Kỳ 63
4- . Tôn giáo Việt Nam thời kỳ hiện đại
Phật giáo: Phật giáo du nhập vào Việt Nam vào thế kỷ VI gồm phái Thiền tông và Tịnh độ tông, sau đó kết hợp hai phái này thành phái Thiền thảo đường. Thế kỷ XIII ra đời phái Thiền trúc lâm Yên Tử do ba vị tổ sư Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang sáng lập. Qua một thời gian lâu dài thăng trầm cùng lịch sử dân tộc, tháng 11 năm 1981 Đại hội Đại biểu thống nhất Phật giáo tại Hà Nội đã thành lập “Giáo hội Phật giáo Việt Nam”, thông qua Hiến chương, Chương trình hoạt động và bầu ra các cơ quan lãnh đạo: Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự. Tại Việt Nam Phật giáo tính đến năm 2007 có khoảng 10 triệu tín đồ. Trong thời kỳ hiện đại, Phật giáo có chiều hướng gia tăng vì tôn giáo này hòa đồng với tín ngưỡng dân gian và hoà đồng với phong cảnh thiên nhiên Việt Nam .
Công giáo: Được các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và Pháp truyền bá vào Việt Nam thế kỷ XVI. Đến cuối thế kỷ XVII ở Việt Nam đã có 35 vạn giáo dân và 70 linh mục người Viêt Nam. Cuối thế kỷ XVIII nước ta đã có 68 vạn tín đồ, 365 linh mục và 8 giáo phận. Năm 1938 có 3.000 nhà thờ, 2.000 nhà nguyện, 1,5 triệu giáo dân, 979 linh mục, Ngày nay, Công giáo có khoảng 6 triệu tín đồ, 3 giáo tỉnh (Hà Nội, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh) với 25 giáo phận (Hà Nội: 10, Huế: 6, Thành phố Hồ Chí Minh: 9), 22.030 xứ đạo, 5.390 nhà thờ, 42 giám mục, 2.700 linh mục, 84 dòng tu, 11.282 tu sĩ .
Đạo Tin Lành: Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, đạo Tin Lành được tổ chức Tin Lành Liên hiệp Phúc âm và Truyền giáo truyền bá vào Việt Nam. Năm 1911, Hội thánh Tin Lành được thành lập ở Đà Nẵng. Hiện nay đạo Tin Lành khoảng 1,5 triệu tín đồ (20 dân tộc Tây Nguyên), khoảng 100.000 tín đồ là người dân tộc Mông-Dao, tổng cộng 40 dân tộc ở Việt Nam theo đạo Tin Lành. Hiện nay chức sắc (Mục sư , truyền đạo) khoảng 500 người và 450 nhà thờ. Đạo Tin Lành ở Việt Nam có khoảng 10 hệ phái tổ chức khác nhau. Trong đó có các hệ phái lớn như Tổng liên hội thánh Tin Lành Việt Nam ở miền Nam, Tổng hội thánh Tin Lành Việt Nam ở miền Bắc, Hội thánh cơ đốc Phục lâm, Hội thánh Bắp tít, Hội cơ đốc truyền giáo. v.v. Hiện nay đạo Tin Lành đang phát triển ở Tây Nguyên, Việt Bắc và Tây Bắc trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Trong việc truyền đạo, đạo Tin Lành rất tích cực sử dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật .
Đạo Hồi: Người Chăm trước đó theo đạo Hin Đu được truyền bá vào từ Ấn Độ. Từ thế kỷ VII đến thế kỷ XV, đạo Hồi được truyền bá vào và người Chăm tiếp nhận. Hiện nay Hồi giáo có khoảng 70 vạn tín đồ. Người Chăm theo Hồi giáo ở Ninh Thuận, Bình Thuận gọi là Chăm Ba ri, người Chăm Hồi giáo ở An Giang, thành phố Hồ Chí Minh gọi là Chăm Islam. Đạo Hồi đã hoà hợp với văn hoá, phong tục tập quán của người Chăm. Trước năm 1975, Hồi giáo ở Việt Nam có tổ chức Hội Đồng Giáo cả ở Châu Đốc (An Giang) và “Hiệp Hội Chăm Hồi giáo Việt Nam”, năm 1988 ở Thành phố Hồ Chí Minh có tổ chức “Ban quản lý tài chính Hồi giáo thành phố Hồ Chí Minh” đại diện cho tín đồ Hồi giáo thành phố .
Đạo Hoà Hảo: Tôn giáo địa phương, do Huỳnh Phú Sổ thành lập ngày 18-5-1939 tại làng Hoà Hảo, quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc (nay là thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang). Giáo lý của đạo Hoà Hảo tập trung trong 6 tập sách do chính Huỳnh Phú Sổ biên soạn bao gồm phần Phật giáo và phần tu thân. Tu thân phải tu theo “Tứ ân hiếu nghĩa” (Tứ đạo trọng ân): Ân cha mẹ, ân tổ tiên, ân đất nước, ân Tam bảo, ân đồng bào nhân loại. Giáo lý về Phật thì đơn giản. Như vậy đạo Hoà Hảo nhấn mạnh nghĩa vụ của con người đối với đất nước và gia đình. Đạo Hoà Hảo chủ trương tu tại gia, không ảnh, không tượng, không giáo phẩm, không chùa chiền. Hiện nay đạo Hoà hảo có khoảng 2 triệu tín đồ .
Đạo Cao Đài: Thành lập Đạo Cao Đài gồm 28 người mà chủ chốt là Phạm Công Tắc, Ngô Văn Chiêu, Lê Văn Trung, Nguyễn Văn Ca…Đạo Cao Đài thành lập ngày 19 tháng 11 năm 1926 tại chùa Từ Lâm, Gò Kén, Long Thành Trung, huyện Hoà Thành, tỉnh Tây Ninh. Đạo Cao Đài là sự hợp nhất ba tôn giáo: Phật, Lão, Nho và 5 ngành đạo: Nhân, thần, thánh, tiên, Phật. Về giáo lý đạo Cao Đài có “Hiến chương đại đạo Tam Kỳ phổ độ”, nội dung gồm những lời cầu xin cứu các linh hồn khỏi sa đoạ trong đam mê trần tục, cầu xin hoà bình cho nhân loại, hoà hợp, hạnh phúc cho dân tộc, giáo hoá con ngươì phát huy tính thiện, tình yêu thương, sự công bằng để cuộc sống thanh bình, tương thân tương ái. Bộ máy của đạo Cao Đài mô phỏng kiểu quân chủ lập hiến. Ngày nay đạo Cao Đài có khoảng 20 tổ chức, 2,5 triệu tín đồ, 2 vạn công chức. Tuyệt đại bộ phận giáo dân yêu nước, tu tại gia .
Nhà nước Việt Nam trước sau đều tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân. Cho rằng tôn giáo là một nhu cầu tín ngưỡng của một bộ phận nhân dân, vì thế tôn giáo là một thực thể tồn tại trong chủ nghĩa xã hội, kể cả sau khi xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Cho nên, nhà nước ta ra sức nâng đỡ mặt tích cực của tôn giáo, công nhận pháp nhân các tổ chức tôn giáo, tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo tự do hoạt động. Trong khuôn khổ pháp luật nhà nước, các tôn giáo hoạt động vì sự phồn vinh của tôn giáo, vì sự phồn vính của tổ quốc và đoàn kết dân tộc. Nghiêm cấm việc lợi dụng tôn giáo hoạt động chống phá nhà nước. Tháng 6 năm 2004, nhà nước đã ban hành “Pháp lệnh Tôn giáo” tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức tôn giáo.
Bên cạnh các tôn giáo trên, đại đa số nhân ta vẫn theo tôn giáo tín ngưỡng dân gian có từ lâu đời, thờ cúng ông bà tổ tiên, thờ cúng các anh hùng dân tộc, các anh hùng địa phương, những người có công lao trong việc lập làng, lập nước, những ông tổ của nghề nghiệp, những anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh trong sự nghiệp cưú nước với tư tưởng uống nước nhớ nguồn. Những năm cuối cùng của thế kỷ XX, khắp các vùng quê và đô thị người dân xây lại đền chùa, qui tập phần mộ tổ tiên dòng họ, tổ chức lễ hội tấp nập. Công lao và tấm gương của những người đã khuất là nguồn động viên to lớn cho những người còn sống trong sự nghiệp xây dựng cuộc sống hiện tại và tương lai. Họ đã trở thành bất tử
5 . Văn hoá Việt Nam thời kỳ 1945-2007 .
Cách mạng tháng Tám 1945 không chỉ mở ra một bước ngoặt, một thời đại mới cho xã hội Việt Nam mà còn mở ra một thời đại mới cho sự phát triển của nền văn hoá độc lập. Nền văn hoá độc lập này đã loại bỏ những yếu tố phong kiến, thực dân, xây dựng một nền văn hoá dân tộc, khoa học và đại chúng. Văn hoá Việt Nam thời kỳ này đã kế thừa phát huy văn hoá dân tộc, giao lưu tiếp cận với nền văn hoá thế giới, kết hợp những giá trị văn hoá truyền thống dân tộc với những giá trị văn hoá hiện đại.
Trước hết là thành tựu về văn học -Văn học thời kỳ này đã phản ánh cuộc kháng chiến, phục vụ kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ cứu nước. Những nhà văn, những tác phẩm tiêu biếu xuất sắc trong thời kỳ chống Pháp như một rừng hoa rực rỡ. Tô Hoài với “Truyện Tây Bắc”, Nam Cao nổi tiếng với “Trận Phố Ràng”, Nguyễn Văn Bổng với “Con trâu”, Nguyên Ngọc với “’Đất nước đứng lên”, Nguyễn Huy Tưởng với “Sau luỹ hoa”, “Đêm hội Long Trì”, Đoàn Giỏi viết “Người người lớp lớp”, Hoàng Văn Bổng viết “Mùa mưa”, Võ Huy Tâm viết “Vùng mỏ”, Phượng Vũ viết “Hoa hậu xứ Mường”, Nguyên Hồng viết “Sóng gầm”. Thơ trong kháng chiến chống Pháp cũng đạt nhiều thành tựu không kém văn xuôi. “Việt Bắc” của Tố Hữu, “Bên kia sông Đuống” cuả Hoàng Cầm, “Tây Tiến” của Quang Dũng” “Núi đôi” của Vũ Cao, “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan . . .
(Còn nữa)
CVL
PGS TS Cao Văn Liên
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/lich-su-viet-nam-tu-tien-su-den-nam-2007-ky-63-a17780.html