Hành trình ngày về

Tạm biệt Miền Tây, tạm biệt đồng đội nằm lại Miền Đông (các Liệt sĩ). Ngày hôm sau, buổi sáng chúng tôi ra chợ Biên Hòa, gần bờ sông, mua sắm một vài thứ về làm quà cho người thân. Anh mua khung xe đạp, búp bê ngộ nghĩnh biết chớp mắt, anh mua đài chạy hai pin. Tôi mua vài mét vải về làm quà cho mẹ và các chị, quần âu cho anh trai.

332380187-941709250161717-4570522150088702977-n-1677212200.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp

Khoảng một giờ chiều, đoàn xe đò chở chúng tôi về điểm tập kết, ngủ lại một đêm. Sáng hôm sau, ra lô cao su tập trung để phân đoàn về các tỉnh miền Bắc. Có biển đề các tỉnh khác nhau. Đồng đội tôi mỗi người một tỉnh, chia tay trao nhau địa chỉ, ảnh kỷ niệm, rồi đi tìm vị trí biển báo của mình. Tôi đoàn Hà Tây, khi ra đã có khoảng ba mươi anh em ở đó. Sau đó chúng tôi di tản về các nhà dân, tạm trú để hôm sau đi tiếp.

Tám giờ sáng hôm sau, chúng tôi mỗi tỉnh có một xe đò, chở hướng ra Bắc, về Phan Thiết. Nửa đường đi, xe bị trục trặc, hình như ở trục xe. Anh phụ xe hội ý với bác tài, và nhảy xe ngược chiều về Sài Gòn lấy phụ tùng về thay thế. Đến chiều xe được chữa xong và tiếp tục về Phan Thiết. Đêm khuya chúng tôi mới tới nơi, tạm trú vào một xưởng làm nước mắm. Chúng tôi trải nilông ra nằm tạm ở ngoài hiên ngủ cho đến sáng. Ăn qua loa, lại tiếp tục hành trình về Đà Nẵng. Tạm trú gần sân bay dã chiến Đà Nẵng. Buổi chiều từ sân bay Đà Nẵng, chúng tôi tiếp tục đi xe ra cảng Đà Nẵng đi tàu biển ra Bắc.

Chuẩn bị xuống tàu, các em nhỏ ở đâu kéo ra đòi đổi nhu yếu phẩm: Đường sữa, thuốc lá, cà phê... chỉ đổi lấy lương khô. Một em kéo tay tôi: "Chú ơi đổi lương khô cho con, chú lấy gì cũng được". Nhìn đôi mắt tròn xoe đen láy chớp chớp của em, tôi thấy thương quá. Tôi bảo em: "Thôi chú cho con, chú chẳng lấy gì". Thực tình tôi cũng muốn cho nhẹ ba lô khoác trên vai. Tôi cho em khoảng ba lạng lương khô màu trắng ngà. Lương khô của bộ đội là khoái khẩu nhất của dân thành phố lúc bấy giờ. Em nói: "Chú không lấy gì, con trả chú tiền". "Tiền chú mang về Bắc tiêu làm sao được" (lúc đó đang dùng tiền Giải phóng), tôi quả quyết: "Thôi chú cho con thật mà". Đứa bé lấm lét, cầm mấy phong lương khô, chắc nó sợ bị bạn giành. Tôi bảo: "Thôi cháu bỏ vào giỏ mang về đi, kẻo đứa khác nó xô đến giờ". Em bé cám ơn rồi nhanh chóng lẩn vào đám đông.

Tàu xuất phát vào ba giờ chiều, tôi đứng gần chú lái tàu, mắt hướng vào trong bờ. Những dãy núi, đường phố chạy luồn dưới chân núi, người như những dòng kiến bò theo dãy núi. Tôi hỏi: "Sao chú không đi sát bờ một chút, để cho mọi người ngắm cảnh"? "Đâu được, gần để va vào đá ngầm thì bỏ mạng cả lũ", chú bảo vậy. Tàu vẫn lướt sóng, tôi cảm thấy buồn ngủ, theo cầu thang xuống hầm tàu, cho đỡ gió tạt. Tất cả nằm ba dãy theo hầm tàu. Tôi ngủ lúc nào không hay. Sáng ra tiếng ý ới gọi nhau, tôi tỉnh dậy leo lên bong tàu. Ăn sáng, hết nhìn trời mây nước, tôi lại giở sổ ra ghi chép, viết thư.

Khoảng ba giờ chiều, tàu cập bến Vinh. Chúng tôi lên bờ, đã có bà con ra đón. Đoàn Hà Tây chúng tôi có mấy em nữ thanh niên, chừng từ mười sáu đến hai mươi tuổi, ra dẫn đường đưa các anh về trạm nghỉ tạm thời. Thấy tôi đi khập khiễng, một em nhanh nhảu ra đỡ ba lô: "Anh đưa em mang giúp". Tôi vẫn còn chống nạng, em gỡ ba lô ra và khoác hộ, một tay em bám vào tay phải tôi dìu đi. Miệng nói: "Chúng em được thông báo từ chiều hôm qua, là Đoàn đi A cập bến Vinh chiều nay, nên ăn trưa xong là chúng em ra đây ngay, chờ các anh mỏi mòn con mắt". Chúng tôi vào trạm nghỉ, đã có đoàn đến hôm trước, chiều nay ra tàu hỏa về Bắc. Đoàn đến đoàn đi thật tấp nập rộn ràng. Em gái dẫn tôi đến một dãy nhà nằm tập thể, trên sạp là tấm phên nứa chạy dài suốt theo dãy lán. Em đặt ba lô của tôi xuống: "Anh ở đây nhé, ngày mốt em đến đón anh ra tàu". Tôi rất mừng khi có Đoàn thể quan tâm như vậy. Nhà em gái cũng có anh trai đi bộ đội, đã được ba năm, nhưng chưa có tin tức gì, cũng chẳng biết anh ở mặt trận nào, theo lời em kể.

Ngày hôm sau chúng tôi họp tại hội trường, trưởng đoàn nói rõ hành trình của các tỉnh đi đâu về đâu. Có cả tiết mục văn nghệ của văn công phục vụ, mừng các anh chiến thắng trở về. Chiều hôm sau, chúng tôi tiếp tục ra đi tàu hỏa về Bắc. Tôi vừa theo đoàn ra cửa trạm lại gặp em gái bữa trước, em lại khoác hộ tôi ba lô và đi cùng ra ga.

Cách đoàn tàu khoảng một trăm mét. Đồng đội tôi phía trước ngoái lại: "O ơi, cõng Thủ trưởng của tôi đi cho nhanh, tàu sắp chạy rồi". Em nhìn tôi: "Sao anh"? Tôi hơi chột dạ. Chỉ cần tôi gật đầu, em ghé vai liền. Tôi bảo em: "Lính họ tếu táo mà, anh đi được, có sao đâu". Nói vậy tôi chống nạng rảo bước, để cho em vững tin.

Tôi lên tàu vừa lúc tàu kéo một hồi còi dài, báo hiệu giờ xuất phát bắt đầu. Em đưa ba lô của tôi lên. Tàu chuyển bánh. Đồng đội tôi gọi với xuống: "Em ở đâu"? Em vừa chạy theo, vừa vẫy tay: "Em ở đội tình nguyện Ga Vinh... các anh về mạnh giỏi nha"!

Tiếng tàu chạy xập xình trong đêm, người ngủ người thức, nhưng phần lớn đều thức chuyện trò. Chuyện xoay quanh nhất vẫn là chuyện gia đình. Xa quê đã chín mười năm nên vẫn rất nhiều chuyện để kể. Có anh nhận được thư nhà thì mừng vui, lại có trường hợp buồn, nếu nói không ngoa là rất buồn. Buồn vì một nỗi: Người vợ yêu đi lấy chồng. Cái này trách ai, khi bị báo tử nhầm? Có cô em gái viết thư vào cho anh trai: "Anh ơi! Chị dâu đi lấy chồng sau một tuần thì nhận được thư anh. Vì anh đã có giấy báo tử. Có anh cán bộ công tác, yêu chị thật lòng nên đã xin cưới chị"... Tôi cũng có chị dâu đi lấy chồng, anh họ tôi đã hy sinh thực sự... nhưng tôi vẫn cảm thấy buồn cho mối tình của họ, chiến tranh là như vậy.

Tàu đã ra đến cầu Hàm Rồng, vậy là đã ở địa phận của Thanh Hóa, sắp đi hết Miền Trung. Tôi thiếp đi trong giấc ngủ chập chờn. Đến ga Thường Tín, trời cũng vừa sáng. Đây là huyện của tôi. Thường Tín là trạm CT14 - Trạm trung chuyển của các đoàn ra Bắc. Từ đây các đoàn xe của các tỉnh, lại đón cựu binh của họ về địa phận của mình. Tôi được Đoàn thanh niên tình nguyện đưa vào trú tạm ở Đình Hà Hồi, đình rộng, đã có lác đác các cựu binh ở đó. Hai em vác được một cánh cửa gỗ ở nhà dân mang đến, kê cho tôi nằm tạm. Một em nói: "Anh cứ ở tạm đây, ngày kia sẽ đưa các anh về đoàn an dưỡng”.

Giá như khỏe tôi sẽ chạy ngay về nhà, từ đây về làng tôi chỉ vài cây số. Nhưng thôi, lại viết thư gửi về nhà nhờ mấy em mang ra bưu điện gửi. Những anh em còn phải chống nạng như tôi, được các em mang đồ ăn thức uống đến tận nơi. Vẫn buồn man mác là về đến cửa nhà rồi mà chưa vào nhà được. Hôm sau nhà nhận được thư của tôi. Anh chị tôi tức tốc ở nhà lên đón, thì tôi đã theo đoàn về Sơn Tây.

Ở Sơn Tây được hai ngày, ngày thứ ba, cấp trên cho triển khai khai báo lý lịch quân nhân, để phục vụ cho công tác chính sách ra quân phục viên. Tôi làm xong lý lịch quân nhân, giao nộp xong, khoảng mười giờ thì anh chị tôi đã đến xin đón tôi về nhà chơi. Với cái tài ăn nói của anh cả tôi, chỉ trong mười phút là cán bộ quản lý đã cho tôi nghỉ phép, theo anh chị tôi về. Do liên hệ được xe của cơ quan, anh chị tôi nhanh chóng đưa tôi về ngay. Ăn uống dọc đường về, không cần nghỉ ở đâu cả, với khí thế mười năm mong mỏi đợi chờ. Tôi đã về thăm quê hương.

Về tới đầu làng, trẻ con người lớn đã ùa ra đón anh Thương binh là tôi. Tôi để nạng trong xe, cố gắng đứng thẳng người, tập tễnh bước đi, có anh tôi đỡ đi bên cạnh. Vào nhà được một lúc, bà con dân làng kéo đến chơi mỗi lúc một đông, ngoài tình cảm ra, họ còn tò mò và ngạc nhiên xem sự việc ra sao, vì tôi đã có giấy báo tử. Họ xem phải tôi hay ai khác. Bà bác chị của mẹ tôi, chen vào tuyên bố: "Hay là giả, báo tử rồi kia mà". Mẹ tôi không tin nhưng chẳng nói được gì, chắc trông tôi khác quá. Chị họ đẩy cháu gái tầm tám chín tuổi vào trước mặt tôi và hỏi: "Em xem đứa này là con ai"? Tôi điềm tĩnh trả lời: "Con chị chứ con ai, giống mẹ như đúc. Khi em đi, cháu mới ba tháng trong bụng mẹ. Chị reo lên rõ to: "Đúng rồi đó! Đúng rồi bà con ơi! Đúng cậu em tôi rồi"...! Mọi người mừng rỡ dãn dần ra, vì đã giải tỏa được nỗi niềm nghi hoặc. Các chị gái, chị họ tôi, niềm nở đi mời nước bà con.

Mẹ tôi quá vui mừng, nói nhiều quá nên mất cả tiếng, đến nỗi chỉ còn nghe lào thào như tiếng gió. Một buổi chiều sum họp thật vui, gia đình đoàn tụ qua bao năm tháng đợi chờ. Nhất là mẹ tôi. Con đã về bên mẹ!

2/9/2022

Chuyện Làng quê

Nguyễn Đăng Dung

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/hanh-trinh-ngay-ve-a17768.html