Ký ức về tấm ảnh

Thực ra anh 3 anh em tôi không cùng tuổi, không cùng quê, mà cũng không đi lính cùng một đợt. Đơn giản chỉ là bạn bè cùng đơn vị.

Nguyễn Đình Quyến quê Yên Phong, Bắc Ninh sinh 1953 . Anh nói quê anh có CHỢ CHỜ , một cái chợ quê đông vui,dân giã bán chả thiếu thứ gì .

"Chợ Chờ em vẫn chờ ai ,

Để cho câu hát ngân dài vấn vương..."

Nhiều người nhớ đến chợ Chờ nhiều hơn địa danh huyện Yên Phong của anh. Quyến nhập ngũ T5/1971,huấn luyện ở tiểu đoàn 11 ĐẶC CÔNG tại huyện Chương Mỹ  (Hà Tây cũ), nay là Hà Nội , cuối năm đó đi B bổ sung cho trung đội thông tin D25 ,chiến đấu tại mặt trận Trị Thiên .

b1tamarnh-1679105482.jpg

Quyến (trái),Giáp (giữa), Hưởng (phải)

 

Còn tôi họ CẤN tên HƯỞNG, mẹ tôi bảo tôi chào đời được 9 ngày thì giặc Pháp bại trận tại Điện Biên Phủ. Miền Bắc được hưởng hòa bình, và tên của tôi gắn liền với sự kiện đó. Tôi đi bộ đội sau Quyến 3 tháng, huấn luyện ở D30 tại Lục Nam, sau đó đi học lớp tổ trưởng cấp tốc 45 ngày,tháng 12/71 về c3 d36 huấn luyện tân binh,giữa năm 72 vào Nam chiến đấu gặp các anh Nguyễn Trung Nhiên, Trần Hoàng Thu,Vũ nguyên Ry, Nguyễn đình Quyến ở D25 tại Vĩnh Thành Vĩnh Linh.

Vũ Giáp cùng tuổi với tôi, anh sinh năm Giáp Ngọ nên Bố mẹ đặt tên như vậy cho dễ nhớ. Giáp quê Tứ Kỳ Hải Dương, nhập ngũ tháng 12/1971 , huấn luyện ở D32 tại Dốc Sàn Lục Nam. Anh đi chiến đấu cùng với tôi một đợt. Nói thật với mọi người là chúng tôi vào D25 hơn một tháng thì đơn vị sát nhập vào D31 Đặc Công , giải thể phiên hiệu D25. Anh Giáp nhanh nhảu,đẹp trai lại có trình độ viết lách nên được về tiểu đoàn bộ làm công vụ cho thủ trưởng Phái chính trị viên Phó tiểu đoàn 31 ,Đào Văn Quân * công vụ cho thủ trưởng Lâm Ngọc Cấn tiểu đoàn trưởng. Nguyễn Thanh Bình công vụ cho thủ trưởng Lương Sỹ Tăng tiểu đoàn phó)..

Đầu năm 1974 tiểu đoàn 31 Đặc Công ra bắc để đón nhận danh hiệu anh hùng, Giáp về phép tranh thủ lấy vợ khi anh mới 20 tuổi, năm 1975 con gái VŨ NGỌC THÙY ra đời, hiện nay cháu lấy chồng và lập nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh.

Chúng tôi sống chiến đấu với nhau đến ngày miền Nam giải phóng, lại cùng nhau vào Sài gòn làm quân quản cho đến năm 1976 thì chia tay, người đi học Đại học,người đi học sỹ quan , người chuyển ngành,người phục viên.

Chúng tôi mất liên lạc nhiều năm do thời gian lâu quá. Ai cũng bươn trải lo cuộc sống mưu sinh .Tôi nối liên lạc với Quyến mới được 7 năm thông qua anh Mai Thế Tiến (thi sỹ Phố Thắng ). Có một chi tiết rất cảm động là cách đây hơn 4 năm khi mẹ tôi qua đời, biết tin Quyến và con trai vượt gần trăm cây số đến phúng viếng và ở lại chịu tang 2 ngày. Chúng tôi ôm lấy nhau cả 2 nghẹn ngào,nức nở .Vừa thương mẹ , vừa thương bạn , vừa thương cho bản thân mình , năm nào chúng tôi còn khỏe mạnh trẻ trung là thế, bây giờ đã mang bộ dạng của những ông cụ U 70 rồi . Một thời gian sau Quyến gọi điện thông báo cả nhà vào tây nguyên làm ăn , rồi mất sóng điện thoại, hơn 2 năm nay không có tin tức gì.

Còn Vũ Giáp không may mắc bệnh hiểm nghèo đã mất hồi tháng 5/2019, Anh đã đi rất xa rồi. Trước khi mất hơn một tháng Giáp nói qua điện thoại không rõ lời, thều thào câu được câu chăng "Cho mình chào tất cả đồng đội Hưởng nhé .."

Có chi tiết này tôi xin được chia sẻ khi mẹ tôi mất vòng hoa của Quyến mang dòng chữ "Những người con của Tiểu đoàn Đặc Công 31 anh hùng kính viếng Mẹ"

Ai đọc cũng cảm động không cầm được nước mắt.

P/s: Đào Văn Quân ( sau này là Trung tướng Anh hùng LLVTND).

Trái tim người lính

 

 

Cấn Hồng Hưởng - CCB Đặc Công D31/Thành Đô (Chép lại)

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/ky-uc-ve-tam-anh-a18061.html