Từ một lễ hội của người Giáy, ngày nay, lễ hội Roóng Poọc đã thu hút được đông đảo sự tham gia của các cộng đồng người Mông, Dao quanh vùng và cả khách du lịch từ các nơi về quan quan, trải nghiệm.
Người Giáy ở Tả Van 200 năm nay và sinh sống chủ yếu bằng lúa nước, gắn liền với đó là hệ thống nghi lễ liên quan đến cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. Họ quan niệm khi nào tổ chức Roóng Poọc thì mới hết tết và bắt đầu vào mùa vụ mới. Ông Sần Cháng – nghệ nhân ưu tú người Giáy cho biết, chủ lễ là người đóng vai trò đặc biệt trong lễ hội, là người chủ trì và điều hành mọi hoạt động trong lễ hội.
Chủ lễ sẽ thực hiện nghi lễ cúng tại mâm cúng chung, mời thần và tiên để cầu mong các đấng thần linh che chở cho cả làng một năm bình yên, mạnh khỏe, mùa màng bội thu. Điều đặc biệt là trong nghi lễ cúng phải có đội kèn pí lè thổi mời thần, tiên về dự lễ.
Ngoài mâm cúng chung, các gia đình còn chuẩn bị mâm cúng riêng để dâng cúng thần làng cầu mong cho gia đình một năm người yên, vật thịnh.
Cây nêu “Tóng cón” là tâm điểm của lễ hội. Khi nào cây nêu được dựng lên thì lễ hội mới bắt đầu. Cây nêu được dựng lên ở giữa khu vực tổ chức lễ hội, thường cao khoảng 20m, bên trên có hình tròn dán giấy xanh đỏ tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời. Thông thường người đảm nhận trách nhiệm làm vòng mặt trời, mặt trăng là chủ làng (kiêm chủ lễ) hoặc là những cụ cao niên, hiểu biết phong tục tập quán của dân tộc. Sau khi thực hiện nghi thức ném tượng trưng thì trò chơi ném còn mới bắt đầu. Người Giáy quan niệm, trong lễ hội xuống đồng phải ném còn thủng vòng nhật nguyệt thì mùa màng mới bội thu, vạn vật sinh sôi nảy nở. Trò chơi ném còn mang đậm tính chất phồn thực của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước.
Một nghi lễ, trò chơi không thể thiếu trong lễ hội Roóng Poọc của người Giáy là kéo co. Họ cho rằng kéo co là tượng trưng kéo mây, kéo mưa về cho đồng ruộng. Trong nghi thức kéo tượng trưng, người ta sử dụng sợi dây mây hoặc dây song dài khoảng 20-30m, chia làm 2 đội, nam là gốc, nữ là ngọn, kéo tượng trưng làm lễ ba lượt đi, ba lượt về sau đó, phía đằng ngọn thua, phía đằng gốc thắng, đội nam kéo thẳng dây mây về đến nhà chủ làng (chủ lễ) với ý nghĩa năm đó mùa màng bội thu, thóc lúa đầy nhà. Sau lễ kéo tượng trưng thanh niên nam nữ chia đội, thi tài kéo co nhưng không làm đứt dây.
Lễ hội Roóng Poọc thể hiện đậm nét tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp trồng lúc nước. Ngoài yếu tố tín ngưỡng, tâm linh, lễ hội còn mang nhiều yếu tố nghệ thuật đặc sắc của người Giáy như nghệ thuật ngôn từ (bài cúng), nghệ thuật tạo hình (cắt dán, trang trí vòng nhật nguyệt, cột nêu), nghệ thuật biểu diễn dân gian (múa quạt giấy), âm nhạc, và trình diễn các trò chơi dân gian (ném còn, kéo co, đi khà kheo, đánh quay...) và có ý nghĩa quan trọng trong đời sống của người Giáy ở Tả Van.
Lan Phương
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/le-hoi-roong-pooc-cua-nguoi-giay-o-xa-ta-van-thi-xa-sa-pa-tinh-lao-cai-a17774.html