Kỳ 28.
Heri Riviere lại đánh ra Cầu Giấy
Đã bị giết chết tươi
Bởi quân của Hoàng Tá Viêm, Lưu Vĩnh Phúc chặn đánh tơi bời
28 lính và 5 sĩ quan bị giết.
Quân Pháp run sợ định lui về Hải Phòng tập kết
Triều đình Huế lại ra hòa đàm.
Ngày 19-8-1883 Pháp đánh vào cửa Thuận An
Khi Tự Đức vừa chết
Hoàn toàn bạc nhược suy tàn triều đình Huế ký hiệp ước đầu hàng bán nước.
Năm 1884 ký thêm hiệp ước Patơnốt sau hiệp ước Hác Măng
Hoàn toàn dâng
Việt Nam cho Pháp.
Lịch sử không thể nào giải đáp
Xưa chỉ một thằng Trọng Thủy mà làm sụp đổ Loa Thành
Nước Âu Lạc tan tành
Chỉ vì An Dương Vương trúng âm mưu của giặc.
Nay một vương quốc 20 triệu dân mà kỳ quặc
Mất nước vào tay bọn xâm lược chỉ có vài nghìn tên.
Tất cả đều do Chính phủ đớn hèn
Chỉ quyết đầu hàng không quyết đánh
Chỉ vì quyền lợi bè cánh cá nhân không vì dân tộc
Mang thêm nỗi nhục
Làm mất nước trăm năm.
Tự Đức chết- phái chủ chiến bây giờ mới mạnh
Do Tôn Thất Thuyết đứng đầu
Kiến Phúc, Hiệp Hòa thân Pháp bị giết mau
Vua Hàm Nghi kế vị khi 15 tuổi.
Đêm 5-7-1885 quân ta tấn công dữ dội
Vào tòa Khâm sứ và vào đồn quân Pháp ở kinh Thành.
Quân Pháp sợ mật vỡ tan tành
Cố thủ.
Sáng hôm sau chúng phản công như thác lũ
Chiếm kinh thành Huế và cướp phá tan hoang.
Tôn Thất Thuyết đem vua Hàm Nghi vượt núi băng ngàn
Ra Sơn Phòng Quảng Trị
Vua xuống chiếu “Cần Vương” kêu gọi anh hùng chí sĩ
Giúp vua đánh Pháp cứu nước cứu dân.
Tôn Thất Thuyết giao cho hai con và các cận thần
Hộ giá vua và để cầu viện ông sang Trung Quốc
Nhưng nhà Thanh cũng như nhà Nguyễn đều cùng một giuộc
Run sợ đầu hàng phương Tây.
Năm 1888 Vua Hàm Nghi bị Pháp bắt đi đày
Hai con ông Tôn Thất Đạm, Tôn Thất Thiệp hộ giá bảo vệ vua và hi sinh oanh liệt.
Sau chiếu Cần Vương anh hùng hào kiệt
Nổi lên đánh Pháp khắp miền Bắc- miền Trung.
Miền Trung có Phan Đình Phùng
Đánh Pháp ở miền Hương Khê, Hà Tĩnh.
Núi Hương Khê tuyệt đỉnh
Của tinh thần kháng Pháp- Cần Vương
Riêng Nam Trung Bộ, Trung Trung Bộ có 25 thủ lĩnh kiên cường
Như Nguyễn Duy Cung, Bùi Điền, Mai Xuân Thưởng
Bắc miền Trung, Thanh Hóa có Đinh Công Tráng, Phạm Bành là biểu tượng
Hiên ngang bất khuất với chiến lũy Ba Đình
Mỹ Khê, Thượng Thọ , Mậu Thịnh, Nga Sơn lửa cháy hùng binh
Ngút trời hi sinh bất khuất
Nguyễn Thiện Thuật tiêu biểu cho đồng bằng miền Bắc Kháng Pháp anh hùng.
Miền Trung du Tây Bắc điệp trùng
Có nghĩa quân Nguyễn Quang Bích và Trần Văn Giáp.
Cho dù vua Hàm Nghi đã bị bắt
Phong trào vẫn bùng lên như vệt sáng cuối cùng
Của các nhà Nho chí sĩ anh hùng
Mà lực lượng là những người nông dân đói khổ
Nhưng lòng yêu quê hương thương giống nòi như đại dương sóng vỗ
Thề không chung sống với ngoại bang.
Những trang sử vàng
Văn thân sĩ phu cùng lớp người nông dân không tên tuổi
Sáng rực lên trong bảng phong thần.
Có cuộc nổi dậy chỉ riêng là của nông dân
Do nông dân phất cao cờ nghĩa.
Hoàng Hoa Thám chọn Yên Thế -Bắc Giang làm căn cứ địa
Đánh Pháp suốt 30 năm
Chiến tranh du kích lúc dữ dội lúc âm thầm
Suốt miền Bắc Giang, Bắc Ninh, Sơn Tây, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc
Phú Thọ, Tuyên Quang, Quảng Ninh lửa chiến tranh rừng rực
Với những trận Cao Thượng, Hữu Nhuế lừng danh.
Quân Pháp phải đành
Mất 25 năm để tiến hành bình định.
Dù mất nước nhưng dân tộc Việt chưa bao giờ ngừng suy tính
Giành lại độc lập tự do
Lịch sử đi như cuộc thế quanh co
Sức mạnh có thừa nhưng con đường đi bế tắc.
Toàn bộ phong kiến đã đầu hàng làm tay sai cho giặc
Sĩ phu, văn thân, nông dân đánh Pháp chỉ theo con đường mòn cũ mà thôi.
Than ôi trong mọi ngả đường của bốn phương trời
Của mọi quốc gia nhân loại
Việt Nam đứng trước ngã ba đường tiến thoái
Đi theo con đường nào đây?
Một câu hỏi lớn vạch vẽ trên trời mây
Các vĩ nhân phải tìm lời giải đáp.
(Còn nữa)
CVL
PGS TS Cao Văn Liên
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/su-thi-viet-nam-ky-28-a18393.html