Là huyện miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao, Thanh Sơn luôn chú trọng công tác phân luồng, đáp ứng nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Phòng GD&ĐT, các trường THCS đã phối hợp chặt chẽ với các cơ sở dạy nghề trong việc tổ chức tuyên truyền, hướng nghiệp cho học sinh lớp 9. Đồng thời nắm bắt nguyện vọng, năng khiếu của từng em để có hướng giúp các em có những lựa chọn phù hợp với sở trường và năng lực của bản thân. Nhờ đó, tỷ lệ học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT đi học nghề tăng theo từng năm học. Năm học 2021 - 2022, tổng học sinh lớp 9 của huyện là 2.163 em; trong đó có 1.259 học sinh vào học bậc THPT; Giáo dục thường xuyên là 262 em; học nghề là 123 và tham gia lao động trực tiếp là 485 học sinh.
Nhờ được hướng nghiệp, một số học sinh của Trường THCS Tân Lập sau khi học xong đã lựa chọn không tiếp tục học lên THPT mà vào học tại các trường đào tạo nghề cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và lực học của bản thân. Sự dịch chuyển này là phù hợp với phát triển năng lực, sở trường của cá nhân gắn với phục vụ nhu cầu lao động của xã hội.
Năm học 2022 - 2023, Trường THCS Tân Lập có tổng số 77 học sinh lớp 9. Trường đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên, phụ huynh và học sinh về ý nghĩa, tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp. Từ đó, tạo sự đồng thuận trong phụ huynh, xóa bỏ tư tưởng mong muốn con em học xong THCS phải vào THPT sau đó học lên cao đẳng, đại học trong khi năng lực học tập của con em mình không có khả năng đạt tới. Bên cạnh đó, trường phối hợp chặt chẽ với các trường nghề trên địa bàn tỉnh để tổ chức các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh lớp 9. Hằng năm trường tổ chức hoạt động trải nghiệm đưa học sinh lớp 9 tới tham quan trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú tỉnh Phú Thọ, Trường Cao đẳng nghề Phú Thọ, các cơ sở sản xuất…, qua đó tạo điều kiện để các em tìm hiểu kỹ hơn về các ngành nghề đào tạo, chương trình tuyển sinh, quyền lợi của người học, cơ hội việc làm sau khi ra trường… để có thêm hành trang quan trọng trước khi quyết định bước đi tiếp theo của mình.
Còn tại Trường THCS Tất Thắng, hằng năm, trường lên kế hoạch, liên hệ, phối hợp với các nhà máy, công ty trong và ngoài tỉnh để tổ chức chương trình trải nghiệm gắn với giáo dục hướng nghiệp cho học sinh. Bên cạnh đó, trường cũng thường xuyên phối hợp với các trường, cơ sở đào tạo trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp để tổ chức các tư vấn, từ đó phân luồng học sinh đảm bảo phù hợp.
Thầy giáo Đặng Tiến Hải - Hiệu trưởng Trường THCS Tất Thắng cho biết: Ngoài thực hiện tốt chương trình chính khóa theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh, chúng tôi quan tâm thực hiện tốt nội dung giáo dục hướng nghiệp, tư vấn nghề nghiệp, qua đó góp phần tạo động lực cho học sinh tích cực học tập.
Trong năm học 2021 - 2022, trong số 86 học sinh tốt nghiệp lớp 9 của Trường THCS Tất Thắng có 44 em học THPT, 9 học sinh vào học Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, 18 em vào học cao đẳng, trung cấp nghề. Còn năm học 2022 - 2023, trong tổng số 64 học sinh lớp 9 thì có 35 em đăng ký thi THPT, 8 em có nguyện vọng vào học Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên và 12 em có nguyện vọng theo học cao đẳng, trung cấp nghề.
Trường THCS Địch Quả phân công giáo viên có năng lực, kinh nghiệm trong công tác chủ nhiệm lớp cuối cấp; cử giáo viên chủ nhiệm tham dự các lớp tập huấn về tư vấn hướng nghiệp nghề nghiệp để cập nhật những vấn đề mới nhất, những ngành nghề mới để định hướng cho học sinh. Trường đồng thời thường xuyên trao đổi, phối hợp với phụ huynh về tình hình học tập cũng như định hướng cho học sinh là giải pháp phân luồng hiệu quả.
Trường THCS Địch Quả còn chú trọng tổ chức hoạt động giới thiệu tham quan mô hình lao động sản xuất tại địa phương như mô hình sản xuất chè, trang trại gà An Phú, tham gia vào chuỗi mỗi xã một sản phẩm OCOP… để học sinh có định hướng phù hợp ngay trên quê hương mình. Bên cạnh đó, trường tăng cường phối hợp với các cơ sở dạy nghề tổ chức tuyên truyền, hướng nghiệp cho học sinh lớp 9; nắm bắt nguyện vọng, năng khiếu của từng em để có định hướng phù hợp. Nhờ được tuyên truyền, hướng nghiệp đầy đủ nên một số học sinh của trường sau khi học xong bậc THCS đã lựa chọn không tiếp tục học lên THPT mà vào học tại các trường đào tạo nghề cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và lực học của bản thân và phù hợp với nhu cầu của xã hội.
Đình Thơm
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/phu-tho-thanh-son-huong-nghiep-phan-luong-hoc-sinh-lop-9-phu-hop-voi-nang-luc-so-truong-a18352.html