tàu v v... vai trò của chiến sỹ CƠ YẾU đặc biệt quan trọng trong chuyến đi biển.
Anh kể câu chuyện về chuyến đi trinh sát đáng nhớ mở tuyến mới của tàu 625 đầu năm 1972:
- Đến đầu năm 1972, tuyến vận tải bí mật bằng đường biển của đoàn 125 đã bị lộ. Hầu hết các tàu chở hàng vào chi viện cho miền Nam đều phải quay về do địch đã giăng hệ thống đón lõng hòng bắt sống các tàu từ Bắc vào. Có tàu đã phải tự hủy hoặc bị máy bay tàu chiến Mỹ bắn chìm. Thậm chí bị bắt. Nhiều chuyến tàu đã vào gần đến bến ( nơi bốc hàng) nhưng phải quay về.
BỘ tư lệnh Hải Quân nghiên cứu một phương thức đi mới để tiếp tục vận chuyển vũ khí vào miền Nam. Tuyến đường mới là đi theo đường Hàng hải Quốc tế. Đích đến của tàu là địa điểm X ở vùng biển Cà Mau. Tàu có 21 người do đồng chí Đỗ Văn Bé làm thuyễn trưởng và Trần Văn Hữu làm thuyền phó. Đồng chí Hữu sau này là Chủ tịch Hội TT đường Hồ Chí Minh trên Biển Việt Nam. Anh mới nghỉ từ tháng 10/2022. CƠ YẾU trên tàu là ông đồng đội thừa răng của tôi. Ông quê Bến Tắm Chí Linh Hải Dương.
Chuyến đi đó, tàu đi theo lịch trình được vạch trên hải đồ là: Đường hàng hải Quốc tế. Cụ thể xuất phát từ căn cứ ở Hải Phòng đến đảo Hải Nam Trung Quốc, chuyển hướng qua Philipin, Malaysia, Indonexia, Singapor và cuối cùng đến vị trí X bí mật tại vùng biển miền Nam rồi chờ thời điểm thích hợp để thả hàng xuống biển. Đánh dấu tọa độ, báo cho du kích, bộ đội địa phương vớt về.
Hành trình này là điều bất ngờ đối với tình báo Mỹ.
Đi qua hải phận nước nào tàu treo cờ nước đó.
Con tàu đi trên đường Hàng hải Quốc tế thật bé tẹo, mong manh so với những con tàu hàng sừng sững đồ sộ. Có những lúc, từng đàn cá heo bơi theo tàu. Biển xanh ngắt, nồng nồng mùi đại dương. Đến vùng biển Pilipin, nơi bốn mùa bão tố. Vào thời gian này đang mùa biển lặng. Gọi là biển lặng nhưng sóng luôn tương đương cấp 7, cấp 8. Con tàu chồm lên đỉnh con sóng, rồi chúi xuống, mất hút như đi vào lòng biển. Chân vịt quay xè xè trong không trung. Rồi nó lại chồm lên, cưỡi lên đỉnh sóng như con tàu ma trong phim Cướp biển Caribe.
Tàu chạy đến ngày thứ 13, đến vùng biển Singgapo. Một sự cố bất ngờ, hy hữu xảy ra. Liên lạc với đất liền bị đứt, do máy thông tin 15w ở xa căn cứ nên tín hiệu chập chờn. Tàu phải thả trôi, chạy vòng vèo trên biển mất 5 ngày. Đến ngày thứ 18, tín hiệu ổn định trở lại, thông tin được nối lại. Các thủy thủ dù đều là dân biển cũng lay lử, có người yếu sóng nôn ra mật xanh, mật vàng. Nhưng khi khắc phục được sự cố, tàu lại thẳng hướng đến vùng biển đã tác nghiệp trên hải đồ. Ngày thứ 18 vùng biển Cà Mau đã hiện ra.
Thuyền trưởng Đỗ Bé nhìn thấy Hải đăng Hòn Khoai. Trên hải đồ gần địa điểm X. Theo kế hoạch, tàu sẽ chuyển hướng vào điểm x thả hàng. Chọn thời điểm thuận lợi, nửa đêm tàu sẽ hướng vào địa điểm đó để thả hàng. Cùng lúc đó ông anh CƠ YẾU mã hóa bức điện vừa nhận được: " Bến bị địch bao vây, chuyển hướng ngay về Bắc " .
Anh chuyển bức điện cho thuyền trưởng Đỗ Bé. Thuyền trưởng rất phân vân. Đích đến còn không xa, tàu sắp hoàn thành nhiệm vụ. Mọi người đều tiếc công chịu sóng gió gian khổ, mà địa điểm giao hàng còn không xa. Cấp ủy hội ý khẩn cấp:
- Tiếp tục chờ thời cơ để giao hàng hay chấp hành mệnh lệnh quay về?
Chính trị viên phân tích tình hình đây là chuyến đi trinh sát, tìm tuyến đường mới. Nếu để lộ, toàn bộ kế hoạch lâu dài sẽ sụp đổ. Chúng ta không vì thành tích của tàu mà làm hỏng nhiệm vụ chiến lượng của cấp trên. Chi ủy nhất trí cho tàu quay về. Sau 24 ngày vượt sóng gió, tàu 625 ngày 19/2/1973 tàu về đến Hải Phòng. Nhiệm vụ trinh sát thành công. Ngay lập tức tàu 605 100 tấn hàng lập tức lên đường. Tuyến vận tải theo đường Hàng hải Quốc Tế đã mở ra phương thức vận chuyển mới cho các tàu của đoàn lên đường làm nhiệm vụ.
Kể thêm về các chiến sỹ CƠ YẾU.
Tàu tôi là tàu Quảng Châu 649, CƠ YẾU là anh Nguyễn Văn Bích người Đồ Sơn. Anh có nước da mai mái, hiền như bụt. Ở con tàu bé tẹo, tôi nằm giường trên, anh nằm giường dưới. Giường rộng có 60 cm. Tôi tâm sự với anh:
- Nếu em không về Hải Quân thì giờ này đang hành quân trên đường Trường Sơn vào chiến trường rồi. Anh bảo:
- Lạ gì Trường Sơn, tao đã 2 lần vượt Trường Sơn rồi, mọi người đi vào, tao đi ra!
Tôi thò đầu xuống, tròn mắt ngạc nhiên:
- Ơ, sao lính thủy lại vượt Trường Sơn
Anh trả lời ráo hoảnh:
- Một lần tự hủy tàu, một lần bị tàu chiến Mỹ đánh chìm. Người nào còn sống thì bơi vào bờ, móc nối du kích địa phương, báo về đơn vị, rồi vượt Trường Sơn đi về nhà, tức là về đơn vị mà làm việc tiếp chứ sao nữa?
Một việc đơn giản mà đối với tôi sao vỹ đại thế. Anh đe tôi:
- Chú mày hỏi nhiều quá! Rồi sẽ đến lượt chú mày. Thú thật tôi rùng mình. Rồi sẽ đến lúc tàu mình bị bắn chìm hoặc phải tự hủy. Tôi bơi kém lắm, chắc làm mồi cho cá thôi! Trong đêm tối, nước mắt tôi trào ra, thương cho thân mình, tiếc cho vụ định tặng cái hôn đầu cho cô bạn gái mà bị lũ chó phá đám.
Trên tàu, phòng làm việc của CƠ YẾU bé tẹo, ngăn cách với anh em khác chỉ bằng cái màn kéo bằng vải nhưng cấm không ai được vào. Chiến sỹ CƠ YẾU nào cũng được phát một khẩu súng ngắn K54 và một lệnh, có quyền bắn chết bất cứ ai khi tự ý vào phòng, khi CƠ YẾU đang làm việc.
Tôi và anh CƠ YẾU thừa răng gặp nhau ở buổi gặp mặt Hội Truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển Việt Nam trước dịch covíd. Anh thấy tôi gãy cái răng cửa, còn anh về già cái răng cửa lại dài ra, chìa ra, trông rất xấu.
Anh kể:
- Con cháu anh mấy lần bảo:
- Bố nhổ răng đi, rồi làm cái răng giả. Anh bảo con:
- Tao già rồi, năm nay 75 tuổi, cần gì đẹp, mẹ mày không chê thì thôi! Nhổ làm gì ? ( nghe nói nhổ răng sống - răng không bị sâu rất hại sức khỏe).
Nghe anh kể, tôi cũng bảo:
- Vợ em nói ông ra nha khoa lắp cái răng sứt đi. Trông xấu lắm!
Tôi bảo:
- Lắp làm gì, xấu thì xấu. Tuổi này ai chê? Tôi với bà lâu nay không dùng mồm, không dùng răng thì cần gì làm lại răng? Bà ấy tức mình, đấm vào lưng tôi thùm thụp.
Choàng vai nhau, anh bảo:
- Tớ thừa, cậu thiếu. Tớ sẽ cho cậu cái răng thừa. Hai thằng sẽ đều đẹp, ha ha!!!
Hai anh em ôm nhau cười sằng sặc. Khoái chí, chúng tôi chụp luôn cái ảnh tự sướng đặt tên là Thằng thừa, Thằng thiếu.
Thừa, thiếu thời chiến tranh là nhường nhịn, chia sẻ, bù đắp cho nhau từ miếng ăn tấm áo, đến sự sống.
Thời bình, họ bù cho nhau cả cái răng thừa, răng thiếu!
Tình lính tàu không số là như vậy đấy!
Hà Nội ngày 7 tháng 1 năm 2023.
CCB T.H.Q
Trái tim người lính
Tống Hồng Quân
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/thang-thua-thang-thieu-a17729.html