Tôi cho rằng, nếu chọn ra 100 bài thơ chữ Hán trong KHO BÁU VĂN CHƯƠNG của người Đại Việt, thì thơ Việt không hề kém cạnh chi thơ Tàu, nếu không muốn nói là chất lượng nhiều bài còn nổi trội hơn đấy. Các cụ nghĩ sao?
PHONG KIỀU DẠ BẠC (Trương Kế)
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên,
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên.
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự,
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.
Dịch thơ:
ĐỖ THUYỀN ĐÊM Ở BẾN PHONG KIỀU
Trăng tà chiếc quạ kêu sương,
Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ.
Thuyền ai đậu bến Cô Tô,
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.
(NGUYỄN HÀM NINH dịch)
Quạ kêu, trăng lặn, sương rơi,
Lửa chài cây bãi đối người nằm co.
Con thuyền đậu bến Cô Tô,
Lửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.
(TẢN ĐÀ dịch)
TRẠI ĐẦU XUÂN ĐỘ (Nguyễn Trãi)
Độ đầu xuân thảo lục như yên,
Xuân vũ thiêm lai thuỷ phách thiên.
Dã kính hoang lương hành khách thiểu,
Cô châu trấn nhật các sa miên.
Dịch nghĩa:
BẾN ĐÒ XUÂN ĐẦU TRẠI
Cỏ xuân ở đầu bến đò xanh như khói,
Lại thêm có mưa xuân nước vỗ vào nền trời.
Đường ngoài nội vắng teo ít người đi lại,
Chiếc thuyền đơn côi suốt ngày gối đầu lên bãi cát ngủ say.
Dịch thơ
Mưa xuân nước vỗ lưng trời,
Cỏ xuân như khói xanh phơi bến đò.
Vắng teo đường nội quanh co,
Bãi sông gác mũi, con đò ngủ say.
(VŨ BÌNH LỤC dịch)
Là thơ tả cảnh, nhưng cảnh nào mà chẳng đeo tình. Trong thơ có họa (thi trung hữu họa). Đọc thơ mà thấy cảnh hiện lên như tranh vẽ. Đây cũng là cảnh xuân, nhưng là cảnh xuân ở tầm nhìn xa rộng, khác với “Mộ xuân tức sự”.
Câu đầu tả bãi cỏ bến sông trong mưa xuân:
Độ đầu xuân thảo lục như yên
(Đầu bến đò cỏ xuân xanh biếc như khói).
Câu sau tả mưa xuân, nước vỗ ngang trời (xuân vũ thiêm lai thủy phách thiên). Chúng tôi dịch thơ đã chuyển câu 2 lên câu 1, cũng không phương hại gì đến kết cấu và nội dung bài thơ tứ tuyệt rất hay này !
Hai chi tiết lấy làm chất liệu cho bức tranh thơ xuân, là “cỏ xuân” và “mưa xuân”. Trong thơ Thôi Hiệu đời Đường, bài “Hoàng hạc lâu” (LẦU HOÀNG HẠC), cũng có hình ảnh bãi cỏ xanh, “bãi xa anh vũ xanh đầy cỏ non”. Không ít thi nhân đã đưa bãi cỏ xanh vào trong thơ. Nhưng với Nguyễn Trãi thì hơi khác. Bãi cỏ xuân đầu bến đò của Tiên sinh Ức Trai có màu xanh biếc “như yên” kia! Nghĩa là một màu xanh đã trộn lẫn vào sương khói, rất mơ hồ huyễn hoặc, rất gợi. Một màu xanh không hề đứng yên, mà dường như bất định, nó mờ mờ xanh như sương khói, uyển chuyển trong sương khói, nhẹ nhàng phơ phất như mây, rất ảo. Tiên sinh hơn người thường ở chỗ ấy. Phải nhìn cảnh, cảm nhận về màu sắc bằng “con mắt xanh”, rất tinh tế, mới thấy được cái màu cỏ xuân lung linh xanh, lơ mơ xanh trong sương khói kỳ ảo như vậy!
Lại còn thêm mưa xuân nữa. Mưa xuân làm bãi cỏ xanh thêm, thế cũng thường tình. Nhưng nhìn mưa xuân, mà thấy như nước vỗ ngang trời, “vỗ vào trời” (thủy phách thiên), thì lại là một ý thơ, một hình ảnh thơ rất mới. Thuỷ phách thiên, nước vỗ lưng trời, thì dường như nước đã là chủ thể, chủ động mà vỗ vào trời, ngang lưng chừng trời, làm nên cái uyển chuyển miên man của vũ trụ. Một hình ảnh thơ độc đáo, làm bức tranh thơ, bức tranh mùa xuân nơi bến sông sinh động hẳn lên, mơn mởn tươi non!...
Câu 3:
Dã kính hoang lương hành khách thiểu.
Đường ngoài nội vắng teo, ít người đi lại, đúng hơn là đò vắng khách, nên đường ngoài nội ít người đi. Tả cảnh thực, không có gì đặc biệt. Đó chỉ là vài nét chấm phá thêm, chỉ có giá trị tạo thêm cảm giác về một không gian yên tĩnh, hoang lương và rộng rãi. Nhưng câu 4 lại là câu thần:
Cô châu trấn nhật các sa miên.
“Cô châu”, hoặc “cô chu”, tức con thuyền đơn côi, cô đơn, gối đầu lên bãi cát mà vô tư say ngủ suốt ngày…
Tả cảnh xuân ở một bến đò, một buổi vắng người qua lại (hành khách thiểu), nên chi con đò không khách (cô chu) như thể một chiếc thuyền côi, cô đơn, chả biết làm gì, nên phải gác đầu lên bãi cát mà ngủ, mơ màng say ngủ suốt ngày. Tả cảnh thực một bến sông quê nào đó, mà như ta đã thấy ở đâu đó quanh vùng châu thổ sông Hồng, tác giả từng qua lại, rất quen.
Vẫn những thi liệu gần gũi như cỏ xuân, mưa xuân, con đò gác bãi… nhưng vào thơ Nguyễn Trãi thì dường như nó được phả hồn, làm bức tranh xuân ở thôn quê cho dù có vẻ như rất tĩnh, hoang lương, nhưng lại đang chuyển động ngầm trong một không gian dạt dào xuân sắc. Còn cái tình yêu quê hương của thi sĩ thì gửi gắm ở trong cảnh, trong cái man mác hoang lương của hồn quê thăm thẳm!
Nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/tho-duong-tho-tong-co-hay-hon-tho-viet-khong-a18217.html