Sử thi Việt Nam (Kỳ 23)

Trân trọng giới thiệu sách “Sử thi Việt Nam” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành 2017.

b1-800px-ngomon2-1680594430.jpg

Kinh thành Huế hay Thuận Hóa kinh thành là một tòa thành ở cố đô Huế, nơi đóng đô của triều đại nhà Nguyễn trong suốt 143 năm từ 1802 đến khi thoái vị vào năm 1945. Hiện nay, Kinh thành Huế là một trong số các di tích thuộc cụm Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới. Nguồn: vi.wikipedia.org

 

Kỳ 23.

Nhưng lực lượng Quang Trung vẫn chưa thống nhất hoàn toàn đất nước

Từ Quảng Nam ra Bắc là của Quang Trung

Từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận là của Thái Đức Nguyễn Nhạc –Trung ương

Từ Đồng Nai trở vào là miền Gia Định của Đông Định Vương Nguyễn Lữ.

Nhưng Lữ không thể giữ

Khi  Ánh tấn công là Lữ chạy về Quy Nhơn.

Một cõi giang sơn

Đông người nhiều của

Sông ngòi giăng tỏa

Có vị trí chiến lược quan trọng vô cùng

Đất thiêng liêng dụng võ anh hùng

Lọt vào tay Nguyễn Ánh.

Sói hùm mọc cánh

Mặc sức tung hoành.

Quang Trung sớm biết quốc thù Nguyễn Ánh hiểm độc chẳng lành                   

Với Tây Sơn triều đại.

Quang Trung phát hịch chuẩn bị cuộc tấn công vĩ đại

Cho thủy binh bịt tất cả cửa biển không cho Ánh thoát thân

Còn 30 vạn bộ binh mạnh tựa sóng thần

Tấn công thần tốc.

Nhưng tháng 7 năm 1792 Quang Trung mệt nhọc

Rồi đột ngột ra đi

Ở tuổi 40 thiên tài đã vội biệt ly

Bao nhiêu sự nghiệp lớn lao của non sông còn dang dở.

Bốn phương nức nở

Thương tiếc anh hùng.

Quang Toản lên ngôi nhưng triều đại Tây Sơn sang bước đường cùng

Bùi Đắc Tuyên chuyên quyền gây máu đổ

Tàn sát các đại thần gây phẫn nộ

Ích kỷ hại nhân

Chỉ vì bè cánh và bản thân.

Đại Đô đốc Vũ Văn Dũng phải diệt Bùi Đắc Tuyên và phe cánh.

Nhưng trời vẫn bão dông không tạnh.

Năm 1793 Nguyễn Ánh tấn công Đồ Bàn, Quy Nhơn

Quang Toản đem quân cứu Nguyễn Nhạc lấy lại Qui Nhơn

Nhưng lại chiếm luôn cơ đồ của bác.

Nguyễn Nhạc

Uất hận thổ máu chết tươi.

Hàng vạn quân của Nhạc xa rời

Chạy theo Nguyễn Ánh.

Thế của Ánh như hùm thêm cánh

Như cọp thêm nanh.

Năm 1801 Nguyễn Ánh tấn công và Phú Xuân thất thủ tan tành

Triều đình Cảnh Thịnh chạy ra miền Trung chống chọi

Mặt trận miền Trung đầy lửa khói

Thất thủ vỡ tan.

Tháng 3 năm 1802 quân Tây Sơn mất Nghệ An

Vợ chồng Thái phó Trần Quang Diệu và nữ tướng Bùi Thị Xuân hi sinh oanh liệt.

Tháng 6 năm 1802 Thanh Hóa, Thăng Long và Bắc Hà mất hết.

Quang Toản cùng các em bị bắt và bị hành hình.

Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân và hai con bị bọn dũng binh

Bắt và hành hình tại quê nhà Thanh Hóa.

Ghê gớm thay sự trả thù hoang dã

Với những người theo triều đại Tây Sơn

Tướng lĩnh, Đô đốc, Đại đô đốc và những quân nhân

Đều bị phanh thây xé xác

Lưu đày.

Những dấu tích Tây Sơn trong nền văn hóa bị xéo giày

Phá tan thiêu đốt.

Lịch sử vẫn cho những kẻ thắng cuộc mà trả thù là dại dột

Bởi vì trang sử đầu tiên mở đầu triều đại đầy máu và vết nhơ

Không thể xóa mờ

Vết thương dân tộc.

Tại sao những kẻ chiến thắng nắm quyền rồi lại bắt đầu tàn độc?

Mà không bằng sự cao thượng hàn gắn vết thương.

Bậc đế vương không ít kẻ tầm thường

Nông cạn.

Để sau này vương triều mục nát

Đất nước bị xâm lăng.

Vậy là năm 1802 một vương triều mới đăng quang

Vương triều Nguyễn.

Nền cai trị từ cõi bờ còn vươn xa ra biển

Hoàng Sa Trường Sa.

Kinh đô Phú Xuân( Huế) phồn hoa

Nguyễn Ánh lên ngôi đế hiệu Gia Long hoàng đế.

Thăng Long thành cố đô hoang phế.

Năm 1804 quốc hiệu Đại Việt đổi thành Việt Nam

Còn gọi là Đại Nam

Hoàng Việt.

Lịch sử đi 3.000 năm cuối cùng lại quay về vòng khổ đau tê liệt

Lại quay lại chế độ phong kiến chuyên quyền.

Lịch sử thật bí huyền

Không thể giải mã.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/su-thi-viet-nam-ky-23-a18311.html