Sự kiện người Mỹ cuối cùng rút khỏi Việt Nam sau Hiệp định Paris năm 1973 qua lời kể của Nghệ sỹ ưu tú Trần Duy Hinh        

 Ngày 27/01/1973,  Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, không khí mừng vui tràn ngập đất nước, cùng với niềm vui đón tết cổ truyền dân tộc (tết Quý Sửu năm 1973), niềm vui được nhân lên gấp bội.

Lúc bấy giờ phóng viên quay phim quân đội là Trần Duy Hinh, được lệnh cấp tốc tập trung ở khi văn công Mai Dịch để tập huấn chuẩn bị đi thi hành Hiệp định Paris ở Sài Gòn trong ban Liên hiệp Quân sự bốn bên.

b1ah1-1679889984.jpg

PGS.TS NSUT Trần Duy  Hinh (Ảnh Đinh Hương).

 

60 ngày đêm làm việc ở “Lầu Ngũ Giác phương Đông”

Trần Duy Hinh đã từng quay phim ở rất nhiều nơi như đường 9 Khe Sanh, đường 9 Nam Lào, chiến dịch giải phóng Quảng Trị năm 1972 và chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” ở thủ đô Hà Nội cuối năm 1972.

Kết thúc chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”, ông được lệnh tham gia vào phái đoàn liên hiệp quân sự bốn bên, thi hành hiệp định Paris đóng quân ở trại David Tân Sơn Nhất Sài Gòn. Nhiệm vụ chính của ông là tham gia quay phim Mỹ và chư hầu rút quân khỏi miền Nam Việt Nam.

b2ah2-1679890279.jpg
 

Một lần ông hào hứng kể lại cho tôi nghe chuyện 60 ngày đêm sống trong trại Đa - Vít hay còn gọi là “Lầu ngũ giác phương Đông” để đấu tranh quyết liệt giữa ta và địch trên mọi lĩnh vực thi hành Hiệp định Paris với nhiệm vụ buộc Mỹ phải rút hết quân về nước, Mỹ- Ngụy phải trao trả cho ta 26500 người mà chúng đã bắt làm tù binh, nêu cao thiện chí nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Paris của ta, vạch mặt bản chất chống phá của địch, tạo cơ sở và pháp lý cho việc ta “đánh cho Ngụy nhào” vào mùa xuân năm 1975.

Ngày 27/ 01/ 1973, Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, không khí mừng vui tràn ngập đất nước, cùng với niềm vui đón tết cổ truyền dân tộc (tết Quý Sửu năm 1973), niềm vui được nhân lên gấp bội. Lúc bấy giờ, tôi đang làm phóng viên quay phim quân đội, được lệnh cấp tốc tập trung ở khi văn công Mai Dịch (Hà Nội) để tập huấn chuẩn bị đi thi hành Hiệp định Paris ở Sài Gòn trong ban Liên hiệp Quân sự bốn bên.

b3ahe3-1679890336.jpg

Hai ảnh trên: Người Mỹ cuối cùng rút khỏi Việt Nam sau Hiệp định Paris năm 1973. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

 Đúng 8h30 phút sáng ngày 29/1 / 1973, phái đoàn Quân sự Trung ương lên ô tô từ trạm 66 sang sân bay Gia Lâm, đáp máy bay của Mỹ vào Sài Gòn thi hành Hiệp định Paris trong 60 ngày kể từ ngày 01/ 02 đến ngày 31/ 03 năm 1973.

Cả phái đoàn của ta ngồi trên chiếc máy bay biệt kích C130 vận tải hạng nặng bốn động cơ. Loại máy bay này ở chiến trường B chúng bắn rocket và đạn 40 ly dai như đỉa đói. Những người đã ở chiến trường B, C, K đều ớn nó, nhất là khi nó đã phát hiện được mục tiêu như đoàn xe, kho tàng, căn cứ đóng quân trên đường Trường Sơn chẳng hạn, nó sẵn sàng săn lùng thâu đêm suốt sáng.

Trần Duy Hinh cho biết: Hồi ở Khe Sanh đầu năm 1968, chính ông đã bị nó săn một trận suýt chết, nên về sau cứ nghe thấy tiếng nó gầm rú trên bầu trời là nằm bẹp dưới hầm, vậy mà giờ đây chính phóng viên Trần Duy Hinh lại ngồi trên chiếc C130 để bay vào trong Tân Sơn Nhất (Sài Gòn) với nhiệm vụ làm phóng viên quay phim trên mặt trận đấu tranh ngoại giao để triển khai thi hành Hiệp định Paris, bảo vệ hòa bình trong phái đoàn quân sự bốn bên.

Vào đến sân bay Tân Sơn Nhất, không khí căng thẳng bao trùm, lại thêm cái nắng , cái nóng của đường băng bê tông hắt vào làm cho máy bay thêm ngột ngạt. Một tên thiếu tá quân đội Ngụy lên máy bay mời trung tá Trình, nguyên là ủy viên ban lãnh đạo đoàn đại biểu quân sự chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa xuống sân bay làm thủ tục nhập cảnh, xuất trình hộ chiếu. Nhưng thiếu tá Trình lắc đầu không làm theo ý của tên thiếu tá Ngụy, vì đã có sự thỏa thuận trong điều 6 và điều 14 của nghị định Paris: “quy định các phái đoàn quân sự trong Ban Liên hiệp Quân sự bốn bên chỉ cần có danh sách đoàn viên và trưởng đoàn ký tên là hợp pháp vào Sài Gòn với ưu đãi miễn trừ thủ tục ngoại giao, cứ việc đến trụ sở mà bộ phận tiền trạm đã chuẩn bị sẵn.”

 Nhưng bọn Ngụy Sài Gòn bắt ta phải tôn trọng chủ quyền và tuân theo pháp luật của chúng, về phía phái đoàn của ta bác bỏ mọi đề nghị của đối phương, “cố thủ” ngồi trên máy bay. Ngay trong đên đó đài BBC đưa tin hai phái đoàn quân sự Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và chính phủ Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đều không chịu xuống làm thủ tục nhập cảnh vào Sài Gòn, mà ngồi “lỳ” trong máy bay hàng chục giờ đồng hồ.

Vậy là cả đêm hôm đó, khi đến sân bay Tân Sơn Nhất cả phái đoàn của ta đều ngủ luôn trên chiếc máy bay vận tải C130, mãi đến trưa ngày hôm sau, khi có sự can thiệp của đại sứ Mỹ ở Sài Gòn là Uốt - Oa,đã can thiệp với Bộ Ngoại giao Sài Gòn, họ đã đưa phái đoàn ta về trụ sở. Sau đúng 22h nằm trên C130 không có “nhà vệ sinh”, cả phái đoàn ta được đưa đến một cái trại, có một cái tên rất mỹ miều là “trại Đa - Vít” trực thuộc Bộ Tư lệnh “Mắc - Vi” (MACV- tổng hành dinh quân đội Hoa Kỳ ở Việt Nam), hay còn gọi là “Lầu ngũ giác phương Đông” do tướng Uây - Oen làm tư lệnh, và cả phái đoàn của ta phải ăn ngủ trong cái trại đó trong suốt 60 ngày đêm.

Cũng theo Trần Duy Hinh cho biết: Trong phái đoàn ta, ở tổ phóng viên quay phim và nhiếp ảnh có ba người gồm Bùi Duy Ly- nhiếp ảnh quân đội, đồng chí Nguyễn Kha và tôi là phóng viên quay phim quân đội. Trong suốt thời gian làm nhiệm vụ ở trại Đa- Vít, phóng viên Trần Duy Hinh đã được đi rất nhiều nơi ở Sài Gòn để quay phim và bay ra Phan Thiết, lên Playku, đến sân bay Lộc Ninh để làm nhiệm vụ phái đoàn giao, trong đó có những lần đi quay được những thước phim vô cùng quý giá như việc quay cảnh trao trả tù binh ở sân bay Thiện Ngôn. Trưởng đoàn quân sự của ta là thiếu tướng Lê Quang Hòa giao nhiệm vụ cho hai phóng viên quay phim là Nguyễn Kha và tôi phải quay bằng được hình ảnh tên lính Mỹ cuối cùng rời khỏi đất nước ta. Ngày cuối cùng thời hạn cho Mỹ và chư hầu rút hết quân khỏi Việt Nam đó là ngày 29 / 03 /1973. Có bốn chuyến bay vào buổi sáng và ba chuyến bay vào buổi chiều.

Ô - Den là người Mỹ cuối cùng rút khỏi Việt Nam sau Hiệp định Paris.

Nói về sự kiện lịch sử này, Trần Duy Hinh kể lại: Buổi sáng ngày 29 / 03 / 1973, tại sân bay Tân Sơn Nhất, phía Mỹ chỉ có một tên thiếu tá cao lòng khòng, gầy nhom, phía Ngụy là tên Dũng, tên này đeo kínhdâm, kèm tôi rất sát, hắn cứ lặng lẽ bám theo tôi từng bước, không nói lời nào, thỉnh thoảng nó ghi chép gì đấy. Tôi ra xa nó cũng ghi, vào gần nó cũng ghi. Tôi  đưa ống kính lên quay khi nó ghi chép rồi lia vào hàng quân Mỹ đang lên máy bay. Nó không dọa dẫm như những tên hôm trước. Có lẽ nó ớn đấu khẩu, hơn nữa lại có đủ bốn bên, có cả ủy ban quốc tế, nhất là các vị Hung – Ga - Ri rất sát sao ghi chép, lấy số liệu tổng hợp, giám sát từng chuyến bay, đôi khi còn đếm thử xem có đủ quân số như đã đăng ký không. Quân Mỹ vẫn đều đặn lên máy bay với tốc độ khá nhanh. Phương tiện hành quân của chúng thật tuyệt, rất hiện đại, nhanh chóng. Lúc đó tôi nghĩ: “Giá như phía mình mà có những phương tiện này từ những năm trước thì đỡ khổ biết bao nhiêu, chiến thắng sẽ nhanh hơn không đến nỗi kéo dài hàng chục năm trời.”

 Một chuyến bay đưa quân Mỹ và chư hầu rút khỏi Việt Nam đã trôi qua, kiểm tra lại máy ảnh, tôi lắp xong cuốn phim thì một chuyến nữa bắt đầu, chiếc máy bay này của Panam thuê bao, dưới chân máy bay đã đứng sẵn  hai tướng Mỹ, tên một sao và tên hai sao. Tên một sao tên là Ây – Bơ - Lô, còn tên hai sao thì tránh đi chỗ khác. Sau đó đại diện phái đoàn Mỹ mời đại biểu hai đoàn ta lên tham quan máy bay, phái đoàn ta ưng thuận lên máy bay. Cái máy bay Boing to gấp đôi chiếc Air France, chia làm ba khoang, hạng nhất, nhì, ba. Mỗi ngăn có một màn ảnh, không khí được điều hòa mát rượi, ghế ngồi rất sang và tiện. Phía trên có phòng nhảy. Lần đầu tiên tôi và rất nhiều người trong phái đoàn ta mới được nhìn thấy tỉ mỉ nội thất một cái máy bay hiện đại như thế. Trung tá Khanh, đại diện phái đoàn Ngụy cũng đi theo.

 Lúc xuống, tôi định quay phim ông ta, nhưng ông ta lập tức tránh mặt, bởi vì trung tá Ngụy quân này không muốn lưu lại hình ảnh này cho con cháu. Biết ý, nên tôi không quay nữa liền chĩa ống kính vào đống hành lý mà bọn lính Mỹmang theo, có khá nhiều tượng Phật, voi sứ, nón lá, đồ trạm, tranh gỗ, sư tử, than... Lúc đó tôi định chờ cho tên lính Mỹ cuối cùng sắp chui tọt vào máy bay trong chuyến bay ấy để bấm máy, nhưng nó dềnh dàng quá, hai cô tiếp viên thì lại cứ đứng ở cửa máy bay, nên tôi đã không thực hiện ý định, trong khi đó thì bọn Mỹ và Ngụy lại giục lên xe đi vào nghỉ ngơi, vẫn không quay được cửa máy bay đóng sập lại.

 2h chiều ngày 29 / 03 /1973, còn có một chuyến Panam nữa, có mấy người Mỹ tự kiếm phương tiện ra sớm, họ đem theo cả vợ con đang đứng chầy chầy ngoài nắng. Vài cô cứ nhìn vào chỗ các phái đoàn quân sự, chắc họ nóng lắm, nên cứ nhấp nha nhấp nhổm. Đất nước sắp sạch bóng quân thù là một sự kiện lịch sử trọng đại, còn đối với các cô đi Mỹ chưa chắc phải là một chuyện đổi đời. Hình ảnh chị Kim Dung oai phong bao nhiêu thì trông các cô lại thản nhiên bấy nhiêu.

Đến 2h30 phút, Bùi Duy Ly và Nguyễn Kha cùng tất cả các vị lãnh đạo bộ phận báo chí ra thay ca cho tôi. Đại biểu của bốn bên gặp nhau dưới bóng cánh máy bay để bàn giao, tất cả đều đeo băng da cam rất chỉnh tề.

 Lúc bàn giao, tôi đưa máy ảnh và máy quay cho đồng chí Nguyễn Kha để cố chộp cho bằng được người Mỹ cuối cùng lên máy bay rời khỏi Việt Nam. Các nhà báo, phóng viên quốc tế có mặt ở đấy cũng rất đông, có đến gần trăm người. Họ rất ngạc nhiên là vì sao những tên lính Mỹ rút mà như đi du lịch - chỉ xách một cái cặp và mang theo đồ lưu niệm. Họ đã được giải thích là bốn bên đã đồng ý cho quân Mỹ được tập trung vũ khí vào những chuyến tàu riêng chở về Mỹ.

Tôi còn nấn ná trong cảnh huyên náo đó, thì sĩ quan liên lạccủa phái đoàn quân sự của ta đến giục về, tôi đành phải chia tay với tốp ở lại, trước khi quay đi không quên bắt tay hai đồng nghiệp của phái đoàn B là nhiếp ảnh gia Lâm Tấn Tài và Nguyễn Quế quay phim, chúc các bạn ở lại tha hồ lấy tư liệu về hình ảnh những tên lính Mỹ xâm lược cuối cùng rút khỏi Việt Nam.

Trần Duy Hinh còn cho biết thêm: Buổi tối hôm ấy tôi tỉnh dậy mới được nghe đồng chí Nguyễn Kha kể lại rằng: Chiều hôm nay trưởng đoàn báo chí của ta làm luôn một cuộc họp báo chớp nhoáng và rất đặc biệt trên đường băng Tân Sơn Nhất cạnh chiếc Boing hiện đại nhất của Mỹ, chở quân Mỹ về sau 9 năm xâm lược thất bại, rút về dưới sự giám sát của địa phương. Cũng đúng lúc ấy tên đại tướng Ngụy là Cao Văn Viên cũng ra tiễn tướng Uây - Oen tư lệnh “Mắc - Vi” (MACV) ra máy bay về nước theo quy định của Hiệp định Paris mà Uây - Oen cũng có tên trong danh sách. Cuộc họp báo lịch sử và cuộc tống tiễn lịch sử chỉ cách nhau có vài trăm mét, các nhà báo hết chạy bên này lại chạy bên kia. Cho đến khi chuyến máy bay cuối cùng đến chở lính Mỹ, thì các nhà báo đều đua nhau chạy lại. Họ cố tìm chỗ nào tốt nhất để chụp được ảnh tên lính Mỹ cuối cùng chui vào máy bay giống như ý định của ta.

 Ông Kha còn cho biết thêm, vì ông thấp bé, không chen lấn xô đẩy được, phải đưa máy lên quay phóng thẳng ống kính vào góc rộng, Lâm Tấn Tài gọn nhẹ hơn đã len vào chụp được cận cảnh tên đại tá Mỹ là Ô - Den. Đúng ra là tên thượng sĩ MC Bi – An - Ki, tên này ở cuối hàng lính sau khi trả lời vài câu ngắn gọn của các nhà báo hỏi, nó vội vã chui vào máy bay. Nhưng sau đó tên đại tá Ô - Den lại từ trong máy bay bước xuống, cầm chai rượu tìm một người bạn là sỹ quan Ngụy, họ uống vội rồi ôm nhau chia tay, ngay sau đó Ô - Den hối hả trở lại máy bay, nên đại tá Ô - Den đã trở thành người Mỹ xâm lược cuối  cùng rời khỏi Việt Nam sau hiệp định Paris năm 1973.

Vương Quốc Hoa.

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/su-kien-nguoi-my-cuoi-cung-rut-khoi-viet-nam-sau-hiep-dinh-paris-nam-1973-qua-loi-ke-cua-nghe-sy-uu-tu-tran-duy-hinh-a18191.html