Trong những ngày đầu sau Hiệp định Pa-ri, ông Thái Tung - Bí thư Sơn Long và Chính trị viên xã đội - Mai Văn Minh rất khó chịu với cái kiểu chiến tranh hạn chế này. Ta đánh nhau suốt gần chục năm nay, giành giật từng tấc đất, không lẽ sau Hiệp định lại biếu không cho giặc. Các ông thật sự không thông suốt với cái tinh thần chỉ đạo là kiên quyết giữ vững vùng giải phóng bằng phương pháp đấu tranh chính trị, hạn chế hành động quân sự. Ta phải rút kinh nghiệm Hiệp định Giơ-ne-vơ chứ, bản chất của kẻ thù rất ngoan cố và thâm độc. Chỉ có cách mạng bạo lực mới chống lại được bạo lực. Những người trực tiếp chiến đấu ở chiến trường miền Nam này luôn thấu hiểu sâu sắc điều đó. Và, hai ông cũng tin tưởng rằng các nơi trên chiến trường miền Nam không trước thì sau nhất định rồi sẽ phải ứng xử đối với kẻ thù như vậy cả. Bởi, lực lượng cách mạng đã thấm thía bài học xương máu trong hàng chục năm nay rồi.
Đã biết là vậy, nhưng trên toàn chiến trường vẫn đang có nhiều điểm võng của sự lơi lỏng. Ta mất đất nhiều nơi. Ở thung lũng Quế Sơn, địch tranh thủ lúc giao thời cố lấn chiếm để hình thành thế da báo, tạo vành đai bảo vệ các căn cứ quân sự và các đô thị mà chúng đang chiếm đóng phía đồng bằng. Nếu ta chiến đấu chống trả, chúng lại giở trò “vừa ăn cướp vừa la làng”, cho phóng viên chiến trường quay phim, chụp ảnh lấy “chứng cứ” đưa tin: “Cộng sản không tuân thủ Hiệp định Pa-ri”. Nhận rõ bộ mặt thật của kẻ thù từ thực tế chiến trường, vài tháng sau Hiệp định ký kết buộc ta phải mở chiến dịch phản công toàn diện, kiên quyết đánh trả hành động lấn chiếm của địch, giữ vững vùng giải phóng.
Thế tại Sơn Long cũng như trên toàn mặt trận thung lũng Quế Sơn là cái thế giằng co vô cùng quyết liệt. Mọi cán bộ du kích đều không ngờ sau Hiệp định tình hình tại đây còn đen tối hơn. Du kích Sơn Long chỉ có vài chục tay súng mà phải chống trả cả Trung đoàn quân chủ lực Cộng hòa phối hợp với bọn địa phương quân liên tục tấn công vào vùng giải phóng. Đối phó với lực lượng địch đông gấp nhiều lần, ông Tung, ông Minh luôn phải căng đầu tính kế. Các ông quán triệt với các chiến sĩ rằng, ta đánh chủ yếu là gây cho địch thế bất ổn để chúng không thể trụ lâu ở vùng giải phóng của ta; thứ hai là đánh thế nào mà địch không lợi dụng được để lu loa “VC phá hoại Hiệp định”; thứ ba quan trọng hơn, lực lượng ta ít nhưng phải đánh những trận thật hiểm ngay trên vùng giải phóng của ta khiến cho bọn địch khiếp sợ không dám đi lấn chiếm, không dám đi nhổ cờ, xé cờ của ta nữa...
Đã có chủ trương như vậy, Chính trị viên Minh cùng với Ban lãnh đạo Xã đội dựa vào nguồn tin từ dân trụ bám, nắm rõ hành sự của lính Trung đoàn 56. Hằng ngày thường có mấy tốp lính từ chốt điểm Hòn Chiêng và Dương Trúc xuống núi, đến giếng ông Sanh thuộc vùng giải phóng của ta từ trước để lấy nước cho vào ống đạn vác lên đồn uống. Ông Minh xin ý kiến Chi bộ quyết định đánh bọn này. Các ông trong ban lãnh đạo xã bàn thảo rất căng. Có ý kiến cho rằng đánh như vậy là hơi ác, không phù hợp với tinh thần của Hiệp định Pa ri. Ông Thái Tung phân tích:
- Địch lấy nước tại giếng ông Sanh là để phục vụ cho chúng chiếm đóng Dương Trúc, Hòn Chiêng làm điểm tựa đánh phá ta. Ta phải chặn nguồn nước của chúng, gây khó khăn buộc địch không thể chiếm đóng lâu dài tại các cứ điểm này. Việc đánh chặn các kho lương thực, cắt nguồn nước là việc làm bình thường trong binh pháp. Tại vì địch gây tội ác trước, buộc ta phải phản ứng như vậy là hợp lẽ đời. Không thể cho hành động đó là ác được.
Sau khi phân tích kỹ tình hình và lý sự phải trái, toàn Ban lãnh đạo xã nhất trí giao cho đồng chí Minh - Chính trị viên và đồng chí Trịnh - Xã đội trưởng trực tiếp chỉ đạo chuẩn bị trận đánh. Lãnh đạo Xã đội phân công Trần Ngọc Mai, Nguyễn Công Tài, Trần Hữu Bảy đi trinh sát thực địa trong hai ngày để nắm hành trạng của địch.
Giếng ông Sanh nằm ở đầu mút của một cánh đồng hẹp có bề ngang độ 200 mét. Cánh đồng hẹp đó bắt đầu từ giếng ông Sanh ở phía tây bắc chạy thẳng về phía đông nam, tách Hòn Chiêng và Dương Trúc ra hai phía đông bắc - tây nam. Xóm nhà ông Sanh nằm về phía Tây bắc giếng nước, liên hoàn với vùng ta và địch đang tranh chấp, nhưng hầu hết dân chúng tại xóm đã bị địch cưỡng bức vào khu dồn. Các vườn nhà và đồng ruộng đều bỏ hoang, cây cối, lau lách mọc um tùm. Ba đồng chí du kích làm nhiệm vụ trinh sát lợi dụng địa thế, bí mật đến tiếp cận giếng nước, quan sát động tĩnh của địch. Cứ độ 8 giờ sáng, địch theo đường mòn độc đạo ở hai phía Hòn Chiêng và Dương Trúc cùng một lúc tụt dốc, đi một đoạn qua giữa đồng đến giếng ông Sanh lấy nước. Thường mỗi tốp có một tiểu đội, phân nửa vác nước, số còn lại mang súng yểm hộ. Mỗi buổi sáng chúng lên xuống giếng nước vài ba lần như vậy. Kết hợp với nguồn tin của dân từ trước, các đồng chí trinh sát về báo cáo tình hình địch cho lãnh đạo Xã đội lên sa bàn trận đánh.
Đúng 2 giờ 30 phút sáng ngày 14 tháng 3 năm 1973, từ nhà ông Duy thuộc thôn Thuận Long, lực lượng trực tiếp đánh địch chia làm hai mũi di chuyển về phía trận địa.
Mũi thứ nhất gồm có Mai Văn Minh, Trần Hữu Bảy, Nguyễn Trịnh do ông Minh chỉ huy đến ém quân ở hướng chân Hòn Chiêng, cách giếng và đường đi của chúng trên dưới độ 20 mét.
Mũi thứ hai gồm có Trần Ngọc Mai, Nguyễn Thuyết, Nguyễn Công Tài do ông Mai Xã đội phó chỉ huy đến ém quân phía chân Dương Trúc, đối diện mũi thứ nhất.
Khi nổ súng, hai mũi tập trung bắn chéo ra giếng, hai đường đạn tạo thành hình tam giác, đỉnh hướng dọc ra cánh đồng. Nếu địch chạy trở lại đồn thì chúng đều nằm gọn trong tầm đạn quét ngang của ta.
Ta còn bố trí hai tổ chốt tại Dương Ông Mới và Dương Tri - Bà Thuận, cách trận địa chính độ 200 mét, có thượng liên, trung liên RBD dùng để bắn kiềm chế, ngăn đường tiếp viện của địch từ Hòn Chiêng và Dương Trúc.
Hai mũi trực tiếp đánh địch tập kết đúng vị trí vào lúc 3 giờ 30 phút. Trần Hữu Bảy moi đất gài quả mìn cải tiến từ quả pháo 105 cách miệng giếng 2 mét, giăng dây điện đến nơi ém quân. Các đồng chí khác thì đào công sự sâu ngang bụng để tránh mảnh pháo sát thương đồng thời làm chỗ ẩn mình, từ lòng đất trồi lên đánh địch. Tất cả đều được ngụy trang rất kín kẽ, nằm chờ địch tới.
Hôm nay hơi trễ hơn mọi ngày, 8 giờ 15 phút bọn địch từ Hòn Chiêng, Dương Trúc tụt dốc đi thẳng tới giếng ông Sanh. Bọn Hòn Chiêng nhanh chân hơn đến trước, bọn Dương Trúc cũng vừa tới nơi. Địch hôm nay đến lấy nước ít hơn mọi ngày: Hòn Chiêng 7 tên, Dương Trúc 4 tên. Có bao nhiêu tên cũng phải đánh, đánh cho nó khiếp sợ, Minh ra hiệu cho Bảy chập dây điện - bấm mìn. Mìn không nổ! Chính trị viên Minh liền tung hai quả lựu đạn, các đồng chí khác đồng loạt ném lựu đạn, quét AK. 6 tên ngã gục ngay tại giếng nước, 1 tên chạy về phía Hòn Chiêng bị mũi của Minh xông ra bắt sống; 4 tên chạy về phía Dương Trúc bị mũi của Mai bắn chặn đầu bắt sống 2 tên, 2 tên thoát được. Mai Văn Minh ra lệnh cho toàn đội nhanh chóng thu vũ khí. Trong nháy mắt, bảy người biến vào các bụi rậm rút lui an toàn. Bị tấn công quá bất ngờ, bọn địch ở hai đồn chính hoàn toàn bất lực, không kịp phản ứng.
Sau trận đánh kinh hoàng đó, ta còn liên tục bám địch bắn tỉa, không cho tên nào bén mảng đến giếng ông Sanh. Nguồn nước tại chỗ bị cắt đứt, ta còn dùng thượng liên bắn không cho máy bay trực thặng hạ tiếp nước, địch ở hai đồn gặp phải khó khăn.
Tiếp đến, ta mở chiến dịch binh địch vận. Đồng chí Thái Tung phân công hai chị Trần Thị Nhí, Thái Thị Xuân người Thuận Long, trẻ đẹp, có giọng nói truyền cảm dùng loa tay kêu gọi binh sĩ hãy chấp hành nghiêm túc Hiệp định Pa-ri, không đi càn quét, không bắn pháo vào các làng xóm, bỏ hàng ngũ địch quay về với nhân dân, với cách mạng. Hai chị phân tích cho anh em binh sĩ: “Cuộc chiến này đã kéo dài hàng chục năm rồi, nhân dân miền Nam chúng ta đã phải chịu biết bao hy sinh mất mát, làng xóm quê hương xơ xác, hàng triệu người dân vô tội, hàng triệu binh sĩ ở hai phía đã chết vì cuộc chiến, trong đó có gia đình vợ con các anh. Đã đến lúc cuộc chiến phải chấm dứt, lực lượng cách mạng nhất định chiến thắng, đất nước nhất định thống nhất, chính quyền tay sai Sài Gòn đã đến ngày sụp đổ hoàn toàn. Các anh hãy sớm nhận ra con đường chính nghĩa, mang súng quay về với đất nước, với nhân dân. Lực lượng cách mạng, Mặt trận dân tộc giải phóng, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam luôn mở lòng đón nhận các anh”.
Ban đầu cầm loa hướng vào đồn giặc kêu gọi, hai chị run nói không suôn sẻ vì hễ nghe giọng của các chị cất lên thì bọn địch lập tức bắn cối, bắn M79 tới để dập tắt tiếng loa. Du kích phải đào hầm kiên cố, bố trí cho hai chị được an toàn. Càng về sau hai thanh nữ Nhí, Xuân càng dày dạn. Cứ ngớt tiếng súng thì lời kêu gọi tha thiết mà hùng hồn của hai chị lại vang lên. Mưa dầm thấm lâu, binh sĩ quen tai và cũng dần thông suốt tư tưởng, đường lối nhân đạo của cách mạng nên không phản pháo nữa. Được thế, chị Nhí còn ngâm những bài thơ binh vận như: Bắn vào ai tôi phải bắn vào ai/ Trong tay tôi đang cầm cây súng Mỹ/ Nhìn quê hương máu rỉ trong tim/ Súng Mỹ cầm tay đạn vẫn nằm im/ Đồng ruộng bờ tre này quen thuộc quá/ Bóng dáng ai kia không phải người xa lạ/ Đòn gánh cầm tay tóc xõa ngang vai..... Người lính miền Nam qua những đêm thâu/ Trong tay mình cầm cây súng Mỹ/ Bao năm dài máu chảy đầu rơi... Rồi chị Xuân lại thiết tha kêu gọi anh em binh sĩ quay súng trở về với nhân dân...
Việc gì đến sẽ phải đến. Vào một một buổi sáng đẹp trời, bình yên từ đồn Dương Trúc vang lên tiếng loa hướng về vùng giải phóng của một sĩ quan chỉ huy đồn đề nghị hẹn gặp đối phương để cùng nhau thương thuyết những vấn đề cần kíp cho cả hai bên.
Chiều ngày 20 tháng 5 năm 1973, đôi bạn binh vận Xuân, Nhí đến Dương Ông Bằng đối diện phía tây bắc Dương Trúc để đàm thoại với sĩ quan - Đồn trưởng Dương Trúc. Họ hẹn nhau sẽ cử người có chức vụ cao nhất của hai bên để đàm phán trong một ngày nhất định. Sáng ngày 25 tháng 5 năm 1973 phía liên cứ điểm Hòn Chiêng, Dương Trúc, Dương Là cử một sĩ quan cấp đại úy, người Bến Tre - Nam bộ cùng đi với hai sĩ quan tùy tùng khác; phía Chính quyền cách mạng cử ông Mai Văn Minh - Chính trị viên xã đội, cùng đi có chị Nhí và chị Xuân gặp nhau tại một bãi đất bằng ngay sát chân Dương Trúc.
Sau khi chào nhau theo lối nhà binh, hai bên giới thiệu tên tuổi, cấp bậc, chức vụ, ông Minh chủ động nêu mục đích:
- Chúng ta gặp nhau hôm nay trên tinh thần người cùng chung dòng máu Việt Nam, trong giờ phút này hãy đừng phân biệt người của hai chiến tuyến. Chúng ta hãy lắng lòng lại hướng về một cội nguồn là con Hồng cháu Lạc mà nói chuyện, mà đàm phán với nhau. Tôi xin đề nghị ngài đại úy- Trưởng đoàn cho biết ý kiến và những yêu cầu trước.
Tên đại úy nở nụ cười rất tươi liếc nhìn hai thanh nữ xinh đẹp, cất giọng Nam bộ:
- Xưa rày nghe mãi giọng kêu gọi của hai cô. Hai cô giỏi thật, đã làm lay động tinh thần của binh sĩ chúng tôi, đã gieo rắc lòng hoài nghi đối với chính thể Quốc gia trong binh sĩ chúng tôi. Nhưng, không thể làm lung lay tư tưởng của tôi được đâu nghen. Hôm nay tôi mới diện kiến hai thiên thần dũng cảm, thật là một cuộc hội ngộ tuyệt vời. Như thế này mà tại sao ta lại ở hai phía, thật là tiếc.
Nhí nở nụ cười đôn hậu, duyên dáng nhưng rất nghiêm túc:
- Cám ơn ngài đại úy.
Tên đại úy liền quay sang nghiêm giọng nhà binh đàm phán với ông Minh:
- Nhân danh quân lực Việt Nam Cộng hòa, tôi đề nghị các ông rút quân và tất cả các phương tiện chiến tranh ra khỏi khu vực đóng quân của chúng tôi 02 km, không bắn máy bay tiếp tế của chúng tôi, không bắn tỉa cắt đường lấy nước của chúng tôi... Tôi đề nghị ông cho biết các điều kiện của các ông!
Ông Minh từ tốn, chậm rãi đáp lại:
- Nhân danh Chính quyền cách mạng, tôi chấp nhận điều kiện thứ hai và thứ ba của ông. Còn điều kiện thứ nhất, ông đề nghị chúng tôi rút quân là không hợp lẽ đời. Quê hương chúng tôi đây, nhà cửa, gia đình chúng tôi ở đây, mồ mả tổ tiên của chúng tôi ở đây, đất của quê tôi thì chúng tôi ở. Tôi đề nghị:
- Một là, các ông từ nơi khác đưa quân đến đây chiếm đóng thì nên rút đi, trả lại sự bình yên để dân Sơn Long sinh sống, làm ăn trên chính quê hương của mình.
- Hai là, hai bên ngừng bắn cục bộ ngay tại thời điểm này; các ông tuyệt đối không bắn pháo cối vào làng; không hành quân lấn chiếm, nhổ cờ, giành đất, giành dân.
- Ba là, hai bên để nhân dân đi lại, mua bán tự do. Lính các ông không được đổ mắm muối, lương thực, tịch thu vải vóc thuốc tây nhân dân mua đưa về vùng do chúng tôi làm chủ.
- Bốn là, các ông tiếp nhận dân thường ở vùng chúng tôi làm chủ xuống vùng của các ông chiếm đóng để cấp cứu, chữa bệnh, học hành...
Tên đại úy chấp nhận các điều kiện của phía cách mạng đưa ra, nhưng còn ỡm ờ đôi chỗ:
- Binh lính của chúng tôi rất đông, khó kiểm soát hết tất cả hành vi của họ, có lúc sơ suất thì các ông thông cảm. Những hành động đó có thể là ngoài ý muốn của chỉ huy chúng tôi. Riêng việc rút quân là không thuộc quyền hạn của tôi. Cấp trên bảo ở thì chúng tôi ở, lệnh cho chúng tôi đi thì phải đi. Mong các ông hiểu cho...
Ông Minh khẳng định với phái đoàn của đối phương:
- Lực lượng cách mạng gồm tất cả những người tự nguyện đấu tranh, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Kỷ luật của đội quân chúng tôi rất cao, cán bộ, chiến sĩ của chúng tôi luôn chấp hành đúng chủ trương của cấp trên. Các ông hãy tin tưởng không thể có sự vi phạm những điều khoản đã được thỏa thuận hôm nay trên địa bàn xã Sơn Long này. Chào tạm biệt các ông. Hẹn ngày gặp lại.
Hai bên chia tay nhau. Từ hôm đó, không khí chiến tranh gần như được chấm dứt trên vùng đất Sơn Long. Đêm đêm trên bầu trời, những con chim “te te hách” cũng vắng bóng. Đấy là một loài chim thường quần đảo, đánh hơi bọn người đi mai phục rồi cất tiếng kêu báo hiệu cho những sinh linh hiền lành biết mà né tránh điềm dữ. Giữa cuộc chiến khốc liệt đã kéo dài hàng chục năm nay thì những phút giây yên bình ấy thật vô cùng quý báu. Sự căng thẳng đến tột độ trong tâm lý của người dân trụ bám, của các chiến sĩ cách mạng cũng giãn ra, lắng xuống. Có thể chỉ là tạm thời, nhưng thật ý nghĩa.
Bà Giác năm nay đã trên năm mươi tuổi. Ông Giác chồng bà đã hy sinh trong trận Mỹ đổ quân Dương Là năm xưa. Vùng bán sơn địa này luôn là trọng điểm đánh phá của giặc, chiến sự luôn ở đỉnh điểm khốc liệt, nhưng vì một lòng trung thành với cách mạng, trung thành với vong linh của người chồng đã chết thảm dưới bàn tay giặc nên dẫu có trốn chui, trốn nhủi, dẫu thằng con trai duy nhất của ông Giác phải thất học vì chiến tranh bà cũng quyết không vào khu dồn của địch, ở lại vùng giải phóng giúp đỡ bộ đội, du kích kháng chiến. Cái chòi của bà được che bởi mấy miếng tranh cùn, nấp trong lau lách như cái ổ của người tiền sử lại là điểm hẹn quan trọng của cán bộ, bộ đội. Mỗi lần đi ngang qua vùng này, được mẹ Giác báo tin chẳng hạn như: “ở phía trước, hồi chiều tối có mấy tốp lính từ Hồn Chiêng, Dương Trúc kéo lên” là họ phải cẩn thận đề phòng. Đêm đêm người của cách mạng qua đường thấy ngọn đèn báo hiệu của mẹ thì vững dạ hơn mà bước tiếp. Còn những người như bà Giác là vùng giải phóng còn có dân, còn có sức sống, còn có chỗ để các đồng chí cán bộ, du kích lui tới. Đôi khi họ còn có được vài củ khoai, củ sắn bỏ bụng. Từng việc, từng việc âm thầm, lặng lẽ của những người mẹ trụ bám là mầm sống tinh thần được trỗi dậy từ thân xác già nua để tiếp cho lớp trẻ như con Xuân, con Nhí... có thêm động lực mà vững vàng chiến đấu, hy sinh. Đối với tuổi bà Giác, làm được việc gì cho cách mạng cũng quí cả. Thậm chí trong tình hình này mà còn bóng dáng người dân trụ bám ở vùng bán sơn địa là quý như vàng, như ngọc rồi. Thế mà bà Giác vẫn còn nhiều ước mong đấy. Bà muốn làm thêm việc gì lớn hơn để góp phần cho kháng chiến. Bà nghĩ: “Nay con Xuân, con Nhí đã làm cái việc tạm thời chiêu an bọn lính ở cụm cứ điểm Hồn Chiêng thì thân già ni cũng phải làm được việc gì khá hơn tí đỉnh để góp sức cho kháng chiến. Nhân đà thắng lợi của công tác binh vận mà hai đứa đã làm, mình phải lấy tấm lòng người mẹ mà thuyết phục tụi lính Trung đoàn 56 này rã ngũ, mang súng quay về với cách mạng”. Tính đi tính lại thấy có khả năng làm được, bà quyết định gặp ông Tung, ông Minh xin ý kiến phối hợp với cô Xuân, cô Nhí xáp vào vận động binh lính ở Hòn Chiêng, Dương Trúc. Hơn nữa, bà nghe mấy người đi đàm phán hôm nọ nói lại thì thái độ tụi chỉ huy trong đồn cũng dễ chịu. Thực tế, từ bữa tới giờ chúng cũng chấp hành đúng lời hứa với ta hôm trước, bà tin việc bà sắp tiến hành sẽ có kết quả. Hy vọng là vậy, nhưng thời chiến thì việc chi cũng có thể xảy ra, phải làm mới biết được.
Được các đồng chí lãnh đạo địa phương đồng ý, bà cắp nón đi lên đồn. Bữa mấy củ khoai lang, vài củ môn sáp, bữa vài nắm đậu phụng, vài nắm chè xanh... bỏ vào túi rút, xách theo đem cho tụi lính trên đồn. Vừa mưu mẹo vừa chân thành thuyết phục, dần dà nhiều thằng lính bắt đầu gọi bà Giác bằng mẹ. Từ trong sâu thẳm lòng mình, bà cũng đã coi tụi nó như con cháu. Bọn du kích, tụi lính ở hai phía cũng đều là con của những người mẹ Việt Nam như bà cả. Thế sự buộc chúng nó phải ở hai chiến tuyến mà thôi. Chỉ khác là tụi du kích, bộ đội hiền hơn, chiến đấu có lý tưởng giống như ông Giác nhà bà, còn mấy thằng lính ngụy đến đây là vì bắt buộc, vì đồng lương. Tương kế tựu kế, bà lựa thằng hiền nhất thử xin thuốc lá “Quân tiếp vụ”. Hắn hỏi bà xin để làm gì. Bà đánh bạo nói:
- Mẹ xin cho mấy thằng ở phía bên kia. Tội nghiệp tụi hắn cũng như mấy đứa bay thôi, cũng thanh niên keng keng rứa mà không có thuốc điếu hút. Bọn nó thèm lắm, mẹ xin về nếu gặp tụi nó thì cho.
Cứ từng việc nho nhỏ như vậy, coi bộ tụi lính không có phản ứng chi, bà phăng tới thổ lộ phải trái, chính nghĩa, phi chính nghĩa, lôi kéo dần từng thằng. Với sự từng trải của cuộc đời, bà cẩn thận theo dõi diễn biến tư tưởng của họ theo từng thời điểm, cảm nhận được tâm lý, tình cảm của từng đứa; kết nối từng hành động và lời nói để nhận định, đánh giá về những con người vốn là đối tượng của cách mạng. Mọi việc đều diễn ra hết sức thận trọng. Nếu lộ sẽ chết cả bà lẫn tụi nó. Vì trong đồn vẫn còn nhiều tên rất ngoan cố, chống cộng triệt để. Cuối cùng bà quyết định nói thật mục đích của bà với chúng nó. Thế rồi đến một ngày lượng cũng biến thành chất, 22 binh sĩ tại hai đồn Dương Trúc và Hòn Chiêng thuộc Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 56 được bà vận động liên kết lại với nhau, tự giác nhờ bà bắt mối quay về với nhân dân.
Bà Giác gặp cán bộ lãnh đạo xã trình bày kế hoạch đưa 22 binh sĩ thoát khỏi đồn về với cách mạng. Ông Tung, ông Minh trực tiếp lên kế hoạch chỉ đạo bố trí cho các binh sĩ bỏ ngũ.
Bà Giác lại cắp nón lên đồn. Vào 7giờ 30 phút tối, ngày 5 tháng 6 năm 1973, 22 binh sĩ ngụy từ Hồn Chiêng và Dương Trúc trốn khỏi đồn. Họ lần dò đến điểm hẹn tại giếng ông Sanh gặp bà Giác. Trong đêm tối bà Giác đến sờ tay từng người một, âu yếm như đối xử với con ruột của mình. Bà đeo vào cánh tay mỗi đứa một tấm băng trắng do cô Xuân, cô Nhí chuẩn bị trước. Bà còn bảo họ tháo hết đạn khỏi súng, mang nòng chúc xuống đất rồi tất cả theo bà về nhà ông Duy thuộc thôn Thuận Long. Ở đó, đang có mặt đầy đủ các đồng chí lãnh đạo xã sẵn sàng đón tiếp họ.
Một cuộc gặp gỡ đầy xúc động đã diễn ra giữa cán bộ, du kích với các binh sĩ ở phía bên kia chiến tuyến về với cách mạng. Từng binh sĩ đến ôm và cám ơn bà Giác đến líu lưỡi. Nước mắt của bà Giác bỗng tuôn trào theo những lời cầu khấn liên mồm:
- Lạy trời phù hộ cho các con về với mẹ, với quê an toàn!
Khuya quá rồi, bà Giác vẫn không ngủ. Bà theo các binh sĩ vào thôn An Long, nơi có Trung đoàn 38 của ta đóng quân. Các đồng chí lãnh đạo Trung đoàn cũng hết sức vui mừng, tổ chức chiếu phim chiêu đãi và cho bộ đội giao lưu với những người lầm đường lạc lối mới vừa quay về với cách mạng.
Đêm ấy bà Giác cảm thấy hạnh phúc nhất đời. Bà thầm nghĩ: “Trong cuộc chiến này, bà còn phải làm thêm được nhiều việc cho nước cho non. Bộ đội, du kích cần có những người mẹ trụ bám như bà. Bà cần phải sống, dù phải từ ngày này qua tháng khác ẩn mình trong lau lách, trong hang đá, hái rau, bắt ốc để ăn”. Cuộc sống của bà ở đây có ý nghĩa như trong tro còn lửa vậy.
Chiến tranh đã lùi xa gần bốn mươi năm, hôm nay về Quế Phong, được đồng chí Nhị - Phó bí thư Đảng ủy xã đưa tôi đến tận nhà gặp bà Giác, anh Mai Văn Minh là nhân chứng của chiến tranh. Bà Giác đã tròn chín mươi, anh Minh cũng đến tuổi sáu lăm. Bà Giác, anh Minh là người của hai thế hệ nhưng lại cùng chung chiến hào đánh Mỹ. Bà Giác quá già rồi, mọi ký ức thời khói lửa chỉ còn lại những thoáng hiện đứt gãy, chắp nối dưới vầng trán nhăn nheo. Duy chỉ còn lại đôi mắt sáng và nụ cười đôn hậu. Bà nói thằng Minh mày kể đi cho anh ấy nghe, có chi nhớ thì tau nhắc. Ít bữa nữa tau chết thì bay muốn nói chi cũng được. Bà nở nụ cười móm mém có pha chút dí dỏm.
Trong hơn hai tiếng đồng hồ, ngồi tại ngôi nhà đơn sơ, nhưng gọn gàng, ngăn nắp của bà già Giác, ông Minh kể cho tôi nghe chuyện của ông, chuyện của đồng đội và cả chuyện của bà Giác. Thỉnh thoảng bà Giác có chen vào:
- Cái thằng nhớ giỏi thiệt, tau nghe đúng cả.
- Chuyện của tau cả làng cả xã này ai cũng biết, nhưng làm sao biết chi tiết như lão Minh được.
- Hồi đó làm chuyện chi tau cũng báo cáo hết với mi và các ông Trần Đình Sanh - Bí thư Chi bộ, sau đó là Thái Tung, hèn chi mà không nhớ. Thôi thì cũng kể lại cho cháu con nó biết.
Rồi đột nhiên, có một sức bật từ trong cơ thể già nua, bà Giác nói một lèo với cái giọng còn cứng ngắt. Tôi cảm tưởng như bà đang sống lại cái thời làm binh vận đã quá xa xăm ấy:
- Nhiều chuyện đã lâu quá, già quá không còn nhớ nổi nữa. Anh chỉ biết rằng Sơn Long, Sơn Thạch thuộc xã Quế Phong bây giờ, thời đánh Mỹ là căn cứ cách mạng của huyện Quế Sơn. Nơi đây đã từng diễn ra nhiều trận đánh vô cùng oanh liệt của bộ đội, du kích... Hàng chục năm, cán bộ, du kích, nhân dân Quế Phong kiên cường trụ bám giữ vững cái nôi cách mạng của vùng Trung Quế Sơn. Nơi đây là địa bàn đối chọi quyết liệt giữa quân chủ lực của ta trước sức mạnh của đủ sắc lính cả Mỹ lẫn ngụy. Sự quyết liệt của cuộc chiến đã diễn ra trên từng tấc đất Quế Phong này. Sau chiến tranh, cả Quế Phong không còn một bức tường nhà nguyên vẹn. Có khi viên gạch cũng bị bể mấy lần vì bom, vì pháo. Người chết cả ngàn. Có như thế mình mới thống nhất được đất nước. Quế Phong bây giờ đường nhựa, đường bê tông cả rồi, mấy đứa con nít bây chừ ăn cơm trắng, đi học sướng nu, đời thiệt là bình yên. Tui già rồi chỉ có ước muốn mấy thằng bộ đội, cán bộ tui nuôi, tui chỉ đường hồi đó nhớ lại mà về thăm bà già này một tí là có nhắm mắt cũng thỏa lòng. Bây giờ đường nhựa cả rồi mà chẳng thấy thằng nào về cả. Thỉnh thoảng chỉ có một vài người là thân nhân của người đã hy sinh trên đất này đến để tìm mộ có ghé lại hỏi thăm.
Trên đường về lại Tam Kỳ, tôi suy ngẫm lời bà Giác. Tự thấy, những người kháng chiến như chúng tôi còn nợ với nhân dân nhiều, nhiều lắm.
Bút ký của Phạm Thông
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nhung-binh-thuong-lap-lanh-a18268.html