Hà Nội: Cà phê trên phố Nguyễn Đình Thi!

Một con phố tôi yêu thích và tôi vẫn luôn coi nó là con phố thuộc loại đẹp nhất, thơ mộng nhất của Hà Nội ngày nay. Con phố mang tên nhà thơ lớn và tài hoa Nguyễn Đình Thi. Phố đẹp, đường đẹp và những hàng cây xanh ven hồ mùa nào cũng có loài ra hoa. Lộc vừng xoã tóc, bằng lăng tím biếc, hoa điệp vàng tươi, hoa sữa nồng nàn… thay nhau thêu dệt bức tranh hoa ven hồ. Nhìn ngắm phong cảnh Tây Hồ thật là nên thơ. Nơi mặt hồ đang mở ra mênh mang hơi sương, sóng nước luôn dập dìu vỗ về vào ký ức và nhắc nhớ hiện tại. Thăng Long xưa và Hà Nội nay nhờ có Hồ Tây mà thêm vẻ khói sương, thơ mộng.

 

ca-phe1-1679112184.jpg Ngọc Lan Mai (áo xanh) - bà xã của Nhà thơ Nguyễn Đình Chính - con trai cụ Nguyễn Đình Thi (áo kẻ caro); tôi - tác giả (áo dài tím); nhà thơ Bùi Đức Khiêm - nguyên TBT Báo Công thương (ngoài cùng) cà phê trên phố Nguyễn Đình Thi.

Con phố Nguyễn Đình Thi dài hơn 2km, kể từ tượng đài Lý Tự Trọng (đầu Đường Thanh Niên) cho tới ngã ba giao cắt phố Trích Sài. Những quán cà phê với nhiều kiểu dáng xinh đẹp, bắt mắt, luôn quay mặt ra Hồ Tây, nơi bốn mùa lộng gió. Một nơi đầy thi vị như thế này, xin bạn đừng bỏ qua nhé. Dù bạn có sống ở thủ đô hay từ một nơi khác đến, thì Hồ Tây vẫn luôn là địa điểm lý tưởng nên lựa chọn cho sự yêu thích lãng mạn của mình. Ngồi cà phê trên con phố Nguyễn Đình Thi và thả hồn nhìn ra Tây Hồ khói sương.

Nam thanh nữ tú thích vãn cảnh Tây Hồ thích đến đây là điều tất nhiên. Đến các cụ cao tuổi cũng thích được ngồi an tĩnh trò chuyện ở nơi đây. Tạm quên đi mấy cái chuyện lò củi đang nóng rực ngoài kia. Hãy ngắm nhìn Hồ Tây mênh mang sóng và những vòm cây xanh trên đầu sẽ thú vị hơn nhiều. Cà phê ngon tỏa hương thơm ngào ngạt trên phố Nguyễn Đình Thi là phút giây khi ta được thảnh thơi cùng với bạn bè hoặc chọn nơi này ngồi nói chuyện văn chương thì càng tuyệt! Để gió Tây Hồ vờn nhẹ trên tóc và hương cà phê tình thân thêm vị nồng nàn. Sự lãng mạn là có thật! Con phố Nguyễn Đình Thi bởi thế luôn là lựa chọn của tôi mỗi khi gặp gỡ bạn bè.

ca-phe2-1679112325.jpg
 

Tôi từng có nhiều kỷ niệm đẹp trên con phố này, từng phi xe máy đi lòng vòng quanh Hồ Tây nhiều năm trước đây. Kỷ niệm đặc biệt nhất là khi tôi tổ chức ra mắt một cuốn sách mới vào đầu năm 2019, cùng với một người bạn. Chị là dân phố cổ, gái Hà Nội xưa, từ Pa ri mới trở về. Chúng tôi chọn không gian Cà Phê ở 51 Nguyễn Đình Thi làm nơi hội tụ. Sở dĩ chúng tôi chọn địa điểm cà phê 51 vì ở đó nhìn ra hồ rất thoáng, lại có quá nhiều hoa đẹp. Cô bạn BS Nina Nguyen từ Paris trở về thăm Hà Nội năm ấy cũng rất thích chỗ này. Mới thế mà đã bốn năm trôi qua!

Sáng nay, tôi lặng nhìn Hồ Tây gợn sóng. Mặt hồ vẫn giăng đầy sương khói và miên man sóng vỗ. Sóng Tây Hồ gọi về miền cổ sử! Hồn thơ xưa giờ đang ở nơi nào? Nhìn sắc Xuân Hà Nội ở nơi Tây Hồ, nơi bảng lảng khói sương dường như quyến dụ hơn. Đường phố Nguyễn Đình Thi tuy nhỏ, được uốn lượn quanh hồ. Con đường ấy còn chạy tiếp quanh co, cứ đẹp mềm mại, ta lại được dịp thả hồn ngắm sóng nước Tây Hồ. Ngắm hoài con đường nhỏ chạy sát mép nước Hồ Tây không biết đã bao lần nhưng tôi không hề chán. Rất nhiều cảm hứng thi ca được bao thi sĩ cất lên từ nơi này. Những hàng cây Lộc vừng đang vào mùa rụng lá, có vài chiếc lá đỏ còn lơ thơ trên cành, vẫn tiếc nuối thả vài nụ môi lá đang cháy đỏ lên trời trước khi bay chạm đất! Chợt nhớ một câu thơ của cụ Nguyễn Đinh Thi:

“Người ra đi, đầu không ngoảnh lại

Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy…”!

ca-phe3-1679112478.jpg
 

Sáng nay, tôi phi xe máy từ Kim Mã đi qua đường phố Văn Cao, một con phố đẹp và thanh vắng, rồi rẽ sang phía ven hồ, chỉ tí chút thôi, là đến ngay con phố Nguyễn Đình Thi, gần lắm! Nếu đi vòng sang phía bên kia Hồ Tây sẽ là con phố mang tên Trịnh Công Sơn. Toàn là những tên tuổi lẫy lừng của nền thi ca, văn học, âm nhạc Việt Nam, đó là những nhà thơ lớn, những con người rất đỗi tài hoa mà tôi hằng ngưỡng mộ. Hà Nội đẹp hơn trong mắt ai vì có Hồ Tây bảng lảng khói sương và những con phố ấy, những con người ấy. Tôi chợt nhớ tới một thi sĩ Tràng An. Anh tên là Nghiêm Bằng, là con trai thứ của cụ Văn Cao. Nhớ ngày hôm ấy, nhà thơ anh cũng đến dự ra sách của tôi và anh đã thổi sáo rất hay. Thế mà anh cũng đã theo cụ Văn Cao về miền mây trắng từ mấy năm nay, cuộc đời và cõi người thật là vô thường!

Cũng lâu lắm rồi, sau mấy năm đại dịch COVID, tôi mới được ngồi hầu chuyện hai ông anh quý mến, hai nhà thơ, hai lão anh khá tên tuổi: Nhà thơ Nguyễn Đình Chính - con trai cụ Nguyễn Đình Thi và nhà thơ Bùi Đức Khiêm- nguyên TBT Báo Công thương. Anh Khiêm vừa mới sáng sớm đã gọi điện nhắc: Em nhớ mang theo tập thơ Thiếu nhi “Đồng dao trên núi” để tặng anh nhé! Vâng ạ, em rất vui, tất nhiên rồi. Ngồi ngắm Hồ Tây và con phố Nguyễn Đình Thi mà nói chuyện về thơ thiếu nhi, về lũ trẻ con ở tít tận miền núi cao thì thích quá! Đó là một phần tuổi thơ của chúng tôi.

ca-phe4-1679112478.jpg

Kỷ niệm về cuộc ra sách hôm ấy trên chính con phố xinh đẹp này của tôi và BS Nina Nguyễn chỉ như vừa mới đây thôi. Anh Nguyễn Đình Chính đã phát biểu khai mạc. Các Nhà PBVH: Phạm Xuân Nguyên, anh Bùi Việt Thắng và chị Trần Thị Trâm đều đến dự và các anh chị đã phát biểu rất ấn tượng về tác giả, tác phẩm và về cuốn sách du ký bé nhỏ của tôi. Anh Tất Hanh đã nhiệt tình đi xe máy từ Hải Phòng lên dự, thế mà nay anh đã về miền mây trắng, tôi thật là ngậm ngùi khi nhắc đến anh. Kỷ niệm đẹp ấy luôn nhắc nhở tôi về những ân tình và sự vô thường của kiếp người. Nó nhắc tôi về một thái độ sống tích cực, trách nhiệm, biết buông bỏ!

Một buổi sáng mùa Xuân thật đẹp và ấm áp. Sóng Tây Hồ vẫn lao xao ngoài kia. Những con sóng đã miệt mài vỗ từ ngàn năm trước, sóng gọi tên hồ Dâm Đàm hay Đoài Hồ? Sóng vỗ mãi nhịp điệu những kiếp người và gọi tên các thi sĩ tài hoa trên mảnh đất Thăng Long lịch sử.

Phạm Thị Phương Thảo

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/ca-phe-tren-pho-nguyen-dinh-thi-a18065.html