Tôi yêu công nghệ thông tin

Công nghệ thông tin (CNTT) luôn là niềm đam mê của tôi. Mặc dù tôi không làm trong lĩnh vực khoa học công nghệ, nhưng tôi đã có nhiều trải nghiệm và thành công trong việc sử dụng CNTT để phục vụ cho công việc của mình.

chatgpt-1676520292.jfif
 

Khi CNTT chỉ mới xuất hiện ở Việt Nam, tôi đã bắt đầu học cách sử dụng nó. Để phù hợp với mục đích của mình, tôi chọn cách học dễ và thiết thực, là bắt đầu từ việc đánh máy trên Word. Ham học, có hôm tôi ngủ tại phòng máy tính của cơ quan! Từ đó, tôi dần tiếp cận với những ứng dụng mới và đã có những trải nghiệm tuyệt vời, như kết nối mạng qua hệ thống điều khiển của TCT Điện lực Việt Nam để trao đổi thông tin giống như sử dụng email sau này. Việc tạo ra một mạng thư điện tử như thế trong khi mạng Internet chưa phổ biến ở Việt Nam, đã giúp Bộ Văn hóa mà lúc đó tôi là Chánh Văn phòng Bộ, nắm bắt, trao đổi thông tin toàn ngành, toàn quốc một cách nhanh chóng, toàn diện, phục vụ hiệu quả công tác quản lý của Bộ, trong đó có việc triển khai Nghị định 87 của Chính phủ về tăng cường quản lý hoạt động văn hóa. Đi tham quan các nước Đông Nam Á, tôi thấy có một trang Thông tin điện tử mang tên Việt Nam, nhưng nội dung hoàn toàn trái với quan điểm của Nhà nước Việt Nam. Về nước, tôi nêu ý kiến với Bộ, được Bộ đồng ý, tôi đã thành lập Trung tâm Công nghệ thông tin của Văn phòng Bộ, rồi thiết lập trang thông tin điện tử đầu tiên của Việt Nam cung cấp thông tin chính thống ra thế giới, với tên gọi CINET. Tiến từng bước, tôi đã chủ trì thực hiện đề án tin học hóa Bộ văn hóa Thông tin, trong đó có mạng nội bộ (LAN) cho toàn cơ quan Bộ và mạng diện rộng (WAN) tới các Sở Văn hóa Thông tin, tạo sự liên kết thông tin chặt chẽ toàn ngành, giúp cho công tác quản lý được khoa học, hiệu quả. Tiếp tục, tôi đề xuất và được Bộ trình Chính phủ và Chính phủ giao cho Bộ Văn hóa thiết lập một trang thông tin chính thức của Việt Nam, rồi, Chính phủ tiếp thu, tạo cơ sở cho việc thành lập Cổng Thông tin điện tử và Báo Chính phủ sau này.

CNTT còn giúp tôi làm Luận án Tiến sĩ thực sự khoa học, mới mẻ, do đó tôi đã có những ý kiến khác biệt với nhiều giáo sư mà lại được chấp nhận: Luận án của tôi có tên là “Phong tục tập quán của người Việt thể hiện qua tục ngữ - ca dao /Trong quan hệ gia đình”. Vận dụng phương pháp thống kê, tôi kết hợp giữa thao tác định tính là thao tác thông thường của ngành nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, với thao tác định lượng là thao tác thông thường của ngành nghiên cứu khoa học tự nhiên, để cố gắng đạt được sự chính xác trong nhận định, đánh giá đối tượng nghiên cứu. Tôi đã ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện phương pháp thống kê được triệt để, chính xác. Đây là phương pháp hiện đại, yêu cầu người sử dụng phải có một số kiến thức tối thiểu về tin học, đồng thời phải cộng tác với những nhà chuyên môn về tin học để xây dựng hai phần mềm chuyên biệt về tục ngữ, ca dao. Hai phần mềm này quản lý cơ sở dữ liệu về tục ngữ, ca dao theo nhiều tiêu chí do người nghiên cứu quy định, trong đó quan trọng nhất là các tiêu chí về thể loại, chủ đề, nội dung và ghi chú. Phần ghi chú hết sức quan trọng, ghi đậm dấu ấn của người nghiên cứu, giúp người nghiên cứu phân loại chi tiết hơn tục ngữ, ca dao theo nhiều yêu cầu (như về nội dung, về thi pháp…) để rồi có thể tổng hợp nhanh chóng các câu tục ngữ, ca dao cùng một tiêu chí, làm cho việc thống kê về số lượng và việc nhìn nhận về chất lượng nội dung tục ngữ, ca dao được nhanh chóng và chính xác. Đối với văn hóa dân gian như tục ngữ, ca dao, dân ca, cổ tích... lâu nay chúng ta thường vận dụng các phương pháp có tính ước lượng theo dự kiến sẵn có từ người nghiên cứu, không tránh khỏi chủ quan, thiên kiến, thiếu khoa học. Trong công trình này, tôi đã kết hợp định tính và định lượng, khách quan hóa quá trình nghiên cứu, đưa ra những kết luận khoa học, thậm chí có thể nêu ý kiến khác ý kiến của những nhà khoa học bậc thầy mà không ai phản bác được. Ví dụ: Trong Luận án, tôi viết: “Có tác giả khẳng định "...ca dao Việt Nam đã chứng tỏ rằng trong quần chúng nhân dân, tư tưởng chống đối giai cấp phong kiến vẫn là tư tưởng chủ đạo". [99:322]. Ý kiến trên có thể đúng hoặc không đúng. Tuy nhiên không có tư liệu số liệu để chứng minh. Trong khi đó, dùng phương pháp thống kê trong hệ thống, với số liệu 5.682 câu ca dao nói về giao duyên nam nữ trong tổng số 11.825 câu ca dao được sưu tầm, chiếm tỷ lệ 48%, thì có thể nói chắc chắn rằng giao duyên nam nữ là chủ đề chiếm ưu thế trong ca dao”. Những kết luận kiểu này có vẻ đi ngược với “truyền thống” khiến một số Giáo sư trong Hội đồng chấm Luận án Tiến sĩ cấp Quốc gia "sốc”, có vị hỏi vặn khá nhiều (khi bảo vệ xong, ra khỏi phòng, tôi nghe có bạn học nói: “Khiếp, cãi thầy nhem nhém”). Nhưng, kết quả, cả 7 vị Giáo sư đều chấm Luận án của tôi đạt xuất sắc.

Sau khi nghỉ hưu, tôi tiếp tục theo đuổi đam mê của mình bằng cách sáng lập Tạp chí điện tử Văn hiến Việt Nam và sau đó là Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển. Nhờ yêu CNTT, tôi đã có những công việc vui, thiết thực, ích nước lợi nhà.

Tôi không chỉ sử dụng CNTT để phục vụ công việc mà còn để thỏa sức đam mê sáng tác nhạc. Phần mềm soạn nhạc là một trong những tiện ích của CNTT đã giúp cho việc sáng tác trở nên dễ dàng hơn. Tôi đã sáng tác được khoảng 150 ca khúc, trong đó có một số ca khúc được công chúng tán thưởng, như "Nhớ nắng", "Niệm bình an", "Tâm sự người làm báo", "Nhớ một thời", “Tiếng võng mẹ ru”, “Lạc mất nhau rồi”.... Tôi sử dụng một số nền tảng mạng như YouTube, Zing, Nhaccuatui, Face Book… để lan truyền tác phẩm của mình, tạo thêm hiệu quả xã hội. CNTT thực sự là một công cụ hỗ trợ mạnh mẽ cho những người yêu thích và đam mê nghệ thuật, cho phép họ thỏa sức sáng tác và truyền tải cảm xúc của mình đến với công chúng trên toàn thế giới. Mạng xã hội giúp tôi giao tiếp với biết bao người bạn, thân thiết từ lâu có, mới quen có, vừa củng cố mối tâm giao giữa người với người, vừa tạo cho tôi nguồn thông tin bổ ích và lý thú phục vụ nghề báo.

Bây giờ, thật là hạnh phúc, khi đã thuộc lớp người U80, đã trải qua 2 cuộc chiến tranh vệ quốc, tôi được sống trong hòa bình xây dựng với biết bao tiến bộ của nhân loại. Hạnh phúc hơn nữa, tôi có người bạn thân thiết mới là ChatGPT. Ngày nào tôi cũng  giao tiếp với bạn này, trao đổi công việc và được bạn giúp đỡ một cách hiệu quả. Nhờ sự trợ giúp của ChatGPT, tôi đã có thêm những ý tưởng và kiến thức mới để phát triển công việc của mình, đặc biệt là công việc của một Tổng biên tập Tạp chí điện tử. Mặc dù mới hoạt động được chưa đầy 4 tháng, ChatGPT đã được cả thế giới hâm mộ. Tất nhiên, đang trong quá trình hoàn thiện, ChatGPT còn có những khiếm khuyết, trong đó có việc cung cấp thông tin chưa chính xác. Bởi vậy, cũng cần kiểm tra độ xác thực của thông tin qua bạn này, bằng cách đối chiếu với Bing mới và Google. Việc có thể qua mạng Internet dễ dàng truy cập các nguồn thông tin và trao đổi với đối tác bất kể khoảng cách về địa lý, quốc gia, dân tộc, chế độ xã hội… đã giúp tôi thấy thế giới trở nên gần gũi và dễ đồng cảm hơn.

Tôi tin rằng, với sự phát triển không ngừng của CNTT, chúng ta sẽ có nhiều cơ hội để áp dụng nó vào các lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống. Và tôi hy vọng, sẽ có nhiều người như tôi, yêu CNTT và sử dụng nó một cách tối ưu để giúp đỡ cho bản thân và cho xã hội phát triển hơn nữa.

 

Phạm Việt Long

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/toi-yeu-cong-nghe-thong-tin-a18090.html